Khó kìm giá xăng dầu!

Ngày 07/07/2014 00:14 AM (GMT+7)

Các chuyên gia lo ngại việc cho phép doanh nghiệp xăng dầu được tự quyết giá trong các phạm vi của dự thảo nghị định kinh doanh xăng dầu mới đây sẽ khiến tần suất tăng giá tăng lên

Như Báo Người Lao Động đã thông tin, theo kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo nghị định kinh doanh xăng dầu mới đây, khi các yếu tố đầu vào cấu thành giá cơ sở biến đổi tăng 3% so với giá bán lẻ hiện hành (dự thảo trước đó là 2%), các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu được chủ động tăng giá. Trường hợp tăng giá từ trên 3% đến 7%, DN phải báo cáo Bộ Công Thương, tăng giá trên 7% phải có ý kiến của Thủ tướng.

Doanh  nghiệp được nới quyền

Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu hiện hành quy định khi yếu tố đầu vào cấu thành giá cơ sở biến đổi tăng 7%, DN được quyền tăng giá bán lẻ tương ứng. Trong khi đó, theo dự thảo nghị định mới nhất, biên độ 7% được rút xuống 3%. Như vậy, dự thảo nghị định mới được đánh giá sẽ giúp giá xăng dầu tăng nhẹ hơn, bớt gây sốc cho nền kinh tế.

Trước đó, trong các góp ý cho dự thảo sửa đổi nghị định về kinh doanh xăng dầu, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đề xuất cho DN được điều chỉnh giá khi các yếu tố cấu thành làm giá biến động 3%. Theo đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, biên độ điều chỉnh này vừa giúp giá xăng trong nước theo sát thế giới vừa bớt gây áp lực cho cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng lại lo lắng với nội dung dự thảo đưa ra, ở 2 mức đầu là 3% và từ trên 3%-7%, DN chỉ cần kê khai giá và gửi báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước trước một vài ngày. Ngay cả ở biên độ tăng giá 7%, DN cũng chỉ cần báo cáo đến cơ quan chức năng trước 5 ngày; nếu cơ quan quản lý không có hồi âm, DN được tự quyết tăng giá. “Như vậy, khả năng được tự tăng giá của DN có thể lên đến 7% bởi nghị định có những nội dung mở cho DN. Như vậy sẽ rất khó kìm giá” - ông Thắng nhận định.

Dễ tăng giá nhiều lần?

Lo ngại xăng dầu tăng giá nhiều lần với biên độ không lớn không phải là không có căn cứ. Bởi lẽ hiện nay, dù giá xăng dầu được đánh giá là ít có biến động gây sốc cho nền kinh tế nhưng vẫn thiết lập “đỉnh” 25.230 đồng/lít vào ngày 23-6 vừa qua. Thực tế, từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu  đã có hơn 10 lần điều chỉnh với các mức tăng, giảm không quá cao - trên dưới 300 đồng/lít.

“Trước đây, có những thời điểm giá xăng tăng 1.000 - 2.000 đồng/lít. Nay chỉ tăng vài trăm đồng nhưng nếu xé lẻ các đợt tăng giá thành nhiều lần thì giá xăng vẫn âm thầm vượt các kỷ lục trước kia” - một chuyên gia về kinh doanh xăng dầu cảnh báo. Vị này còn tỏ ra băn khoăn về khả năng kiểm soát tần suất các DN xăng dầu tăng giá của cơ quan quản lý. Theo ông, đó chính là điểm mà dự thảo nghị định chưa đề cập để khắc phục.

Theo chuyên gia kinh tế - TS Ngô Trí Long, biên độ 3% sẽ tương ứng với mức tăng giá 600 đồng/lít. “Như vậy, dù giảm tần suất điều hành giá từ 10 ngày về 15 ngày thì mỗi tháng, DN có quyền tăng giá khoảng 1.200 đồng/lít theo biên độ biến động tương ứng và cũng là mức tăng khá lớn. Ngoài ra, với tình trạng độc quyền  (1 DN chiếm thị phần thống lĩnh) như hiện nay, nhà nước không nên trao quyền định giá cho DN dù là 1% hay 0,5%” - ông đề nghị.

Ông Long phân tích: Hiện nay, tính cạnh tranh trên thị trường xăng dầu rất yếu. Tuy có 17 đầu mối kinh doanh xăng dầu nhưng theo số liệu cuối năm 2013, thị phần của Petrolimex là 47%, PV Oil là 28%, Saigon Petro trên 9%, tức số ít DN thống lĩnh thị trường, hay còn gọi là độc quyền nhóm. Do vậy, giá cả hầu như phải “nhìn theo” DN có thị phần chi phối thị trường.

Theo Phương Nhung (Người Lao Động)
Nguồn:

Tin liên quan