Nguyên nhân gây loét miệng ở trẻ em và cách điều trị tại nhà

Ngày 18/01/2018 13:47 PM (GMT+7)

Loét miệng thường khiến các bé biếng ăn, quấy khóc, khó ngủ. Từ đó dẫn đến chậm lớn, còi cọc, suy dinh dưỡng. Vì vậy mẹ cần phải nắm rõ nguyên nhân và biểu hiện loét miệng để có cách chữa trị kịp thời.

Loét miệng là một loại bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ. Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy mẹ cần phải nắm rõ biểu hiện, nguyên nhân cũng như cách xử lý khi bé bị loét miệng.

1. Biểu hiện loét miệng ở trẻ em

Khi bé bị loét miệng, môi, lưỡi, vòm họng và mặt trong niêm mạc má thường xuất hiện các vết loét có kích thước khoảng vài milimet. Các vết loét này có thể xuất hiện rải rác hoặc tập trung từng đám.

Nguyên nhân gây loét miệng ở trẻ em và cách điều trị tại nhà - 1

Loét miệng khiến bé biếng ăn, khó chịu, hay quấy khóc. (Ảnh minh họa)

Hình dạng phổ biến của các vết loét thường là hình bầu dục, hình tròn và có màu trắng, vàng nhạt hay xám ở trung tâm. Vết loét có màu đỏ ở viền ngoài do viêm nhiễm.

Khi bị loét miệng bé sẽ có cảm giác đau rát, khó chịu đặc biệt khi ăn uống. Vì vậy bé sẽ thường quấy khóc, bỏ ăn, cáu kỉnh.

2. Nguyên nhân loét miệng ở trẻ em

Có nhiều nguyên nhân khiến bé bị loét miệng. Sau đây là một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến loét miệng ở trẻ em:

- Nhiệt miệng: Khi cơ thể bị nóng, bé cũng dễ bị lở loét bên trong miệng khiến cơ thể mỏi mệt, kén ăn, hay quấy khóc và khó ngủ.

- Tổn thương niêm mạc miệng: Một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến loét miệng là do bé vô tình cắn vào bên trong má dẫn đến nhiễm trùng.

- Tổn thương do nhiệt: Khi bé ăn, uống phải thức ăn quá nóng sẽ gây bỏng niêm mạc miệng dẫn đến lở loét.

- Suy dinh dưỡng: Các bé bị suy dinh dưỡng hoặc ăn uống không đầy đủ dẫn đến thiếu hụt các vitamin và khoáng chất thiết yếu như vitamin B12, vitamin C, acid folic và chất sắt cũng là nguyên nhân gây loét miệng.

- Bệnh tay chân miệng: Khi bị tay chân miệng, bé cũng sẽ có dấu hiệu bị loét bên trong vòm miệng. Vì vậy bố mẹ cần phải chú ý theo dõi kiểm tra khi bé xuất hiện các vết đỏ bên trong miệng, lòng bàn chân, lòng bàn tay.

- Thủy đậu: Virus thủy đậu cũng có khả năng gây ra các vết loét ở niêm mạc miệng khiến bé đau đớn, khó chịu.

3. Cách chữa loét miệng ở trẻ em

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra loét miệng ở trẻ em. Vì vậy khi bé bị loét miệng, điều quan trọng nhất là mẹ nên cho con đi khám bác sĩ để tìm ra chính xác nguyên nhân và cách chữa trị phù hợp. Ngoài ra mẹ có thể thực hiện các phương pháp sau để giúp bé nhanh khỏi loét miệng tại nhà:

Nguyên nhân gây loét miệng ở trẻ em và cách điều trị tại nhà - 2

Mẹ nên cho bé ăn thức ăn lỏng khi bị loét miệng. (Ảnh minh họa)

- Khi bé bị loét miệng mẹ nên cho bé ăn thức ăn lỏng, không quá nóng, quá cay hoặc quá chua. Mẹ nên chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày để giúp đảm bảo dinh dưỡng cho bé.

- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ cho bé sẽ giúp phòng ngừa viêm nhiễm. Mẹ nên cho bé súc miệng bằng nước muối pha loãng hoặc nước ấm 4 lần mỗi ngày. Khi đánh răng cho bé cần chọn bàn chải mềm để tránh làm tổn thương các vết loét.

- Cho bé uống nhiều nước để giúp cơ thể khỏe mạnh, thanh nhiệt thải độc.

- Cho bé ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng đặc biệt là các loại rau, củ quả giàu vitamin A, C, E.

Theo PGS. TS. TTƯT.  Bùi Khắc Hậu, trong các nguyên nhân gây loét miệng thì hay gặp nhất trong loét miệng là do nhiệt (theo Đông y). Loét miệng do nhiệt, theo quan điểm của Đông y là do trong cơ thể bị nóng phát ra nhiệt, loại này thường gây bệnh nhẹ. Tuy vậy, loét miệng do nhiệt thường làm cho trẻ khó chịu, đau, rát cho nên trẻ hay quấy khóc (trẻ nhỏ). Trẻ cũng có biểu hiện mệt mỏi, khó ngủ và chảy nước miếng nhiều, làm cho trẻ gầy sút do không ăn được hoặc ăn rất ít vì đau.

Ngoài những biện pháp được nhắc đến ở trên, cha mẹ có thể có thể dùng mật ong rơ miệng hoặc chấm vào các nốt loét cho trẻ để tránh các tác động kích thích làm trẻ đau. Nên cho trẻ uống thêm nước rau luộc, nước sinh tố hoa quả..

Lê Ánh (Dịch từ Babycenter)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh thường gặp