Poodle là một trong những giống chó lâu đời nhất được phát triển đặc biệt để săn vịt trời. Tên gọi chúng xuất phát từ chữ "Pudel" hay “Pudelin” trong tiếng Đức, nghĩa là "thợ lặn" hay là "chó lội nước". Ngoài ra, chúng còn được gọi là “chó săn vịt” hay “loài chó vịt” ở Pháp.
Hình ảnh chó Poodle
Hầu hết các nhà sử học đều đồng ý rằng giống chó này vốn có nguồn gốc từ Đức. Sau đó, chúng đã phát triển thành một giống chó khác biệt và mang những đặc trưng độc đáo mà chỉ nước Pháp mới có được. Người ta không biết chắc chắn về thời điểm mà giống chó này được du nhập đến Mỹ, thế nhưng hiệp hội American Kennel Club đã đăng ký giống chó Poodle đầu tiên của họ vào năm 1886.
Điểm đặc biệt dễ nhận ra giống chó này là bộ lông xù và xoăn như mì tôm. Lông Poodle luôn mọc dài theo thời gian chứ không rụng hoặc thay lông như nhiều giống chó khác nên cần được cắt tỉa thường xuyên và có thể tạo hình vô số kiểu theo sở thích.
Một đặc điểm dễ thấy nữa là chúng đều có chiếc cổ dài, chân trước thẳng đứng song song hơi khép lại, chân sau cong lên, mở hông rộng tạo nên dáng đi thanh lịch. Mông tròn, đuôi ngắn, dáng cong cong nhìn giống chiếc mỏ neo. Poodle có mắt đen, mũi đen tuyền và hơi nhô ra phía trước, mõm dài kết hợp với tai thả xuống hai bên.
1. Chó Poodle nâu đỏ
Đây là màu sắc phổ biến và được khá nhiều bạn trẻ ưa thích bởi tính nổi bật và dễ nhận biết khi dắt Poodle đi dạo phố. Bên cạnh đó, Poodle khi còn nhỏ có màu nâu đỏ nhưng lớn lên sẽ chuyển thành màu nâu nhạt hoặc vàng kem giống như thay áo mới vậy.
2. Chó Poodle đen
Poodle màu đen sở hữu một màu đen tuyền từ đầu cho tới chân, cả mắt và mũi cũng vậy. Màu đen được nhiều người thích bởi chúng khá sạch, dễ phối đồ phụ kiện để làm nổi bật giữa những chú chó khác.
3. Chó Poodle màu kem
Đây là màu được các bạn nữ ưa thích khi nuôi Poodle. Màu kem nhẹ nhàng, trang nhã dễ dàng kết hợp với các phụ kiện nhỏ xinh, phong cách kẹo ngọt. Những bộ quần áo sặc sỡ nổi bật trên bộ lông màu kem sẽ khiến cún cưng của bạn trở thành tâm điểm cho cuộc đi chơi.
4. Chó Poodle trắng sữa
Bộ lông màu trắng sữa của Poodle dễ chiếm được nhiều cảm tình của người đối diện, khiến chúng trông dễ thương và có cảm giác dễ gần gũi hơn so với những màu lông khác. Tuy nhiên, cần thường xuyên giữ vệ sinh sạch sẽ để bộ lông luôn sáng đẹp.
5. Poodle bò sữa
Màu bò sữa là sự lai tạo giữa Poodle đen và Poodle trắng. Nếu bạn là người yêu thích cả hai màu đen và trắng và gặp khó khăn trong việc lựa chọn chó Poodle để nuôi thì màu lông này sẽ giúp bạn thỏa mãn cả hai điều kiện trên.
6. Poodle socola
Đây là màu lông được người Việt rất ưa chuộng. Màu sắc này giúp chó xù ít bị bẩn trong khi chơi. Ngoài ra, chúng phù hợp với những người bận rộn, không có nhiều thời gian để chăm sóc cẩn thận cho bộ lông trắng muốt. Nếu bạn thích màu tối cho chú cún của mình nhưng vẫn giữ được chút sắc màu thì Poodle socola là lựa chọn dành cho bạn.
