Mặt chữ V nhờ siêng vuốt: Ảo tưởng

Ngày 15/03/2013 08:59 AM (GMT+7)

Nhiều bà mẹ tin bé có mặt chữ V do chăm chỉ vuốt là có cơ sở?

Sau khi đăng tải chia sẻ 'Tuyệt chiêu' giúp bé có mặt chữ V của mẹ bé Lu, Eva đã nhận được rất nhiều phản hồi từ phía độc giả. Khá nhiều chị em đồng tình với 'bí kíp' của mẹ Lu hoặc cũng tò mò muốn 'thử' làm cho con với quan niệm 'Chẳng mất gì cũng chẳng hại gì'. Bạn đọc honghoa_nguyen khẳng định: Vuốt mặt cho bé, cách của mẹ Tây và bản thân chị vẫn thường xuyên vuốt mặt cho con nhờ thế mà cô con gái Tú Anh của chị sở hữu gương mặt đẹp và rất thon gọn.

Ngược lại, cũng không ít độc giả phản đối và cho rằng, cách vuốt mặt cho bé là phi khoa học, xấu-đẹp do trời ban, bố mẹ không thể can thiệp để cải thiện nét cho con, trừ phi chờ con lớn và đưa con đi phẫu thuật thẩm mỹ.

Trước rất nhiều ý kiến trái chiều, Eva đã có cuộc trao đổi nhanh với bác sĩ Nguyễn Thanh Thái, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình – hàm mặt, BV Việt Nam – Cuba, để làm rõ vấn đề này.

Bé không thể có khuôn mặt chữ V nhờ vuốt.

Bác sĩ Thái cho biết, việc các bà mẹ tin tưởng bé có mặt chữ V là do chăm chỉ vuốt là hoàn toàn ảo tưởng, phi thực tế. "Dù xương của trẻ sơ sinh chỉ là sụn nhưng cũng được đình hình rõ ràng, chứ không phải mềm, "uốn nắn" được như các mẹ vẫn lầm tưởng", bác sĩ Thái nói.

Bác sĩ Thái cho biết, nếu vuốt liên tục 24h, trong vòng nhiều tháng thì mới có khả năng biến mặt bé thành chữ V thon gọn. Tuy nhiên, trên thực tế không bà mẹ nào có thể vuốt mặt bé liên tục được trong 24h, trong nhiều tháng.

Mặt chữ V nhờ siêng vuốt: Ảo tưởng - 1
Cấu tạo khuôn mặt bé chỉ thay đổi nếu mẹ vuốt liên tục 24h/ngày (Ảnh minh họa).

Ví dụ như trên mặt bé có sẹo thì phần xương tại vị trí bên mặt đó có thể bị sẹo co kéo kém phát triển. Đây là sự tác động liên tục, sẹo định hình trên mặt bé trong thời gian dài như thế mới có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương.

Còn việc các mẹ vuốt mặt cho bé, mẹ nào siêng lắm cũng chỉ vuốt được vài chục phút trong ngày, hoặc thậm chí lên tới vài tiếng thì cũng không có tác dụng.

"Nhiều bé sơ sinh tăng cân tốt, bụ bẫm nên nhìn mặt lúc nào cũng bầu bĩnh, tròn trịa. Tuy nhiên, các tháng về sau, trẻ tăng cân chậm hơn, phát triển chiều cao nhiều hơn. Gương mặt của trẻ cũng thay đổi nhiều trong những tháng đầu. Chính vì thế, nhiều trẻ lớn lên người dài ra, mặt cũng vì thế mà thon gọn hơn khiến nhiều mẹ lầm tưởng mặt bé thon gọn là do mẹ vuốt. ", bác sĩ Thái cho biết.

Vuốt mũi cũng không thẳng được

Bác sĩ Thái cũng khẳng định là việc vuốt mũi để sống mũi thẳng là cũng không đúng. Cũng giống như xương hàm mặt, dù bé thì xương mũi của bé cũng được định hình ngay từ lúc sinh. Do đó, các mẹ đừng ảo tưởng vào việc có thể tạo mũi dọc dừa cho con nếu chăm chỉ vuốt sống mũi.

Theo bác sĩ Thái cũng cho biết, mũi bé có tẹt hay thẳng thường phải đến năm bé 13-14 tuổi mới biết chính xác. Còn trong lứa tuổi trước đó thì do xương bé vẫn trong giai đoạn phát triển việc đánh giá mũi bé tẹt hay thẳng là không chính xác. Có bé lúc nhỏ nhìn mũi rất tẹt nhưng lớn lên mũi lại thẳng hoặc ngược lại có bé mũi thẳng lúc nhỏ nhưng lớn lên lại tẹt, mặt gãy. Chính vì thế mà có mẹ lầm tưởng rằng lớn lên mũi con thẳng là do công sức vuốt mũi hàng ngày của mẹ.

“Các ca nâng mũi cho bé chúng tôi chỉ khuyến cáo thực hiện sau 13-14 tuổi, chứ không làm quá sớm, khi các bé còn nhỏ, bởi lúc ngoài tầm tuổi trên mũi bé mới ngừng sự phát triển, định hình”, bác sĩ Thái nói.

Mai Hương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin bài cùng chủ đề Tâm sự mẹ bỉm