Mới đây, mạng xã hội lan truyền đoạn clip của một hot TikToker kiêm HLV Yoga nói rằng ăn cơm trắng không tốt cho sức khoẻ. Sau đó nó đã vấp phải sự tranh cãi kịch liệt của cư dân mạng. Tất cả đều cho rằng “hạt gạo là ngọc trời”, rất nhiều quốc gia ở châu Á đều ăn cơm gạo trắng và đạt tuổi thọ cao, điển hình như Nhật Bản.

Song ở Việt Nam, có vài người không thể ăn cơm bởi lý do không thể ngờ. Điển hình như chàng trai ở Hải Dương và cậu bé khiếm thị tại Trà Vinh – từ bé đến lớn chỉ ăn bánh kẹo, uống sữa và rất sợ… cơm trắng.

Chàng trai xứ vải hơn 20 năm không dám ăn cơm

Gần 5 năm trước, Quách Đình Dương (Thanh Xá, Thanh Hà) khi ấy đang 18 tuổi đã bất ngờ “nổi tiếng” bởi câu chuyện mười mấy năm không ăn một hạt cơm trắng nào cả. Đặc biệt cậu cứ nhìn thấy cơm là tưởng tượng sâu bọ đang bò ngoe nguẩy trong bát.

Bà Tình – mẹ của Dương từng cho biết: “Dân làng thấy nó lạ kỳ như vậy đã gọi là “dị nhân”. Quả thực nó cũng dị hơn người thường thật, chỉ thích ăn mì tôm, mì gạo hoặc hoa quả, bánh kẹo… Bản thân tôi đã nịnh con ăn cơm xem sao, thậm chí nó cũng cố gắng thử ăn dăm ba thìa cơm nhưng cứ ăn vào là trớ sạch. Sau lần đó tôi không còn bận tâm đến chuyện con không ăn cơm nữa”.

Dù vậy, bà Tình vẫn lo lắng cho sức khoẻ của con bởi xưa nay làm gì có ai không ăn cơm bao giờ. Vì thế bà đã đưa con đi khám sức khoẻ và kết quả hoàn toàn bình thường. Dương vẫn phát triển chiều cao, cân nặng đầy đủ... mọi chỉ số đều đạt chuẩn. Hiện tại cậu đang làm công nhân ở một công ty cách nhà 20km, sáng đi tối về.

Gần 5 năm trước, Dương khi ấy đang 18 tuổi đã bất ngờ “nổi tiếng” bởi câu chuyện mười mấy năm không ăn một hạt cơm trắng nào cả. (Ảnh: Gia đình và Xã hội)

Gần 5 năm trước, Dương khi ấy đang 18 tuổi đã bất ngờ “nổi tiếng” bởi câu chuyện mười mấy năm không ăn một hạt cơm trắng nào cả. (Ảnh: Gia đình và Xã hội)

Nhắc tới chuyện con trai không ăn cơm vì ám ảnh sâu bọ, bà Tình tâm sự: “Dương giờ 23 tuổi là từng ấy năm nó không ăn cơm trắng, cũng chẳng ăn xôi hay bánh chưng gì cả. Nó rất sợ đồ ăn có màu trắng nên không ăn cơm. Còn bún, phở… nó cũng ít khi ăn, nếu có ăn thì cho rất nhiều tương ớt để cay xè”.

Không chỉ vậy, chàng trai 23 tuổi không thích ăn đồ luộc, rau xanh. Những loại thịt sẫm màu như trâu bò phải xào, rán hoặc nướng mới chịu ăn… “Sở dĩ thằng bé có nết ăn khác người như thế bởi từ nhỏ do vợ chồng tôi bận việc nên hay gửi cho ông bà, các bác trông hộ. Mọi người hay cho nó ăn cháo ăn liền thành ra quen, không chịu ăn cơm nữa.

Nó cũng từng tâm sự với tôi rằng ngày trước nhà bác nấu rượu, thấy bác rải cơm trắng ra nong, nia rồi thổi quạt hong cho khô. Nhìn những hạt cơm bị gió quạt thổi se se, khô lại ngoe nguẩy như những con bọ, thế nên no sợ cơm trắng, cứ cho cơm vào mồm là buồn nôn”, bà Tình nói.

Bà Tình vui vẻ khoe rằng may mắn là ở chỗ công ty Dương đang làm hiện nay có nhiều cửa ăn. Có cửa thì ăn cơm, có cửa ăn mì tôm, có cửa ăn bánh mì, xôi… vì thế cậu mới trụ lại được làm việc ở đó. “Chúng tôi bảo thằng bé cảm thấy sức khoẻ không tốt thì ở nhà nhưng nó thích đi làm. Nó muốn đỡ đần vợ chồng tôi và ra ngoài được giao lưu học hỏi với nhiều người. Vì thế chúng tôi tôn trọng quyết định của nó”, bà Tình tâm sự.

