Dân thành phố săn rau thịt sạch ‘né’ thực phẩm bẩn

Ngày 08/04/2014 00:52 AM (GMT+7)

Hãi hùng trước các thông tin về rau bẩn, thực phẩm ‘ướp’ hóa chất, nhiều người dân Hà Nội đã tự biến mình thành ‘nông dân thành thị’, tự trồng rau, nuôi gà, săn các nguồn thực phẩm sạch.

Những thông tin về rau bẩn, thực phẩm bẩn như rau nhiễm sán, đậu phụ làm trắng bằng thuốc tẩy, thủy sản nhiễm chì, thịt lợn chứa vi khuẩn gây viêm màng não… cứ tới tấp “ập” tới tai người dân, cùng với những hình ảnh mất an toàn vệ sinh thực phẩm ngày ngày phơi bày trước mắt. Nhiều bà nội trợ đã phải kêu trời vì “đau đầu không biết hôm nay đi chợ nên mua gì, nên nấu món gì cho đảm bảo an toàn”.

Ăn uống hàng ngày thì không thể nhịn, mà thực phẩm từ rau, thịt, cá đến những loại tưởng như vô cùng sạch như giá đỗ, đậu phụ… giờ đây cũng được “ướp” hóa chất để đánh lừa thị giác người mua. Cái khó ló cái khôn, nhiều gia đình ở Hà Nội đã tự biến mình thành những “nông dân thành thị”, chăm chỉ canh tác trên những khoảnh đất, hộp đất nhỏ để phục vụ bữa ăn sạch hàng ngày cho gia đình.

Dạo một vòng quanh các khu đô thị mới, các quận ngoại thành Hà Nội, không khó để nhận ra những khoảng vườn nhỏ xinh với vô vàn các loại rau sạch đa dạng như rau bí, đậu xanh, rau ngót, những luống bắp cải hay dàn su su xanh non tươi mơn mởn. Thậm chí, khi không có được khoảng vườn nhỏ, nhiều hộ gia đình còn tận dụng vỉa hè, gốc cây hay những chiếc thùng xốp bỏ đi để “canh tác” những hàng rau xanh để cải thiện bữa ăn.

Dân thành phố săn rau thịt sạch ‘né’ thực phẩm bẩn - 1

Lo ngại thực phẩm bẩn, nhiều chị em tận dụng những khoảng đất trống để trồng rau sạch

Chị Phan Minh Thư (Miêu Nha, Tây Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Nhà tôi ở khu tập thể, đất đai hạn hẹp chỉ vài chục mét vuông. Thế nhưng, đi chợ hàng ngày nhìn rau xanh non là thế tôi cũng chẳng dám mua. Tận dụng khoảng ban công trên tầng 2, tôi tranh thủ mua ít hạt giống và những chiếc thùng xốp nhỏ để trồng thêm rau cải, hành lá, rau ngót thay đổi bữa ăn hàng ngày. Rau mình trồng không được tươi tốt, xanh non như ngoài chợ, nhưng đảm bảo sạch sẽ và không hề có hóa chất, ăn vào cũng thấy ngon hơn”.

Tại khu tập thể D77 làng Miêu Nha, các hộ gia đình đua nhau trồng rau xanh trên những khoảnh đất trống, vốn là đất đã được chia cho các gia đình nhưng chưa xây dựng nhà cửa. Mỗi nhà một khoảnh nhỏ, thế nhưng được chăm sóc từng chút một, với đủ loại rau xanh.

“Cứ sáng sớm và chiều tối, ngoài giờ làm việc, mọi người lại tranh thủ ra chăm bón cho rau. Mỗi nhà trồng 1, 2 loại rau, nhưng cũng không thể ngày nào cũng chỉ ăn loại rau đó, thế là chúng tôi nghĩ ra cách đổi rau cho nhau. Cả khu khoảng 10 nhà trồng rau như thế này là chúng tôi có đủ rau xanh ăn quanh năm rồi”, bác Nguyễn Thị Năm hồ hởi nói.

Chuyện người dân thành phố đua nhau trồng rau không phải là hiếm, cũng không phải quá đặc biệt, tuy nhiên, những “nông dân thành thị” thời hiện đại này còn “săn” được cả những nguồn thịt sạch, thịt quê để đảm bảo nhu cầu lương thực sạch hàng ngày cho gia đình mình.

Dân thành phố săn rau thịt sạch ‘né’ thực phẩm bẩn - 2

Mỗi nhà một khoảnh nhỏ, thế nhưng được chăm sóc từng chút một, với đủ loại rau xanh.

Là dân Thanh Hóa gốc, đang làm việc và công tác tại Hà Nội, chị Mai Thu Hà, nhân viên công ty truyền thông tranh thủ nhờ bố mẹ ở quê gửi thịt chim bồ câu, gà quê ra cho gia đình ăn hàng tuần. Lợi thế của một gia đình làm nông, lại có thêm khu V.A.C rộng lớn khiến chị Hà chưa bao giờ phải lo về thực phẩm. Qua câu chuyện than vãn hàng ngày của các chị trong công ty về việc chợ búa, cơm nước cho bữa ăn hàng ngày, chị Hà nảy ra ý định mang thêm thực phẩm sạch ở quê lên “chia sẻ” với mọi người. Ban đầu chỉ là mua giúp, sau đó, nhiều người trong công ty, rồi hàng xóm và cả mọi người trên các trang mạng xã hội ngỏ ý mua, chị Hà bỗng dưng có thêm nghề tay trái, gia đình ở quê cũng có thêm đồng ra đồng vào.

Nói về chuyện này, chị Hà tâm sự: “Chim bồ câu được bố mẹ mình ở quê nuôi ăn thóc, bay nhảy khắp nơi chứ không nuôi nhốt nên chắc thịt, lại ngon, ngọt. Giá một đôi chim được làm sẵn, sạch, rồi gửi ra Hà Nội cũng chỉ 120.000 đồng/ đôi, rẻ hơn ở đây rất nhiều nên được mọi người rất thích. Ngoài chim bồ câu, mỗi tuần, mình còn nhờ bố mẹ gửi theo xe khách ra thêm thịt gà, thịt lợn, cá biển…. Đây đều là những thực phẩm đặt theo yêu cầu của mọi người nên không bao giờ dư thừa hay sợ ế cả”.

Hồng Hải
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan