“Chăn dắt” trẻ trước cổng viện lấy tiền tiêm chích: Người mẹ có bị tước quyền nuôi con?

Ngày 18/11/2017 09:45 AM (GMT+7)

Theo LS Đào Thị Bích Liên, người phụ nữ “chăn dắt” con ruột để trục lợi có thể phải chịu trách nhiệm hình sự và bị tước quyền nuôi con tạm thời.

Liên quan đến đoạn clip người phụ nữ “chăn dắt” trẻ trước cổng bệnh viện lấy tiền tiêm chích, LS. Đào Thị Bích Liên – Chi hội Phó Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền Trẻ em TP HCM cho hay: “Chúng tôi đã biết sự việc trên và sẽ đứng ra can thiệp, bảo vệ bé gái trong clip nếu có cá nhân hoặc tổ chức yêu cầu”.

Cũng theo LS Liên, người phụ nữ lợi dụng đứa trẻ để “chăn dắt” lấy tiền tiêm chích là hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Vì vậy, cơ quan có thẩm quyền phải có biện pháp ngăn chặn, xử lý thích đáng nhằm răn đe, giáo dục người phạm tội.

“Chăn dắt” trẻ trước cổng viện lấy tiền tiêm chích: Người mẹ có bị tước quyền nuôi con? - 1

LS. Đào Thị Bích Liên – Chi hội Phó Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền Trẻ em TP HCM 

Hơn nữa, nếu kẻ chăn dắt có hành vi hành hạ con của mình có thể truy tố trách nhiệm hình sự tội hành hạ người khác được quy định tại Điều 110 Bộ Luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009. Theo đó, người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ một tháng đến 2 năm. Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm: Đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật.

Ngoài ra, người phụ nữ có hành vi “chăn dắt” trẻ em là con ruột để trục lợi sẽ tạm thời bị cách ly khỏi con (Khoản 1 Điều 32 Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 9/5/2017).

“Sau khi cách ly trẻ, cơ quan chức năng có thể giao cháu cho cá nhân, người đại diện gia đình có nguyện vọng và đủ điều kiện nhận chăm sóc thay thế hoặc giao cho cơ sở trợ giúp xã hội. Tuy nhiên, việc tước quyền nuôi con không phải vĩnh viễn mà chỉ có thể trong một thời gian nhất định”, LS Liên nói.

Trước đó, tại khu vực Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP HCM, sau khi thay bộ đồ nhem nhuốc, quấn gạc y tế quanh cổ tay như bị thương, người phụ nữ chừng 30 tuổi bế bé gái ngồi ngay lối ra vào cạnh bãi giữ xe để xin tiền những người xung quanh. Khi có người tới hỏi về sức khỏe của bé gái, người phụ nữ trả lời: "Bé bị tim. Không có tiền đi khám".

“Chăn dắt” trẻ trước cổng viện lấy tiền tiêm chích: Người mẹ có bị tước quyền nuôi con? - 2

Người phụ nữ ngồi cạnh bãi giữ xe Bệnh viện Nhi đồng 2 "giả nghèo, có con bệnh tim" để xin tiền mọi người

Gần trưa, người phụ nữ gom hết số tiền xin được buổi sáng tuồn cho người bán vé số ngồi cách sau 1 bức tường và vào nhà xe để nghỉ. Tại ghế chờ nhà xe, người này liên tục hút thuốc trong khi đứa trẻ đang chơi đùa bên cạnh dù không có biểu hiện bệnh tật gì. Một lúc sau, người phụ nữ đưa bé gái đi rửa chân tay và liên tục đánh vào người và mặt bé.

Đầu giờ chiều, người phụ nữ pha một bình sữa cho đứa bé uống và  bế ra khu vực cũ để xin tiền. Gần 19h, người này bế bé gái ra khu vực đường Hai Bà Trưng gặp người đàn ông rồi cùng về con hẻm tại quận 1 tiêm chích ma túy trước sự chứng kiến của bé gái.

Tại cơ quan Công an, người phụ nữ khai nhận vừa mới mãn hạn cai nghiện ở Bình Dương vào hồi tháng 7 năm nay. Đặc biệt, bé gái xuất hiện trong clip là con ruột của mình. 

Khoản 1 Điều 32 Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 9/5/2017 quy định:

Việc tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 50 Luật trẻ em được thực hiện đối với trường hợp: trẻ em bị xâm hại, có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi bởi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em; trẻ em bị xâm hại nhưng cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em từ chối thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp hoặc trẻ em bị xâm hại có nguy cơ tiếp tục bị xâm hại bởi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em. 

>> Xem thêm: Tiết lộ bất ngờ về đôi nam nữ trong clip "chăn dắt" trẻ trước cổng BV lấy tiền tiêm chích

Khai Tâm
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề An ninh hình sự