Cha mẹ đừng để con phạm tội vì sai lầm của mình

Ngày 09/11/2015 11:39 AM (GMT+7)

Nhiều chuyên gia cho rằng, gia đình là nền tảng quan trọng trong việc dạy dỗ để trẻ tránh khỏi những điều sai trái. Cha mẹ đừng để con trở thành tội phạm vì những sai lầm của mình.

Tội phạm không chừa ai

Mới đây, trong hội thảo khoa học “Tội phạm vị thành niên, vấn đề bạo lực học đường – thực trạng và giải pháp” do Viện nghiên cứu phát triển bồi dưỡng tài năng trẻ thuộc Trung ương Hội tâm lý giáo dục Việt Nam tổ chức tại TP HCM đã chạm vào “vết thương” của xã hội hiện tại là tội phạm đang trẻ hóa.

Trung tá, tiến sĩ Trần Chiến Thắng (Phó trưởng khoa nghiệp vụ cảnh sát vũ trang trường Đại học Cảnh sát nhân dân), cho biết, qua nghiên cứu 5.100 người chưa thành niên phạm tội trong 5 năm (2010- 2014) đã có những kết luận nhức nhối.

Từ trước đến nay, mọi người cho rằng, trẻ phạm tội chủ yếu là do gia đình không hạnh phúc là chưa chính xác. Thực ra, trong số các em phạm tội được khảo sát cho thấy, có 41,48% gia đình hạnh phúc, 45,51% gia đình hạnh phúc bình thường và chỉ có 13,01% gia đình không hạnh phúc. Về hoàn cảnh kinh tế, gia đình nghèo khó và rất nghèo chiếm hơn 21%, gia đình giàu có 14,56% và gia đình trung bình chiếm 63,92%.

Đặc biệt, có 57,4% trẻ phạm tội sống cùng cha mẹ. Trong đó, có đến 96,7% thừa nhận có kết bạn với các thành phần bất hảo. Hơn 60% đối tượng có thừa nhận chơi trò chơi bạo lực.

Cha mẹ đừng để con phạm tội vì sai lầm của mình - 1

Một bị cáo hầu tòa khi còn là học sinh

Trong hội thảo, nhiều đại biểu tâm sự về các trường hợp đã từng chứng kiến. Có gia đình, cả cha và mẹ đều là giảng viên đại học, con còn nhỏ, vướng vào trộm cắp tài sản. Sự việc bị nhà trường đứa trẻ phát hiện và báo về gia đình.

Lúc này, bậc phụ huynh tìm cách “đánh đòn tâm lý”. Tuy nhiên, thay bằng cách trò chuyện nhỏ nhẹ, gỡ rối cho con thì phụ huynh này lại lớn tiếng quát tháo. Như vậy, chính phụ huynh đã đào hố ngăn cách và khó để con của mình thay đổi.

Một trường hợp khác, gia đình thuộc dạng khá giả. Người thân suốt ngày đi vắng kiếm tiền. Phụ huynh cho rằng, chỉ cần chu cấp đầy đủ vật chất cho con là được. Chính vì thiếu vắng tình cảm gia đình, đứa trẻ đã kết thân với đám bạn xấu.

Còn nhỏ, lại không có người định hướng, đứa trẻ vướng vào con đường nghiện ngập. Thế nhưng, khi bậc phụ huynh tìm đến trung tâm tư vấn vẫn luôn cho rằng, điều trọng là chu cấp đầy đủ vật chất cho con. Họ cố tình không hiểu, quan trọng nhất đối với đứa trẻ là sự định hướng, quan tâm của chính cha mẹ.

Tiến sĩ Trương Hoàng Lệ (Học viện Chính trị khu vực II) cho rằng, vài năm trở lại đây, giới trẻ sống thực dụng, buông thả, không coi trọng các giá trị đạo đức ngày càng tăng. Điều đáng nói, trẻ vị thành niên phạm tội không chừa bất kì tội nào. Riêng về vấn đề bạo lực học đường, trẻ không chỉ gây gổ, đánh bạn bè mà nay còn chuyển sang gây sự, đánh cả thầy cô giáo.

Gia đình là nền tảng quan trọng nhất

Ông Lê Sơn (thành viên Trung ương Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam) nhận định, có nhiều con đường, nhiều nguyên nhân khác nhau khiến trẻ lạc lối, rơi vào con đường tội phạm. Xã hội hiện tại, cha mẹ, người thân ít có cơ hội thân thiết, trò chuyện, nghe con cái tâm sự. Trẻ cô đơn ngay chính trong nhà của mình.

Từ đó, trẻ tìm đến các trò chơi, dịch vụ trên mạng dẫn đến vô cảm, sống ích kỉ và thiếu khả năng kết bạn, tạo các mối quan hệ trong thực tế. Trẻ sống thiếu kỹ năng nên dễ dẫn đến gây gổ, hung hăng với bạn bè thậm chí là người thân.

Đại tá, thạc sĩ Nguyễn Duy Chính (Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân II) cho rằng, gia đình là nền tảng quan trọng nhất để hình thành nhân cách của trẻ. Gia đình không nên để trẻ thiếu thốn tình cảm, quan tâm, chăm sóc quá cứng nhắc thái quá khiến trẻ bị ức chế về mặt tâm lý lẫn niềm tin.

Ông cho rằng, trước tiên, cha mẹ và các thành viên trong gia đình phải thật sự gương mẫu, đạo đức. Gia đình cũng phải lành mạnh, hòa thuận, mọi thành viên luôn phải quan tâm, yêu thương, tôn trọng và chia sẻ nhau. Điều này sẽ giúp các thành viên trong gia đình được gắn kết và khiến trẻ cảm thấy tin tưởng, sẵn sàng sẻ chia tâm sự của mình.

Một số đại biểu khác lại cho rằng, gia đình trước tiên phải là nền tảng trong việc giáo dục con cái. Ngoài ra, nhà trường cũng là điểm hỗ trợ quan trọng. Các bậc phụ huynh cũng như thầy cô giáo không nền giáo dục theo kiểu nhồi nhét kiến thức. Thay vào đó, bên cạnh dạy dỗ về kiến thức cần tạo được môi trường lành mạnh để giúp trẻ vừa phát triển về tinh thần, trí tuệ lẫn sức khỏe. “Cha mẹ đừng để con trở thành tội phạm vì những sai lầm của mình”, một đại biểu chia sẻ.

Thanh Trà
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot