Cây Phượng Vĩ - Đặc điểm, cách trồng và ý nghĩa loài cây hoa của mùa hè

Nhật Linh - Ngày 18/05/2021 09:59 AM (GMT+7)

Cây Phượng Vĩ là loài cây vô cùng nổi tiếng, gắn bó với biết bao nhiêu kỷ niệm của thời học trò, sinh viên. Vậy bạn đã biết đến ý nghĩa của loài cây báo hiệu mùa hè đến này hay chưa.

Nguồn gốc, đặc điểm của cây Phượng Vĩ

Cây Phượng Vĩ hay cây hoa phượng, cây phượng đỏ, có tên khoa học là Delonix regia, là loài thực vật thường sinh sống tại những cánh rừng nhiệt đới nguyên sinh hoặc tại những nơi có khí hậu cận nhiệt đới. Nguồn gốc xuất xứ chính xác của cây Phượng Vĩ bắt nguồn từ các cánh rừng tại Madagascar. Cây Phượng Vĩ được trồng nhiều tại Việt Nam để làm cây cảnh, cây trang trí và che bóng mát.

Cây Phượng Vĩ là cây thân gỗ, có chiều cao trung bình từ 10-15 mét, đôi khi chúng ta có thể thấy những cây cao đến 20 mét. Cây có tán lá tỏa vô cùng rộng và dày đặc cho nên được dùng để tạo bóng mát vô cùng tốt. Đó là lý do nhiều trường học thường trồng loại cây này trong khuôn viên để che mát cho học sinh. Hoa Phượng Vĩ có màu đỏ rực đặc trưng, hoa gồm 4 cánh có chiều dài từ 6-8cm, cánh hoa thứ 5 thì lại mọc thẳng và có kích thước lớn hơn 4 cánh còn lại và có đốm trắng hoặc vàng.

Cây Phượng Vĩ - Đặc điểm, cách trồng và ý nghĩa loài cây hoa của mùa hè - 1

Hình ảnh cây Phượng Vĩ

Cây Phượng Vĩ có khả năng tạo quả, quả của cây có màu nâu sẫm, có thể to đến 60cm, hạt bên trong có thể ăn được. Lá cây Phượng Vĩ thuộc loại lá phức có hình dạng lông chim kép, có chiều dài khoảng 40-50cm. Cây Phượng Vĩ chỉ phù hợp trồng tại những nước có khí hậu nhiệt đới hoặc cận nhiệt, tuy nhiên chúng vẫn có thể sinh sống được tại những vùng đất ngập mặn hoặc khô hạn cao.

Công dụng của cây Phượng Vĩ trong đời sống

Mặc dù cây Phượng Vĩ được trồng rất nhiều tại nước ta, nhất là tại khuôn viên các trường học hoặc ngoài đường phố. Thế nhưng tuổi thọ của loại cây này lại không cao, chỉ sống khoảng 30-40 năm đã là nhiều, rễ không ăn sâu và tỏa trong đất, thân cây dễ bị sâu bệnh tấn công và làm mục rỗng. Tuy nhiên bỏ qua những nhược điểm trên thì đây vẫn là loài cây phù hợp để trồng tạo bóng mát, làm đẹp cho cảnh quan xung quanh bởi màu đỏ rực tươi đẹp mà hoa Phượng Vĩ mang lại.

Bên cạnh đó, gỗ của cây Phượng Vĩ có thể được dùng để chế tác đồ vật, làm ván, đóng hòm,... Vỏ cây Phượng Vĩ có thể bào chế thành dược liệu có tác dụng hạ sốt, hạ huyết áp, giảm sưng đau các khớp,... Lá cây Phượng Vĩ có khả năng trị táo bón, đầy bụng và ợ hơi.

Ý nghĩa cây hoa Phượng Vĩ

Cây Phượng Vĩ có cái tên độc đáo đến như vậy là do được ghép từ chữ Hán Việt (vĩ là đuôi, phượng là con chim phượng). Đây là cách đặt tên dựa vào hình dạng của loài hoa phượng khi nở trông giống như đuôi của chú chim phượng vậy. Ngoài ra, đây là loài cây đặc biệt gắn bó với nhiều thế hệ học sinh, sinh viên, bởi cứ khi nào hoa Phượng Vĩ nở là báo hiệu rằng mùa hè đã về rồi, đến lúc chia tay giảng đường, chia tay bạn bè rồi.

