Nghề lạ ở Việt Nam: Đến mùa đi hái thứ đặc sản mọc lên từ đá, bán 300.000 đồng/kg mỗi ngày kiếm cả triệu

HÀ ANH - Ngày 26/11/2022 12:21 PM (GMT+7)

Loại mứt biển mọc trên ghềnh đá này chỉ xuất hiện từ tháng 10 đến tháng 12 âm lịch. 

Với những người dân ở làng chài Nam Ô (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), mứt biển không phải là một “thức quà thiên nhiên” xa lạ. Đây là một loại rong biển, mọc bám trên các gành đá ven bờ biển, chỉ xuất hiện vào các tháng 10-12 âm lịch. Mứt biển có giá trị kinh tế cao nên người dân vùng biển Đà Nẵng còn ưu ái gọi nó là “lộc biển”.  

Ở Nam Ô, cứ đến mùa rong mứt biển, dường như cả làng đều ra rạn đá để đi hái rong mứt. Ăn không hết, bà con mang ra chợ huyện để bán. Đó đến nay đã hơn vài chục năm, hái rong mứt trở thành một cái nghề để mưu sinh của nhiều người dân tại Nam Ô (Đà Nẵng). Đặc biệt, đây là công việc nhẹ nhàng, dễ kiếm thêm thu nhập cho những người lao động lớn tuổi. Có nhiều người đã gắn bó với công việc này từ khi còn nhỏ, theo những người lớn trong làng đi hái mứt rồi “theo nghề” hàng chục năm như bà Trương Thị Lược (68 tuổi, trú phường Hòa Hiệp Bắc).

Nghề lạ ở Việt Nam: Đến mùa đi hái thứ đặc sản mọc lên từ đá, bán 300.000 đồng/kg mỗi ngày kiếm cả triệu - 1

Người dân Nam Ô đi hái rong mứt.

Người dân Nam Ô đi hái rong mứt.

Theo bà Lược, cứ đến những tháng cuối năm là bà và người dân Nam Ô lại ra rạn đá dọc biển để đi hái rong mứt biển. Mứt biển chỉ cần trời lạnh và mưa là sẽ mọc phủ kín các gành đá ven biển. Thời gian sinh trưởng cũng rất nhanh, thu hoạch xong nghỉ hai ba hôm là có thể thu hoạch tiếp. Những năm trước rong mứt thường mọc vào tháng 10 dương lịch. Sau mỗi cơn mưa lớn, rong mứt bắt đầu mọc lên tua tủa khắp trên các vách đá. Nhưng năm nay, rong mứt mọc muộn hơn do trời không mưa, nên đến giữa tháng 11 người dân mới bắt đầu đi hái rong biển. 

Mỗi ngày đi hái rong mứt, bà Lược phải dậy từ 2 giờ sáng để chuẩn bị, gần 3 giờ có mặt tại biển để bắt đầu công việc vì giờ đó nước biển cạn. Những ngày nước biển không lớn thì phải 6 giờ sáng bà mới bắt đầu đi hái rong mứt. Dụng cụ để đi hái rong mứt cũng khá đơn giản, người dân tại Nam Ô sẽ chuẩn bị một miếng cào bằng nhôm, sắt cán mỏng để cào mứt ra khỏi mỏm đá, túi lưới đựng rong. Về đồ bảo hộ sẽ có ủng, đi tất để lội qua những mỏm đá sắc nhọn ra sát mép nước biển. 

Nghề hái rong mứt mang lại thu nhập nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro

Nghề hái rong mứt mang lại thu nhập nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro

Các vách đá quanh biển đều có rong mứt mọc lên, nhưng theo bà Lược thì rong mọc ở xa sạch và nhiều hơn rong mọc gần bờ nên nhiều người vẫn bất chấp nguy hiểm, khó khăn để ra xa bờ hái mứt. Nếu lội ra xa, mỗi ngày bà hái được khoảng 2kg mứt. Mỗi kg rong tươi bán với giá từ 250.000-300.000 đồng, nên thu nhập của một buổi đi hái rong mứt là 500.000-600.0000 đồng/ngày.

