Mẹ ơi, con muốn 'sờ' mọi thứ

Ngày 22/02/2014 14:27 PM (GMT+7)

Trẻ nhỏ có kĩ năng vận động bằng tay tốt sẽ biết nói nhanh và rõ hơn.

Vào những năm đầu đời, bé sẽ muốn tự sờ mó mọi vật dụng xung quanh. Bạn có muốn giúp con tìm hiểu thế giới quanh mình không? Hãy dạy cho bé một trong những kĩ năng quan trọng nhất – vận động chân tay (luyện sự khéo tay).

Trẻ nhỏ có kĩ năng vận động bằng tay tốt sẽ biết nói nhanh và rõ hơn, tiếp nhận thông tin cũng dễ dàng hơn. Để phát triển kĩ năng này, bạn hãy cho con làm quen với thật nhiều đồ chơi đa dạng.

Điều cần chú ý là hãy chọn các loại đồ chơi an toàn. Không nên cho bé chơi những đồ quá nhỏ hoặc có quá nhiều chi tiết phụ, bé có thể sẽ nuốt chúng. Đồ chơi làm bằng gỗ cần được mài giũa cẩn thận, nếu không bé có thể sẽ bị xước tay và nhiễm trùng. Nếu đồ chơi làm bằng nhựa, bạn hãy kiểm tra xem có các góc nhọn không. Và điều chắc chắn là bạn phải rửa sạch đồ chơi bằng xà phòng trước khi đưa cho bé vì ở lứa tuổi đó việc cảm nhận bao gồm cả sờ và gặm, nếm. Do đó, bất cứ đồ gì sau khi nằm ở tay một lúc sẽ được chuyển lên miệng.

Từng bước một

Trong năm đầu tiên, bé sẽ dần dà làm quen với mọi đồ vật xung quanh và dưới đây là quy trình của công việc này.

- Quan sát: Đó là cách bé luyện trí nhớ bằng hình, bé nhận dạng đồ vật từ nhiều khoảng cách và vị trí khác nhau.

- Va chạm: Vào những tháng đầu, bé sẽ động chạm vào mọi vật một cách vô thức, để rồi sau này sẽ là sự động chạm có chủ đích. Bé sẽ chú ý đến sự kết nối của sự chuyển động của tay mình đến khi chạm vào đồ chơi.

- Chộp đồ chơi: Bé đang học cách cảm nhận và điều khiển khuỷu tay và cổ tay. Khi nắm được vật dụng nào đó, bé sẽ so sánh sự quan sát và cảm nhận của mình.

- Sắp xếp: Bé đã bắt đầu biết sử dụng đồ vật một cách có ý thức, và biết điều khiển công việc của tay và mắt.

Mẹ ơi, con muốn sờ mọi thứ - 1
Trẻ nhỏ có kĩ năng vận động bằng tay tốt sẽ biết nói nhanh và rõ hơn. (Ảnh minh họa).

Bàn tay khéo léo

Bé rất muốn cầm đồ chơi nhưng sao mà bàn tay bé không chịu nghe lời thế nhỉ? Bạn hãy giúp bé trở nên khéo léo hơn nhé.

Bàn tay nhỏ xíu của bé phát triển ra sao?

Hãy đặt cạnh bé các loại đồ vật sặc sỡ, bé sẽ học cách nhặt các đồ chơi

Độ tuổi

Bé biết làm gì

Bé cần giúp gì

1 tháng

Nắm chặt tay.

Hãy nhẹ nhàng gỡ các ngón tay của bé rồi lại nắm lại. Hãy đưa các ngón tay của bạn cho bé nắm.

2 tháng

Tự nắm tay và nhả tay ra. Luyện tập bàn tay.

Hãy khuyến khích bé tóm và sờ nắn đồ chơi.

3-5 tháng

Dùng bàn tay nắm đồ chơi.

6-7 tháng

Thử nghiệm dùng ngón cái.

Hãy cho bé chơi những đồ chơi nhỏ gọn, có thể nằm giữa ngón cái và bàn tay.

