Trên mâm cơm của người Việt không thể thiếu dưa muối. Vị chua chua, giòn giòn của dưa sẽ giúp kích thích vị giác, giảm bớt vị ngấy của nhiều món ăn. Tuy nhiên, nếu ăn dưa muối quá nhiều, quá thường xuyên, bạn sẽ dễ gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe.
Trong dưa muối có chứa nhiều các nitrit, khi nạp vào cơ thể, chúng sẽ phản ứng với các amin tạo thành chất gây ung thư. Do đó, chuyên gia khuyên bạn không nên ăn nhiều vì dễ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
Hàm lượng vitamin C trong dưa cải rất ít, nhiều chất dinh dưỡng sẽ bị mất đi trong quá trình ngâm chua, làm ảnh hưởng đến giá trị dinh dưỡng của món ăn này. Không những thế, nó còn làm giảm hiệu quả hấp thu sắt của cơ thể dẫn tới tình trạng thiếu máu.
Dưa muối là thực phẩm ngâm chua và chứa nhiều axit. Nếu ăn nhiều trong thời gian dài sẽ tác động không tốt đến niêm mạc dạ dày. Nhất là những người mắc bệnh dạ dày, ăn dưa muối dễ bị đau bụng, đầy hơi, nôn trớ…
Mặc dù ăn dưa muối có hại cho sức khỏe nhưng nếu biết cách ăn thì món ngâm chua này sẽ mang tới không ít những lợi ích.
Trong dưa cải muối chua có chứa nhiều axit hữu cơ, trong đó phải kể đến axit lactic. Loại chất này giúp kích thích cảm giác thèm ăn.
Nguyên liệu muối dưa cải là các loại rau nên rất giàu chất xơ, có tác dụng nhuận tràng cực kỳ tốt, thích hợp cho người bị táo bón.
Trong món dưa này còn có hàm lượng probiotic dồi dào, cực kỳ có lợi cho sức khỏe. Ăn dưa muối đúng cách sẽ giúp cải thiện chứng đầy bụng, khó tiêu cực kỳ hiệu quả.
Với 2 lợi ích trên, chuyên gia nhận định ăn dưa cải ăn tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, không nên ăn quá nhiều và thường xuyên.
Ngoài ra, để đảm bảo dưa muối sạch, ngon, hợp vệ sinh, bạn nên muối ở nhà thay vì mua sẵn ngoài chợ. Tham khảo một số mẹo muối dưa cực đơn giản dưới đây, đảm bảo dưa vàng ươm, giòn ngon, để cả năm không bị khú.
Cách muối dưa cải đơn giản nhưng không phải ai cũng làm ra được một lọ dưa vàng ươm, giòn ngon. Vậy có bí kíp nào để dưa muối ngon “đỉnh của chóp” hay không?
Ở mỗi một vùng miền sẽ có những cách muối dưa khác nhau và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt về hương vị. Thông thường, người Việt sẽ dùng cải bẹ hoặc bắp cải để làm dưa muối nhưng cũng có nơi sử dụng cải thảo.
Có thể bạn chưa biết thêm một chút rượu vào hũ sẽ tăng thêm mùi thơm đồng thời giúp dưa chua ngon hơn. Ngoài ra, rượu còn có tác dụng diệt các loại vi khuẩn không tốt.
Bạn nên phơi rau cải cho héo đi sau đó ngâm với nước. Kinh nghiệm cho thấy, rau càng ít nước thì dưa muối xong sẽ càng giòn.
Thường bạn có thể phơi rau dưới ánh nắng mặt trời khoảng 1 ngày hoặc hong ở nơi thoáng mát trong thời gian 3 ngày là được.
Thực tế, việc thêm muối không phải để dưa cải ngon hơn mà là tạo môi trường cho vi khuẩn lactic lên men giúp cải vàng và chua. Do đó, lượng muối thêm vào cần được kiểm soát tốt.
Quá ít muối thì dễ sinh vi khuẩn còn quá nhiều muối sẽ ức chế sự sản sinh vi khuẩn lactic.
Tuyệt đối không dùng nước máy để muối dưa, cách đúng nhất là sử dụng nước vo gạo để thay thế. Vì trong nước vo gạo có chứa các chất giúp việc ngâm chua sẽ tốt hơn. Bên cạnh đó, nó cũng thúc đẩy quá trình lên men và giúp dưa nhanh chua hơn.
Nghiên cứu cũng chỉ ra, khi muối dưa bằng nước vo gạo còn có thể giúp sản sinh ra loại axit amin đặc biệt có lợi cho cơ thể con người.
Việc để bắp cải nổi lên trên mặt nước sẽ rất dễ sản sinh vi khuẩn và gây ra hiện tượng mốc, thối. Do đó, bạn nên dùng vật nặng đè lên trên để bắp cải chìm hẳn xuống nước, như thế thời gian dưa cải chín sẽ nhanh hơn và luôn vàng giòn, không bị thối.
Một nguyên tắc mà bạn nhất định phải ghi nhớ là muối một lượng dưa vừa đủ. Việc bạn muối quá nhiều nhưng không ăn hết sẽ khiến dưa bị chua gắt, không ngon, ảnh hưởng ít nhiều tới hương vị của sản phẩm.
Bạn nên dùng bình thủy tinh hoặc bình làm bằng sành, sứ muối sẽ ngon hơn. Ở điều kiện thời tiết mát mẻ, dưa sẽ chua giòn ăn rất thích.
Thời gian để dưa có thể “chín” là khoảng 1 - 3 ngày. Tuy nhiên, vào những ngày đầu hàm lượng nitrit trong dưa là rất cao. Chỉ số này chỉ giảm dần cho đến khi dưa chín vàng. Đây cũng được xem là thời gian lý tưởng để ăn dưa.
Theo các chuyên gia, khi dưa đủ độ chua là lúc hàm lượng nitrit còn rất cao. Trường hợp dưa bị nổi váng trắng hoặc khú, chỉ số này lại tăng lên. Nếu đưa vào cơ thể, nitrit sẽ phản ứng với axit amin tạo ra các nitrosamine - chất làm gia tăng nguy cơ gây ung thư.
Hàm lượng nitrit chỉ giảm xuống khi dưa đã vàng. Chính vì thế, bạn không nên ăn dưa muối xổi hoặc dưa đã nát, nhớt, đổi màu.
Dưa muối có thể để được trong khoảng 1 tháng, tuy nhiên không nên ăn quá nhiều. Hãy kết hợp chúng với một số loại thực phẩm khác để bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể.
Lưu ý, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, bạn nên:
- Không ăn quá nhiều dưa muối. Chỉ ăn tối đa 50g dưa muối/lần. Mỗi tuần từ 2 - 3 lần.
- Chỉ ăn dưa khi đã chín, vàng, thơm không bị hăng, ngái.
- Không ăn những loại dưa đã bị khú, ủng.
- Người mắc các bệnh như tim mạch, huyết áp, viêm loét dạ dày thì không nên ăn.