Mốt tự làm đồ tết của chị em công sở

Ngày 05/02/2013 09:26 AM (GMT+7)

Vừa làm xong mẻ thứ hai, toàn bộ số mứt Tết tự làm của chị Trang đã có khách đặt mua hết. Mấy ngày nay, chị cùng mấy chị em trong cơ quan đang tất bật làm mứt bán Tết.

Ý tưởng kinh doanh của chị Trang, sống tại Đống Đa bắt nguồn từ việc làm mứt Tết cho gia đình. Lo ngại vấn đề an toàn thực phẩm, chị và mấy đồng nghiệp quyết định tự làm để dùng trong ngày Tết. Mẻ mứt dừa đầu tiên thành công, chị mạnh dạn quảng cáo trên mạng, ai ngờ số bạn bè đồng nghiệp đặt mua ầm ầm. Toàn bộ số mứt vừa làm xong đã được khách đặt hết.

Để làm được loại mứt ngon, chị Trang phải cất công đi lựa từng quả dừa, củ cà rốt tới nhánh gừng. Sau giờ công sở, chị hì hục rửa sạch, sơ chế và ngâm tẩm, rồi xào mứt. Tất cả các công đoạn đều làm bằng tay và chị luôn đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm, không có chất hóa học cũng như bảo quản. Chính vì thế, mà mỗi kg mứt của chị làm ra có giá đắt hơn so với các cửa hàng ngoài chợ nhưng khách vẫn đặt mua. Chị Trang chia sẻ: “Mình làm mứt cho nhà ăn là chủ yếu, còn bạn bè đồng nghiệp đặt thêm thì làm cho vui thôi, chứ tính lời lãi gì đâu".

Mốt tự làm đồ tết của chị em công sở - 1
Những túi mứt dừa được gói cẩn thận. (Ảnh minh họa)

Bán được thấy phấy phấn khởi, chị mạnh dạn mua thêm nguyên liệu để làm. “Mình chủ yếu bán cho người quen, chứ không có mà bán. Mới đây, chị bạn làm ngân hàng vừa đặt 12 kg mà không làm được”, chị Trang chia sẻ.

Giá một kg mứt dừa là 200 nghìn đồng, mứt gừng 200 nghìn đồng, mứt bí và cà rốt là 180 nghìn đồng. Chị còn sáng tạo thêm mứt dừa café, riêng loại mứt bí số lượng có hạn do làm lâu. Hiện, chị Trang đã ngừng đặt hàng do số lượng người mua nhiều.

Chị Hương, nhân viên văn phòng ở Mỹ Đình đang mời bạn bè mua dưa hành. Năm nào cũng thế, tầm đầu tháng Chạp chị đã lên kế hoạch làm dưa hành muối để nhà dùng cũng như bán thêm cho bạn bè, đồng nghiệp. Chị dậy sớm đi chợ đầu mối lựa chọn những củ hành chất lượng, về ngâm rửa sạch, thau nước nhiều lần, muối cẩn thận trong những vại sành. Ngoài hành muối, chị có thêm món chua ngọt gồm đu đủ, cà rốt. Chị Hương đang thử làm thịt bò khô để lấy kinh nghiệp sang năm bán thêm.

“Tết nhất ai cũng bận, tiện thể mình làm luôn giúp thôi chứ có bán ra ngoài đâu. Nhiều người hỏi mua nhưng mình đều lắc đầu. Ăn thấy ngon, năm nào bạn bè cũng đặt trước vài lọ. Nếu mua ở ngoài chợ 10 nghìn chỉ được vài củ hành muối mà chưa rõ có sạch hay không”, chị Hương cho biết.

Mốt tự làm đồ tết của chị em công sở - 2
Thịt bò khô ngon nhưng nếu không chế biến cẩn thận dễ bị đau bụng. (Ảnh minh họa)

Còn anh Toàn, nhân viên văn phòng ở Nam Định trổ tài nấu bánh chưng. Bạn đồng nghiệp và hàng xóm đang đặt anh hơn 30 chiếc bánh chưng. Cách đây hai năm, anh chung với mấy nhà hàng xóm nấu nồi bánh chưng. Sau vụ đó, nhiều người biết tới anh với tài nấu bánh chưng đẹp và ngon chính vì thế cứ dịp Tết là bà con hàng xóm đã í ới nhau đặt anh làm.

Theo anh Toàn, nấu bánh chưng đơn giản không có bí quyết gì. So với đặt ngoài cửa hàng, bánh chưng tự làm nhiều thịt và đậu hơn, giá cũng phải chăng được mọi người ủng hộ. Đặc biệt, vấn đề an toàn thực phẩm luôn được đảm bảo.

Gạo, đậu xanh, gia vị đã chuẩn bị đủ cả nhưng qua 25 tháng Chạp anh mới rục rịch nấu. “Mình thường gói trước Tết vài ngày để mọi người ăn dần, không như mọi khi gói bánh sát Tết, mọi người lại ngán không ăn được”, anh Toàn nói.

Lo ngại vấn đề an toàn thực phẩm ngày Tết nên người tiêu dùng thường tin tưởng vào những món ăn do ngươi quen tự làm. Tuy nhiên, những loại thực phẩm này lại có điểm hạn chế thường không có nhãn mác cũng như hạn sử dụng, chính vì thế không ít trường hợp gặp phải phiền toái.

Từ đó, anh Đức luôn cảnh giác mọi thức ăn tự làm, đặc biệt là rao bán trên mạng. Theo anh Đức, việc mua hàng của người thân cũng rất ngại trong việc mặc cả cũng như từ chối nhận hàng với những loại đồ ăn không đảm bảo.

Chị Hậu, ở Thanh Xuân cũng tỏ ra nghi ngại với những thực phẩm tự làm. Chị Hậu cho biết: “Mình quen thân thì mới dám mua chứ người này người nọ giới thiệu thì cũng chưa chắc đảm bảo. Như mới đây, mình mua thử ít nem chua một bà chị đồng nghiệp ở quê tự làm gửi lên. Ăn xong đau bụng gần chết.”

“Năm hết Tết đến, vấn đề an toàn thực phẩm luôn đặt lên hàng đầu, hai ba gia đình có thể chung nhau để làm vừa an toàn mà tiết kiệm”, chị Hậu cho biết thêm.

Theo Duy Anh (Vietnamnet)
Nguồn:

Tin liên quan