8-9 tháng

Biết cầm đồ chơi bằng ngón cái và ngón trỏ.

Hãy đặt cạnh bé thật nhiều đồ chơi nhỏ xinh (phải chú ý đến các biện pháp an toàn)

10-11 tháng

Biết xếp đặt đồ chơi chồng lên nhau

Hãy dạy bé xách xếp hình kim tự tháp. Hãy chỉ cho bé cách xây nhà, cầu, tàu hỏa.

Đồ chơi đa sắc màu sẽ giúp cho bé nhận biết thế giới. Có thể dùng các loại an toàn. Chú ý không chọn loại đồ chơi được làm từ nhiều loại vật liệu như nhựa, cao su,… quan trọng là phải an toàn. Cũng không chọn loại đồ chơi có nhiều tiểu tiết quá, bé có thể nuốt vào miệng. Nếu là đồ chơi nhựa, bạn hãy kiểm tra các góc cạnh. Đồ chơi gỗ cần phải được bào kĩ, tránh gây xước da và nhiễm trùng cho bé. Trước khi đưa đồ chơi cho bé, bạn nhớ rửa kĩ bằng xà phòng.

Từ khó đến dễ

Trước 3 tháng tuổi: Đẩy lùi căng cơ

Bé cử động tay chân còn khó khăn do các cơ chưa phát triển. Tay chân bé còn co quắp vào cơ thể, các ngón tay thường nắm chặt như quả đấm. Tuy nhiên, phản xạ của bé lại rất nhanh, bạn hãy thử đưa đồ chơi vào tay bé, lập tức bé sẽ giật lấy. Vào tầm 3 tháng tuổi, bé đã có thể làm một số động tác tuy còn vụng về nhưng nếu nắm trúng vật gì thì bé sẽ rất vui.

Hãy mua cho bé đồ chơi mềm và treo trên giường trước mặt bé. Bé sẽ có động lực thúc đẩy vươn mình ra sờ mó và ngắm nghía đồ chơi.

Từ 4 đến 6 tháng: Biết dùng tay rồi

Cơ của bé không còn bị căng nữa. Cuối cùng thì bé cũng tự do vùng vẫy chân tay được rồi. Càng ngày các động tác của bé càng chuẩn xác hơn. Đa phần bé dùng tay để thám thính các vật dụng xung quanh: Xếp đè lên nhau rồi lật đổ xuống. Bé cũng biết cách chuyển đồ chơi từ tay này sang tay kia, tuy nhiên các ngón tay chưa giúp ích gì được nhiều. Vào độ tuổi này, các loại đồ chơi mềm, có tiếng lanh canh, hoặc các loại đồ chơi nhồi bông sẽ rất bổ ích đối với bé. Chúng sẽ khuyến khích các ngón tay của bé cử động nhiều. Có thể may bọc vải các loại màu, vo viên giấy lấy vải vụn, bông nhồi vào đó. Bạn chọn treo ở những nơi bé dễ dàng với tới nhất. Khi bóp chúng, các ngón tay của bé sẽ được luyện cơ ra trò.

Trò chơi dành cho bé từ 0 đến 1 tuổi

Chiếc hộp kì diệu: Hãy dùng hộp giấy to, đục các loại hình tròn, vuông, tam giác xung quanh hộp. Bé sẽ lựa đúng hình đồ chơi để đưa qua các “ô cửa sổ” đó.

Đồ chơi đâu rồi? Hãy đưa cho con xem đồ chơi rồi tạm giấu đi. Bạn cũng rủ bé đi tìm xem đồ chơi biến đi đâu rồi. Khi tìm được, bé sẽ hiểu rằng một vật thể tuy không xuất hiện trước mắt nhưng vẫn tồn tại.

Chuyện nhà chim: Khi kể chuyện ngụ ngôn về các loại chim, hãy vừa nêu tên vừa gập từng ngón tay bé như tập đếm.

Theo Lê Nguyễn (Mẹ&bé)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Mẹ và bé