Các sai lầm phổ biến khi bán hàng online

Ngày 08/06/2022 18:00 PM (GMT+7)

Nắm được các vấn đề sau đây giúp chủ shop online tránh gặp phải những sai lầm nghiêm trọng, có thể dẫn đến kinh doanh thua lỗ.

Chuyên gia Nguyễn Trung Kiên – Founder kiêm CEO Tuki Group, đồng thời là giảng viên hướng dẫn kinh doanh online trên các nền tảng như Unica.vn, Edumall.vn, VietMoz Academy… chỉ ra lợi thế và rủi ro của từng kênh bán hàng online, giúp người mới khởi nghiệp tránh phải những sai lầm phổ biến.

Kinh doanh trên Google

Khi khách hàng tìm kiếm một giải pháp hoặc thông tin sản phẩm, họ thường lên Google để tra cứu xem sản phẩm đấy như thế nào, giá cả, thông số, cách sử dụng ra sao… Họ có xu hướng truy cập vào nhiều website và sẽ bị thu hút nếu website thiết kế đẹp mắt, chăm sóc khách hàng, chế độ hậu mãi và giá bán tốt. Kinh doanh trên Google, vì thế, phù hợp với những sản phẩm có giá trị cao, lợi nhuận cao.

Sai lầm phổ biến của các chủ shop trên kênh này, theo chuyên gia Nguyễn Trung Kiên, là bỏ tiền chạy quảng cáo khi chưa có website hoặc có website nhưng không chú trọng đầu tư. Bởi khi bạn chạy quảng cáo, website của bạn sẽ hiển thị đầu tiên nếu khách hàng tìm kiếm thông tin sản phẩm. Nhưng nếu website thiết kế sơ sài, khó tương tác hoặc nội dung không chất lượng, ít đánh giá 5 sao… khách hàng sẽ nhanh chóng thoát ra để truy cập vào website khác.

Sai lầm thứ 2 là không tập trung vào việc chăm sóc khách hàng, không thường xuyên vào website để hỗ trợ, tư vấn khách hàng hoặc không khai thác tốt dữ liệu khách để lại. Và sai lầm nghiêm trọng nhất là không nắm được bộ từ khóa khách hàng hay tìm kiếm mà cứ đốt tiền vào quảng cáo.

Đốt tiền vào quảng cáo nhưng không nắm được bộ từ khoá tìm kiếm là một trong những sai lầm khi chạy quảng cáo trên Google.

Đốt tiền vào quảng cáo nhưng không nắm được bộ từ khoá tìm kiếm là một trong những sai lầm khi chạy quảng cáo trên Google.

Kinh doanh trên Facebook

CEO này cho biết, Facebook dựa vào cảm xúc để bán hàng bằng cách sử dụng những hình ảnh đẹp, nội dung hay để “thôi miên” khách hàng, thuyết phục họ xuống tiền. Lợi thế của kênh này là người bán có thể ghi nhận và phản hồi khách hàng nhanh chóng. Tuy nhiên, chi phí quảng cáo trên Facebook khá lớn, phù hợp với các sản phẩm có tỷ suất lợi nhuận cao, lên đến 200-300%.

Sai lầm thường gặp là chủ shop nghĩ rằng sản phẩm nào cũng có thể bán được trên Facebook, lựa chọn sản phẩm dựa trên sở thích của mình thay vì sở thích của khách hàng.

Thứ hai là các chủ shop lợi dụng quá nhiều tính năng hoặc công cụ tự động, ví dụ như tự động tăng like cho bài viết, thả tim, chia sẻ bài viết, tìm kiếm và kết bạn… Việc kết bạn tự động thường không hiệu quả, do mọi người có xu hướng không đồng ý kết bạn với người lạ. Còn việc spam thông tin quảng cáo tràn lan vào các hội nhóm, cộng đồng có thể khiến account của bạn bị loại khỏi hội nhóm hoặc cộng đồng đó.

Thứ 3 là bán hàng mà không phân tích được khách hàng của mình là ai, không biết họ thích gì, hoạt động trên Facebook ra sao, nói chuyện với nhau thế nào… nên khó tiếp cận họ.

Khuyết điểm cuối cùng là người bán chỉ tập trung vào bán hàng. Các bài viết trên Facebook lúc nào cũng giới thiệu sản phẩm, kêu gọi mua hàng… gây nhàm chán. Chuyên gia khuyên chủ shop cố gắng lồng ghép những sản phẩm, dịch vụ mà mình đang kinh doanh vào những câu chuyện hay hoặc nội dung phù hợp để tạo hứng thú với người đọc. Khi ấy, họ sẽ dành theo gian theo dõi các bài viết trên trang cá nhân của bạn và biết rõ bạn đang bán sản phẩm gì. Đến khi có nhu cầu, họ sẽ tìm đến bạn.

Bán hàng trên Facebook cũng cần sự đầu tư cho nội dung bài post, tạo hứng thú cho người đọc.

Bán hàng trên Facebook cũng cần sự đầu tư cho nội dung bài post, tạo hứng thú cho người đọc.

Kinh doanh trên sàn thương mại điện tử (TMĐT)

Khách hàng tìm đến các sàn TMĐT khi đã có nhu cầu mua một sản phẩm cụ thể và có xu hướng so sánh chất lượng, giá bán giữa nhiều nhà cung cấp khác nhau trước khi quyết định lựa chọn. Lợi thế của sàn là tích hợp sẵn đơn vị vận chuyển và giao hàng nhưng đi kèm với chi phí bán hàng cao.

Sai lầm chủ yếu trên kênh này là người bán chưa tính toán đủ chi phí vào giá bán, do không nắm hết các chi phí cho sàn, phí dịch vụ, phí ship, phí khuyến mãi… Thứ hai là chọn sai sản phẩm – những sản phẩm mà khách hàng không có nhu cầu tìm kiếm trên sàn hoặc giá trị quá cao. Sàn TMĐT chỉ thích hợp để kinh doanh các sản phẩm bình dân, có giá trị dưới 300.000-500.000 đồng.

Thứ 3 là chỉ tập trung vào giá tiền mà không chú trọng đến trải nghiệm của khách hàng. “Nhiều người nghĩ rằng hình ảnh và video không quan trọng khi bán hàng trên sàn nhưng đây là lỗi sai cực kỳ lớn. Bởi đây là 2 trong những yếu tố giúp khách hàng trải nghiệm sản phẩm tốt hơn”, anh Kiên chia sẻ.

Thứ 4 là không tập trung vào việc chăm sóc khách hàng, không lắng nghe xem họ muốn tư vấn điều gì hay tìm hiểu cách thuyết phục họ mua hàng… Thứ 5, sản phẩm chưa có nhiều lượt bán và đánh giá, kém ưu thế cạnh tranh so với đối thủ. Yếu tố cuối cùng là không biết cách đọc những chỉ số phân tích để đánh giá hiệu quả quảng cáo, tình hình kinh doanh hiện tại có đang phát triển, kinh doanh lãi hay lỗ…

Bán hàng trên các sàn thương mại điện tử cũng có nhiều thử thách

Bán hàng trên các sàn thương mại điện tử cũng có nhiều thử thách

Bên trên là tóm tắt những chia sẻ của chuyên gia Nguyễn Trung Kiên với chủ đề “Sự thật về kinh doanh trên mạng xã hội và sàn thương mại điện tử”. Đây là webinar thứ hai trong chuỗi video “Học bán hàng thực chiến cùng chuyên gia”. Chương trình được đăng tải trên website https://lamgiau.ghn.vn – một nền tảng do GHN phát triển với mục đích đồng hành với các shop online cả nước trên con đường kinh doanh thành công.

Xem đầy đủ tập 2 tại đây

Nguồn: [Tên nguồn].