Chiêu độc đẩy hàng tồn dệt may, giầy dép

Ngày 10/08/2013 16:28 PM (GMT+7)

7 tháng đầu năm, chỉ số hàng tồn kho của ngành may, giày dép giảm mạnh nhất và hai ngành này cũng được xếp là có tốc độ tăng trưởng lớn nhất.

Để đẩy mạnh hàng tồn kho, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh quần áo, giày dép đã sử dụng nhiều “chiêu” kích cầu độc đáo, như bán hàng theo cân, giảm giá tận đáy, khuyến mãi khủng…

Khi quần áo bán theo cân

Thời gian gần đây, một số trung tâm thương mại lớn và hệ thống siêu thị ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh xuất hiện hình thức bán hàng mới: Bán theo cân, như Trung tâm thương mại Lotte Mart (quận 7, TP Hồ Chí Minh), siêu thị Metro Hà Đông (Hà Nội), chợ Đồng Xuân, chợ Bến Thành... Như 1 kg quần áo trẻ em tương đương từ 15 - 22 cái (tùy theo chất liệu, size), giá bán có thể lên tới 500.000 - 600.000 đồng, tính ra giá chỉ 20.000 - 40.000 đồng/chiếc.

"Sản phẩm thời trang có tính thời vụ, xu hướng, rất bất lợi nếu tồn hàng lâu, do đó các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thời trang tung đủ “chiêu” để kích cầu, từ bán hàng theo kiểu đổ đống, bán theo cân, giảm giá sát đáy… Họ đang tìm mọi cách để bán được hàng, quay vòng được vốn, nhưng về lâu dài, muốn xây dựng thương hiệu, thì doanh nghiệp cần có một hướng đi bài bản hơn là chấp nhận bán hàng bằng mọi giá…”.

Ông Đinh Mạnh Hùng - Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

“Mua 1 tặng 1”, “mua 2 tặng 1”, thậm chí “mua 2 tặng 3” là những băng rôn thường thấy tại các cửa hàng quần áo tại Hà Nội. Sale từ 10 - 80% là những thông tin dễ dàng bắt gặp trước cửa các điểm kinh doanh quần áo, giày dép ở thời điểm này. Như Canifa đang có chương trình mua 2 nhận 3, Vera đang giảm tới 70% giá bán sản phẩm, Elise, Alcado giảm giá 50%… Tại Trung tâm mua sắm của Vinatex trên phố Bà Triệu (Hà Nội), thỉnh thoảng khách hàng lại giật mình trước tấm bảng quảng cáo: “Ngày vàng trong tháng, 10.000 đồng/sản phẩm”.

Chưa bao giờ khách hàng “ruột” của các điểm kinh doanh thời trang được chăm sóc kỹ càng như bây giờ, họ thường xuyên nhận được tin nhắn qua điện thoại, email về các sản phẩm mới, các chương trình khuyến mãi, nhận được tận nhà các ấn phẩm quảng bá, tư vấn về sản phẩm...

Nhờ nỗ lực tung đủ “chiêu” để kích cầu mà trong 7 tháng đầu năm, chỉ số hàng tồn kho của trang phục, giày dép giảm mạnh. Và trong tháng 7, chỉ số sản xuất ngành trang phục tăng 44,1% và giầy dép tăng 34,1%, được xếp vào những ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất. “Chỉ số hàng tồn kho giảm, chỉ số sản xuất tăng là những tín hiệu đáng mừng bắt nguồn từ sức mua tăng lên và xuất khẩu hàng hóa tăng mạnh” - Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa nhận định.

Chiêu độc đẩy hàng tồn dệt may, giầy dép - 1

Giảm giá là cách khôn ngoan để ngành thời trang vượt khó

Thà lãi ít còn hơn ế hàng

Trong tình hình sức mua ế ẩm, giới kinh doanh thời trang chấp nhận lãi ít để bán được nhiều hàng hơn. Vợ chồng anh Nguyễn Hoàng Điệp và chị Lê Thị Linh có cửa hàng kinh doanh quần áo nhập từ Quảng Châu (Trung Quốc) tại 23 Hàng Cân, Hà Nội cho biết, năm nay đa số giá nhập hàng về đã tăng, nhưng cửa hàng không dám tăng giá bán để giữ chân khách. “Mỗi sản phẩm bớt lãi đi một chút, nhưng cố gắng bán được nhiều hàng thì vẫn hơn” - anh Điệp cho biết. Mới đây anh chị lại mở thêm một cửa hàng chuyên kinh doanh áo, váy đầm nữ tại phố Lê Duẩn (Hà Nội) và mỗi tháng 2 lần vợ chồng anh Điệp phải sang Quảng Châu - Trung Quốc nhập hàng về, lượng hàng mỗi chuyến còn nhiều hơn năm 2010. “80% khách đến shop là khách quen, nếu hàng tốt, đúng xu hướng, khéo chiều khách, thì sẽ giữ được chân khách. Khi có hàng mới về, tôi thường nhắn tin, gọi điện cho khách biết, khách mua hàng thường được tặng thêm vài món lặt vặt có giá trị thấp như: Tất, khăn tay, cài áo... Khi lượng hàng nhập về gần hết, tôi sẽ giảm mạnh giá để đẩy hết hàng đi, nhập hàng mới về”, chị Linh bật mí.

Tương tự, Công ty May Toàn Thắng có trụ sở tại 137 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội chuyên kinh doanh vải và may mặc, hai tháng trước đã mở thêm một cơ sở tại TP Hạ Long, Quảng Ninh. Ông Trịnh Quang Thắng, Giám đốc Công ty cho biết: “Thời buổi khó khăn, chúng tôi quán triệt nhân viên giữ chữ tín, cố gắng không để khách hàng nào đến với Công ty phải bỏ đi, mà luôn nỗ lực thuyết phục, thỏa hiệp để đáp ứng mọi yêu cầu của khách".

Theo Tùng Anh (Giao thông vận tải)
Nguồn:

Tin liên quan