Mẹ hiểu đúng về sốc phản vệ sau tiêm

Ngày 28/07/2013 08:00 AM (GMT+7)

Nghe TS Nguyễn Gia Bình, một trong những chuyên gia hàng đầu về hồi sức tích cực phân tích về sốc phản vệ sau tiêm ở trẻ

Bản chất của sốc phản vệ

Ngay sau khi Đoàn công tác Bộ Y tế đưa ra kết luận sơ bộ nguyên nhân khiến 3 trẻ sơ sinh ở Quảng Trị tử vong là do “sốc phản vệ chưa rõ nguyên nhân”. Kết luận này đã khiến một bộ phận không nhỏ những bậc làm cha làm mẹ bức xức. Họ cho rằng cơ quan y tế đang đổ lỗi cho một thủ phạm vốn đã được gán tên trong rất nhiều cái chết của trẻ em trước đó là “sốc phản vệ”. Vậy thực sự “sốc phản vệ” là gì, việc lý giải các trường hợp tử vong sau tiêm chủng là do sốc phản vệ có đúng tội?

TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai (Hà Nội) cho biết phản vệ là phản ứng bảo vệ của cơ thể trước các mối nguy hại từ bên ngoài. Phản ứng đó nhìn chung là có lợi. Nhưng đôi khi phản ứng mạnh mẽ lại trở thành có hại gây sốc phản vệ.

Vị bác sĩ ví dụ, đơn giản như khi con người bị muỗi đốt trên da, ngay khi  đầu tiên protein lạ - ở đây là nước dãi của con muỗi vào cơ thể người sẽ gây ra phản ứng tại chỗ là xuất hiện vết đỏ. Vết đỏ về bản chất là sung huyết, thoát dịch ra khỏi mạch máu và sau đó sẽ thấy ngứa.

Các phản ứng dị ứng này hàng triệu người bị mỗi ngày. Có người bị muỗi hay ong đốt cũng sưng vù lên, có người lại do dùng mỹ phẩm. Dị ứng biểu hiện ở nhiều chỗ, ở da, niêm mạc như: phù mi mắt, sẩn ngứa, nổi mề đay, sưng môi, mắt. Có người lại biểu hiện ở đường tiêu hóa như nôn, đau bụng, đi ngoài sau khi ăn đồ biển - đây cũng được goi là phản ứng dị ứng nhưng nhẹ. Đa phần nhiều người gặp những phản ứng nhẹ như vậy. Nặng hơn có thể dẫn đến các mạch máu giãn ra và tăng tính thấm - người phù trướng lên. 

Sốc có thể xảy ra với nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng, độ nặng của sốc phụ thuộc tốc độ nhạy cảm của từng bệnh nhân, số lượng và tốc độ hấp thụ các chất lạ vào cơ thể.

Mẹ hiểu đúng về sốc phản vệ sau tiêm - 1

TS Nguyễn Gia Bình  Chuyên gia  cho biết không thể dự báo trước trường hợp sốc phản vệ sau tiêm chủng

Với trường hợp sốc phản vệ nặng sẽ dẫn tới tình trạng thiếu máu cục bộ, dẫn đến ngừng tuần hoàn hoặc bị hẹp đường thở dẫn tới suy hô hấp, ngừng thở. Cả hai trường hợp này đều dẫn tới tử vong nhanh nếu không được cấp cứu kịp thời, đúng cách.  

Không thể đoán trước trẻ bị sốc phản vệ

TS Nguyễn Gia Bình khẳng định, không thể tiên lượng được trước trường hợp nào đó sẽ bị sốc phản vệ. Có những trường hợp trẻ đi tiêm trước đó không việc sao nhưng lần tiêm sau thì lại bị sốc phản vệ dẫn tới tử vong. Phản ứng phản vệ có thể xảy ra tức thì, trong một vài giây, chậm hơn có thể tới nhiều giờ. Theo ông, hiện nay sốc phản vệ ở Việt Nam không ít. Thi thoảng lại có người đi làm đẹp tử vong. Điều đó khó tránh, vấn đề là cấp cứu như thế nào. Điều này không dễ, bởi nó xảy ra rất nhanh chỉ vài giây. Nhân viên y tế phải có chuyên môn xử trí sốc phản vệ, có kinh nghiệm lâu năm, kèm theo đó là phương tiện, dụng cụ cấp cứu tại chỗ. 

