Đìu hiu thị trường bánh trung thu

Ngày 19/09/2015 08:14 AM (GMT+7)

Thị trường bánh trung thu đang bước vào giai đoạn cao điểm khi rằm tháng tám đang đến gần nhưng lực mua vẫn rất thấp

Thị trường có sự phân hóa rõ rệt khi nhiều điểm bán bánh vỉa hè treo biển khuyến mãi “khủng” vẫn ế, trái ngược với cảnh khách hàng chấp nhận chờ lâu tại các cửa hàng có thương hiệu để mua.

Nhập nhèm khuyến mãi “khủng”

Tối 17-9, trước cửa hàng bánh trung thu Hỷ Lâm Môn (đường Nguyễn Trãi, quận 5, TP HCM) đông nghẹt người đứng chờ mua hàng, nhân viên ở đây phải chiếm dụng lòng đường Phước Hưng bên cạnh để làm chỗ giữ xe. Tương tự, hàng loạt nhà hàng trong khu vực có kinh doanh thêm mặt hàng mùa vụ là bánh trung thu cũng liên tục có khách ra vào dù giá bán chưa giảm.

Chị Trần Thị Mai (ngụ quận 8) ghé mua 2 hộp bánh trung thu dưới sảnh nhà hàng Đồng Khánh (đường Trần Hưng Đạo, quận 5) cho biết mua để biếu nên quan trọng nhất là uy tín, thương hiệu. “Đi đường thấy nhiều nơi treo biển khuyến mãi đậm nhưng tôi không quan tâm vì mình chỉ mua vài hộp để biếu” - chị Mai nói.

Đìu hiu thị trường bánh trung thu - 1

Nhiều điểm bán bánh trung thu ở TP HCM vắng người mua Ảnh: TẤN THẠNH

Trong khi đó, các điểm bán bánh trung thu trên vỉa hè rơi vào cảnh ế ẩm. Anh Phương, chủ đại lý có 5 ki-ốt trước Trung tâm Triển lãm và Hội chợ Tân Bình, lắc đầu: “Năm nay bán ế lắm, nhiều người chỉ đến xem rồi bỏ đi. Chúng tôi nản vì không biết lấy gì để trả tiền thuê mặt bằng”.

Anh Phạm Thành Trung, chủ đại lý bánh trung thu trên đường Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức), chia sẻ: Năm nay kinh tế khó khăn, giá các mặt hàng có tăng nhẹ so với mọi năm và mưa gió thất thường nên bánh bán rất chậm. Trung bình mỗi ngày anh chỉ bán khoảng hơn 10 cái, không đủ trả tiền thuê mặt bằng và lương 5 nhân viên bán hàng.

Đến ngày 18-9, hàng loạt điểm bán bánh trung thu vỉa hè đường Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), Phạm Hùng (quận 8), Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo (quận 5)… đã thay biển khuyến mãi “mua 1 tặng 1” cách đó vài ngày bằng “mua 1 tặng 2” hoặc “mua 1 thành 3” để thu hút khách.

Tại một điểm bán trên vỉa hè đường Nguyễn Trãi (quận 5), nhiều người ấn tượng bởi dòng khuyến mãi “khủng” nên ghé vào. Nhưng khi khách muốn mua chiếc bánh trung thu Kinh Đô thập cẩm 250 g giá 156.000 đồng để lấy thêm 2 cái khuyến mãi thì chủ hàng xua tay: “Hàng Kinh Đô và Như Lan vẫn bán như giá niêm yết vì công ty họ không giảm” rồi tư vấn khách qua tủ bánh bên cạnh. Lúc này, nhiều người “té ngửa” khi biết “mua 1 thành 3” là 3 bánh thập cẩm loại 150 g của cơ sở K.T giá 180.000 đồng, nếu mua 1 thì giá 60.000 đồng. Một khách hàng bức xúc: “Vậy khác nào mua 1 tặng 1 nhưng tính tiền 2” (!).

Hà Nội: Chuộng bánh truyền thống

Ghi nhận tại cửa hàng bánh trung thu truyền thống Ninh Hương (số 22 phố Hàng Điếu, quận Hoàn Kiếm), lượng khách ra vào khá tấp nập. Đa phần khách chọn mua một số loại bánh truyền thống của Hà Nội như bánh nhân thập cẩm xá xíu, thập cẩm gà quay… Các loại bánh nhân nhuyễn như đậu xanh, hạt sen… ít được chuộng. “Bánh nhân nhuyễn thì nhiều hãng như Hữu Nghị, Long Đình, Thu Hương… đã có nhiều năm nay rồi, trong khi đó xu hướng người dân hiện nay là tìm đến bánh có hương vị xưa” - nhân viên bán hàng giải thích.

Tại cửa hàng bánh trung thu Bảo Phương (số 201 Thụy Khuê), nhiều khách vẫn ghé vào mua bánh về để ăn hoặc tặng mặc dù cách đây vài ngày, một cửa hàng khác cũng mang thương hiệu Bảo Phương (số 223 Thụy Khuê) đã bị tạm thời đóng cửa do không bảo đảm một số yêu cầu của đoàn liên ngành kiểm tra về an toàn thực phẩm.

Bánh trung thu truyền thống của các hãng lớn cũng được người dân lựa chọn. Ông Trịnh Sỹ, Tổng Giám đốc Công ty CP Bánh kẹo Tràng An, cho biết nhiều năm nay, công ty chỉ sản xuất bánh trung thu truyền thống. Tràng An đã tăng 10% sản lượng bánh trong mùa trung thu năm nay.

Trong khi đó, các loại bánh hiện đại, hình thức bắt mắt thì sức mua khá èo uột. Hàng loạt quầy bánh trung thu trên các tuyến phố lớn, đông người qua lại như Trung Văn (quận Thanh Xuân), Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy)… vắng bóng khách hàng. Nhân viên quầy bánh Bảo Ngọc (đường Trần Duy Hưng) cho biết chỉ bán được vài hộp mỗi ngày, chủ yếu là loại bình dân giá 200.000-300.000 đồng/hộp và không dám nhập nhiều hàng cùng lúc. Nhiều khách có nhu cầu mua để tặng đã đến khảo giá nhưng chưa đặt hàng nhiều. “Nguyên nhân một phần là do trời mưa, người dân chưa muốn đi mua sắm, một phần có lẽ bánh của hãng đã hết thời được chuộng” - chị nhân viên này nói.

Tăng cường kiểm soát thị trường

Trong 2 tuần gần đây, Chi cục QLTT TP HCM đã tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu trên địa bàn. Qua đó, đã phát hiện một điểm bán tại quận 12 kinh doanh bánh trung thu hiệu Tân Phát - Đồng Khánh không ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng (tang vật 21 cái) và 91 cái có đóng hạn sử dụng nhưng mờ không đọc được. Mở rộng kiểm tra cơ sở sản xuất bánh trung thu Tân Phát  - Đồng Khánh ở quận Bình Tân, QLTT phát hiện tại đây có 700 kg đường cát do Campuchia sản xuất nhưng không có hóa đơn chứng từ dù cơ sở có đăng ký kinh doanh và công bố tiêu chuẩn sản phẩm theo quy định.

Ng.Ánh

Theo Ngọc Ánh - Thùy Dương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tết Trung Thu