Tín dụng tăng mạnh, lãi suất sẽ như thế nào?

Ngày 29/07/2015 17:08 PM (GMT+7)

Lần đầu tiên sau nhiều năm, tín dụng đối với nền kinh tế tăng mạnh trong nửa đầu năm và tốc độ tăng còn nhanh hơn cả huy động vốn. Liệu tín dụng tăng mạnh có gây sức ép đẩy lãi suất đi lên?

Tính đến cuối tháng 6, tín dụng toàn hệ thống đạt 6,09% (tăng khá mạnh so với mức cùng kỳ 3,72%). Đây cũng là năm đầu tiên tín dụng tăng mạnh và cao hơn huy động vốn (tăng 4,37%).

Riêng tại TP HCM, báo cáo tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm công bố sáng 28-7, UBND TP cho biết tăng trưởng tín dụng cũng nhanh và mạnh hơn huy động. Tổng huy động vốn của các NH thương mại đến cuối tháng 6 ước đạt 1,38 triệu tỉ đồng tăng 3% so với cuối năm, trong khi đó tổng dư nợ tín dụng đạt hơn 1,25 triệu tỉ đồng tăng 5,4% so với cuối năm. Dư nợ tín dụng trung dài hạn tăng khá nhanh thời gian qua và hiện chiếm khoảng 54,7% tổng dư nợ cho vay.

Tín dụng tăng mạnh, lãi suất sẽ như thế nào? - 1

Ảnh TL

Một điều đáng lưu ý, tỉ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP HCM vẫn khá cao, tính đến cuối tháng 4-2015 con số này là 5,6%, tăng so với mức 5,31% cuối năm ngoái.

Ngay từ đầu năm, NH Nhà nước đã đưa ra định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 13-15% cho cả năm 2015. Nhưng chỉ sau khoảng 6 tháng, nhiều NH thương mại đã dùng hết chỉ tiêu cho vay và phải xin điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, trong đó có NH được chấp thuận tăng lên mức cao nhất tới 35%. Đại diện một số NH cho biết cho vay mua nhà và mua xe ô tô đang là 2 lĩnh vực rất khả quan từ đầu năm, khi thị trường bất động sản khởi sắc và lượng xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về Việt Nam tăng mạnh.

Trong khi đó, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục có xu hướng giảm so với cuối năm trước. NH Nhà nước cho biết lãi suất cho vay đã giảm khoảng 0,2%-0,3%/năm so với cuối năm ngoái, phổ biến trong khoảng 9%/năm đối với cho vay ngắn hạn và 9%-11%/năm đối với cho vay trung và dài hạn. Lãi suất cho vay trở về mức thấp trong nhiều năm đã kích thích nhu cầu vay mua nhà, mua xe của người dân.

Tín dụng tăng nhanh hơn huy động, một số NH lo ngại gặp khó khăn thanh khoản đã đẩy lãi suất huy động ở các kỳ hạn lên và gia tăng chương trình khuyến mãi, nhằm thu hút tiền gửi. Trên thực tế, lãi suất tiền gửi đã bất ngờ tăng từ đầu tháng 6, ở một số kỳ hạn và tại một số NH thương mại nhưng lãi suất cho vay thường có độ trễ nhất định.

Theo lãnh đạo một NH thương mại, rất khó để tăng lãi suất cho vay trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp còn khó khăn và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế chỉ mới cải thiện. Có điều, chắc chắn tín dụng tăng mạnh mục tiêu giảm lãi suất cho vay trung dài hạn như NH Nhà nước đề nghị từ đầu năm sẽ khó khăn hơn.

Tại lễ sơ kết chương trình kết nối NH và doanh nghiệp ở TP HCM mới đây, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Hồng đề nghị ngành NH cần giảm thêm lãi suất ưu đãi để hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp. Nhưng theo Phó thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến, mức lãi suất thấp như vừa qua là nỗ lực lớn trong ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Từ đó lãi suất tiền gửi cũng giảm xuống thấp để hỗ trợ cho vay.

“Nhưng lãi suất tiền gửi chỉ giảm đến một mức độ nào đó phù hợp với lạm phát và để vẫn thu hút được vốn vào NH đều đặn là bài toán phải tính kỹ. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm phổ biến ở mức 6%, lãi suất cho vay khoảng 6%/năm đã là cố gắng lớn còn nếu cho vay dưới mức nào các NH sẽ phải cân nhắc tính toán” - ông Tiến phân tích.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng lãi suất huy động nếu giảm thêm sẽ rất khó trong việc thu hút dòng vốn vào NH, trong bối cảnh một số kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản đang hấp dẫn hơn.

Theo Thái Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan