Giai thoại về “cây thị ăn thề” rỗng gốc hơn 700 năm tuổi

Ngày 16/02/2016 10:26 AM (GMT+7)

Cây thị với tuổi thọ hơn 700 năm sừng sững giữa đất trời, cành lá xum xuê, xanh tốt, rỗng gốc đã trở thành dấu tích chứng minh tình huynh đệ giữa Lê Lợi và Nguyễn Tuấn Thiện.

Cứ đến mỗi dịp tết đến xuân về hay vào ngày 17 tháng giêng âm lịch, trước ngày giỗ của Huân quản công Nguyễn Tuấn Thiện (18/1 ÂL), dân làng và những người khách xa xứ đều tụ hội về dưới gốc cây thị này thắp hương, dâng hoa, làm lễ cầu nguyện cho gia đình một năm nhiều thuận lợi và may mắn về sức khỏe, công việc, mùa màng, mọi sự tốt lành.

Cây thị cổ này nằm trong khu vườn của gia đình anh Uông Trung Hòa (SN 1960) ở xóm Kim Sơn, xã Sơn Phúc, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) được xác định đã hơn 700 năm tuổi.

Giai thoại về “cây thị ăn thề” rỗng gốc hơn 700 năm tuổi - 1

Cây thị 700 năm tuổi ở xã Sơn Phúc, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh).

Anh Hòa cho biết: “Khi tôi sinh ra đã thấy gốc thị ở đó rồi. Qua thời gian với sự phát triển vươn mình, cây thị cao khoảng gần 50m, tán lá rộng 30m, chu vi gốc gần 13m, thân thon nhỏ dần lên ngọn với thân cây rỗng gốc cao khoảng 5m, nhiều người có thể ẩn nấp bên trong”.

Ở phía dưới gốc cây, con cháu và người dân địa phương đã đóng góp kinh phí lập đền thờ, đặt tên là "Gốc thị sử tích” với những dòng chữ khắc nổi “Mùa thu ất Tỵ 1425 Lê Lợi - Nguyễn Tuấn Thiện tuyên thệ/ Thệ Phát Sơ Thù Minh Thị Hạ/ Quyết Tâm Bất Dịch, Trợ Hòa Đao”.

Giai thoại về “cây thị ăn thề” rỗng gốc hơn 700 năm tuổi - 2

Hằng năm, đặc biệt vào dịp Tết, người dân, khách qua đường đều ghé qua “cây thị ăn thề” để thắp hương, tế lễ.

Ông Nguyễn Hoàng Giơi (SN 1933) đời thứ 20 của dòng họ Nguyễn Tuấn Thiện theo gia phả của dòng họ Nguyễn Tuấn ghi chép kể lại, vào những năm nửa đầu thế kỷ XV (1424 - 1425), khi giặc Minh xâm lược nước ta, vua Lê Lợi từ Thanh Hoá phải chuyển nghĩa quân vào vùng núi Thiên Nhẫn (giáp ranh hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh) để tập hợp binh lính và chờ thời cơ.

Giai thoại về “cây thị ăn thề” rỗng gốc hơn 700 năm tuổi - 3

Ông Nguyễn Hoàng Giơi (SN 1933) con cháu đời thứ 20 của dòng họ Nguyễn Tuấn Thiện. 

Cây thị cổ này gắn liền với rất nhiều truyền thuyết về một thời khai sinh lập quốc của vua Lê Lợi. Trong một lần đánh nhau với giặc Minh, bị giặc ráo riết truy lùng, Lê Lợi đã liền chạy vào ẩn mình trong hốc cây. Lúc bấy giờ, giặc Minh cho chó săn và lính đuổi theo, vừa đến gốc thị, quân địch đoán chắc Lê Lợi đang ẩn nấp ở đó nên binh lính đã dùng gươm giáo xỉa liên tục vào cây.

Lê Lợi đã lựa tránh những mũi giáo đâm chạm vào mình thì bỗng nhiên có con cáo từ trên cây thị xuất hiện và chạy ra ngoài, trong bóng tối giặc nhầm tưởng là có người chạy nên đã cho chó và lính đuổi theo. Nhờ vậy mà Lê Lợi đã có thể trốn thoát.

Tại đây, ông gặp nghĩa quân Cốc Sơn do Nguyễn Tuấn Thiện lãnh đạo nhân dân trong vùng đứng lên chống giặc Minh. Ngay từ lần đầu gặp gỡ, hai người đã có cùng chung chí hướng, tiếng nói chung, quyết định kết hợp lực lượng cùng giết ngựa trắng uống máu, cắt tóc ăn thề, kết nghĩa tình anh em ngay dưới gốc cây thị cổ thụ này.

Kể từ đó, người dân trong vùng gọi đây là “cây thị ăn thề” hay “gốc thị sử tích”. Bốn câu thơ vẫn được người dân lưu truyền để ghi nhớ giai thoại này: “Cắt tóc, giết ngựa trắng/Dưới gốc thị thề nguyền/Nguyện đồng tâm đồng chí/Phá giặc xây cơ đồ”.

Giai thoại về “cây thị ăn thề” rỗng gốc hơn 700 năm tuổi - 4

Cây thị rỗng gốc từng là nơi Lê Lợi ẩn nấp, trốn thoát khỏi giặc Minh.

Trải qua hàng trăm năm, cây thị vẫn phát triển xanh tốt, sừng sững hùng vĩ giữa đất trời, cành lá sum suê vươn cao che bóng mát quanh năm. Người dân trong làng xem cây thị như là “bảo vật vô giá”, niềm tự hào của tất cả mọi người.

Ông Giơi cho biết thêm, năm 2015, đền thờ gốc thị đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Theo Hương Ly
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan