“Mẹ ơi, các bạn hát bài gì vậy?”

Ngày 22/07/2013 14:57 PM (GMT+7)

Cô con gái 8 tuổi của tôi ngồi xem chương trình Giọng hát Việt nhí liên tục thắc mắc.

Như lệ thường mỗi tối cuối tuần, sau khi ăn cơm dọn dẹp xong, cả gia đình tôi thường quây quần xem tivi. Sắp vào năm học mới nên Na – con gái tôi cũng rất bận rộn với chuyện ôn lại bài vở, chuẩn bị quay lại trường học. Tối cuối tuần tôi thường cố ý “rủ rê” bé bỏ sách vở bàn học ra xem tivi với cả nhà. Bật tivi đúng kênh có chương trình Giọng hát Việt nhí, con gái tôi hờ hững bấm chuyển. Tôi lấy làm ngạc nhiên lắm. “Na không xem Giọng hát Việt nhí à con?” tôi hỏi. Con gái tôi nhăn mặt đáp “Toàn bài lạ con chẳng biết mẹ ạ! Với lại, thấy các bạn bị loại khóc, con thương các bạn lắm!”. Tôi giật mình. Quả thật mẫy tuần trước đây, cứ mỗi khi ngồi xem chương trình Giọng hát Việt nhí, Na liên tục hỏi tôi “Mẹ ơi các bạn hát bài gì vậy”. Ngẫm lại, tôi thấy cũng buồn.

Liệu Giọng hát Việt nhí có thực sự dành cho thiếu nhi cả nước?

Những háo hức ban đầu khi đón nhận một chương trình âm nhạc mới dành cho thiếu nhi với format quốc tế khiến tôi và con gái ban đầu hồ hởi bao nhiêu thì giờ lại buồn bấy nhiêu.

Chỉ ngay trong tập đầu tiên vòng giấu mặt của GHVN, tôi đếm sơ đã thấy có tới 8/12 ca khúc là hát bằng nhạc nước ngoài. Tại sao cùng là thiếu nhi mà những bé đi thi Giọng hát Việt nhí tôi thấy như đang sống ở môt… vùng đất khác. Con gái tôi, bạn bè của cháu…nào ai đã từng nghe đến những ca khúc như Born this way, You raise me up, I will always love you hay là Set fire to the rain. Vậy tại sao tất cả những bé đi thi Giọng hát Việt nhí lại toàn chọn và được gợi ý chọn những ca khúc khó nhằn, và mang tính triết lý cao đến như vậy?

“Mẹ ơi, các bạn hát bài gì vậy?” - 1
Thảo My với phần trình diễn ca khúc Set fire to the rain - một bài hát mà ngay cả các thí sinh The Voice Việt cũng không mấy ai dám chọn

Trong vòng Giấu mặt của Giọng hát Việt nhí vừa qua, một thí sinh nam còn tự tin chào MC bằng tiếng Hàn, vừa hát vừa nhảy một đoạn nhạc tiếng Hàn trước khi bước ra sân khấu. Cứ mỗi khi một bé kết thúc phần biểu diễn bằng ca khúc tiếng anh của mình, tôi lại thường thấy các vị HLV ồ lên kinh ngạc rồi hỏi “Con học ở trường quốc tế đúng không?” Vậy hóa ra, chương trình Giọng hát Việt nhí chỉ dành cho một bộ phận nhỏ những em bé học trường quốc tế, những em bé được sống ở các thành phố lớn thôi sao? Vậy những bé sống ở các vùng quê, miền núi, vùng nông thôn… như gia đình tôi, các con có gì để xem?

Chương trình dành cho trẻ con mà hát gì trẻ con lại không hiểu?

Vào đến vòng đối đầu, tôi nhận thấy duy có đội của cô ca sĩ Hiền Thục là còn chịu khó hướng thí sinh hát nhạc Việt với các tác phẩm như Trôi trong gương, Liên khúc dân ca ba miền.. các HLV khác dường như rất chuộng tiếng anh. Đặc biệt là đội của HLV Thanh Bùi. Tôi biết anh sống ở nước ngoài, các thí sinh nhí chọn về đội của anh cũng đặc biệt rất thích tiếng anh. Nhưng tôi vẫn buồn lòng nhiều khi có lần đọc thấy anh trả lời báo chí “Hỏi bé là có muốn hát nhạc Việt không, bé trả lời: "Dạ không, con ghét nhạc tiếng Việt lắm". Bé còn nói nhạc tiếng Việt bị sến và quá nặng nề, nó không những muốn hát về tình yêu mà những cái khác nữa, có hy vọng nhiều hơn .

Các vị HLV, các vị đã định hướng và chỉ bảo các em ra sao? Liệu khi hát những lời “No matter gay, straight or biLesbian, transgendered life I'm on the right track, baby I was born to survive” của bài Born this way, Xuân Bắc, Hữu Đại và Đức Nam có hiểu hết tính triết lý sâu xa trong ca từ của bài hát này?

“Mẹ ơi, các bạn hát bài gì vậy?” - 2
Liệu Xuân Bắc, Hữu Đại, Đức Nam có hiểu hết tính triết lý sâu xa trong ca khúc Born this way?

