525 nghìn tiền khám và bài học khi con rối loạn tiêu hoá

Ngày 17/08/2015 13:00 PM (GMT+7)

Sau hai lần đưa con đi khám vì cứ ăn là ói xối xả, chị Trần Mai đã rút ra được cho mình 6 bài học lớn.

Trào ngược thực quản dạ dày, táo bón, tiêu chảy, nôn trớ…tất cả những biểu hiện được gọi chung bằng cái tên “Rối loạn tiêu hoá” - luôn là nỗi ám ảnh của rất nhiều bà mẹ. Rối loạn tiêu hoá nếu được điều trị kịp thời sẽ khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu chủ quan không chữa trị kịp thời hoặc chữa trị sai cách, hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng. Trẻ ăn vào ói ra, kém hấp thu… lâu ngày sẽ bị thiếu hụt chất dinh dưỡng và diễn tiến đến suy dinh dưỡng, thậm chí dẫn đến tính trạng viêm, tổn thương đường ruột.

Có con trai 16 tháng tuổi bị rối loạn tiêu hoá, chị Trần Mai (TP.HCM) đã từng phải hai lần bế con tới viện vì “cứ ăn là ói xối xả”. Mất 525 nghìn đồng cho hai lần khám, chị đã rút ra được cho mình những bài học “xương máu” để bảo vệ sức khoẻ đường ruột cho trẻ. Chia sẻ của chị về kinh nghiệm xử lý khi trẻ bị rối loạn tiêu hoá đã thu hút sự quan tâm của nhiều bà mẹ.

Con bị rối loạn tiêu hoá, mẹ lại không cho ăn gì

Chị Trần Mai kể lại: “Zen đi học, trưa thứ 6 thì mẹ đón về nhà, ngủ 1 giấc tới chiều dậy thì bắt đầu ói xối xả. Mẹ sợ quá chở đi bác sĩ gần nhà và được chuẩn đoán là "rối loạn tiêu hoá". Bác sĩ dặn là cứ để ói cho tống hết virus ra ngoài, rồi cũng cho thuốc. Mẹ nhìn thì thấy là men tiêu hoá và thuốc chống ói. Sở dĩ bác sĩ nói cứ để ói mà lại kê thuốc chống ói vì thuốc đó chỉ dùng cho cữ tối để phòng trường hợp bé ăn vào ói ra cả thức ăn và thuốc sẽ uống sau đó. Nhưng mẹ thấy Zen tuy ói ào ạt nhưng số lần ói đã giảm dần, vả lại đã có sữa mẹ nên mẹ không lo, cứ để ói cho tống nhanh virus ra ngoài, ói xong thì lại bú, không gì phải lo.

Tới sáng thứ 7 thì Zen hết ói và bắt đầu đi cầu lỏng, phân đa phần là nước, chuyện này bác sĩ cũng có dặn trước là bé sẽ bị như vậy nên mẹ không lo, cứ để đi thoải mái, lúc này phân có mùi hôi và tanh. Mẹ vẫn tiếp tục cho bú mẹ, cắt hết các cữ ăn, chỉ có bú mẹ và uống thêm oresol baby, nhưng Zen uống rất ít, chủ yếu là bú mẹ liên tục cả ngày lẫn đêm.

Đến chiều thứ 7 Zen vẫn đi lỏng liên tục nhưng số lần đã có giảm và mùi đã bớt hôi hơn là mẹ biết em đã dần khỏi bệnh nhưng ba vẫn lo nên lại chở đi tái khám ở bác sĩ kia. Bác nói hiện tượng bình thường, rồi bác biết Zen bú mẹ thì bác rất hài lòng và nói "Con đã bệnh thì nếu có cho con uống sữa ngoài thì cắt hết các cữ sữa ngoài chỉ cho bú sữa mẹ thôi"

Tối thứ 7 Zen có sốt nhẹ (từ 37,5 đến dưới 38,5 như lời bác sĩ) nên mẹ không cho hạ nhiệt mà để da tiếp da với ba. Kết quả là Zen hết sốt và ngủ rất ngon.”

Trong thời gian này, vì con bệnh nên chị Trần Mai quyết định không cho bé ăn bất cứ thứ gì, kể cả cháo, chỉ bú mẹ qua ngày vì theo chị bé mệt không ăn được. Mọi chuyện có vẻ ổn khi sáng hôm sau, Zen đi phân sền sệt. Tuy nhiên, chưa kịp mừng vì con hết bệnh, chị Trần Mai lại “tá hoả” khi thấy một lúc sau Zen lại đi lỏng như nước, người gầy sọp đi. Bàn với chồng, anh chị quyến định đưa Zen đi khám ở một nơi khác nữa và lần này ở đây, chị Trần Mai đã “thu được một mớ kiến thức” hữu ích, theo như lời chị chia sẻ. 

525 nghìn tiền khám và bài học khi con rối loạn tiêu hoá - 1
 Mất 525 nghìn đồng cho hai lần khám, chị Trần Mai đã rút ra được cho mình những bài học “xương máu” để bảo vệ sức khoẻ đường ruột cho con. (ảnh NVCC)

6 kiến thức không thể thiếu về rối loạn tiêu hoá ở trẻ

Chị Trần Mai chia sẻ về 6 bài học lớn của mình:

1. Tại sao gọi là rối loạn tiêu hoá.

Rối loạn tiêu hoá chỉ là một danh từ chỉ chung chung, để cho dân gian dễ hiểu. Rối loạn tức là không giống như bình thường thì được gọi là rối loạn, ví dụ tôi bỗng chán, không muốn ăn cũng gọi là rối loạn, tôi ăn vào bị ói cũng gọi là rối loạn, ... Trường hợp của Zen gọi đúng là viêm đường ruột do siêu vi.

2. Có nhiều loại viêm đường ruột, có trường hợp viêm đường ruột do vi khuẩn thì bé sẽ đi phân đặc hơn và phân có kèm máu hoặc các sợi đàm hoặc cả 2, và bé sẽ rất mệt, người sẽ bị lừ đừ. Còn Zen là viêm ruột do siêu vi nên dù mệt nhưng vẫn có nét tươi, vẫn chơi bình thường chỉ là không bằng thường ngày thôi, bụng vẫn mềm chứ nếu là do vi khuẩn thì bụng sẽ căng cứng.

Triệu chứng của bệnh sẽ là ói trước, và sẽ tự hết ói từ 8 đến 12 tiếng sau đó. Tiếp đến là bé sẽ đi phân lỏng. Sở dĩ đi phân lỏng vì cơ chế của cơ thể người rất hay, nó sẽ tự điều chỉnh, nếu đã bị nhiễm siêu vi vào ruột thì cơ thể sẽ tập trung nước ở đó để tống siêu vi ra ngoài theo đường ói hoặc phân. Nếu siêu vi nhiễm ở phần ruột trên thì sẽ ói nhiều hơn, nếu nhiễm sâu xuống ruột dưới thì sẽ đi ngoài nhiều hơn và đặc biệt phân rất lỏng vì có nhiều nước theo cơ chế tống siêu vi của cơ thể.

Và vì ruột dưới rất dài, hơn ruột trên, nên bé sẽ đi ngoài lỏng trong thời gian khá lâu từ 7 đến 10 ngày kèm sốt nhẹ vài lần. Nếu bé nào đi ào ạt 1 ngày nhiều lần thì số ngày đi lỏng sẽ giảm xuống tức là bệnh sẽ nhanh khỏi hơn, nếu bé nào đi lỏng ít lần hơn trong 1 ngày tức là sự đào thải siêu vi ít hơn thì buộc số ngày đi lỏng phải nhiều hơn tức là bệnh lâu bớt hơn. Cho nên thấy con mình đi lỏng ào ạt ngày nhiều lần thì nên vui hơn là buồn.

3. Không cần dùng bất cứ thuốc gì, cơ thể có sẵn cơ chế tự đào thải siêu vi ra ngoài, nếu cầm ói thì hoàn toàn không tốt. Công việc của ba mẹ là cung cấp đủ nước và chất cho bé. Bốn chất phải cung cấp đủ cho bé là nước, muối, đường và kali. Bác sĩ khen mẹ rất đúng khi cho con bú mẹ liên tục vì sữa mẹ là dinh dưỡng dễ hấp thu nhất với bé. Các chất khác có trong sữa mẹ và sữa mẹ là thực phẩm dễ hấp thu nhất đối với cơ thể bé, nhưng kali trong sữa mẹ rất ít nên mẹ phải cung cấp thêm bằng dịch thì oresol là phù hợp.

4. Những bé không chịu uống oresol, mẹ có thể thay thế bằng nước dừa non thêm vào xíu muối thì đó chính là dung dịch oresol nhưng dễ uống hơn rất nhiều. Mẹ lưu ý phải là dừa non chứ dừa già có chất sẽ làm bé đi ngoài ghê hơn, mất nước nhiều hơn. Ngoài ra, cách làm này chỉ áp dụng cho trẻ trên 12 tháng tuổi

5. Bác sĩ dặn mẹ nên duy trì cho con bú mẹ liên tục theo nhu cầu và cho Zen ăn bất cứ gì Zen muốn dù là cơm, bánh mì hay thứ gì cũng được nhưng không được ăn chất béo, nếu có thì tí xíu dầu thực vật thôi, chứ không nhất thiết cứ phải ép bé ăn cháo. Con ăn được càng tốt, không ăn được thì không ép, chỉ cho con bú mẹ và cung cấp dịch cho bé để bù nước và chất là được. Khi hết bệnh tự động bé sẽ ăn rất nhiều, khỏi cần lo chuyện biếng ăn, ép ăn mới là nguyên nhân gây biếng ăn về sau chứ không phải do bệnh.

6. Nếu giai đoạn này bé ăn gì ra y cái đó thì là bình thường vì ruột bé lúc này y như lưới B40 vậy nhưng chất vẫn có vào cơ thể chứ không phải không nên đừng thấy vậy mà không cho con ăn hoặc ép ăn cháo.

Anh Minh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Kinh nghiệm của mẹ