Chó Poodle lông xù có ba kích thước chính thức là Toy, Miniature và Standard. Đây không phải là những giống chó khác nhau, chỉ là kích thước khác nhau. Riêng loại Standard có lẽ là giống lâu đời nhất. Ngoài ra, các nhà lai tạo giống đã tạo ra một loại có kích thước trung bình được gọi là Klein Poodle (Moyen Poodle) và một loại nhỏ hơn là Teacup Poodle.
1. Chó Poodle khổng lồ (Standard Poodle)
Đây là giống có kích thước to lớn nhất trong gia đình Poodle, sở hữu các đặc điểm như lông xoăn xoăn, mắt nhỏ tròn, mõm dài nhọn,... Theo Hiệp hội chó giống Hoa Kỳ - AKC, chiều cao tính từ đất đến phần cao nhất của vai hơn 38cm thì Poodle sẽ thuộc dòng Standard. Những chú Standard Poodle trưởng thành có thể cao từ 45-60cm.
2. Chó Poodle mini (Miniature Poodle)
Miniature là dòng Poodle có kích thước nhỏ hơn Standard khi sở hữu chiều cao từ 28-35cm. Đối với dòng Miniature và Standard thì cả 2 đều không phổ biến ở Việt Nam nhưng khá phổ biến trên thế giới. Chúng thường được huấn luyện để biểu diễn trong các rạp xiếc và các cuộc thi cún cưng có ngoại hình đẹp.
3. Chó Poodle toy (Toy Poodle)
Dòng Toy Poodle có nguồn gốc từ nước Pháp. Tuy nhiên, có một số lại nói rằng giống chó này đến từ Đức, Đan Mạch, hay Hungary.
Khác với 2 dòng Standard và Miniature, dòng Toy được ưa chuộng và nuôi nhiều nhất ở Việt Nam và cả trên thế giới. Dòng Toy Poodle có kích thước chiều cao từ 25-28cm, rất phù hợp để nuôi dưỡng trong môi trường chung cư thành phố.
4. Chó Poodle tiny (Tiny Poodle)
Tiny Poodle là biến thể lỗi của dòng Toy Poodle. Nói cách khác, Tiny Poodle chính là những chú chó Toy Poodle sinh non và may mắn sống sót. Vì vậy, dòng chó này không được AKC - Hiệp hội chó Hoa Kỳ chính thức công nhận.
Tuy vậy, dòng chó Poodle này được nhiều người ưa thích vì kích thước nhỏ xinh, dễ dàng mang đi chơi, dã ngoại,... đang được giới nuôi chó cảnh cực kỳ ưa chuộng. Chúng sở hữu chiều cao từ 16-23cm và cân nặng từ 2-3,5kg. Điểm đặc biệt ở dòng chó này là đôi tai dài hơn những giống chó Poodle khác.
5. Chó Poodle Teacup (Teacup Poodle)
Dòng chó này có nguồn gốc từ Mỹ và phát triển mạnh ở một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc. Từ thế kỷ XIX, khi Poodle được lai tạo đã xuất hiện một đột biến gen và tạo ra dòng Teacup.
Giống như Tiny, Teacup cũng không được AKC công nhận. Teacup Poodle có chiều cao dưới 15cm và cân nặng từ 1-2kg. Ngoại hình của chúng không khác gì các loại Poodle ở trên nhưng kích thước nhỏ chỉ bằng quả cam. Tuy nhiên, sức đề kháng của Teacup rất thấp nên chúng dễ bệnh và khó chăm sóc.
Ngoài những dòng thuần chủng, chó Poodle lai cũng rất phổ biến với một số dòng như: chó Poodle lai Nhật, chó Poodle lai Bắc Kinh, chó Poodle lai Phốc, chó Poodle lai Chihuahua…
1. Không rụng lông
Chó Poodle có rụng lông không là điều mà rất nhiều người yêu Poodle quan tâm. Khác với những giống chó khác, bộ lông dày và xoăn tít của chúng không hề bị rụng lông. Nhờ đó, bạn có thể thoải mái chơi đùa, ngủ cùng chúng mà không lo dị ứng. Bạn sẽ không phải vất vả để dọn dẹp lông dính trên quần áo hay sofa. Ngoài ra, bộ lông có thể được cắt tỉa và thoải mái tạo kiểu theo các phong cách khác nhau mà bạn thích.
2. Thông minh và nhanh nhẹn
Sở hữu "chỉ số thông minh" thứ 2 thế giới, chúng học hỏi và bắt chước rất nhanh. Chắc chắn trí thông minh của chó xù Poodle không làm bạn thất vọng khi hoàn thành các bài tập huấn luyện kỹ năng như nhặt đồ, bắt tay hay các cuộc thi biểu diễn cho thú cưng.
3. Ngoại hình đáng yêu
Dù thuộc loại Toy, Miniature hay Standard Poodle thì giống chó săn vịt này đều sở hữu ngoại hình quý phái, vương giả. Đặc biệt, khi được chăm sóc và cắt tỉa lông gọn gàng thì trông chúng giống hệt những con búp bê, cực kỳ đáng yêu.
4. Ngoan ngoãn, dễ nuôi
Mặc dù có khí chất vương giả nhưng Poodle không hề hợm hĩnh. Chúng có thể ăn các thức ăn tương tự như các giống chó khác, không kén ăn. Những chú chó săn vịt rất ngoan ngoãn và thân thiện, người già, trẻ em đều có thể làm bạn với chú chó nhỏ xinh này. Thậm chí, chúng cũng phù hợp với những người bận rộn và đi làm cả ngày.
5. Tình cảm và trung thành
Những chú chó xù luôn muốn ở gần chủ và luôn mong muốn được làm hài lòng chủ nhân của mình. Đặc biệt, chúng cảm thấy cô đơn khi bị bỏ rơi trong thời gian dài.
Khả năng bảo vệ, trông nhà của chó Poodle khá tốt. Chúng nhận ra nhiệm vụ phải bảo vệ ngôi nhà và gia đình của mình. Nếu có người lạ đến gần nhà bạn, Poodle sẽ phát ra tiếng sủa cảnh báo để bạn biết.
6. Giá cả hợp lý
Chỉ từ 5-8 triệu là bạn đã có thể sở hữu một em cún cưng đáng yêu hết mức với những màu sắc đa dạng. Bạn được tha hồ chọn lựa mua trong tầm giá hợp lý!
Để có thể tìm hiểu và mua được chú chó mà bạn hằng mong muốn, hãy chú ý một số điều như sau:
1. Lưu ý khi mua
Nên chọn mua chó Poodle ở những trung tâm phối giống uy tín, có đầy đủ giấy tờ về gia phả, nguồn gốc, tính thuần chủng, thông tin tiêm chủng và tình trạng sức khỏe. Mặc dù những chú cún có đầy đủ thông tin sẽ có giá cao hơn nhưng bạn sẽ yên tâm chăm sóc và có chế độ hỗ trợ tốt nhất.
2. Giá chó Poodle được nhân giống ở Việt Nam
Chó Poodle được lai tạo và nhân giống ở Việt Nam có giá từ 6-8 triệu đồng tùy thuộc vào loại kích thước và màu lông, tình trạng sức khỏe và chứng nhận gia phả, nguồn gốc,...
3. Giá chó Poodle được nhập khẩu Thái Lan
Những chú cún Poodle nhập khẩu từ Thái lan có giá từ 8-20 triệu đồng tùy thuộc vào nguồn gốc từ trang trại có chứng nhận sức khỏe, đầy đủ thông tin về chó bố mẹ.
4. Giá chó Poodle nhập khẩu châu Âu
Có giá bán đắt nhất chính là những chú chó Poodle được nhập khẩu từ châu Âu với giá từ 60-120 triệu đồng một bé. Bởi châu Âu là quê hương của loài chó này cùng với chi phí vận chuyển, giấy tờ nguồn gốc, độ thuần chủng và chứng nhận kiểm dịch y tế,... khiến giá thành chó lông xù nhập khẩu cao hơn rất nhiều
1. Poodle cần chính xác bao nhiêu lượng thức ăn mỗi ngày?
Lượng thức ăn chính xác của Poodle phụ thuộc vào kích thước, trọng lượng và lối sống của chúng. Những chú chó năng động sẽ cần nhiều thức ăn hơn chú chó nhỏ chỉ biết lang thang xung quanh nhà. Vì hàm lượng dinh dưỡng của mỗi sản phẩm thực phẩm là khác nhau nên mức tiêu thụ nên được đo bằng lượng Calo chứ không phải khối lượng.