Cậu bé khiếm thị 7 tuổi không chịu ăn cơm

Tại Giồng Dầy, xã Trường Thọ (Cầu Ngang, Trà Vinh) có một cậu bé 7 tuổi vô cùng lạ kỳ: Không ăn cơm, chỉ thích cạp cây cối, gỗ, đất… Bà K – bà ngoại của đứa trẻ cho biết, con gái bà mang bầu được 6 tháng bất ngờ bị động thai, được đưa đi bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán tình hình nguy cấp, cần phải mổ gấp để cứu mẹ trước, cứu con sau. May mắn cả hai mẹ con đều vượt qua lằn ranh sinh tử một cách an toàn.

Cậu bé 7 tuổi vô cùng lạ kỳ: Không ăn cơm, chỉ thích cạp cây cối, gỗ, đất…

Cậu bé 7 tuổi vô cùng lạ kỳ: Không ăn cơm, chỉ thích cạp cây cối, gỗ, đất…

“Thằng nhỏ sinh non được 1.5kg, nằm trong lồng kính 21 ngày tròn. Sau đó nó được về với mẹ, hàng xóm qua thăm thấy nó chậm chạp, không kháu như lũ trẻ cùng lứa. Họ khuyên gia đình nên đưa nó lên Sài Gòn kiểm tra tổng quát xem sao? Ngặt nỗi vợ chồng con gái tôi tiền chẳng có lại thiếu hiểu biết nên cứ mặc kệ”, bà K nhớ lại.

Bé trai tròn 9 tháng tuổi được cha mẹ đưa về nhà ngoại chơi. Lúc này con gái bà K hớt hải nói với mẹ rằng: “Mẹ ơi! Mắt thằng bé không thấy đường rồi”. Bà thấy vậy liền đưa cháu ngoại lên Bệnh viện Nhi Đồng kiểm tra. Lúc này bác sĩ khẳng định mắt bé tối từ bên trong, không thể nhìn thấy mọi thứ, tức mù bẩm sinh.

“Họ có giới thiệu chúng tôi đưa thằng bé qua Bệnh viện mắt TP.HCM nhưng ở đó bác sĩ cũng lắc đầu, bảo ra Hà Nội kiểm tra xem còn cơ hội nào không?

Tôi lập tức quay trở về nhà gom tiền, vay mượn xóm giếng mấy triệu đưa cháu ra trung ương. Tại đây bác sĩ khẳng định không thể cứu được, khuyên gia đình về nhà ráng nuôi dưỡng. Tôi thương cháu nên đón về nuôi dưỡng đến tận giờ”, người phụ nữ ngoại lục tuần buồn bã nói.

Không chỉ mù bẩm sinh, cháu ngoại của bà K còn không thể nói và não chậm phát triển. Thi thoảng không hài lòng với chuyện gì, cậu bé chỉ ú ớ vài tiếng ra hiệu cho ngoại hiểu rồi thôi. Nhưng cậu lại có thể nghe được những gì mọi người nói.

Gia cảnh khó khăn, bố mẹ của bé trai buộc phải nhờ ông bà ngoại trông giúp rồi lên Đồng Nai làm công nhân. Hằng tháng họ gửi tiền về để bà K lo sữa và bánh trái cho con trai. Ngoài ra cậu bé còn nhận 725 nghìn đồng/tháng tiền trợ cấp từ nhà nước. Song dịch COVID-19 bùng phát, họ thất nghiệp nên mọi chi phí đều do vợ chồng bà K lo toan.

Nhắc tới chuyện bé trai không chịu ăn cơm, ông K trầm ngâm: “Từ bé nó chỉ uống sữa, ăn cây cỏ hoặc vớ được gì thì cho vào mồm, chứ không chịu ăn cơm. Tôi đút cơm vào miệng là nó lắc đầu, đẩy thìa ra ngoài và hét toáng lên.

May mắn hệ tiêu hóa của nó vẫn tốt. Ăn gì đi ra phân đó, ăn cây cỏ, ăn đá thì đi ngoài cũng như vậy luôn. Nó lượm bánh trái gì, đúng sở thích thì mới ăn, không thì quăng quật đi luôn. Nó chỉ thích ăn đồ cứng, không thích ăn đồ mềm như bánh mì mới ra lò chỉ gặm cái vỏ ngoài, ruột bên trong là bỏ. Đặc biệt nó còn không chịu mặc áo, muốn cởi trần”.

Sở thích ăn uống lạ kỳ nhưng bé trai mang gương mặt xán lạn, thân hình có da có thịt và rất ít ốm đau. Cậu luôn tay luôn chân nghịch ngợm mọi thứ trong nhà nên bà K phải theo sát 24/24 để cháu không bốc đất cát hay ăn linh tinh.