Nên để dân tự cam kết tình trạng nhà

Ngày 18/07/2013 08:00 AM (GMT+7)

Quan trọng là chế tài kèm theo cần đủ nặng để răn đe và nâng cao trách nhiệm của người cam kết.

“Cách hay nhất là để cho người dân tự cam kết về tình trạng nhà ở. Nếu phát hiện vi phạm, người cam kết sẽ bị chế tài thật nặng” - nhiều chuyên gia góp ý.

Phường có xác nhận cũng không chính xác

Mục đích của việc yêu cầu phường hoặc cơ quan xác nhận tình trạng nhà nhằm bảo đảm các chương trình hỗ trợ đến đúng đối tượng là người chưa có nhà. Nhưng mong muốn này không thể nào đạt được vì cùng lắm phường chỉ quản lý nhà ở trong phạm vi địa phương của mình. Luật không cấm người có hộ khẩu tại nơi này có nhà ở tại nơi khác, cũng không có quy định nào buộc người dân khi thay đổi chủ sở hữu nhà đất phải lên phường xã thông báo. Do không có nguồn dữ liệu quản lý tình trạng sở hữu nhà ở nên UBND phường xã từ chối xác nhận là hoàn toàn dễ hiểu.

Nếu buộc phải xác nhận tình trạng nhà, theo tôi chỉ có Bộ Xây dựng có khả năng cho đáp án chính xác nhất vì đây là đơn vị quản lý nhà toàn quốc. Nếu Bộ Xây dựng cũng chưa làm được vì không có mạng lưới thông tin đầy đủ thì việc giao lại trách nhiệm này cho phường là hoàn toàn không khả thi.

Trong bối cảnh hiện nay, phương án tốt nhất là để người dân tự cam kết và chịu trách nhiệm về việc này. Thậm chí cũng không cần xác nhận chữ ký vì ngân hàng sẽ trực tiếp làm việc với người đi vay.

Luật sư HUỲNH VĂN NÔNG, Đoàn Luật sư TP.HCM

Nên để dân tự cam kết tình trạng nhà - 1

Nên để người dân tự cam kết tình trạng nhà khi đến ngân hàng vay gói 30.000 tỉ đồng. Ảnh: HTD

Để dân cam kết, phạt nặng khi vi phạm

Không có nguồn dữ liệu quản lý mà giao trách nhiệm xác nhận tình trạng nhà ở cho phường hoặc đơn vị công tác của cán bộ, công chức, viên chức là điều không khả thi. UBND phường, xã chỉ có thể xác nhận chữ ký, còn cơ quan chỉ xác nhận được đến mức người này đang công tác tại đây. Còn nếu dán niêm yết tại phường hay đơn vị làm việc thì cũng được nhưng e rằng cũng không mấy người hiểu ý nghĩa của những thủ tục này để giám sát.

Tôi cho rằng hướng giải quyết khả thi nhất trong trường hợp này là để người dân tự cam kết và chịu trách nhiệm nếu có sai phạm. Quan trọng là chế tài kèm theo cần đủ nặng để răn đe và nâng cao trách nhiệm của người cam kết, chẳng hạn, bị thu hồi nhà, phạt tiền… Quốc gia hiện đại về việc quản lý thông tin cá nhân như Mỹ mà cũng còn cho phép người dân tự cam kết việc độc thân khi đăng ký kết hôn. Nhưng nếu phát hiện có gian dối, người cam kết sẽ phải đối diện với án hình sự.

Ông HOÀNG MẠNH THẮNG, Phó phòng Công chứng số 7

Cần sự ràng buộc pháp lý khi cam kết

Phường tôi có đến 60.000 dân, làm sao nắm cho xuể ai có nhà hay chưa để xác nhận tình trạng nhà của họ. Nếu không xác nhận thì đúng là khó cho người dân nhưng cứ buộc phường phải xác nhận thì khó cho chúng tôi quá.

Về việc cho người dân tự cam kết và có xác nhận chữ ký của phường, tôi còn băn khoăn vì đó không phải là ràng buộc pháp lý. Giả sử khi xảy ra sai phạm thì xử lý như thế nào? Theo quy định hiện hành, phường không thể xử phạt người dân do khai báo sai tình trạng nhà.

Ông NGUYỄN GIA THÁI BÌNH, Bí thư Đảng ủy phường Bình Hưng Hòa, quận Tân Phú

Ngành thuế cho dân tự cam kết tình trạng nhà

Theo quy định, thuế thu nhập cá nhân trong trường hợp chuyển nhượng nhà đất sẽ được miễn nếu đây là căn nhà duy nhất của bên chuyển nhượng. Để thực hiện chính sách này, lâu nay ngành thuế cho người dân tự cam kết trong các tờ khai thuế. Đơn này không cần phải về phường, xã xác nhận chữ ký, nơi thường trú vì cũng không có ý nghĩa gì cả (do người dân đã xuất trình sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân cho cơ quan thuế). Trong suốt quá trình thực hiện, tôi thấy cơ chế này rất ổn, không có vấn đề gì.

Ông NGUYỄN MINH QUANG, Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận 12

Đà Nẵng: Chỉ có 21 hộ dân xin vay gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng

“Tính đến ngày 15-7, toàn Đà Nẵng chỉ có 21 hộ dân đến các ngân hàng làm thủ tục vay tiền mua nhà ở trong gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng của Chính phủ (lãi suất 6% năm). Trong đó có 18 hộ vay mua nhà ở xã hội thu nhập thấp và ba hộ vay mua nhà ở thương mại với tổng số tiền hơn 3,7 tỉ đồng” - chiều 16-7, ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP Đà Nẵng, cho biết.

Theo phía ngân hàng, nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do người dân còn vướng mắc về thủ tục, giấy tờ. Một số địa phương không chịu xác nhận thu nhập hay tình trạng nhà cho người vay.

Theo Lê Phi (Pháp luật TPHCM)
Nguồn:

Tin liên quan