Tại Việt Nam, Hải Phòng là thành phố trồng nhiều cây hoa Phượng Vĩ nhất, nó nổi tiếng đến mức xuất hiện trong cả thơ ca và âm nhạc, viết về những năm tháng kỷ niệm của lứa tuổi học trò hồn nhiên và ngây thơ. Do đó cây hoa Phượng Vĩ còn được nhiều người trìu mến gọi là cây hoa học trò.

Cây Phượng Vĩ - Đặc điểm, cách trồng và ý nghĩa loài cây hoa của mùa hè - 2

Cây Phượng Vĩ là loài cây hoa báo hiệu mùa hè đến

Cách trồng và chăm sóc cây Phượng Vĩ tốt nhất

1. Phương pháp trồng

Cây Phượng Vĩ chủ yếu được trồng bằng hạt giống, cụ thể quá trình gieo trồng như sau:

- Hạt giống trước khi gieo sẽ được mang đi ngâm trong nước ấm để kích mầm. Ngâm hạt khoảng 10-12 tiếng sau đó đem ủ hạt ở trong khăn vải sạch.

- Khi hạt giống bắt đầu có hiện tượng nứt vỏ để nảy mầm thì tiến hành đem ra khay để ươm giống. Đặt hạt giống xuống khay có chứa cát ẩm rồi vùi lấp hạt lại, sau đó phủ lên trên bề mặt hạt một chút rơm rạ mỏng.

- Đến khi nào hạt giống nảy mầm mạnh mẽ hơn thì bỏ đi lớp rơm rạ phía trên. Thường xuyên cung cấp đủ độ ẩm cho cát cũng như hạt giống trong quá trình ươm, không để hạt giống gặp ánh nắng Mặt Trời trực tiếp.

- Khi cây non bắt đầu hình thành và khỏe mạnh, đạt đủ độ tuổi cần thiết từ 2-3 tuần tuổi thì mang đi trồng ngoài hố đất đã chuẩn bị.

2. Đất trồng

Cây Phượng Vĩ có thể trồng ở bất kỳ loại đất nào, tuy nhiên bạn cần bổ sung thật nhiều dinh dưỡng và độ ẩm cho đất để cây có thể sinh trưởng một cách tốt nhất. Sau khi đã đặt bầu cây non vào hố đất trồng, bạn cần tiến hành dựng cọc chống để cố định cho cây không bị đổ khi mới trồng. Sau khoảng 4-5 tháng kể từ khi dựng cọc, nếu thấy cây đã đứng vững chắc thì tiến hành tháo cọc ra.

3. Nước tưới

Thường xuyên duy trì lượng nước tưới cần thiết cho cây, nên tưới ít nhất 1 lần/ngày nhất là trong giai đoạn mới trồng cây Phượng Vĩ, có thể tăng thêm lần tưới nếu thời tiết bước vào giai đoạn nắng nóng kéo dài.

Cây Phượng Vĩ - Đặc điểm, cách trồng và ý nghĩa loài cây hoa của mùa hè - 3

Cây Phượng Vĩ rất cần được chăm sóc tốt bởi chúng dễ bị sâu bệnh tấn công

4. Bón phân

Tiến hành bón phân trước khi bắt đầu đặt cây non vào trong hố đất tầm 1 tháng. Sử dụng phân NPK và phân chuồng ủ mục để bón lót, sau khi cây đã trưởng thành và chuẩn bị cho ra hoa thì tiến hành bón thúc liên tục trong 90 ngày với phân NPK pha loãng. Khi bón cần bón cách xa gốc cây từ 10-20cm, tưới nước nhiều hơn trong giai đoạn này để cây Phượng Vĩ có thể sinh trưởng tốt nhất.

5. Phòng sâu bệnh

Cây Phượng Vĩ rất dễ là nơi trú ngụ của nhiều loại sâu phá hoại và đục thân khác nhau. Do đó bạn cần chú ý quan sát xem cây có đang bị sâu làm tổ hoặc sâu đang ăn lá hay không để tiến hành phun thuốc. Lựa chọn thuốc trừ sâu cần tuân theo chỉ dẫn ghi trên bao bì sản phẩm.

Cây chuỗi ngọc - Đặc điểm, ý nghĩa, cách trồng và chăm sóc cây
Cây chuỗi ngọc hay còn được biết đến là cây rìa xanh, cây thanh quan,... là một loài cây đẹp, thường được trồng để làm cây cảnh cho công viên, trang...

Nhật Linh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Cây cảnh độc đáo