TikTok là một trong những nền tảng xã hội phổ biến trên thế giới, thu hút hàng tỷ lượt xem bằng những video ngắn độc lạ và hài hước. Bởi vậy rất nhiều người đã tham gia để giải trí, bán hàng hoặc kiếm tiền theo cách quảng bá thương hiệu, quảng cáo sản phẩm, nhận quà từ người hâm mộ…
Gần đây, nhiều người đã chia sẻ câu chuyện bị các email rác nhắn tin mời làm việc hoặc nhận được cuộc gọi trực tiếp từ nhân viên tổng đài mời chào kiếm tiền tại TikTok. Họ quảng cáo rằng công việc hết sức đơn giản, có thể làm tại nhà với thu nhập cao. Đặc biệt họ sẽ cử nhân viên hướng dẫn cụ thể, từng bước một để “người chơi” kiếm được số tiền hàng trăm nghìn đồng/ngày.
Công việc mà họ quảng cáo chính là chỉ cần xem, thả tim và theo dõi các video TikTok. Song thực chất đây chính là một thủ đoạn lừa đảo đánh vào tâm lý của các chị em muốn tìm việc làm thêm, nhiều người trong số đó là các mẹ bỉm sữa ở nhà chăm con hay những người có mong muốn kiếm tiền một cách đơn giản và nhanh nhất…
Nhiều người đã chia sẻ câu chuyện bị các email rác nhắn tin mời làm việc hoặc nhận được cuộc gọi trực tiếp từ nhân viên tổng đài mời chào kiếm tiền tại TikTok.
Khi đã “lùa được gà”, nhóm lừa đảo sẽ yêu cầu người tham gia làm nhiệm vụ xem video TikTok bằng cách tải một app hay đăng nhập vào các website trung gian. Tại đây chúng đưa ra các gói nhiệm vụ được đặt tên theo cấp độ vàng, bạc, đồng, kim cương hoặc Vip 1, Vip 2, Vip 3.... tương ứng với các mức giá từ vài trăm nghìn cho đến vài triệu đồng.
Sau đó, các thành viên viên chỉ cần lên TikTok, xem video bất kỳ rồi nhấn like, theo dõi và chụp ảnh màn hình gửi về cho nhóm chỉ đạo (thực chất là lừa đảo) là được. Đặc biệt gói nhiệm vụ có mức giá càng cao thì xem video càng nhiều, tiền hoa hồng nhận được càng lớn.
Xong nhiệm vụ đầu, hệ thống sẽ gửi cho thành viên toàn bộ số tiền gốc lẫn hoa hồng. Nhưng nếu muốn rút số tiền này ra, thành viên buộc phải mua gói nhiệm vụ cao hơn hoặc giới thiệu thành công thêm người mới. Sau đó thành viên sẽ nhận được lương cứng từ 200.000 – 300.000 đồng của ngày hôm đó.
Sau khi mua các gói nhiệm vụ cái giá trị lớn, các app và website lừa đảo sẽ ngừng hoạt động, xảy ra lỗi hoặc sập hẳn khiến người tham gia không rút được tiền. Lúc này họ liên lạc với kẻ môi giới cũng chẳng thấy đâu và nhận ra bản thân bị lừa.
Mới đây, một tài khoản Facebook L.K đã chia sẻ câu chuyện cô gái tên H. – một người em thân thiết của cô - là nạn nhân đã tham gia vào nhiệm vụ like, theo dõi video TikTok và bị lừa số tiền lên tới 837 triệu đồng. Theo đó, H. thú nhận bản thân bị lừa đảo thông qua app kiếm tiền với thủ đoạn giống phương thức ở trên.
Ban đầu cô nạp 7 triệu, 18 triệu, 48 triệu rồi lên tới 90 triệu đồng. Sau đó có người trong nhóm nhận 250 triệu đồng nên cô nàng cố xoay để có thể lấy tiền về. Cô càng cố chúng càng báo đã nhận lệnh sai và sẽ giữ tiền lại, khi nào nạp đủ số tiền tương ứng trong tài khoản sẽ cho lấy tiền ra.
H. mất 837 triệu đồng bởi trò like video trên TikTok kiếm tiền.
H. càng nạp tiền, hệ thống càng báo đã sai, không thể hoàn thành nhiệm vụ. Cuối cùng cô đã mất trắng số tiền lên tới 837 triệu đồng.
Chị N.L (32 tuổi, Quảng Ninh) kể: “Vài ngày trước, mình nhận được tin nhắn của một cô gái tự xưng là nhân viên tổng đài của TikTok mời chào làm thêm tại nhà với công việc hết sức đơn giản. Mình chưa kịp trả lời thì họ đã gửi cho mình nội dung: “Nhiệm vụ phúc lợi có hoa hồng cao từ 20-80%, có lệnh ngẫu nhiên từ hệ thống lựa chọn. Công việc này nhằm giúp nhà phát hành tăng số lượng giao dịch phát triển được hệ thống và tăng số lượng nhiều người quan tâm, biết đến các mặt game của họ nhiều hơn. Sau khi bạn hoàn thành toàn bộ nhiệm vụ là nhận lại tiền gốc + hoa hồng và sau 21h nhận 300K lương cứng của công việc hôm nay”.
Sau đó họ gửi bảng phúc lợi hoa hồng rất rõ ràng, nếu mình nạp 120 nghìn đồng được 24 nghìn hoa hồng; nạp 300 nghìn sẽ được 60 nghìn, nạp 500 nghìn được 100 nghìn, nạp 900 nghìn được 180 nghìn và nạp 1.5 triệu có ngay 300 nghìn hoa hồng. Mình chỉ được quyền chọn 1 lần duy nhất cho một nhiệm vụ”.
Lời mời chào mà chị N.L nhận được.
Chị N.L đang trong lúc rảnh lại ở nhà chăm con nên đã đồng ý tham gia công việc này và bắt đầu thực hiện nhiệm vụ. Ban đầu chị nạp 120 nghìn đồng, vài phút sau phía bên kia chuyển cho chị 124 nghìn đồng (gồm gốc lẫn lãi). Chị tiếp tục nạp 500, 1 triệu đồng rồi đến 2 triệu đồng rồi làm nhiệm vụ như họ hướng dẫn. Chị làm đúng mà họ báo có lỗi, không thể rút tiền được. Họ yêu cầu chị chọn 1 trong 2 phương án: nạp 30 triệu đồng và hưởng lợi nhuận 3 triệu. Khi chị hoàn thành đơn này sẽ được hệ thống xoá lỗi và được rút toàn bộ tiền vốn, lời của tất cả đơn hằng; nạp 15 triệu và chơi thêm một nhiệm vụ nữa với lợi nhuận 3 triệu đồng. Hoàn thành sẽ được hệ thống xoá lỗi và được rút toàn bộ tiền của các đơn hàng.
“Lúc này, mình phát hiện ở đây có trò lừa đảo nên đã không lựa chọn phương án nào nữa. Cuối cùng mình đã bị mất vài triệu đồng chỉ trong buổi sáng. Đây là một bài học dành cho bản thân mình cũng như các mẹ bỉm sữa, không nên mù quáng tin vào lời mời chào như thế kia. Bởi chẳng có công việc nào kiếm tiền dễ mà không đổ hồ môi cả”, người phụ nữ Quảng Ninh nói.
Bạn H.T.P chia sẻ: “Ban đầu, chúng nó sẽ nhả cho người tham gia 500 nghìn đồng hoặc 1 triệu đồng để đánh vào tâm lý khiến tất cả nghĩ như thế là kiếm tiền rất dễ. Đến khi số tiền nạp vào quá lớn, chúng nó sẽ khoá tài khoản, bắt nạp số tiền bằng với số tiền hiện tại để thu về toàn bộ tiền gốc cộng hoa hồng và cứ thế số tiền nhân lên. Chúng nó còn xúi người chơi rủ rê được càng nhiều người tham dự càng được cắt hoa hồng.
Gia đình mình có người bị lừa như vậy! Họ về bắt mọi người tham gia chơi mà không ai đồng ý rồi ngăn cản. Vậy mà họ vẫn bị chúng lò lừa mất 100 triệu đồng. Mọi người lên nhắc nhở người thân, đặc biệt là các mẹ bỉm sữa và người dưới quê không am hiểu mạng xã hội về trò lừa đảo này”.
Nhiều người đã "sập bẫy" bởi phương trức lừa đảo này. (Ảnh chụp màn hình)
Không chỉ những người trên, rất nhiều người đã tự thú nhận bản thân từng bị “lôi kéo” tham gia vào công việc kiếm tiền trên TikTok. Song họ chỉ bị lừa với số tiền lên tới vài triệu đồng.
Bộ Công an và các cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo về vấn nạn lừa đảo trực tuyến đến người dân. Người dùng mạng xã hội cần cẩn trọng, có ý thức tự bảo vệ mình khi làm việc thông qua các nền tảng trên mạng xã hội, nhất là liên quan đến việc đầu tư sinh lời, một trong số đó là các dự án kiếm tiền trên TikTok hoặc việc làm trực tuyến trên mạng. Cần tìm hiểu và xác minh nguồn gốc thông tin, nâng cao tinh thần cảnh giác để tránh dính bẫy từ chiếc bánh vẽ "kiếm tiền online dễ dàng".
Đối tượng lừa đảo like video TikTok kiếm tiền có thể bị xử lý hình sự nếu chiếm đoạt số tiền lớn. Theo đó, kẻ này sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản 1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; d) Tái phạm nguy hiểm; đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. |