"Ví dụ mới đây tại khoa chúng tôi, có y tá đang làm nhiệm vụ tiêm thuốc cho người bệnh, thế nhưng mới chỉ bẻ ống thuốc, hít phải mùi thuốc là té xỉu luôn dù đeo khẩu trang. Vì thế tôi muốn nhấn mạnh rằng không thể nói trước được một người có bị phản ứng sốc phản vệ nghiêm trọng hay không", tiến sĩ Bình cho biết. 

Mẹ hiểu đúng về sốc phản vệ sau tiêm - 2
TS Nguyễn Gia Bình khuyến cáo cha mẹ không nên dừng tiêm chủng cho trẻ vì lo sợ sốc phản vệ

Cũng theo chuyên gia, hiện nay không dự báo trước được cơ địa của từng người, vì thế để đề phòng các bác sĩ có thể hỏi tiền sử dị ứng hay với mỹ phẩm thì thường bôi lên tay trước khi bôi lên mặt. Việc thử test có thể được nhưng chỉ thử với một vài loại hay bị dị ứng, có trường hợp thử rồi vẫn xảy ra phản ứng. Hiện nay ước tính có khoảng 7.000 loại hóa chất mỹ phẩm. Tiêm kháng sinh thì vẫn thử nhưng với vắc xin thì không phải chuyện dễ.

Kết luận 3 trẻ tử vong ở Quảng Trị do sốc phản vệ là đúng

Liên quan đến vụ 3 trẻ sơ sinh ở Quảng Trị tử vong ngay sau tiêm vắc xin viêm gan B, TS Bình cho rằng kết luận ban đầu là “sốc phản vệ chưa rõ nguyên nhân” là hoàn toàn đúng.

Vị chuyên gia này phân tích có một số nguyên nhân chính dẫn tới sốc. Thứ nhất là do giảm thể tích, mất máu nhiều (trong trường hợp đứt chi, chấn thương nặng, mổ cấp cứu…). Thứ hai là do mất nước như trong trường hợp tiêu chảy nhiều, truyền dịch không kịp. Thứ ba là sốc do nhiễm trùng. Tuy nhiên, cả 3 trường hợp trên cần phải có thời gian mới gây ra sốc, nhanh thì phải 6-12 tiếng, muộn hơn thì vài ngày.

Trong trường hợp 3 bé ở Quảng Trị, TS Bình cho biết sau khi xem xét cả 3 bé hoàn toàn không có bệnh lý, không có bất kỳ nguyên nhân gây sốc nào như kể trên thì việc kết luận tử vong do sốc phản là hoàn toàn đúng. Việc làm tiếp theo là cần phải điều tra xem nguyên nhân gây sốc phản vệ là gì.

TS Bình cũng chia sẻ thêm, 3 trẻ sơ sinh ở Quảng Trị tử vong đều bị tình trạng sốc phản vệ gây co thắt phế quản dẫn tới ngừng thở và tử vong  sau khi tiêm với các biểu hiện tím tái, tím đen người. Trên thế giới ước tính có khoảng 5/100.000 dân bị sốc phản vệ gây co thắt phế quản. Ở các nước châu Âu, châu Mỹ đã từng ghi nhận trường hợp tử vong khi ăn một hột lạc, ăn trứng, uống sữa, thậm chí là hít phải mùi một loại hoa nào đó mà cơ địa dị ứng.

“Người dân hãy bình tĩnh chờ kết quả điều tra nguyên nhân gây sốc phản vệ khiến 3 trẻ tử vong ở Quảng Trị. Việc cha mẹ quay lưng không cho trẻ đi tiêm chủng là sai lầm, bởi hiện nay việc tiêm vắc xin vẫn là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất”, TS Bình nói.

Mai Hương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Mẹ và bé