Cuốn sách “Tan Vỡ”, nhưng đã kể một câu chuyện về sự chữa lành

Ngày 25/07/2018 08:00 AM (GMT+7)

Có thể nói, “Tan Vỡ” là một bài ca buồn về muôn ngàn phương thức con người đương đầu với bất hạnh và trống rỗng.

Nó đã đề cập đến những đề tài nổi cộm trong xã hội như: các bệnh tâm lý, bạo hành, xâm hại tình dục, về những đứa trẻ không tổ ấm, nghiện ngập và cả những con người rơi vào cùng cảnh... –  Một quá trình “phượng hoàng và trứng”: bất hạnh hủy hoại con người - con người lại tạo ra bất hạnh. Nhưng mặc dù thể hiện chân thực khía cạnh u tối của cuộc sống, Kathleen Glasgow vẫn thổi vào trong từng câu chữ và từng nhân vật một luồng ánh sáng hy vọng.

Cuốn sách “Tan Vỡ”, nhưng đã kể một câu chuyện về sự chữa lành - 1

Nhân vật chính của câu chuyện này là Charlie Davis. Cô có một quá khứ không mấy hạnh phúc: một người mẹ bạo hành, vô trách nhiệm, một người cha chết vì trầm cảm, và một người bạn mà cô đã đánh mất trên đường đời… Charlie Davis bị mẹ bỏ rơi, phải sống lang thang ngoài đường, cô kết bạn với những đứa trẻ lang thang khác, làm đủ những việc phi pháp để sống sót, từng phải sống trong một nhà thổ, từng suýt bị xâm hại tình dục – và rồi cô tìm đến tự hại như một phương thức an ủi bản thân.

Câu chuyện bắt đầu từ lúc Charlie được đưa vào một bệnh viện tâm thần cho đến khi cô đi ra đời và gặp gỡ rất nhiều con người vừa cùng cảnh lại vừa mang những bất hạnh khác nhau, những người này cũng ôm những vết thương của riêng họ - từ thời thơ ấu, thuở thiếu niên – ôm những mất mát và mưu cầu yêu thương chăm sóc chính đáng nhưng không được đáp ứng. Họ tổn thương nhau và cũng chữa lành nhau.

Cuốn sách “Tan Vỡ”, nhưng đã kể một câu chuyện về sự chữa lành - 2

"... Bạn chắc chắn không hiểu cái cảm giác mỗi ngày, ngày quái nào cũng giống nhau, chìm trong cảm giác cô đơn đến nỗi cái hố đen trong sâu thẳm tim bạn cứ như vậy mà lớn dần, rộng dần, nhấn chìm, nuốt chửng bạn..."  (trích Girl in Pieces - Kathleen Glasgow )

Kathleen Glasgow đã không trốn tránh những khía cạnh u tối của vấn đề, càng không lãng mạn hóa nỗi đau thể xác. Không có nàng công chúa u sầu tự tổn thương bản thân chờ hoàng tử đến cứu - bởi vì thực tế là: "Không ai thích một cô gái trong tình trạng đó cả". Kathleen Glasgow đã không khiến người đọc có ấn tượng sai lầm rằng những cô gái đó tự tổn thương mình để gây sự chú ý và nghĩ rằng rồi sẽ được hạnh phúc. Kathleen đã làm rõ rằng: Charlie nhận thức được mình sẽ trở thành kẻ lạc loài, nhưng nỗi đau trong cuộc đời cô lớn quá mức và cô phải tìm đến một điều gì đó để an ủi, như người bạn Evan của cô tìm đến những liều thuốc đang từng ngày tước đoạt sự sống của mình.

"Tự hại là một hành động có chủ tâm, bao gồm sử dụng da thịt mình như một cách để giải tỏa sự rối loạn cảm xúc. Nó có thể phát sinh từ nhiều lý do, ví dụ như bị xâm hại tình dục, thể chất, tinh thần hoặc lời nói. Bị bắt nạt. Nỗi bất lực. Nỗi buồn. Nghiện ngập."

Kathleen Glasgow đã thể hiện được lý do của Charlie qua những nét bút chạm nhẹ vào quá khứ, người mẹ vô tình, người bố trầm cảm không đủ sức quan tâm, người bạn lạc lối không tìm được đường về, những người bạn lang thang tương lai vô định, cùng cô trải qua những ngày bão gió lạnh lẽo mùa đông chân không chỗ trú, những nơi ác quỷ khoác tấm da người, cùng cô gặp gỡ một người tưởng đâu là hy vọng nhưng cuối cùng lại vẫn bòn rút sức sống của cô từng chút một – và rồi cùng cô tìm thấy thanh thản trong công việc mình yêu thích, trong sự thay đổi cách nhìn nhận, thấy bản thân được vực dậy và được trao cho những cơ hội mới trong cuộc đời, tìm được lối ra đúng… Cuốn sách này đã trả lời được câu hỏi “Tại sao?”

Cuốn sách “Tan Vỡ”, nhưng đã kể một câu chuyện về sự chữa lành - 3

Cuốn sách này sẽ nói với bạn rằng: Ừ, cuộc đời này đôi khi rất khốn khổ bất hạnh, vẫn tồn tại lắm bất công, và đôi khi những bất hạnh đó rơi xuống đầu bạn. Có đôi khi bạn chỉ mong muốn những điều cơ bản như một mái ấm, được yêu thương nhưng cuộc đời cũng không thể trao bạn. Bạn đau đớn đến nỗi phải tìm đến một nỗi đau khác để quên đi. Điều đó hẳn rất buồn, nhưng bạn không có lỗi.

Và rồi sau tất cả những tổn thương, cuốn sách sẽ thầm thì với bạn: Nhưng cho dù vậy, việc bạn làm là sai – hành hạ và trừng phạt bản thân không phải là con đường tìm đến bình yên. Và bạn không phải là một người vô giá trị. Bạn đáng được trân trọng. Bạn càng phải biết yêu lấy chính mình – bởi trên đời này, người quan tâm đến bạn nhất chỉ có thể là chính bạn. Nếu bạn không tử tế và trân trọng bản thân, ai sẽ trân trọng bạn? Nếu bạn chấp nhận phủ nhận chính mình, để mình bị coi thường, bị lợi dụng, bị đối xử bất công nhằm níu kéo một hơi ấm dịu dàng - vậy thì bạn sẽ càng càng lúc càng nhỏ bé đi, nhỏ đến không còn lại gì cả.

Đọc cuốn sách nà, chúng ta sẽ cùng Charlie đi qua bao bước ngoặt quan trọng trong đời. Cùng Charlie trưởng thành. Cùng Charlie học được rằng tổn thương bản thân không thể vỗ về tâm hồn - mà chỉ giống như khát mà đi uống nước biển. Cùng cô gái bé bỏng đó học được rằng: không hạ thấp mình, không tự hủy hoại mình, mở lòng chia sẻ, tìm đến những người tốt đẹp và những điều đẹp đẽ - và rồi cuộc sống này sẽ dần dần dễ chịu hơn, an lành hơn.

Cuốn sách này tên là Tan vỡ, nhưng đã kể một câu chuyện về sự chữa lành.

Tử Dương.
Nguồn: [Tên nguồn].

Tin bài cùng chủ đề Ngon - bổ - rẻ