Truyện cổ tích Andersen hay nhất và ý nghĩa cho trẻ em

Loan Trần - Ngày 24/07/2021 16:30 PM (GMT+7)

Truyện cổ tích Andersen là một tuyển tập những câu truyện cổ tích hay và ý nghĩa, ẩn chứa nhiều bài học về con người dành cho lứa tuổi trẻ em.

Truyện cổ tích Andersen là tuyển tập những câu truyện cổ, là một thế giới trẻ thơ vừa ngọt ngào lại vô cùng ý nghĩa.

Giá trị nội dung của truyện cổ Andersen

Hans Christian Andersen là một nhà văn người Đan Mạch được xem là cha đẻ ra những câu truyện cổ tích Andersen. Những câu truyện cổ tích Andersen đều chạm đến người đọc từ người già, người trẻ tuổi cho đến những em nhỏ với những hình tượng nhân vật đơn giản mà sâu sắc.

Dù đã trải qua hơn 200 năm nhưng những câu truyện cổ Andersen vẫn luôn để lại những ý nghĩa sâu sắc về lòng nhân ái, về tình yêu thương cũng như những vẻ đẹp sâu sắc nhất của tâm hồn con người. Đây đều là những giá trị nhân văn cao đẹp hướng đến những điều tốt đẹp, điều thiện.

Các bố mẹ có thể tham khảo những truyện cổ tích Andersen hay nhất, đọc cho con của mình, tăng thêm những trải nghiệm tâm hồn cho trẻ.

1. Truyện cổ tích Nàng tiên cá

Câu truyện cổ tích Nàng tiên cá kể về sự hi sinh cho một tình yêu mãnh liệt nhất dù biết rằng tình yêu đó không hề được hồi đáp. Cao trào của câu truyện là khi Nàng Tiên cá đứng trước lựa chọn "giết" hoàng tử để được trở về làm nàng Tiên cá như trước đây nhưng nàng lựa chọn hy sinh, tan thành bọt biển để chàng Hoàng tử của mình được hạnh phúc.

Đây là một câu chuyện cảm động về tình yêu, sự hinh sinh và cũng lấy đi nhiều sự tiếc nuối trong lòng độc giả.

Truyện cổ tích Andersen hay nhất và ý nghĩa cho trẻ em - 1

=> Đọc truyện Nàng Tiên cá

2. Truyện cổ tích Đôi giày đỏ

Truyện cổ tích Andersen Đôi giày đỏ kể về một cô gái liên tục bị ép nhảy trên đôi giày màu đỏ của mình dù cô đã tìm mọi cách để tháo đôi giày ra nhưng không được. Đến cuối cùng cô phải nhờ đao phủ chặt đi đôi chân để thoát khỏi được đôi giày bị yểm bùa vào chân mình.

Đây là một câu chuyện có cái kết buồn, day dứt nhưng lại để lại bài học về lòng tham của con người, khi lòng tham quá lớn sẽ khiến con người làm điều tội lỗi.

Truyện cổ tích Andersen hay nhất và ý nghĩa cho trẻ em - 2

=> Đọc truyện Đôi giày đỏ

3. Truyện cổ tích cô bé bán diêm

Đêm ấy, có một bé gái nhỏ đầu trần, chân đất đi trong bóng tối. Hai chiếc giày của cô khá rộng liên tục bị văng mất. Một chiếc bị xe ngựa nghiền và dính theo dòng tuyết cùng bánh xe trôi đi. Một chiếc được một thằng bé lượm được nhưng nó lại mang về làm nôi cho chó. Vì vậy, em không có giày để đi.

Thời tiết lạnh buốt làm đôi chân em đỏ ửng, bầm tím. Chiếc tạp dề đựng đầy những que diêm và vỏ bao ngoài. Em cố tìm chỗ đông người nhưng ai cũng rảo bước rất nhanh và không ai bận tâm đến cho em.

Em bé lang thang trên người dính đầy tuyết , bụng đói rất đáng thương. Cả đêm giao thừa trên phố đèn sáng rực cùng với mùi ngỗng quay khiến em càng đói hơn. Em nhớ lại khi bà nội còn sống em cũng được đón giao thừa hạnh phúc. Khi bà mất gia đình ly tán, những ngày tháng ấm áp mất đi thay vào đó là lời mắng nhiếc và chửi rủa mỗi ngày.

Em ngồi trong một góc tường co ro. Trời mỗi lúc càng buốt khiến em rất lạnh. Không ai quan tâm cũng như bố thí cho em. Về nhà chắc cũng lạnh như vậy, gió thốc ngoài cửa vào nhưng em phải bán hết chỗ diêm ấy không về cha em sẽ mắng.

Được một lúc tay cô bé bán diêm lạnh buốt và cứng đơ. Em quẹt một que diêm hơ những ngón tay. Ngọn lửa sáng hồng rực rỡ khiến em tưởng như mình đang ngồi trước đống lửa hồng rực vậy. Em hơ tay trên ngọn lửa và ao ước có được chiếc lò sưởi thì quá tốt. Nghĩ đến trọng trách bán diêm nhưng không thu được gì em vẫn sợ bị bố mắng.

Em tiếp tục quẹt que thứ hai: Que diêm sáng rực. Em gái nhìn thấy bức tường như một tấm rèm. Bên trong là bàn ăn thịnh soạn, có cả ngỗng quay. Điều kỳ diệu là ngỗng cùng cả dao, nĩa tiến về phía em gái. Rồi que diêm vụt tắt. Mọi ảo giác đều biến mất trả lại khung cảnh lạnh lẽo với 4 bức tường, gió bấc, đường phố vắng teo.

Truyện cổ tích Andersen hay nhất và ý nghĩa cho trẻ em - 3

Mọi người đi trên đường hoàn toàn không tỏ ra quan tâm tới người nghèo khổ như cô.

Em tiếp tục quẹt que diêm thứ 3. Em thấy cả một cây thông noel to đùng được trang trí lộng lẫy đầy nến, cây xanh tươi tạo thành bức tranh màu rực rỡ. Em định với tay về cây nhưng diêm tắt. Em thấy tất cả ngọn nến bay lên như sao trời. Khi thấy sao đổi ngôi đồng nghĩa với việc có một linh hồn đang bay lên trời với thượng đế.

Em tiếp tục quẹt một que diêm nữa và thấy người bà hiền dịu xuất hiện. Cô bé nói:

– Bà ơi, bà đừng bỏ cháu một mình ở nơi này. Lúc trước bà bảo cháu ngoan sẽ được gặp lại bà. Cháu xin bà nói với Thượng Đế cho cháu theo bà với. Que diêm vụt tắt khiến mọi hình ảnh tan biến. Chỉ còn lại không nhiều em lấy ra quẹt để níu kéo bà của mình. Bà cụ cầm lấy tay em và bay cao mãi, chẳng còn sợ hãi và đói rét. Họ cùng bay lên trời.

Sáng hôm sau, bầu trời xanh, tuyết vẫn phủ kín mắt đất ai cũng vui vẻ ra khỏi nhà. Họ thấy một cô bé bán diêm má đỏ môi mỉm cười chết trong giá lạnh đêm giao thừa. Có rất nhiều bao diêm, trong đó một bao mà em đã đốt hết nhẵn sưởi ấm cho mình. Không ai có thể thấy cảnh lung linh của hai bà cháu và hai bà cháu bay lên trời đón niềm vui.

4. Truyện Nàng công chúa và hạt đậu

Ngày xưa, có một hoàng tử muốn cưới một nàng công chúa, nhưng công chúa phải cho ra công chúa, phải hoàn thiện toàn mỹ. Hoàng tử bèn chu du khắp thiên hạ để kén vợ. Công chúa thì chẳng thiếu gì, nhưng nàng nào cũng có vài nhược điểm hoặc tật xấu. Thế là một ngày kia, hoàng tử đành buồn rầu trở về nhà.

Truyện cổ tích Andersen hay nhất và ý nghĩa cho trẻ em - 4

Đến tối, nổi lên một cơn giông tố kinh khủng. Mưa ào ào như xối. Có tiếng gõ cửa lâu đài.Lão vương thân chinh ra mở cửa.

Bên ngoài là một nàng công chúa, nhưng mưa gió đã làm cho nàng tiều tụy quá thể. Đầu tóc, quần áo nàng võng những nước và còn nhỏ giọt từ mũi xuống giầy nàng. Nàng tự giới thiệu nàng là công chúa toàn thiện toàn mỹ mà hoàng tử đang chờ đợi. Hoàng hậu nghĩ thầm: “Được, cứ để xem xem !” . Rồi hoàng hậu vào buồng ngủ thắp đèn lên và nhét một hạt đậu xuống dưới đệm giường. Sau đó ngài đặt hai mươi cái đệm chồng lên trên cái đệm đã đặt trước. Đấy chính là cái giường dành cho công chúa.

Sáng ra người ta hỏi thăm đêm qua nàng ngủ có yên giấc không. Nàng đáp :

– Suốt đêm tôi không chợp mắt, vì nằm phải vật gì răn rắn, thâm tím cả mình mẩy.

Hoàng hậu bèn phán :

– Công chúa ra công chúa thật ! Đây chính là nàng công chúa toàn thiện toàn mỹ, nằm trên hai mươi lần đệm nàng vẫn thấy đau vì một hạt đậu.

Hoàng tử cưới nàng làm vợ và hạt đậu được bày trong một phòng triển lãm, đến giờ vẫn vào xem được, vì chưa có ai lấy đi cả.

Chuyện tôi kể đến đây là hết và tôi xin cam đoan với các bạn là chuyện có thật đấy.

5. Truyện cổ tích Bà chúa Tuyết

Một người đàn bà góa chồng có hai cô con gái, trong hai cô có một cô đã xinh đẹp lại siêng năng, còn một cô vừa xấu xí lại lười biếng. Bà mẹ cưng cô xấu xí và lười biếng hơn vì cô là con của bà đẻ ra. Mọi việc trong nhà cô kia phải đảm nhận nên người cô bụi bặm như cô Lọ Lem trong gia đình. Ngày ngày, cô bé đáng thương ấy phải ra ngồi ở con đường lớn bên giếng mà kéo sợi, cô phải kéo nhiều đến nỗi máu chảy rỉ ra. Có lần máu thấm đầu ống sợi, cô cúi xuống định rửa sạch sợi nhưng tuột tay ống sợi rơi xuống giếng. Cô khóc lóc chạy về kể lể chuyện không may ấy cho dì ghẻ nghe. Dì ghẻ mắng cô thậm tệ, rồi nhẫn tâm bảo cô:

- Mày đánh rơi ống sợi xuống đó thì mày phải xuống đó mà mò nó lên!

Cô bé lại phải lộn ra giếng, nhưng cũng chẳng biết làm thế nào. Trong lúc quá sợ hãi cô liều nhảy xuống giếng để mò ống sợi. Cô bị ngất đi, khi cô mở mắt và hồi tỉnh thì thấy mình đang nằm ở trên một cánh đồng cỏ đẹp đẽ, ngàn hoa đua sắc dưới ánh nắng chói chang. Cô đi băng qua đồng cỏ thì tới một lò nướng bánh, lò đầy ắp bánh mì, bánh mì gọi cô:

- Cô ơi, hãy kéo chúng tôi ra! Hãy kéo chúng tôi ra với kẻo chúng tôi cháy mất, chúng tôi được nướng chín xong từ lâu rồi mà.

Cô gái lại gần lò bánh, lấy xẻng dỡ hết bánh ra. Sau đó cô lại tiếp tục đi, cô tới dưới một cây táo sai chi chít quả. Cây gọi cô:

- Trời ơi, rung tôi đi, rung tôi đi cô bé, táo chúng tôi chín tất cả rồi..

Cô rung cây cho táo rụng. Táo rụng như mưa, cô rung mãi cho đến khi trên cây không còn một quả táo nào. Cô nhặt táo xếp thành đống xong lại tiếp tục đi.

Sau cùng cô đến một căn nhà nhỏ, một bà cụ già răng to kệch ló đầu ra nhìn, cô gái đâm hoảng tính chạy trốn. Nhưng bà cụ gọi cô lại bảo:

- Có gì mà phải sợ, cô cháu yêu quý? Ở đây với bà, nếu cháu làm mọi việc trong nhà đâu vào đấy thì cháu muốn gì mà chẳng có. Cháu chỉ cần lưu ý dọn giường nằm của bà cho chu đáo và rũ giường cẩn thận siêng năng để sao có lông bay ra thì mới có tuyết rơi xuống hạ giới , bà chính là Bà Chúa Tuyết đây.

Bà cụ nói với cô bé với giọng hết sức thân mật gần gũi. Cô bé cảm thấy dễ chịu nên bằng lòng ở lại giúp việc cho bà cụ. Cô cố gắng làm mọi việc theo ý bà cụ dặn. Cô rũ giường bà thật mạnh để cho lông bay là tà khắp nơi như những bông hoa tuyết. Xứng với công khó nhọc của cô, bà dành cho cô một cuộc sống thoải mái, ăn uống sung sướng, không bao giờ nặng lời với cô, ngày nào cũng món xào, món nấu ngon lành. Ở nhà Bà Chúa Tuyết được một thời gian cô bé cảm thấy lòng buồn rười rượi. Mới đầu, cô cũng chẳng hiểu tại sao nhưng cô nhận thấy đó là do cô nhớ nhà. Mặc dù ở đây sung sướng hơn ở nhà muôn phần nhưng cô vẫn tha thiết được về nhà. Sau đó cô thưa chuyện với Bà Chúa Tuyết:

- Thưa bà, lâu nay cháu buồn vì nhớ nhà quá. Dù ở dưới hạ giới cháu không được sung sướng bằng ở đây, nhưng cháu cũng không thể ở đây lâu hơn nữa, cháu muốn xin trở về sống với bà con thân thuộc của cháu.

Bà Chúa Tuyết nói:

- Cháu tha thiết đòi về nhà thì bà cũng vui lòng để cháu về. Vì cháu đã hết lòng giúp việc cho bà, vậy để chính bà đưa cháu về nhé.

Bà cầm tay cô bé và dẫn cô tới trước một cái cổng to. Cổng mở, khi cô vừa đặt chân tới thềm cổng thì có một trận mưa vàng lớn. Tất cả vàng dính đầy vào người cô.

Truyện cổ tích Andersen hay nhất và ý nghĩa cho trẻ em - 5

Bà Chúa Tuyết bảo:

- Cháu có được cái đó là cháu đã làm lụng chăm chỉ.

Rồi bà trao cho cô gái ống sợi mà cô tuột tay đánh rơi xuống giếng.

Sau đó cổng đóng lại. Cô gái trở lại trần, thấy mình đang đứng cách nhà dì ghẻ không bao xa. Khi cô bước vào sân thì con gà đậu trên thành giếng gáy:

Ki rơ ri ki

Gái vàng, gái bạc nhà ta đã về.

Rồi cô vào gặp dì ghẻ. Vì người cô phủ đầy vàng nên dì ghẻ và em gái tiếp đón thật là niềm nở.

Cô kể lại những chuyện mắt thấy tai nghe. Dì ghẻ thấy con chồng trở nên giàu có nên cũng muốn cô con gái xấu xí, lười biếng gặp may như vậy. Cô ta cũng ngồi bên bờ giếng guồng sợi, cô ta lấy kim đâm vào đầu ngón tay, khua cả bàn tay vào bụi gai để máu thắm đỏ ống sợi. Rồi cô ta đem vứt ống sợi xuống giếng và tự mình nhảy xuống giếng. Cũng như chị, cô ta đến một cánh đồng cỏ đẹp đẽ và cũng đi theo một con đường mòn như vậy.

Khi cô ả tới lò bánh mì, bánh mì cũng kêu:

- Cô ơi, hãy kéo chúng tôi ra, hãy kéo chúng tôi ra với kẻo chúng tôi cháy mất, chúng tôi được nướng chín xong từ lâu rồi mà.

Cô ả lười biếng đáp:

- Tao mà lại có hứng làm việc ấy ư, làm cho bẩn người ra à!

Nói rồi cô đi thẳng.

Một lúc sau cô ả tới chỗ cây táo. Táo gọi:

- Trời ơi, rung tôi đi, rung tôi đi cô bé, táo chúng tôi chín tất cả rồi.

Cô ả đáp:

- Mày nói chi mà dễ nghe vậy? Để táo rơi vào đầu tao à!

Rồi cô lại tiếp tục đi.

Khi tới trước cửa nhà Bà Chúa Tuyết cô chẳng sợ hãi gì cả vì cô đã được nghe kể về hàm răng to nom dễ sợ của bà. Cô nhận lời ở lại giúp việc cho bà.

Ngày đầu tiên cô ả ráng sức làm việc, tỏ ra chăm chỉ, Bà Chúa Tuyết bảo gì cô ả làm ngay cái đó vì cô ả còn nghĩ tới số vàng mà Bà Chúa Tuyết sẽ thưởng công cho cô. Nhưng sang ngày thứ hai cô đã bắt đầu giở cái thói lười, sang ngày thứ ba càng lười hơn, sáng ra cô không buồn dậy nữa. Cô không dọn giường cho Bà Chúa Tuyết, công việc mà lẽ ra cô phải làm hàng ngày, đã thế cô cũng chẳng chịu rũ đệm cho lông bay xuống.

Lâu dần Bà Chúa Tuyết cũng đâm ra chán và bảo cô ả lười biếng thôi không làm việc nữa. Cô ả thấy vậy mừng thầm, nghĩ bụng, giờ chắc sẽ có mưa vàng. Bà Chúa Tuyết dẫn cô tới cổng, khi cô vừa đặt chân tới thềm cổng thì một nồi nhựa thông đổ xuống chứ chẳng có mưa vàng nào cả. Bà Chúa Tuyết nói:

- Đây là thưởng cho cái công làm việc của con.

Rồi bà đóng cổng lại.

Khi cô ả về tới nhà, người dính đầy nhựa thông, con gà trống đứng trên thành giếng nom thấy cất tiếng gáy:

Ki kơ ri ki,

Gái dơ, gái bẩn nhà ta trở về.

Nhựa thông dính chặt lấy người cô suốt đời, không chịu rời ra nữa.

6. Truyện cổ tích Anh chàng chăn lợn

Ngày xưa, có một hoàng tử rất nghèo chỉ có một giang sơn nhỏ hẹp. Tuy nhiên, giang sơn ấy nhỏ thì nhỏ thật, nhưng cũng đủ để cho chàng kén được một người vợ và lúc này chính là lúc chàng đang muốn tìm người làm bạn trăm năm.

Truyện cổ tích Andersen hay nhất và ý nghĩa cho trẻ em - 6

Chàng rất sẵn sàng hỏi công chúa con hoàng đế : “Nàng có bằng lòng kết duyên với ta không ?” Chàng rất có thể làm thế, vì danh tiếng của chàng vang lừng khắp vùng và có thể đến hàng trăm công chúa nghe chàng hỏi như thế sẽ trả lời: “Vâng”

Nhưng đây lại là con gái hoàng đế! Các bạn hãy nghe đầu đuôi câu chuyện:

Trên mộ vua cha mọc một cây hồng. Trời! Cây hồng mới đẹp làm sao! Cứ năm năm nó mới ra hoa một lần, lại chỉ mọc có một đóa, nhưng đó là một đóa hồng thơm dịu đến nỗi chỉ ngửi hoa thôi cũng đủ quên hết ưu phiền.

Hoàng tử lại còn có một con họa mi hót hay tuyệt vời. Từ cái cổ họng nhỏ xíu của nó phát ra những khúc điệu thánh thót. Con gái hoàng đế nghe họ đồn vậy muốn có cả hoa hồng và họa mi. Hoàng tử bèn đặt cả hai thứ vào hai tráp bạc gửi biếu nàng.

Hoàng đế cho đem những thứ ấy đến cho ngài xem trong đại điện, nơi công chúa đang chơi trò tiếp khách với các cung nữ. Vừa nhìn thấy những tráp bạc, nàng vỗ tay hoan hỉ reo lên:

– Ước gì được con mèo con thì thú quá!

Nhưng người ta lại lôi cây hồng ra trước.

Các cung nữ rú lên:

– Ố! Đẹp quá!

Hoàng đế nói:

– Đẹp, chưa đủ, phải nói là tuyệt mỹ mới xứng.

Nhưng công chúa chạy ra ngửi hoa và phụng phịu nói:

– Ồ! Tâu phụ vương, hoa thật chứ không phải hoa giả!

Bọn nịnh thần phụ hoạ:

– Ôi chao! Hoa hồng thật!

Hoàng đế phán:

– Hãy xem cái tráp kia đựng gì đã, rồi hãy bực mình cũng chưa vội.

Người ta mở tráp cho con họa mi ra. Nó cất tiếng ca thánh thót, hay không còn chê vào đâu được.

Bọn cung nữ nói bằng một thứ tiếng Pháp rất dở như họ thường dùng:

– Charmant ! Merveilleux ! (Dễ thương quá ! Tuyệt quá !)

Một lão nịnh thần tán:

– Con chim này làm hạ thần nhớ lại đến cái hộp đựng thuốc bào có máy hát của cố hoàng hậu, giống như hệt, từ giọng cho đến điệu.

– Đúng lắm! Đúng lắm! Hoàng đế nói rồi òa lên khóc như một đứa trẻ con.

Công chúa nói:

– Không thể tin đây lại là một con họa mi thật.

Những người đem chim đến vội tâu:

– Thưa đúng là chim thật đấy ạ!

– Thế thì cho nó bay đi thôi!

Và nàng kiên quyết không cho hoàng tử vào cung.

Nhưng chàng không hề nản lòng. Chàng lấy phẩm nâu và phẩm đen bôi lên mặt, kéo mũ sụp xuống tận mắt, giả vờ đi khập khiễng, bước vào trình diện và nói:

– Thánh thượng vạn tuế! Cúi xin thánh thượng cho kẻ bầy tôi vào hầu hạ trong hoàng cung.

– Có nhiều người xin việc quá rồi. Nhưng ta cần một người chăn lợn, nhà ngươi có làm được việc ấy không?

Hoàng tử nhận chăn lợn. Người ta cho chàng một căn buồng tồi tàn gần chuồng lợn. Chàng cặm cụi suốt ngày và ngay tối đầu tiên chàng đã làm xong một cái nồi xinh xắn có gắn đầy nhạc. Mỗi khi đặt nồi lên bếp, nhạc rung lên một điệu khúc cổ xưa của nước Đức.

Ach ! du lieber Augustin !Alles ist vack, vack, vack! ( Ô này! Augustin thân mến ơi ! mọi việc đều như ý, như ý, như ý! )

Nhưng kỳ diệu nhất là mỗi khi thò ngón tay vào đám hơi bốc ở nồi ra thì lập tức ngửi ngay thấy mùi tất cả các món ăn đang xào nấu trên tất cả các bếp trong kinh thành.

Nhất định là cái nồi ấy khác xa một bông hồng!

Công chúa cùng tất cả các cung nữ đi chơi qua nghe thấy tiếng nhạc, dừng lại nghe và mê tít, vì nàng cũng biết chơi bản nhạc ấy.

Có một con lợn sề già vui tính sống trong chuồng

Nó có ba con lợn con

Nhưng phải nói thật: nàng chỉ biết chơi có mỗi một câu ấy, và chỉ biết đánh đàn kiểu mổ cò thôi. Công chúa thốt lên:

– Chính là cái điệu khúc ta đã thuộc. Tên chăn lợn chẳng phải là người ngu đần đâu. Hãy vào hỏi hắn ta xem cái đàn của hắn ta đáng giá bao nhiêu tiền.

Một cung nữ chui vào chuồng lợn, trước khi vào chuồng không quên đi guốc, rồi hỏi:

– Cái nồi này anh lấy bao nhiêu tiền ?

– Tôi lấy mười cái hôn của công chúa.

Cung nữ kêu lên:

– Trời ơi là trời!

– Không lấy kém đâu.

Công chúa hỏi:

– Hắn ta bảo sao ?

Cung nữ đáp:

– Con chẳng dám nhắc lại đâu. Khiếp lắm!

– Nói thầm cho ta hay vậy.

Người cung nữ tuân lệnh.

– Quân thô tục.

Công chúa kêu lên và bỏ đi. Nàng đi chưa được mười bước, nhạc lại bắt đầu thánh thót ngân vang:

Có một con lợn sề già vui tính sống trong chuồng

Nó có ba con lợn con

– Chạy lại hỏi hắn ta có bằng lòng nhận mười cái hôn của các cung nữ không?

Chàng chăn lợn trả lời:

– Không, xin cảm ơn ! Mười cái hôn của công chúa kia, không thì xin cứ để nồi đấy cho tôi.

Công chúa nói:

– Bướng bỉnh thật! Thôi đành, các người đứng vây lấy ta, đừng để ai trông thấy.

Các cung nữ quây tròn lại và căng váy ra. Chàng chăn lợn được mười cái hôn, còn công chúa thì được cái nồi.

Mọi người đều vui sướng. Người ta đem cái nồi ra chơi suốt buổi tối. Không còn một bếp nào trong kinh thành giữ bí mật được nữa. Từ quan thị vệ cho đến các thợ giày, ai ăn gì họ đều biết cả. Các cung nữ thích quá, vừa vỗ tay vừa nhảy cẫng lên.

– Chúng mình biết hết: ai sẽ là người ăn súp với hạnh nhân hay trứng tráng, ai là người sẽ ăn thịt quay và món bột nấu với sữa. Tuyệt thật!

– Đúng thế. Quan giám thị trong cung phụ hoạ.

Công chúa dặn thêm :

– Cốt nhất là không được bép xép gì vì ta là con gái hoàng đế, nghe chưa?

Tất cả các cung nữ đồng thanh:

– Trời sẽ giữ mồm giữ miệng cho chúng con!

Chàng chăn lợn, tức là hoàng tử mà mọi người tưởng là một anh chăn lợn chính cống, không để một ngày giờ trôi qua mà không sáng chế ra một thứ gì mới.

Chàng gọt được một cái Cơ Rexen rất xinh. (Crecelle: một thứ nhạc cụ bằng gỗ hình tròn, có các thanh gỗ to nhỏ, khi quay có một cái cần đập vào các thanh gỗ phát ra tiếng)

Khi quay, cái Cơ Rexen ấy phát ra nào là điệu valse, nào điệu phi ngựa, điệu polka, tóm lại, đủ các điệu nhảy trên đời.

Công chúa đi qua, phải thốt ra:

– Hay quá đi mất ! Ta chưa từng được nghe thứ nhạc mê ly ấy bao giờ. Vào hỏi hắn ta xem cái vật ấy đáng giá bao nhiêu, nhưng lần này thế nào thì thế, ta cũng không hôn hắn đâu đấy.

Người cung nữ vào hỏi rồi trở ra trả lời:

– Lần này anh ta đòi một trăm cái hôn.

Công chúa nói:

– Điên! – và nàng bỏ đi.

Nhưng đi chưa được mười bước công chúa đã dừng lại phán:

– Phải khuyến khích nghệ thuật. Ta là con gái Hoàng đế. Vào bảo hắn là ta sẽ ban cho hắn mười cái hôn như hôm qua, còn bao nhiêu thì cung nữ của ta sẽ hôn cho đủ số.

Cung nữ giẫy nẩy:

– Hôn cái anh chàng thô lỗ ấy à?

Công chúa nói:

– Thì đã làm sao? Đến ta đây cũng còn hôn được huống chi các ngươi là bề tôi do ta nuôi cho ăn và trả tiền!

Người cung nữ lại quay vào chuồng lợn. Chàng chăn lợn khăng khăng:

– Một trăm cái hôn của công chúa, không thì ai giữ lấy của người ấy.

Công chúa truyền:

– Đứng quây lấy ta.

Các cung nữ đứng lại thành vòng tròn và chàng chăn lợn bắt đầu hôn.

Hoàng đế đang đứng trên bao lơn trông ra, tự hỏi:

– Có chuyện gì gần chuồng lợn thế kia?

Ngài dụi mắt và đeo kính vào.

– À! Bọn cung nữ đùa nghịch. Phải ra xem bọn chúng đùa nghịch gì mới được! Hoàng đế đi giày băng túp vào, xuống thang gác rõ nhanh.

Xuống đến sân, ngài rón rén lại gần. Thật ra làm thế cũng bằng thừa vì các cung nữ còn đang mải đếm từng cái hôn để gã chăn lợn khỏi hôn quá số được hưởng.

Họ không biết có hoàng đế đi tới. Ngài kiễng chân nhìn vào và kêu lên:

– Thế này là thế nào?

Rồi ngài rút giày băng rúp quật bọn cung nữ túi bụi.

Chàng chăn lợn đang hôn đến cái thứ tám mươi sáu thì hoàng đế cáu tiết hét:

– Cút ngay!

Thế là chàng chăn lợn và công chúa bị đuổi ra khỏi vương quốc.

Trời mưa như trút nước. Công chúa òa lên khóc.

Nàng than vãn:

– Khổ thân cho tôi ! Sao tôi chẳng lấy chàng hoàng tử đáng yêu có hay hơn không?

Chàng chăn lợn chạy nấp sau một gốc cây, lau sạch phẩm nâu và phẩm đen trên mặt, cởi bỏ bộ quần áo xấu xí ra, trở lại chỗ công chúa trong bộ quần áo hoàng tử của mình và nói:

– Ta đến đây cốt để nói cho công chúa biết là ta rất khinh công chúa. Công chúa không muốn yêu một hoàng tử thật thà phúc hậu, công chúa không hiểu giá trị của bông hồng lẫn họa mi, nhưng vì một vật nhỏ mọn mà công chúa hôn một tên chăn lợn! Cho đáng kiếp!

Chàng lập tức quay về nước mình, vào nhà và khóa chặt cửa lại. Công chúa đến trước cửa nhà chàng hát mãi:

Có một con lợn sề già vui tính sống trong chuồng

Nó có ba con lợn con

Nhưng chẳng có hiệu quả.

Hoàng tử chẳng mở cửa.

7. Chú lính chì dũng cảm

Ngày xưa, có hai mươi lăm anh lính chì, họ là anh em ruột, vì họ được đúc ra từ một cái muỗng chì cũ. Họ mang trên vai mỗi người một cây súng trường, mặc bộ quân phục xanh nẹp đỏ rất oai vệ, và đứng trong tư thế nghiêm, mắt nhìn thẳng phía trước. Tiếng nói mà các anh lính chì nghe lần đầu tiên trong đời, là khi chiếc hộp được khui ra, một em bé nhìn thấy các anh, đã vỗ tay reo lên thích thú: “Các chú lính oai quá!” Hôm đó là ngày kỷ niệm sinh nhật của em, và em được tặng các anh lính chì.

Truyện cổ tích Andersen hay nhất và ý nghĩa cho trẻ em - 7

Em bé chẳng mất nhiều thì giờ để sắp các anh lính chì lên bàn mình. Hai mươi lăm anh trông hoàn toàn giống nhau, trừ một anh chàng chỉ có một chân. Số là, anh này ra đời sau cùng, người thợ không đủ chì để cho anh có cả hai chân, đành vậy! Tuy thế, anh lính cụt vẫn đứng nghiêm chỉnh trên một chân của mình như các anh kia, và cũng do thế mà anh ta sau này trở nên nổi tiếng hơn. .

Trên chiếc bàn mà các anh vừa được đặt lên, có cơ man nào là đồ chơi đẹp mắt; nhưng vật làm các anh chú ý nhất là tòa lâu đài bằng giấy cạc tông rất huy hoàng và tỉ mỉ. Bạn có thể nhìn qua những khung cửa sổ bé xíu để thấy bên trong. Bên ngoài là hàng cây nhỏ bao quanh một miếng kính soi giả làm hồ nước, mặt hồ phản chiếu hình những con thiên nga bằng sáp đang bơi lội trên đó. Nhìn chung, cảnh trí rất nên thơ, nhưng vật xinh xắn nhất là một cô bé đứng ở cửa tòa lâu đài. Cô bé cũng được cắt bằng giấy bìa, cô mặc bộ váy bằng voan mỏng, có sợi đăng ten màu xanh quanh vai áo. Cô đứng xòe hai tay ra trong một tư thế đang múa ba lê -Cô là một nữ vũ công mà- một chân cô giơ cao lên khuất phía sau làm anh lính chì tưởng cô cũng bị cụt chân như mình.

“Phải chi ta lấy được cô bé này làm vợ.” Anh nghĩ, “Nhưng cô ta trông sang trọng quá; cô ở trong tòa lâu đài, còn ta chỉ có chiếc hộp mà chen chúc những hai mươi lăm anh em. Ta chẳng có chỗ xứng đáng cho nàng; nhưng được thôi, ta sẽ làm cho nàng dần thích nghi.” Anh dựa người ra trên một chiếc hộp khác, thoải mái nhìn ngắm cô nàng kỹ hơn, trong khi cô vẫn cứ múa trên một chân mà vẫn giữ thăng bằng.

