Nghịch lý “giá một bao thuốc lá bằng một lít sữa”

Ngày 16/11/2014 22:07 PM (GMT+7)

“Ở các nước, như Singapore giá một bao thuốc lá bằng 4 lít sữa, còn Việt Nam thì ngược lại, giá 1 bao thuốc bằng 1 lít sữa”.

ĐBQH Nguyễn Thị Khá, Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề Quốc hội, đoàn ĐB tỉnh Trà Vinh so sánh như vậy tại buổi thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế.

ĐB Khá so sánh để nêu nghịch lý về tình trạng giá thuốc lá hiện đang quá thấp hiện nay dẫn tới buôn lậu tràn lan và hệ lụy xã hội gánh chịu.

Giá thuốc lá đang quá rẻ

ĐB Nguyễn Thị Khá nêu ý kiến, theo quy định pháp luật các mặt hàng thuốc lá, rượu, bia là những mặt hàng không khuyến khích sử dụng nhưng hiện thuế TTĐB đối với các mặt hàng này rất thấp. Trong khi sữa có lợi thì giá rất cao còn thuốc lá có hại cho sức khỏe thì giá lại thấp. Như ở Singapore, giá 1 bao thuốc lá bằng 4 lít sữa; còn Việt Nam ngược lại, giá 1 bao thuốc lá bằng 1 lít sữa.

Nghịch lý “giá một bao thuốc lá bằng một lít sữa” - 1

ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh): Giá thuốc lá quá rẻ là nguyên nhân khiến tỷ lệ người hút cao và mọi biện pháp phòng chống thuốc lá của cơ quan quản lý phản tác dụng

Bà Khá cũng cho rằng việc đưa lý do tăng thuế thuốc lá sẽ làm gia tăng buôn lậu là chưa hợp lý. Vì 2008 tăng thuế thì buôn lậu thuốc lá khoảng 500 triệu bao; 2014 buôn lậu trên 1 tỷ bao, gấp 2 lần trong khi 6 năm qua chưa hề tăng thuế. Thực tế, thuế cao tỷ lệ buôn lậu thấp, thuế thấp thì tỷ lệ buôn lậu lại cao. Tăng thuế sẽ có thêm nguồn thu để đầu tư cho công tác buôn lậu.

Thuốc lá là sản phẩm có tính gây nghiện nên khi kể cả thuế suất cao thì tỷ lệ hút thuốc lá giảm do dân số tiếp tục tăng và 1 số lượng mới hút. Hút thuốc lá lậu là do gu chứ không phải thuốc lá lậu rẻ hơn thuốc sản xuất trong nước.

“Phải đánh thuế thật cao những mặt hàng này để tạo tính răn đe và tác động tới tiềm thức tiêu dùng của người dân” – bà nói.

Cho rằng thuế suất mà Bộ Tài chính đưa ra với thuốc lá là thấp, ĐB Nguyễn Thị Khá đề nghị ngay từ năm 2015 nên áp dụng ngay mức thuế suất 70% và tới năm 2018 tăng luôn lên 90%. Lộ trình tăng thuế theo từng năm hoặc chu kỳ 2-3 năm.

Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề Quốc hội kết thúc bài phát biểu của mình bằng 2 câu vè: “Khi còn trẻ  bán sức khỏe để la cà/Lúc về giá bán nhà bán cửa để mua sức khỏe” thì đã quá muộn.

Là người không hút thuốc và ủng hộ việc tăng thuế TTĐB với thuốc lá, nhưng ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nói rằng, tác hại của thuốc lá quá rõ song tăng thuế không phải là giải pháp duy nhất nếu muốn hạn chế mặt hàng này.

Xét về thu nộp ngân sách thì mỗi năm ngành thuốc lá nộp ngân sách 20.000 tỷ đồng của và 18.000 tỷ đồng của ngành bia là không hề nhỏ. Cũng không thể phủ nhận các mặt hàng này cũng đang là nguồn thu quan trọng của nhiều địa phương. Chưa kể việc đóng góp trong giải quyết việc làm cho người lao động.