Toy Poodle
- Mức Calo trung bình: cần khoảng 300 Calo mỗi ngày.
- Toy Poodle ít hoạt động: chỉ cần 240 Calo mỗi ngày.
- Toy Poodle cần nhiều năng lượng: cần đến 465 Calo mỗi ngày.
Miniature Poodle
- Mức Calo trung bình: cần khoảng 490 Calo mỗi ngày.
- Miniature Poodle ít hoạt động: chỉ cần 400 Calo mỗi ngày.
- Miniature Poodle cần nhiều năng lượng: cần đến 775 Calo mỗi ngày.
Standard Poodle
- Mức Calo trung bình: cần khoảng 1230 Calo mỗi ngày.
- Standard Poodle ít hoạt động: chỉ cần 1000 Calo mỗi ngày.
- Standard Poodle cần nhiều năng lượng: cần đến 2000 Calo mỗi ngày.
2. Thời gian, tần suất cho chó Poodle ăn theo độ tuổi, giai đoạn cụ thể
- Poodle dưới 3 tháng tuổi: Lựa chọn thực phẩm tươi sống như các loại thịt đỏ, rau xanh sau đó chế biến chín trước khi cho chúng ăn và cho ăn theo lịch trình cụ thể. Ngày 3 bữa và kết hợp bú mẹ, nếu đã tách mẹ thì cho ăn thêm bữa phụ là sữa vào chiều và tối.
- Poodle trên 3 tháng tuổi: Bắt đầu từ khoảng 3 tháng, Poodle ăn được các thức ăn bình thường, nên cho ăn 3 bữa mỗi ngày, cộng với đồ ăn nhẹ.
- Chó Poodle trưởng thành: Có thể giảm số lượng bữa ăn xuống còn 2 bữa là trưa và tối hoặc tùy điều kiện chăm sóc mà bạn có thể cho ăn đều 3 bữa một ngày. Một số đồ ăn nhẹ có thể được đưa ra giữa các bữa ăn và điều này đặc biệt hữu ích: Poodle là một giống chó ăn siêu nhanh.
- Giai đoạn chó Poodle mang thai: Khoảng 15 ngày sau phối giống, Poodle sẽ biếng ăn, mệt mỏi. Đây là biểu hiện bình thường nên bạn đừng quá lo lắng.
Sau khi chó mang thai 1 tháng đầu, bạn cho chúng ăn như khi chúng 6 tháng tuổi nhưng đến khi tháng thứ 2, bạn phải tăng lượng bổ sung vitamin, khoáng chất, canxi… như:
- Cho thêm hải sản vào khẩu phần ăn như: Tôm bóc vỏ, cá,....và các loại thịt như: thịt gà, lợn, chân giò hầm,...
- Tiếp tục cung cấp rau củ quả và thêm sữa ấm từ 300ml-400ml mỗi ngày.
3. Chó Poodle NÊN ĂN gì?
Những loại thực phẩm có lợi cho chó Poodle để tăng cường dinh dưỡng, cung cấp năng lượng kịp thời cho chú cún như:
- 100% hoàn toàn tự nhiên: Thức ăn không chứa chất phụ gia nhân tạo.
- Thành phần lành mạnh:
+ Các loại thịt cung cấp protein bao gồm thịt gà, gà tây, vịt, thịt cừu, thỏ, thịt bò và nhiều loại cá bao gồm cá thịt trắng, cá tuyết chấm, cá hồi, cá tuyết.
+ Một số loại rau và trái cây cung cấp vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa.
- Sự cân bằng của các loại ngũ cốc lành mạnh: Hầu hết chúng đều tiêu hóa tốt với các lựa chọn không phải lúa mì, không gluten bao gồm bột yến mạch, quinoa và gạo.
- Cung cấp vitamin, khoáng chất bổ sung: Thực phẩm cung cấp glucosamine và chondroitin (tốt cho khớp xương), axit béo omega (tốt cho da và lông) như cá hồi, dầu cá hồi, hạt lanh và men vi sinh (để tiêu hóa tốt).
- Chất bảo quản tự nhiên: Có nhiều cách lành mạnh để bảo quản thực phẩm bao gồm sử dụng hỗn hợp vitamin (thường được liệt kê là tocopherols hỗn hợp) và một số loại thảo mộc bao gồm bạc hà và hương thảo).
