Lưu ý quan trọng khi tỉa chân nhang, bao sái ban thờ ngày 23 tháng Chạp

Ngày 20/01/2022 05:13 AM (GMT+7)

Tết nguyên đán đã cận kề, các gia chủ thường chọn ngày Hoàng đạo để tiến hành tỉa chân nhang, bao sái ban thờ - việc đơn giản nhưng lại rất quan trọng và cần làm đúng phép vì sợ phạm lỗi với Thần linh và gia tiên.

Sau Rằm tháng Chạp bắt đầu tỉa chân nhang

Tỉa chân nhang, bao sái ban thờ nên chọn ngày Hoàng đạo. Thời gian tốt nhất để tiến hành là ngày 23 tháng Chạp - là ngày 3 vị Táo quân về trời, nhà nhà có thể dọn dẹp ban thờ để đón các vị Táo quân trở về trần gian, chuẩn bị đón gia tiên về ăn Tết được trang nghiêm, sạch sẽ.

23 tháng Chạp 3 vị Táo quân về trời, nhà nhà có thể bao sái ban thờ để chuẩn bị đón Tết. Ảnh minh họa.

23 tháng Chạp 3 vị Táo quân về trời, nhà nhà có thể bao sái ban thờ để chuẩn bị đón Tết. Ảnh minh họa.

Trước khi tỉa chân nhang ngày 23 tháng Chạp nên chuẩn bị mâm lễ nhỏ gồm:

- Lễ vật: Hương, nến, hoa quả, trầu cau, nước, tiền mã (vàng mã theo truyền thống, nhưng hạn chế).

- Khăn sạch để lau ban thờ.

- Rượu gừng, hoặc nước ngũ vị hương, nước vỏ bưởi, nước gừng… để bao sái ban thờ.

Thủ tục tỉa chân nhang, bao sái ban thờ ngày 23 tháng chạp

Gia chủ cần lưu ý tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc gọn gàng.

Sắp xếp mâm hoa quả đặt lên trước khi dọn ban thờ và đồ thờ cúng.

Sau đó thắp 3 nén hương kính cáo Thần linh và tổ tiên cho gia chủ chuẩn bị bao sái ban thờ, tỉa chân nhang cho sạch sẽ... chuẩn bị đón Tết. Mong thần linh và tổ tiên tạm lánh để con cháu bao sái, lau dọn được sạch sẽ.

Văn khấn tùy thầy, tùy nhà mà có bài văn khấn phù hợp, nhưng có thể đọc theo cuốn Văn khấn nôm Việt Nam (một số người cẩn thận còn gieo đài âm dương, nếu được 1 âm 1 dương thì mới tiến hành bao sái), còn phần lớn chờ tuần hương cháy hết thì bắt đầu bao sái ban thờ.

Về nguyên tắc chỉ được di chuyển bình hoa, chén nước, đỉnh đồng, đèn... trên ban thờ. Riêng bát nhang, bài vị đã ổn định thì không nên xê dịch.

Lưu ý quan trọng khi thực hiện tỉa chân nhang ngày 23 tháng Chạp là nếu trong nhà có 2 bàn thờ (bàn thờ gia tiên và bàn thờ Táo quân) thì đều phải tỉa chân nhang.

- Người thực hiện việc dọn dẹp ban thờ, tỉa chân hương phải là người cẩn thận, có tâm trong việc thờ cúng. Khi tiến hành bao sái cũng phải tắm rửa sạch sẽ, làm việc thành tâm.

- Chổi quét hoặc khăn lau bàn thờ thường được dùng riêng, và rất hạn chế sự chung đụng.

- Nước lau bàn thờ là nước sạch, sau đó tiếp tục dùng rượu trắng pha với gừng giã giập (hoặc nước vang – nước ngũ vị hương) để lau sạch bàn thờ.

Khi chân nhang nhiều, bát hương đầy cần bao sái ban thờ, tỉa chân nhang. Ảnh minh họa.

Khi chân nhang nhiều, bát hương đầy cần bao sái ban thờ, tỉa chân nhang. Ảnh minh họa.

