Mấy hôm nay, tôi mất ăn mất ngủ về một chuyện. Chả là gần đây, gia đình tôi có người mắc bệnh cần được truyền máu. Tôi và một số người thân vì thế đã tham gia hiến máu. Và từ đây, lần đầu tiên tôi mới biết, mình nhóm máu B, nhưng con gái tôi lại có nhóm máu O.
Trước giờ, tôi đã nhiều lần bị trêu là “bố cú đẻ con công” vì tôi vốn đen, thô nhưng con gái lại trắng trẻo, xinh xắn. Trước tôi không mấy để ý, chỉ nghĩ con giống nhà ngoại nhiều hơn, nhưng giờ trong lòng lại thấy lăn tăn. Liệu có thể nào con tôi lại khác nhóm máu của tôi. Tôi có nên đi xét nghiệm ADN để xác định cho rõ?
Chào anh,
Câu hỏi của anh khiến tôi nhớ tới một trường hợp từng đưa hai con tới trung tâm yêu cầu làm xét nghiệm ADN cách đây không lâu. Ông bố ấy cũng nhóm máu B, nhưng 2 đứa con, mỗi đứa lại mang một nhóm máu khác nên sinh ra nghi ngờ mình “nuôi con tu hú”. Kết quả xét nghiệm cho thấy, cả hai đứa trẻ đều là con ruột của người đàn ông ấy. Điều này không có gì lạ.
Thực tế, ADN mỗi người chỉ có một, không ai giống ai (trừ các trường hợp sinh đôi cùng trứng), nhưng chắc anh cũng biết, thế giới hơn 7 tỷ người của chúng ta chỉ có 4 nhóm máu chính là A, B, O và AB. Như vậy, nếu cứ cùng nhóm máu mà là ruột thịt của nhau thì không biết mỗi người chúng ta có bao nhiêu bố mẹ, anh chị em…?
Có 4 nhóm máu và nhóm máu của con có thể khác bố, mẹ. (Ảnh minh họa)
Hệ thống nhóm máu A, B, O được di truyền theo quy luật Mendel, với 4 nhóm máu cơ bản là A, B, O và AB. Và dưới đây là bảng kết hợp nhóm máu của cha, mẹ và con sẽ như sau:
O + O = O
O + A = O hoặc A
O + B = O hoặc B
O + AB = A hoặc B
A + A = O hoặc A
A + B = O hoặc A hoặc B hoặc AB
A + AB = A hoặc B hoặc AB
B + B = O hoặc B
B + AB = A hoặc B hoặc AB
AB + AB = A hoặc B hoặc AB
Như vậy, việc anh có nhóm máu B mà con có nhóm máu A, B hoặc O hay AB là hoàn toàn bình thường.
Phải khẳng định rằng, không thể dựa vào nhóm máu để xác định chắc chắn hai người có phải là bố - con ruột không. Để xác định chính xác, phải dựa vào xét nghiệm ADN.
Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp hiếm thì có thể xác định được một đứa trẻ không phải cùng huyết thống qua nhóm máu. Chẳng hạn, nếu cả bố và mẹ cùng nhóm máu O thì con nhất định sẽ mang nhóm máu O chứ không thể là A, B hoặc AB. Ngược lại, cả bố và mẹ có nhóm máu AB thì con cái chỉ có thể mang nhóm máu A, B hoặc AB chứ không thể có nhóm máu O.
Trong trường hợp của anh, nếu anh thực sự tin tưởng vợ và không có bất kỳ lý do nào khác để phải ngờ vực ngoài việc thấy nhóm máu của con khác của mình, thì không nên tốn tiền xét nghiệm ADN làm gì.