4. Chó Poodle KHÔNG NÊN ăn gì?
- Thực phẩm ôi thiu hay chế biến chưa chín: Cần tránh chế biến cho chó Poodle ăn vì có thể làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của chúng, khiến chúng dễ bị kiết lỵ.
- Thức ăn thừa: Những thức ăn dư thừa từ bữa trước nên bỏ đi, rửa sạch khay thức ăn của chúng và lau khô trước khi cho thức ăn mới để phòng bệnh tốt nhất cho chú cún.
- Hương vị nhân tạo: Bột ngọt có thể gây ra phản ứng dị ứng khủng khiếp.
- Màu nhân tạo: Gây ra các vấn đề rất nghiêm trọng về thần kinh và hành vi như mất ngủ, tăng động và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác như ung thư.
- Chất bảo quản hóa học: Các chất cần tránh như hydroxyanisole butylated (BHA), hydroxytoluene butylated (BHT), tert-butyl hydroquinone (TBHQ), ethoxyquin và propylene glycol (PG).
- Sản phẩm phụ: Một số loại thịt và nội tạng không thích hợp cho hệ tiêu hóa của Poodle như phổi, lá lách, ruột…
- Chất độn: Chúng chỉ được thêm vào để làm đầy thức ăn nhưng cung cấp rất ít hoặc không có giá trị dinh dưỡng bao gồm ngô, đậu nành, trung gian lúa mì, vỏ đậu phộng, vỏ yến mạch và ngũ cốc. Nuốt phải chất độn là một yếu tố góp phần gây ra bệnh coprophagia (ăn phân) và có liên quan đến suy dinh dưỡng.
- Hàm lượng gluten cao: Điều này có thể gây khó chịu cho các vấn đề dạ dày và dị ứng.
1. Thường xuyên tiêm phòng và chăm sóc sức khỏe
Một số mối quan tâm sức khỏe phổ biến nhất mà chủ sở hữu chú chó xù này cần chú ý bao gồm: đục thủy tinh thể, teo võng mạc, chảy nước mắt, bệnh viêm da, dị ứng, nhiễm trùng tai, loạn sản xương hông, Bệnh Von Willebrand, đầy hơi (ở chó lớn hơn).
Ngoài ra, bạn cần tiêm phòng đầy đủ các mũi tiêm dành cho chó cảnh của bạn.
- Tiêm vacxin cho chó con sau khi sinh 30 ngày.
- Sau 7-8 tuần tiêm vacxin 6 mũi kết hợp lần thứ nhất.
- Sau 11-12 tuần tiêm nhắc lại lần thứ 2.
- Cún 3 tháng trở lên, cho chúng tiêm vacxin phòng bệnh dại, mỗi năm 1 lần.
2. Nên dẫn chó Poodle đi dạo hàng ngày
Hầu hết, những chú chó cảnh nên được dẫn đi dạo hay tập thể dục hàng ngày để nâng cao sức khỏe, chống béo phì và cũng phù hợp với tập tính thích chạy nhảy của chúng. Chó Poodle thuộc giống chó săn vịt nên chúng thích được vận động. Tuy nhiên, khi nuôi làm chó cảnh thì chúng khá điềm đạm và bình tĩnh, ít khi hoạt động ở trong nhà, nhưng vẫn cần được đi dạo, chạy nhảy từ 30 phút đến 1 tiếng hàng ngày để giúp chúng thoải mái, tiêu bớt năng lượng.
3. Chăm sóc bộ lông của chó Poodle
Nên tắm 1-2 lần một tuần để giữ cơ thể của Poodle luôn thơm tho sạch sẽ, bộ lông mềm mượt. Khi tắm, cần xả nước sạch lên lông cún trước khi tắm sau đó thoa dầu tắm lên người cún và massage nhẹ nhàng để loại bỏ bụi bẩn trên cơ thể cún trong 2-3 phút. Sau đó xả hết dầu tăm đi rồi dùng dầu xả cho lông cún để làm mềm mượt, dưỡng ẩm cho lông và da. Xả lại bằng nước sạch. Dùng lược chải và sấy khô lông.