ĐB Cương cũng lưu ý, tăng thuế thì phải hạn chế được nạn buôn lậu thuốc lá đang rất nhức nhối làm giảm nguồn thu ngân sách. Năm 2013 buôn lậu làm thất thu ngân sách 6.300 tỷ đồng; 2014 dự tính khoảng 8.000 tỷ đồng, làm ảnh hưởng tiêu thụ thuốc lá trong nước.

“Tăng thuế thuốc lá đang làm mối quan tâm lớn nhất của giới buôn lậu, là niềm vui khôn tả của giới buôn lậu. Việt Nam là vùng trũng của buôn lậu thuốc lá, và tăng thuế sẽ khiến vùng trũng này càng trũng hơn do thuốc lá lậu từ cửa khẩu lại tuồn về”-  Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cảnh báo.

Tăng mạnh thuế bia, rượu “cuốc lủi” càng "khỏe"?

Đa số các ĐB tán thành ý kiến nên nâng mức thuế đối với mặt hàng rượu trên 20 độ lên 70% (phương án Bộ Tài chính là 65%); rượu dưới 20 độ là 40% (phương án Bộ Tài chính đưa ra là 35%). Mặt hàng bia, đề xuất mức thuế 70% từ 1/1/2018 (phương án Bộ Tài chính là 65%).

Nhưng ĐB Nguyễn Sỹ Cương lại tỏ ra không đồng thuận khi thuế suất với mặt hàng bia được “đánh đồng” với rượu. Theo ông, mặt hàng bia sản xuất với độ cồn thấp, thậm chí bằng 0 mà đánh thuế như rượu là không hợp lý.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2014 có tới 80% đồ uống có cồn Việt Nam thuộc về thị trường phi thương mại, chủ yếu là rượu tự nấu, gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng mà không đóng góp ngân sách.

“Nếu chính sách thuế này được áp dụng, nguy cơ người dân sẽ chuyển sang uống các loại đồ uống có cồn khác như rượu cuốc lủi, rượu tự nấu”- ông Cương lo lắng.

Ngoài ra, việc tăng thuế quá cao với mặt hàng bia cũng khiến ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) lo cho sức khỏe của DN ngành này. Ba năm qua DN đã quá ốm yếu và gần như cạn sức để vượt qua khó khăn, trụ vững, nếu tăng thuế sẽ càng đẩy DN vào thế bi đát hơn. Bởi thuế tăng thì giá bán đầu ra tăng lên. Ngoài ra, tăng thuế còn làm giảm sức cạnh tranh hàng trong nước và là cơ hội của DN ngoại.

“Tăng thuế sẽ tăng nguồn thu ngân sách, nhưng theo tôi tăng thuế TTĐB sẽ khiến DN mệt mỏi vì phải gánh quá nhiều loại thuế và thuế liên tục tăng. Trong khi doanh thu của DN giảm thì về lâu dài sẽ làm giảm thu ngân sách chứ không phải tăng” – ông Xuyền nói.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương nhắc nhớ phải chỉ rõ “địa chỉ” để truy trách nhiệm nếu tăng thuế mà thu ngân sách không tăng. “Giờ nói tăng thuế thì tăng thu cho ngân sách, nhưng nếu tăng rồi mà ngân sách không tăng, trách nhiệm sẽ thuộc về ai?” – ĐB Cương thắc mắc.

Ngoài chuyện trách nhiệm thì các ĐB cũng cho rằng, giải trình của Bộ Tài chính về chuyện tăng thuế thì tăng thu ngân sách cần đưa ra cơ sở tính toán khoa học để thuyết phục các ĐB hơn nữa.

Theo Trường Giang (Infonet.vn)
Nguồn:

Tin liên quan