Trẻ bị chảy máu cam: Không ngả đầu ra sau, bằng không sẽ nguy hiểm

Ngày 29/03/2019 16:06 PM (GMT+7)

Trẻ em bị chảy máu cam thường rất hoảng loạn và sợ sệt. Lúc này cha mẹ cần bình tĩnh tìm cách xử trí và trấn an tinh thần cho con.

Trẻ bị chảy máu cam: Không ngả đầu ra sau, bằng không sẽ nguy hiểm - 1

Tác giả bài viết: Tiến sĩ - Bác sĩ Phạm Diệp Thùy Dương - Giảng viên bộ môn Nhi - Đại học Y dược TP.HCM

Trẻ bị chảy máu cam: Không ngả đầu ra sau, bằng không sẽ nguy hiểm - 2

TS. BS Phạm Diệp Thùy Dương 

Trẻ em bị chảy máu cam

Chảy máu cam (hay còn gọi là chảy máu mũi) xuất hiện khi các mạch máu nhỏ ở mũi bị vỡ và chảy máu. Chảy máu cam không phải là hiện tượng hiếm gặp, xuất hiện phổ biến nhất ở trẻ trong nhóm tuổi từ 2 – 10 tuổi.

Nguyên nhân trẻ bị chảy máu cam

Chảy máu cam xảy ra phổ biến ở lứa tuổi trẻ nhỏ học mẫu giáo. Đây không phải là hiện tượng hoặc bệnh lý quá nguy hiểm, song chính máu chảy ra lại là nỗi sợ hãi đối với trẻ nhỏ.

Trẻ bị chảy máu mũi có thể do nhiều yếu tố nguy cơ khác nhau như:

- Trẻ bị chảy máu cam do cảm lạnh hoặc dị ứng: Lớp niêm mạc mũi trẻ sưng lên gây chảy máu.

- Những chấn thương khiến mũi bị tổn thương: Các trường hợp trẻ bị ngã khiến mũi bị tác động va trúng mũi, dẫn đến chảy máu cam.

- Trẻ con rất hiếu động thường dùng tay để ngoáy mũi gây chảy máu cam

- Trẻ nhét dị vật vào mũi gây chảy máu

- Bệnh chảy máu hay rối loạn đông máu (bệnh ưa chảy máu, các bệnh của tiểu cầu, ung thư máu…).

- Do cấu trúc bất thường trong mũi (khối u, mạch máu).

- Không khí khô: Việc nằm phòng máy lạnh làm cho không khí khô cũng có thể là yếu tố khiến trẻ bị chảy máu cam.

Các nguyên nhân vừa nêu sẽ gây sung huyết đám rối Kiesselbach (còn gọi là vùng Little) là vùng các mạch máu thông nối nằm ở vách sụn trước của mũi dẫn đến hiện tượng chảy máu cam ở trẻ.

Trẻ bị chảy máu cam: Không ngả đầu ra sau, bằng không sẽ nguy hiểm - 3

Chảy máu cam xuất hiện khi các mạch máu nhỏ ở mũi bị vỡ và chảy máu. Ảnh minh họa

Trẻ em bị chảy máu cam có sao không?

Trẻ em bị chảy máu cam sẽ cảm thấy khó chịu. Thường khi thấy con nhỏ bị chảy máu cam, các mẹ sẽ hỏi nhau trẻ bị chảy máu cam có nguy hiểm không? Câu trả lời của chuyên gia là chảy máu cam ở trẻ em chỉ nguy hiểm khi trẻ mất quá nhiều máu hoặc xử lý không đúng cách.

Việc điều trị cấp cứu tại cơ sở y tế sẽ được nhân viên y tế và cha mẹ hợp tác thực hiện nhằm giúp máu ngừng chảy. Nếu các biện pháp sơ cứu này không mang lại hiệu quả, máu mũi tiếp tục chảy, bác sĩ sẽ kiểm tra tìm điểm mạch chảy máu.

Cách xử lý ban đầu khi trẻ bị chảy máu cam

Khi trẻ bị chảy máu cam cha mẹ không nên hoảng loạn kẻo làm con sợ. Mẹ hãy giữ bé ngồi hoặc đứng yên, đầu hơi cúi ra trước rồi dùng ngón cái và ngón trỏ bóp một lực vừa phải lên chóp mũi, giữ nguyên khoảng 10 phút. Đối với những trẻ đã ý thức được mẹ để bé tự làm.

Sau 10 phút, mẹ hãy buông tay ra và đợi để kiểm tra nếu máu tiếp tục chảy hãy lặp lại động tác nói trên. Trong 10 phút tiếp theo, nếu máu vẫn tiếp tục chảy mẹ hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Trong sơ cứu trẻ chảy máu cam mẹ tuyệt đối không để trẻ nằm xuống hoặc ngửa đầu ra sau. Trẻ sẽ nuốt phải máu dẫn đến ói mửa. Bên cạnh đó, lưu ý không nên nhét khăn giấy, gạc hoặc bất cứ vật dụng nào khác vào mũi trẻ.

Khi nào cần đưa trẻ đến bác sĩ?

Mẹ hãy đưa trẻ đi bác sĩ ngay lập tức trong các trường hợp:

- Sau sơ cứu dùng tay bóp mũi mà máu mũi trẻ vẫn tiếp tục chảy.

- Khi máu chảy quá nhiều và nghẹt mũi kéo dài.

Trẻ bị chảy máu cam: Không ngả đầu ra sau, bằng không sẽ nguy hiểm - 4

Việc điều trị cấp cứu tại cơ sở y tế sẽ được nhân viên y tế và cha mẹ hợp tác thực hiện nhằm giúp máu ngừng chảy. Ảnh minh họa

Phòng ngừa và chăm sóc trẻ chảy máu cam

Hiện tượng chảy máu cam ở trẻ em không nguy hiểm. Để phòng ngừa hiện tượng này, mẹ hãy nhắc nhở bé tránh thói quen ngoáy mũi. Với những gia đình dùng điều hòa, cần làm ẩm không khí trong phòng trước khi cho bé vào phòng nghỉ ngơi.

Với những trường hợp trẻ chảy máu do mũi khô và nứt nẻ, phụ huynh lưu ý dùng tăm bông nhẹ nhàng bôi chút mỡ vaseline vào bên trong mũi. Phương pháp này không áp dụng đối với trẻ dưới 4 tuổi vì nhóm tuổi này còn khá nhỏ, thường khó hợp tác dễ gây ra chấn thương cho trẻ.

- Trẻ hay bị chảy máu cam không nên uống đồ nóng, thức ăn nóng hay tắm nước nóng trong vòng ít nhất 24 giờ sau khi chảy máu cam.

- Trong vòng 1 tuần, trẻ cần tránh các hoạt động mạnh hay các môn thể dục như chạy, tránh nhấc vật nặng.

- Trường hợp trẻ bị táo bón thì cho uống nhiều nước và tăng lượng chất xơ trong chế độ ăn. Nếu cần thì yêu cầu bác sĩ cho thuốc làm mềm phân để trẻ không phải rặn.

- Có thể làm ẩm niêm mạc mũi bằng kem làm ẩm hoặc nước muối sinh lý.

- Cho trẻ uống đủ nước.

- Tránh chấn thương vùng vách ngăn mũi.

- Dùng nước muối sinh lý nhỏ hoặc xịt mũi giúp làm ẩm niêm mạc. Điều này đặc biệt quan trọng với trẻ thường xuyên bị cảm, ngạt mũi hay dị ứng mũi.

- Nếu chảy máu cam dai dẳng, nên đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng.

Tiến sĩ - Bác sĩ Phạm Diệp Thùy Dương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Trẻ nhỏ và bệnh thường gặp