Tôi từng thấy ánh mắt ngơ ngác của các bé trong đội HLV Thanh Bùi khi nghe anh hỏi “Các con có biết bài hát nổi tiếng trong phim Twilight không? Các con có ai nghe chưa? Bài A Thousand year. Các con đang sống ở .. vùng nào vậy?”. Kết quả của việc lựa chọn bài hát quá sức trẻ con này là gì? Kiều Vy (9 tuổi), Quỳnh Anh (12 tuổi), Thùy Mai (12 tuổi) “chới với” trong ca khúc có tiết tấu chậm đòi hỏi nội lực cao trong giọng hát như A thousand year. Tôi cảm thấy nuối tiếc khi ‘thiên thần nhỏ’ Kiều Vy cất vang giọng hát trong sáng cùa mình nhưng trống vắng những cảm xúc hồn nhiên, ngây thơ. Cũng tiếc khi Quỳnh Anh, Thùy Mai mờ nhạt gồng mình trong ca khúc quá sức này.

Chương trình mang tên Giọng hát Việt nhí nhưng đa phần ca khúc trình diễn lại là của người lớn, thậm chí có bài còn được xin sửa lời để tránh gây khó chịu cho khán giả, như ca khúc Sóng tình sửa thành Sóng tình bạn, trong đó “người yêu” thành “bạn yêu” ở vòng đối đầu hôm 13.7. Chính vì không nhiều ca khúc phù hợp lứa tuổi để có thể khoe giọng trong một vài phút nên đa số các thí sinh chọn (hay được tư vấn chọn) ca khúc tiếng nước ngoài, để những nỗi niềm đau khổ chia ly của “anh” và “em” nghe đỡ “chói tai” hơn so với tiếng Việt?

Đến con tôi còn không muốn thấy nước mắt của các bạn thí sinh

Quá áp lực, đầy tính cạnh tranh là những lý do tiếp sau tôi cảm nhận thấy vì sao trẻ nhỏ không thích xem Giọng hát Việt nhí. Vẫn biết là format cuộc chơi như thế và đã chơi thì phải chấp nhận, nhưng nhìn những giọt nước mắt của trẻ nhỏ, có bậc làm cha làm mẹ nào không khỏi chạnh lòng. Người xem còn như thế, huống gì là trẻ nhỏ. Các em sẽ tủi thân lắm, người nhà các em cũng thắt lòng lắm... Ở đây, dĩ nhiên lỗi hoàn toàn không do con nít!

“Mẹ ơi, các bạn hát bài gì vậy?” - 3
Những giọt nước mắt làm thắt lòng người xem 

So cùng với một cuộc thi hát dành cho trẻ em là Đồ rê mí, cũng phải loại người, cũng có bé thắng bé thua, cũng có nước mắt nụ cười nhưng sao người xem như tôi và con gái tôi lại chẳng thấy quá đau buồn? Các thí sinh nhí của Đồ rê mí vui tươi và tự tin thể hiện các ca khúc không nhằm mục đích phô diễn kỹ thuật mà tôn vinh sự hồn nhiên, trong sáng của các bé. Các con có thể bị loại, không được chọn nhưng đều được cùng nhau bước tiếp, cùng nhau đón nhận thất bại. Không phải đối đầu với nhau như Giọng hát Việt nhí.  

Tôi và tất cả các bà mẹ có con nhỏ khác hẳn đều nhận ra sự khác biệt của các thí sinh Giọng hát Việt nhí. Ở vòng Giấu mặt, nếu các bé xuất hiện tự tin, thể hiện tài năng âm nhạc, chất giọng đẹp và cá tính bản thân rõ nét bao nhiêu thì chỉ qua 3 tập của vòng Đối đầu, có thể thấy sự thiếu hòa hợp và tâm lý lo lắng khi hát cùng 2 thí sinh khác hiển hiện bấy nhiêu. Điều này làm các phần thi phần nào mất đi sự tự nhiên, trong sáng. Tôi thấy Tú Uyên, Khánh Hà và Miccah khi hát Give your heart a break như đang cố gào hét. Kiều Vy thì rụt rè tâm sự “Con hơi sợ hai chị” khi phải đối đầu với Thùy Mai và Quỳnh Anh.

“Mẹ ơi, các bạn hát bài gì vậy?” - 4
Tú Uyên, Khánh Hà và Miccah khi hát Give your heart a break như đang cố gào hét

Đương nhiên tôi biết, lứa tuổi và format của hai chương trình Đồ rê mí và Giọng hát Việt nhí là hoàn toàn khác nhau. Tôi cũng không có ý định so sánh, chê bai bất cứ một chương trình nào. Tôi chỉ viết ra đây đôi dòng cảm nhận của một bà mẹ Việt đang nuôi con nhỏ, mong rằng người lớn chúng ta khi tổ chức những cuộc thi, những chương trình truyền hình dành cho các con, hãy chú ý hơn đến cảm nhận của các em, hãy tạo ra cho con trẻ một “sân chơi” chứ đừng nên là một “sàn đấu”.

Tâm sự của độc giả Thái Hà (Vĩnh Phúc)

Hạnh Ng ghi
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Giọng hát Việt nhí