Ðến tối, cậu bé cất các anh lính vào hộp đậy lại, để sót anh lính cụt chân; cả nhà đi ngủ. Bây giờ mới là lúc các đồ chơi sống lại và cùng nhau vui đùa; chúng thăm viếng trò chuyện với nhau, đám này thì chơi banh, đám kia thì vật lộn, ôi thôi đủ thứ vui náo nhiệt. Từ trong hộp, các anh lính chì nghe tiếng ồn ào, đâm ra nào nức tìm cách chui ra, nhưng họ không làm sao mở được nắp hộp. Trên bàn, mọi vật đang nhảy múa, nhào lộn, ngoài hai nhân vật vẫn cứ đứng yên lặng từ trước đến giờ, đó là cô vũ nữ và anh lính chì cụt chân bị cậu bé bỏ quên. Cô nàng vẫn ở trong tư thế múa ba lê, với một chân nhón lên và một chân khác hắt về phía sau; anh lính chì cũng đứng trên một chân đăm đăm nhìn cô nàng một cách say mê.

Thình lình, chuông đồng hồ gõ mười hai tiếng, báo hiệu nửa đêm. Pốp! một tiếng động vang lên. Một chiếc hộp bật mở ra, lò xo bung lên, hiện ra một chú quỷ đen nhỏ xíu.

“A! Tên lính chì! Mi để mắt mũi đâu mà không né ta ra hử?” Tên quỷ hách dịch hỏi.

Anh lính giả ngơ không thèm trả lời.

“A! Tay này ngon nhỉ! Ðể sáng mai mày biết sẽ biết tay ta.” Con quỷ dọa.

Ðến sáng hôm sau, cậu bé thức dậy lật đật lôi các anh lính chì ra sắp trên thành cửa sổ. Chẳng biết có phải do lời nguyền rủa của con quỷ đen tối qua, hay vì một ngọn gió vô tình, cửa sổ bật mở, anh lính chì cụt chân rơi xuống đất từ căn phòng ở trên tầng lầu ba.

Thật là khủng khiếp cho anh, anh chúi đầu xuống đất, may có chiếc nón lính đỡ cho anh khỏi vỡ sọ, cái chân độc nhất chỉa thẳng lên trời. Cậu bé và tên tớ trai chạy xuống lầu tìm anh, nhưng chúng không trông thấy được, vì anh bị kẹt giữa hai phiến đá lót đường. Phải chi anh chịu khó lên tiếng, may ra cậu bé đã cứu được; nhưng anh lính này tôn trọng kỷ luật nhà binh, không thể la lên khi đang ở trong tư thế nghiêm chỉnh.

Trời bỗng đổ mưa, càng lúc mưa càng lớn hạt. Nước chảy thành dòng dọc theo ven đường. Khi mưa tạnh, có hai cậu học trò tình cờ đi qua đó.

“Ê! coi kìa! Có một anh lính chì! Ðể ta nhặt lên chơi.” Chúng xé giấy tập, xếp thành một con thuyền và đặt anh lính chì vào đó, xong thả cho trôi theo dòng nước. Chúng vừa chạy theo vừa vỗ tay khoái trí.

Trời đất thiên địa ơi, sóng gió chi mà dữ thế. Mưa thì cứ lai rai từng chập. Con thuyền tròng trành muốn lật nhiều lần, và có lúc xoay tròn quanh xoáy nước. Anh lính chì sợ chết điếng, nhưng vẫn phải tỏ ra dũng cảm; anh không hề biểu lộ ra mặt mà vẫn chững chạc đứng với cây súng trường trên vai như đang thi hành lệnh gác. Chiếc thuyền giấy bỗng chui vào một con đường hầm tăm tối, có lẽ cũng tối như trong chiếc hộp của anh.

“Ta đang ở đâu thế này?” Anh nghĩ. “Chắc là con quỷ đen nó ám hại mình! phải chi có cô nàng ở với ta trên chiếc thuyền này thì dù có chui xuống địa ngục ta cũng cam lòng.”

Một con chuột cống từ đâu chui đến.

“Ðưa coi giấy thông hành? Có không thì bảo?”

Anh lính im lặng, nắm chặt báng súng; thuyền cứ trôi, con chuột chạy theo sát phía sau, nó nghiến răng tru lên: “Chặn nó lại, chặn lại, tên gián điệp không có giấy thông hành, nó lại chẳng biết mật khẩu.”

Giòng nước trôi nhanh hơn đẩy thuyền đi xa, anh lính đã thấy ánh sáng ở cuối đường hầm, nhưng cùng lúc anh nghe những tiếng gầm vang dội, tiếng gầm khủng khiếp đủ cho những kẻ bạo gan nhất cũng phải rùng mình. Bạn thử tưởng tượng coi! Nơi cuối hầm, giòng nước thông ra một cái vịnh lớn, nước ở đây tuôn ra như một cái thác, ai mà chịu đựng nổi bị phóng nhào xuống với một tốc độ khủng khiếp thế.

Anh lính chì lo sợ nhìn miệng cống càng lúc càng gần mà không sao dừng thuyền lại được. Chiếc thuyền nhào xuống thác nước; anh lính cố hết sức mình đứng thật vững chờ việc gì tới sẽ tới.

Thuyền quay đi mấy vòng rồi rơi tõm xuống, nước tràn ngập khoang thuyền kéo nó chìm dần xuống đáy vực. Anh lính đứng bất lực nhìn nước ngập dần từ chân cho đến cổ. Cuối cùng nước tràn qua đầu anh- Trong phút cuối cùng đó, anh nghĩ đến cô vũ nữ xinh đẹp mà anh không bao giờ còn gặp lại, bên tai anh như có tiếng hát một khúc quân hành,

Ngày bao hùng binh tiến lên….

Bờ cõi vang lừng câu quyết chiến…

Thuyền chìm hẳn, và anh lính chì đáng thương đang chơi vơi giữa màn nước thì một chú cá bơi đến, đớp trọn anh vào bụng.

Trong bụng cá tối ơi là tối, vả lại nó chật quá, chẳng cọ quậy gì được. Anh lính chì vẫn nghiêm trang giữ đúng tư thế người lính gác. Hồi lâu, anh cảm thấy như con cá quẫy mạnh mấy cái rồi bất động, mắt anh bỗng loá lên vì một tia sáng rọi vào. Lần nữa, anh lính thấy lại ánh sáng mặt trời, anh nghe có tiếng nói: “-! một anh lính chì!”

Hoá ra chú cá bị sa lưới, bắt mang ra chợ bán. Một chị sen mua cá, đem về làm thịt, vừa mổ bụng ra thì bắt gặp anh lính của chúng ta. Chị ta móc anh chàng ra, đem khoe với mọi người và kể chuyện về cuộc phiêu lưu kỳ thú của anh lính kết thúc trong bao tử con cá. Anh lính thì chẳng thấy vui và hãnh diện chút nào. Chị sen đem anh đặt lên bàn. Lạ thay, anh lính thấy lại cảnh vật cũ, cũng em bé chủ nhân của anh ngày nào, cũng những thứ đồ chơi xinh xắn và nhất là cô vũ nữ còn đứng múa một cách duyên dáng bên cổng tòa lâu đài bằng giấy bìa các tông.

Nàng vẫn đứng trên một bàn chân, hai cánh tay xòe ra, chân kia duỗi thẳng phía sau. Anh lính nhìn nàng và thấy đôi mắt nàng cũng nhìn lại mình, nhưng họ không nói với nhau một lời. Bổng dưng, một đứa bé -bạn cậu chủ nhà- chụp lấy anh lính chì, không thèm giải thích lấy nữa lời, quẳng anh vào trong lò sưởi đang cháy rực. Không còn nghi ngờ gì nữa, chính tên quỷ lùn đã buông lời nguyền độc địa cho anh. Anh lính đứng giữa ngọn lửa, cháy sáng lên, anh thấy nóng bừng bừng. Anh chẳng phân định được là cái nóng của bếp lửa hay là nhiệt huyết trong tâm hồn anh. Màu da anh từ từ đổi từ xám sang đỏ hồng; anh vẫn đứng nhìn về cô vũ nữ và thấy cô nhìn anh. Sức nóng làm anh chảy tan ra thành chất chì lỏng nhưng anh vẫn cố giữ thân mình đứng thẳng băng, tay nắm chắc báng súng.

Cửa chợt mở, một cơn gió thổi tung cô vũ nữ vào đống lửa, áo quần cô bắt cháy và cả cô nữa, cô cũng cháy tiêu ra tro, bên cạnh anh lính chì dũng cảm.

Sáng sau, người tớ gái quét lò sưởi, tìm thấy một cục chì có hình dạng một trái tim nhỏ xíu nằm giữa đám tro tàn của cô vũ nữ.

8. Sự tích phong bao lì xì

Theo truyền thuyết, có một con yêu quái đáng sợ tên là “Sui.” Hàng năm vào đêm giao thừa, nó sẽ đến chạm vào đầu trẻ em đang ngủ ba lần. Sợ quá, em bé sẽ khóc lớn và sau đó sẽ bị đau đầu, bị sốt, và nói nhảm. Khi những triệu chứng này biến mất, đứa trẻ sẽ trở nên ngu đần.

Vì sợ yêu quái Sui hãm hại trẻ nhỏ, cha mẹ chúng thường không tắt đèn và thức qua đêm giao thừa để xua đuổi yêu quái. Đây là nguồn gốc tập tục thức qua đêm giao thừa.

Có một nhà họ Quan nọ sinh sống tại thành phố Gia Hưng, tuổi đã cao mới sinh hạ được một cậu con trai nên rất cưng chiều.

Vào một đêm giao thừa , sợ Sui đến hãm hại, họ cũng thức tỉnh cậu bé. Họ cho cậu ta 8 đồng xu để đùa nghịch. Cậu bé bọc những đồng xu này vào tờ giấy đỏ, mở ra, rồi lại bọc lại, lặp đi lặp lại như thế đến khi chú bé mệt quá và ngủ thiếp đi mất, 8 đồng xu khi ấy đang được bọc bởi giấy đỏ và đặt ngay bên cạnh gối cậu ta. Lúc ấy đôi vợ chồng ngồi ngay bên cạnh để trông chừng.

Vào nửa đêm, một cơn gió lạnh thổi tung cánh cửa và làm tắt đèn. Đúng lúc quỷ Sui vươn tay đến đầu cậu bé, từ bao giấy đỏ tỏa ra một luồng sáng bạc làm cho yêu quái khiếp sợ và bỏ trốn.

Vào Tết năm đó, đôi vợ chồng đã kể cho hàng xóm láng giềng về câu chuyện hôm giao thừa. Từ đó về sau, họ bắt đầu bắt chước làm theo và trẻ em không còn bị quấy nhiễu nữa.

Hóa ra 8 đồng xu kia chính là 8 vị Thần đã âm thầm bảo vệ cậu bé. Vì thế người ta gọi tiền lì xì là “Tiền may mắn trong Năm Mới.”

Ngoài những câu truyện cổ tích Andersen trên đây các mẹ có thể đọc thêm cho bé nghe những câu truyện hay khác như:

- Bù nhìn tuyết

- Chiếc hòm bay

- Chiếc bật lửa

- Con trai người gác cổng

- Bác làm vườn và nhà chủ

- Bộ Quần Áo Mới Của Hoàng Đế

Top 3 truyện cổ tích kích thích trí tưởng tượng, con thông minh, sáng dạ hơn
Truyện cổ tích đối với trẻ giống như cánh cửa mở ra một thế giới hoàn toàn mới, khác biệt với đầy phép màu và những điều kỳ diệu.

Nuôi con khoẻ, dạy con khôn lớn

Loan Trần Sưu tầm
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Truyện cổ tích cho bé