Còn một cách khác kỳ công hơn là ép rong mứt khô. Rong sau khi hái về, được rửa qua ở nước biển, và rửa thêm hai lần nước ngọt để ráo. Sau khi rửa, ép khô nước, rong phơi khô sau một nắng thành rong khô sẽ được bán với giá 2,5-3 triệu đồng/kg. Nhưng phải đến tầm 10 kg rong tươi thì mới được một kg rong khô. “Tôi vừa ép khô để bán được giá hơn, lại cũng bảo quản để gia đình sử dụng. Quê tôi loại rau này là đặc sản, vừa ngon ngọt lại sạch, an toàn nên phơi khô để dành, chia cho con cái mỗi đứa một ít để dùng dần trong năm. Hơi kỳ công nhưng bù lại rất xứng đáng”, bà Lược cho biết.

Quy trình ép khô rong mứt.

Quy trình ép khô rong mứt.

Cách chế biến các món ăn từ rong mứt ở Nam Ô cũng rất đơn giản nhưng được nhận xét là thơm, ngon hơn nhiều so với những vùng khác. Rong mứt có thể dùng để nấu nhiều món ngon nhưng nổi tiếng nhất vẫn là canh rong mứt nấu tôm, đậu hũ, thịt bò bằm, thịt heo bằm, nấm,.... Rong mứt khô chuẩn bị sẵn, phi hành thơm xào sơ tôm, thịt bằm, đậu hũ, nấm… rồi thêm nước sôi. Đợi đến khi nước sôi già thì tắt bếp, bỏ rong mứt khô vào đợi 30 giây là rong mứt đã nở ra. Lúc này chỉ cần thêm hành ngò, tiêu, nêm nếm gia vị là đã có một chén canh rong mứt “đúng chuẩn” vị Nam Ô.

Cứ vào mùa mứt biển, người dân xã Bình Hải lại kéo nhau về Gành Yến (thuộc thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) - nơi có những bãi đá xếp chồng lên nhau để săn rong mứt. Cũng giống như ở Nam Ô, người dân tại đây cũng không biết nghề này có từ khi nào. Thế nhưng ​​những năm gần đây giá mứt biển rất cao, dao động từ 250.000 - 300.000 đồng/kg nên số lượng người trong xã đi cạo mứt biển ngày càng nhiều, thậm chí thu hút người dân các xã lân cận tìm đến.

Một gia đình như nhà ông Huỳnh Văn Mến và bà Nguyễn Thị Thơ (Quảng Ngãi) có đến 4 nhân khẩu đi hái rong mứt. Dù đi từ sáng sớm nhưng cả nhà ai cũng hồ hởi, tay vừa thoăn thoắt hái mứt miệng vừa cười nói chuyện rôm rả. Chỉ trong một buổi sáng, cả gia đình ông Mến đã thu hoạch được từ 5-7 kg, kiếm được trên 1 triệu đồng/ngày là chuyện bình thường. 

Món canh rong mứt.

Món canh rong mứt.

Để có những lá rong biển ngon nhất, người dân ở đây bắt đầu hái mứt biển ngay từ lúc vừa mọc để giữ nguyên vị của mứt chứ không để mứt phát triển lâu, lá già sẽ mất ngon. Chính vì vậy mà rong mứt ở miền Trung luôn là đặc sản, ông Mến cho hay. Người dân ở đây thường đồn nhau rằng ăn mứt biển sẽ giải độc, thanh mát cơ thể và rất tốt cho sức khoẻ.

Thế nhưng theo bà Thơ: “Cái loại mứt biển này nó chỉ có vào mùa lạnh, năm nào mưa và lạnh nhiều thì năm đó sẽ sinh sôi nhiều. Chính vì vậy làm nghề này phải chấp nhận dầm mưa và chịu rét. Chưa kể phải dậy sớm, ép khô rong mứt cũng cực nhọc, địa điểm họ làm việc chính là các gành đá dọc mép biển, rất nhiều hiểm nguy chực chờ. Vách đá tại Gành Yến rất phức tạp, cộng thêm những cơn sóng hung tợn mùa biển động, là thử thách không nhỏ”. 

Nghề lạ ở Việt Nam: Mang loài đặc sản dưới bùn về nuôi trong nhà, chăm nhàn mà 6 tháng bán thu hàng trăm triệu
Phương pháp nuôi lươn không bùn, cho lươn nghe nhạc của nhiều hộ nông dân tránh được việc lươn giật mình, đột tử, cho giá trị kinh tế cao.

Nghề lạ

HÀ ANH
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Nghề lạ