Khi lau bát nhang, bài vị cần dùng khăn sạch lau 1 lần, sau đó phun rượu pha gừng giã nhỏ, (hoặc nước hoa, ngũ vị hương…) lau lần nữa. Người biết thì vừa lau và đọc chú làm sạch pháp giới, người không biết thì đeo khẩu trang bao sái (vừa không thở làm vấy bẩn đồ thờ cúng, vừa không hít tàn hương vào hệ hô hấp).

Sau khi bao sái xong, chọn 5 chân nhang đẹp (nhiều người chọn chân nhang còn cuốn tàn) để lại trong bát hương. Tro hương nếu đầy có thể dùng thìa sạch múc bớt đi. Chân hương đã tỉa đem hóa, thả tro vào sông suối, gốc cây... nơi không ô uế, hoặc bị nhiều người đi lại giẫm lên.

Sau khi bao sái, dọn dẹp sạch sẽ thì thắp tuần hương mới kính cáo thần linh, gia tiên là đã hoàn thành công việc. Có thể biện một lễ nhỏ (hoa quả, rượu trầu cau... nhưng không có cũng không sao vì thần linh và gia tiên luôn chứng giám tấm lòng thành tâm của con cháu chứ không đòi hỏi), rồi tụng Chú Đại bi 3 lần, hoặc đọc kinh Dược Sư cầu an cho cả nhà.

Ngày đẹp giờ tốt có thể chọn để tỉa chân nhang, bao sái ban thờ

Sau rằm tháng Chạp là tỉa chân nhang, bao sái ban thờ được, nhưng nên chọn ngày Hoàng đạo, kỹ lưỡng hơn thì chọn ngày hợp với công việc tế tự, hoặc ngày bách sự nghi dụng.

Theo tính toán, thời gian tốt nhất để tỉa chân nhang, bao sái ban thờ là ngày 23 tháng Chạp - đó là ngày mà theo dân gian các Táo quân đã về trời để bẩm tấu Thiên đình những điều xảy ra trong gia đình gia chủ 1 năm qua. Nhân lúc các Táo đi vắng thì gia chủ tranh thủ dọn dẹp sạch sẽ thể hiện tâm thành biết ơn quan Thần linh, Táo quân, gia tiên tiền tổ... và chuẩn bị đón tổ tiên về ăn Tết cho sạch sẽ, trang nghiêm.

Hiện nay nhiều gia đình thờ cả họ đằng ngoại trên bàn thờ gia tiên - việc này là hợp cách theo quan niệm mới là "Nội Ngoại cân bằng như nhau". Nhiều họ đằng ngoại không có con trai thì con rể thờ phụng cũng là cách thể hiện tấm lòng báo hiếu cha mẹ vợ.

Lưu ý bàn thờ Gia tiên thờ tổ tiên nhà mình. Nếu đặt bát hương thần linh lên bàn thờ Gia tiên là không đúng. Nếu để bát hương Phật Bà Quan Âm càng không được. Bởi lẽ Gia tiên không thể "ngồi cùng" Thần linh và Phật được, muốn thờ cần lập bàn thờ riêng.

- Một số nhà không lập bàn thờ ông Táo, mà thờ chung trên bàn thờ gia tiên. Họ đặt bát hương ông Táo ở bên phải cao hơn bát hương gia tiên. Sự kết hợp này không hợp lý, mà nên có bàn thờ ông Táo riêng.

- Một số nhà bàn thờ có nhiều bát hương từ cụ tổ, ông, bà, cha, mẹ… nên quy về một bát hương hội đồng thờ chung tất cả là tốt nhất.

- Bà Cô, Ông Mãnh là những người chết trẻ - được dân gian cho là rất thiêng. Bát hương Bà Cô, Ông Mãnh nếu để cùng bàn thờ Gia tiên nên thấp và nhỏ hơn bát hương Gia tiên.

Có nên đặt bàn thờ ở tầng 1 không? Những nhà 2 tầng trở lên cần lưu ý điều này
Việc có nên đặt bàn thờ ở tầng 1 không cũng là vấn đề được nhiều gia chủ cân nhắc và xem xét hiện nay. 

Phong thủy nhà ở

Theo Phong thủy sư Tam Nguyên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Phong thủy nhà ở