Việc không thống nhất cho cách nuôi dạy con cái là một đặc trưng của những gia đình kiểu Việt
Lấy chồng và sang nước ngoài sinh con, định cư ở châu Âu một thời gian dài đã cho tôi những cảm nhận và sự so sánh không thể tránh khỏi giữa việc nuôi dạy, giáo dục con trẻ của hai nền văn hoá. Tôi vẫn giáo dục con theo kiểu giáo dục "rất Việt Nam" nhưng pha trộn vào đó, đã có sự học hỏi, tiếp thu những quan điểm thú vị, đúng đắn của người phương Tây. Cái may mắn của tôi, ấy là được tự chủ trong việc nuôi dạy con cái mà không bị ảnh hưởng bời lề lối, thói quen của quá nhiều người đi trước như bố mẹ chồng, họ hàng,
Nhìn lại những đứa trẻ lớn lên trong các gia đình Việt, tôi cảm thấy chúng ta vẫn còn rất nhiều nhược điểm.
Tôi xin liệt kê ra đây những rắc rối mà một đứa trẻ hay phải chịu đựng do cách dạy con kiểu Việt
1. Sự bất hoà trong gia đình
Nhiều người lớn Việt không hiểu sự khiêm nhường, hay đổ lỗi cho nhau khi có vấn đề nảy sinh trong cuộc sống gia đình. Cha mẹ, anh chị, người lớn tuổi ....tất cả đều có thể tranh cãi, bất hoà, thậm chí sử dụng đến cả bạo lực. Những đứa trẻ thường xuyên phải chứng kiến sự bất hoà trong gia đình cũng sẽ "học" được rất nhiều tình xấu: nóng tính, ích kỷ, kém vị tha, ưa bạo lực.....
Bầu không khí hoà thuận rất cần cho sự phát triển của trẻ em. Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình như "thời tiết vậy". "Thời tiết xấu" không chỉ cản trở sự phát triển lành mạnh của trẻ em về thể chất và tinh thần mà còn có thể để lại một cái bóng tâm lý nặng nề suốt cuộc đời trẻ. Xây dựng một gia đình ấm áp hoà thuận là nhiệm vụ tối cần thiết của cha mẹ nếu muốn con được lớn lên bình thường.
2. Cha mẹ "lười" chơi với con cái
Trẻ nhỏ học được rất nhiều điều qua việc vui chơi. Vui chơi với con không chỉ giúp con thư giãn, học tập mà còn tăng tình thân giữa cha mẹ và con cái. Không may, trẻ con hiện đại ngày nay ở các gia đình Việt không còn nhiều cơ hội chơi với cha mẹ. Người lớn có thế giới và những thú vui giải trí của riêng mình: máy tính bảng, game, facebook, internet...Việc chơi với con từ lâu đã được nhiều phụ huynh cho là không cần thiết.
Tuy nhiên ít ai biết, đã có nhiều đứa trẻ bị chậm nói, tự kỷ và thờ ơ với chính cha mẹ mình chỉ vì thói quen "lười" chơi với con này.
Hãy dành nhiều thời gian với trẻ, chơi với trẻ, xem trẻ thay đổi, phát triển như thế nào qua một ngày. Cha mẹ sẽ nhận ra nhiều lợi ích mà nó mang lại.
3. Không được giải thích
Trẻ em lớn lên các gia đình Việt không có cơ hội "kháng cáo" khi bị kết tội. nếu khăng khăng nói rằng "con không có lỗi", chắc chắn trẻ sẽ bị gọi là "cãi cha mẹ" và sự trừng phạt còn nặng hơn.
Nhiều đứa trẻ đã bị ảnh hưởng không tốt bởi cách dạy con kiểu Việt (ảnh minh hoạ)
4. Cha mẹ lại là nguời nêu gương xấu
Hút thuốc lá, uống bia rượu, thích chen lấn, không chịu xếp hàng, hay vượt đèn đỏ, trốn vé....những thói quen xấu cha mẹ dạy con không được làm nhưng bản thân lại chính là những "tấm gương" luôn làm những điểu ngược lại.
Những thói quen kéo dài trong nhiều năm, thực hiện trước mắt con trẻ hàng nghìn lần thì khó trách con cũng học theo.
5. Làm hộ con cái
Nấu cơm, rửa bát, gấp quần áo, soạn sách vở....việc làm sẵn mọi thứ cho con cái rất phổ biến ở Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, ngay cả khi con chỉ mới là một đứa trẻ nhỏ, các bé cũng đã là một con người, cần có những quyền lới, trách nhiệm và nghĩa vụ riêng. Cha mẹ cần cho con cơ hội được tự lập và tự là chính mình. Làm hết mọi việc chi trẻ sẽ khiến con bị thiếu hụt kỹ năng sống, sống dựa dẫm và ỷ lại.
6. Không có sự riêng tư
Nhật ký cha mẹ xem, tin nhắn điện thoại đọc lén, cặp sách kiểm tra mỗi ngày, phòng riêng luôn bị sắp xếp lại ,....hầu hết trẻ em Việt đều không có được sự riêng tư cần thiết.
Đây là điều không bao giờ xảy ra ở phương Tây, nơi cha mẹ luôn tôn trọng tuyệt đối những vấn đề thuộc về cá nhân, bất kể "cá nhân" đó có 40 tuổi hay chỉ 4 tuổi.
7. Không học giỏi thì là "bỏ đi"
Áp lực học hành thi cử bao đời nay vẫn luôn đè nặng lên đôi vai của trẻ nhỏ. Chưa vào mẫu giáo đã phải biết đọc, chưa vào lớp 1 đã phải biết tính, điểm kiểm tra luôn phải được 10, cuối năm phải học sinh giỏi và nếu đi thi nhất định phải đỗ. Trẻ em lớn lên trong các gia đình Việt luôn phải gánh trên vai sự kỳ vọng rất lớn của các bậc cha mẹ.
Nhớ lại câu chuyện về một cặp đôi người Anh cho con nghỉ học 1 năm để đi du lịch mới thấy quan điểm về chuyện học hành ở phương Tây - phương Đông quả là khác biệt.
8. Nuôi dạy con không thống nhất
Hiện tượng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược", bố nuôi một đằng mẹ dạy một nẻo, con dâu phạt cháu thì ông bà bênh...xảy ra phổ biến trong các gia đình Việt. Việc không thống nhất được một cách nuôi dạy con duy nhất ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển đúng hướng của đứa trẻ, thậm chí khiến trẻ có thái độ thiếu tôn trọng người dạy dỗ.
Ở các nước phương Tây, chuyện này hoàn toàn khác biệt. Con cái không sống cùng ông bà, việc nuôi dạy con là do cha mẹ đảm nhiệm, ông bà có góp ý thì quyết định vẫn phải là của cha mẹ.