Cá Phượng Hoàng: Đặc điểm, tập tính, cách nuôi và chăm sóc

Nhật Linh - Ngày 17/10/2021 14:59 PM (GMT+7)

Cá Phượng Hoàng là loài cá cảnh đẹp mắt, được rất nhiều người nuôi cá hiện nay ưa thích và tìm mua. Vậy liệu bạn đã biết gì về loài cá này hay chưa? Hãy cùng tham khảo thông tin trong bài viết sau đây nhé.

Nguồn gốc của cá Phượng Hoàng

Cá Phượng Hoàng có tên khoa học là Mikrogeophagus ramirezi, tên tiếng Anh thường gọi là cá Blue Ram, thuộc họ Cichlidae. Đây là loài cá nước ngọt có nguồn gốc từ vùng lưu vực sông Orinoco, trong vùng thảo nguyên của Venezuela và Colombia ở châu Mỹ. Vì vẻ đẹp tuyệt vời của chúng mà nhiều người ưa chuộng, tìm bắt loài cá này để làm cá cảnh. Hiện nay cá Phượng Hoàng đã được lai tạo rất nhiều để cho ra nhiều màu sắc và chủng loại khác nhau.

Hình ảnh cá Phượng Hoàng

Hình ảnh cá Phượng Hoàng

Thông tin, đặc điểm của cá Phượng Hoàng

1. Về kích thước

Cá Phượng Hoàng có chiều dài trung bình khoảng 7-8cm khi trưởng thành, con cái sẽ có kích thước nhỏ hơn con đực một chút.

2. Về hình dáng

Cá Phượng Hoàng có kích thước nhỏ bé, không to lớn như nhiều loài cá cảnh khác. Thân hình óng ánh, có các đốm màu xanh trắng trên thân, cơ thể nhiều màu sắc rực rỡ khác nhau, phần bụng có màu sắc nhạt hơn so với phần lưng. Vây lưng mọc dài và khá cứng, vây đuôi nhỏ gọn, xòe ra như một chiếc quạt nan nên khá đẹp.

3. Về màu sắc

Cá Phượng Hoàng có rất nhiều màu sắc khác nhau trên thân. Đó là bởi trải qua hàng nhiều năm được lai tạo bởi con người. Tuy vậy thì những chú cá ngoài tự nhiên sẽ mang màu sắc tươi sáng hơn so với những chú cá được lai tạo. Màu chủ đạo của chúng thường là màu xanh dương, vàng, ánh kim, trắng,...

Cá Phượng Hoàng có nhiều màu sắc khác nhau vô cùng đẹp mắt

Cá Phượng Hoàng có nhiều màu sắc khác nhau vô cùng đẹp mắt

4. Về tuổi thọ

Nếu được nuôi dưỡng trong điều kiện tốt nhất, cá Phượng Hoàng có thể sống được từ 4-5 năm. Điều kiện này chủ yếu phụ thuộc vào chất lượng nguồn nước, thức ăn, phòng bệnh và cách chăm sóc của bạn.

5. Về tập tính

Cá Phượng Hoàng thường bơi lội ở khắp các tầng nước trong bể. Chúng ưa thích sống trong môi trường ánh sáng yếu, có nhiều cây thủy sinh và được cung cấp đầy đủ oxy. Ngoài ra chúng chỉ sống được ở những nơi có dòng nước chảy chậm, do khả năng bơi lội không được xuất sắc như nhiều loài cá khác.

Cách nuôi và chăm sóc cá Phượng Hoàng

1. Kích thước bể nuôi

Do cá Phượng Hoàng có kích thước nhỏ cho nên bạn có thể lựa chọn những loại bể có dung tích trung bình như bể 30, 40 hoặc 50 lít. Ngoài ra loài cá này khá hiền hòa và không hiếu chiến, cho nên bạn có thể nuôi nhiều cặp cá đực và cá cái chung trong cùng một bể. Bên cạnh đó, bể cá của bạn cần phải có các cây thủy sinh ở bên trong và phải có sục khí oxy để cung cấp dưỡng khí cho cá Phượng Hoàng.

2. Môi trường sống

Cá Phượng Hoàng có thể sinh trưởng tốt và sống lâu hơn nếu như môi trường sống của chúng thỏa mãn các yếu tố như:

- Nhiệt độ nước: Nước ấm từ 25-30 độ C

- Độ pH: 5-6

- Độ cứng: Nước mềm từ 5-12 dGH

Cá Phượng Hoàng ưa thích môi trường nước ấm

Cá Phượng Hoàng ưa thích môi trường nước ấm

3. Lựa chọn giống cá khi nuôi

Khi bạn muốn nuôi cá Phượng Hoàng, hãy lựa chọn những chú cá khỏe mạnh, bơi tốt khắp bể, màu sắc sặc sỡ. Như vậy sẽ giúp bạn có thể nhân giống ra những chú cá con khỏe mạnh trong tương lai cũng như tiết kiệm được công sức chăm sóc.

Cá Phượng Hoàng: Đặc điểm, tập tính, cách nuôi và chăm sóc - 4

4. Thức ăn cho cá Phượng Hoàng

Cá Phượng Hoàng là loài cá ăn tạp như nhiều loài cá khác hiện nay. Chúng thường hay ăn những ấu trùng, xác côn trùng và các loài bọ khác trong môi trường nước. Tuy nhiên bạn cũng nên cân bằng dinh dưỡng cho chúng bằng các loại thức ăn dành riêng cho cá phù hợp. Không nên để chúng ăn thịt quá nhiều.

5. Sinh sản

Khi cá Phượng Hoàng trưởng thành, chúng có thể bắt đầu quá trình sinh sản của mình. Khi đẻ trứng, con cái sẽ đặt những quả trứng vào trong những chỗ trũng nhỏ được con đực đào lên. Sau đó cả hai sẽ cùng bảo vệ lãnh thổ cũng như số trứng quý giá này. Trong một lần sinh nở, cá Phượng Hoàng cái có thể cho ra hơn 300 trứng.

Mặc dù có một số trường hợp cho thấy rằng cá bố mẹ có thể ăn thịt cá con khi mới nở. Vậy nên bạn có thể tách riêng cá bố mẹ ra khỏi bể chứa cá con để ngăn chúng ăn thịt đồng loại. Chỉ mất khoảng 4-5 tuần là cá con có thể tự bơi lội và kiếm ăn được, khi đó thì bạn mới có thể thả cá bố mẹ vào sống chung với những chú cá con.

Một số loại bệnh mà cá Phượng Hoàng có thể gặp phải

1. Bệnh đốm trắng

Căn bệnh này khiến cho chú cá của bạn xuất hiện các vết đốm trắng nhỏ li ti trên thân. Bệnh này chủ yếu do các ký sinh trùng có trong nguồn nước gây ra và bám vào cá Phượng Hoàng. Dần dần các ký sinh trùng này sẽ hút máu, làm hoại tử vây, mang của cá, khiến chú cá của bạn nhanh chết.

Cách chữa trị hiệu quả cho căn bệnh đốm trắng này, chủ yếu là việc đảm bảo nguồn nước nuôi cá phải thật sạch sẽ, không có vi khuẩn. Ngoài ra bạn cũng có thể dùng các loại thuốc diệt khuẩn để cho vào bể cá nếu thực sự cần thiết. Hoặc bạn cũng có thể pha thuốc tím với tỷ lệ 1g thuốc cho 1 lít nước bể để loại bỏ ký sinh trùng.

2. Bệnh thối vây, đuôi

Căn bệnh này xảy ra do nguồn nước trong bể nuôi cá bị ô nhiễm nặng, từ đó khiến cho cá Phượng Hoàng gặp phải các loại vi khuẩn gây bệnh và gây ra sự ăn mòn, thối rữa của vây cá. Tình trạng này nếu không được xử lý sẽ khiến cho tất cả những con cá khác trong bể bị nhiễm bệnh theo và chết sớm.

Cách xử lý tốt nhất vẫn là phải đảm bảo nguồn nước trong bể phải chất lượng, an toàn, sạch sẽ, không có vi khuẩn ở trong. Bên cạnh đó, bạn có thể dùng các loại thuốc như Acriflavine hoặc Phenoxethol để điều trị cho chú cá của bạn thay vì các biện pháp tốn kém khác.

Bệnh thối vây, thối đuôi xảy ra ở cá

Bệnh thối vây, thối đuôi xảy ra ở cá

3. Bệnh nấm

Căn bệnh này xảy ra do một loại vi khuẩn có tên là Chondrococcus gây ra. Bệnh sẽ gây ra những vết nấm, nốt sùi quanh miệng, mang, hoặc thân của cá Phượng Hoàng. Bệnh này có khả năng lây lan nhanh chóng, do đó bạn cần cách ly những con cá khỏe mạnh khác ra khỏi bể để không bị nhiễm bệnh. Bệnh nấm chỉ có thể được chữa bằng cách sử dụng thuốc kháng sinh đặc biệt cho loài cá.

4. Bệnh chướng bụng

Căn bệnh này hầu hết những con cá nào cũng đều có thể gặp phải. Bệnh xảy ra khi cá Phượng Hoàng ăn uống quá nhiều thứ tạp chất không thể tiêu hóa được. Lượng thức ăn tích tụ đó hóa thành chất lỏng và gây ra chướng bụng cho chúng. Bệnh có thể được chữa trị bằng cách dùng bơm kim tiêm để rút bớt lượng chất lỏng thừa đó ra ngoài, nhờ đó mà chú cá của bạn sẽ khỏe mạnh trở lại.

Cá Phượng Hoàng nuôi chung với cá nào?

Cá Phượng Hoàng có tính cách rất hiền hòa, không hề hiếu chiến, hòa hợp với rất nhiều loại cá cảnh khác mà bạn nuôi trong bể. Tuy nhiên để đảm bảo các chú cá của bạn chung sống hòa bình với nhau, bạn chỉ nên nuôi những loài cá có kích thước tương đồng với cá Phượng Hoàng, như là cá Neon, cá Guppy,... Bạn cũng nên cân nhắc việc nuôi một số loài cá chọi hiếu chiến trong bể khi có mặt cá Phượng Hoàng nhé.

Tủ lạnh bỗng dưng rung lắc, ồn ào như máy giặt, kiểm tra 5 chỗ này ngay hôm nay
Tiếng rung lắc rất khó phân biệt, đa phần chỉ phát ra tiếng kêu "ù ù" khiến người ta lầm tưởng đó là tiếng máy nén khi đang hoạt động.

Mẹo vặt gia đình

Nhật Linh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Cá cảnh đẹp