Giữ thai thành công cho sản phụ 5 lần sinh non, 5 lần khâu cổ tử cung thất bại

Thảo Nguyên - Ngày 25/11/2022 16:03 PM (GMT+7)

Người phụ nữ 30 tuổi này từng đi khám ở rất nhiều viện sản uy tín. Nhưng lời khuyên của các bác sĩ dành cho chị là nhờ người mang thai hộ vì bệnh nhân không có khả năng mang thai và giữ thai.

Khi nhắc tới những ca khâu cổ tử cung ám ảnh và áp lực nhất trong quá trình làm việc tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, nam bác sĩ sản khoa Hoàng Văn Khanh, hiện đang làm việc tại khoa khám bệnh vẫn nhớ như in về 1 trường hợp thai phụ ở Sơn La, sinh năm 1992.

Theo nam bác sĩ sản khoa này cho biết, thai phụ Sơn La có tiền sử sinh non 5 lần trước đó. Chị cũng từng phải khâu cổ tử cung rất nhiều lần khi mang thai nhưng đều không may mắn và thất bại ở tuổi thai từ 19-26 tuần. Chính bởi thế dù cưới nhau đã lâu nhưng bao năm qua vợ chồng chị chưa có một mụn con bế bồng dù rất khát con.

Thai phụ ở Sơn La, sinh năm 1992 đã 5 lần sinh non, 5 lần đầu khâu cổ tử cung thất bại. (Ảnh: BSCC)

Thai phụ ở Sơn La, sinh năm 1992 đã 5 lần sinh non, 5 lần đầu khâu cổ tử cung thất bại. (Ảnh: BSCC)

Người vợ trẻ 30 tuổi này từng đi khám ở rất nhiều nơi. Nhưng đi đến đâu lời khuyên của các bác sĩ dành cho chị là nhờ người mang thai hộ vì bệnh nhân không có khả năng mang thai và giữ thai.

“Lần đầu tiên nghe chị ấy chia sẻ đến tiền sử 5 lần sinh non và nhiều lần khâu cổ tử cung thất bại là tôi đã thấy sợ và không dám nhận. Nhưng thấy chị ấy thiết tha muốn có em bé và nỗ lực để có con nên tôi đành nhận lời thăm khám. Sau vài đợt khám thì chị ấy có bầu lại trong sự bất ngờ của cả bác sĩ và bệnh nhân”, bác sĩ Khanh kể lại.

Khi người phụ nữ Sơn La này mang bầu ở tuần 12 thì quyết định khâu cổ tử cung để giữ thai phòng sinh non như các lần trước: “Đúng ra bệnh nhân này nên khâu cổ tử cung ngả bụng. Nhưng giờ có thai rồi việc khâu ngả bụng khá nguy hiểm nên tôi và bệnh nhân quyết đánh liều khâu ngả âm đạo 1 lần nữa. Trong khi trước đó bệnh nhân đã 5 lần khâu ngả âm đạo đều thất bại. Chính bởi thế, áp lực của ca bệnh này thật sự rất lớn”.

Nhưng đến tuần thứ 16 của thai kỳ, cổ tử cung của bệnh nhân lại hở như cái ống nước. Lúc này, thai phụ lại phải tiếp tục khâu cổ tử cung lần tiếp theo.

“Ở lần 2 này, thật sự tôi không dám nghĩ đến một kết cục tốt đẹp cho thai phụ ấy. Nhưng tôi vẫn quyết định làm lại cho bệnh nhân 1 lần nữa dù không giống cách cũ. Thật may mắn là tuy khá vất vả trong quá trình mang thai nhưng hiện tại thai phụ này cũng đã mang bầu được 34 tuần. Phải nói khi nhìn lại hành trình mang bầu của chị, các bác sĩ cũng mừng rơi nước mắt”, nam bác sĩ trải lòng.

Đến tuần thứ 16 của thai kỳ, cổ tử cung của bệnh nhân lại hở như cái ống nước nên lại phải khâu lại. (Ảnh: BSCC)

Đến tuần thứ 16 của thai kỳ, cổ tử cung của bệnh nhân lại hở như cái ống nước nên lại phải khâu lại. (Ảnh: BSCC)

Hiện thai phụ trên vẫn đang được theo dõi rất sát sao tại viện và khoảng 1-2 tuần nữa thì sẽ được chuyển đi sinh mổ: “Tôi chỉ hy vọng mẹ con chị ấy có thể đợi đủ ngày, tháng để gặp nhau, mẹ tròn con vuông”.

Bác sĩ Hoàng Khanh cho biết, khâu cổ tử cung dự phòng tốt nhất là khi 12-16 tuần với bà bầu có tiền sử sinh non. Tuy nhiên các thai phụ thường chủ quan và chủ yếu tới khâu cổ tử cung khi thai lớn và cổ tử cung đã rất ngắn. Cá biệt còn có những bệnh nhân đã khâu trước đó nhưng không thành công thì vẫn sẽ phải khâu lại để đảm bảo thai kỳ an toàn.

Những thai phụ nào cần phải khâu cổ tử cung?

Khâu cổ tử cung khi mang thai là thủ thuật khâu một vòng xung quanh cổ tử cung. Thủ thuật này nhằm mục đích thu hẹp lỗ trong tử cung. Phương pháp này được chỉ định thực hiện vào tuần thứ 16 đến 20 của thai kỳ. Đó chính là thời điểm trước khi eo cổ tử cung bị giãn ra.

Thủ thuật này được chỉ định đối với một số thai phụ sau:

- Mẹ bầu được bác sĩ chẩn đoán bị hở eo tử cung.

- Thai phụ có tiền sử bị sảy thai do hở eo tử cung.

- Từng bị sảy thai 2 lần trở lên mà chưa tìm được nguyên nhân chính xác.

- Trường hợp mẹ bầu mang song thai, đa thai. Tuy nhiên, chiều dài cổ tử cung của mẹ bầu nhỏ hơn 25 mm.

- Thai phụ từng có được khâu eo cổ tử cung trong quá khứ.

Những lưu ý sau khi khâu cổ tử cung

Sau khi khâu cổ tử cung, thai phụ không nên vận động hoặc đi lại nhiều. Mục đích là để vết khâu có thể lành nhanh chóng. Nếu có những bất thường sau: 

- Đau nhiều nơi vết khâu.

- Chảy máu.

- Sốt kèm ớn lạnh, rét run.

- Cơ quan sinh dục có mùi hôi khó chịu.

- Rỉ nhiều dịch mủ.

Thai phụ nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được xử trí kịp thời. Hạn chế những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Mang thai 22 tuần cổ tử cung đã mở 3cm, thai phụ Hà Nội phải nhập viện khâu cấp cứu
Dù mới chỉ mang thai 22 tuần nhưng thai phụ này đã phải vội vàng nhập viện ngay khi cổ tử cung có dấu hiệu mở sớm.

Tin tức mẹ bầu

Theo Thảo Nguyên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Hạnh, 32 tuổi, chưa có ý định kết hôn song lo khi gặp được ý trung nhân thì đã quá tuổi sinh con, quyết định đến bệnh viện trữ đông trứng.

Tin bài cùng chủ đề Câu chuyện mang thai