Cận Tết, khổ vì… làm đẹp

Ngày 03/01/2016 09:43 AM (GMT+7)

Đọc được bài báo về một cô gái Trung Quốc tự đăng hình mình lên mạng xã hội để cảnh báo mọi người sau khi tiêm một chất làm đầy không rõ nguồn gốc khiến cằm biến dạng, chị T.B.Q (25 tuổi, ngụ tại Long An) cũng quyết định kể câu chuyện của mình trên Facebook.

Cũng ước mơ có khuôn cằm V-line đang “mốt”, chị Q. đã đến một tiệm làm tóc ở gần nhà để tiêm “mỡ nhân tạo” hết vài trăm ngàn đồng. Chị kỳ vọng Tết này sẽ có một khuôn mặt kha khá để đi đây đó vui xuân, chụp hình. Hơi lo nhưng nghe vị “bác sĩ” mà cô chủ tiệm giới thiệu trấn an rằng “chỉ tiêm có một ống thuốc, lại dưới da cằm chứ không tiêm vào ngực, vào mũi đâu mà sợ biến chứng!”, chị cũng xiêu lòng.

Thế nhưng, sự thật không như ông “bác sĩ” nói. Trong tấm ảnh trên Facebook, phần cằm của chị Q. sưng to, thâm tím, biến dạng và trông thật đáng sợ! “Vậy mà ông bác sĩ ở tiệm đó đắt khách lắm, sắp Tết nên tôi phải hẹn mấy ngày mới đến lượt mình” - chị kể với giọng buồn bực.

Khi thông tin về những ca thẩm mỹ gây tai biến ngày càng xuất hiện nhiều hơn, khách hàng dù ham rẻ, thích nhanh gọn cũng trở nên ái ngại, dè dặt, không làm những phẫu thuật thẩm mỹ thường thấy như nâng ngực, mông, hút mỡ, nâng mũi… ở các cơ sở không đáng tin cậy nữa. Thế nhưng, những thủ thuật khác mà nhiều người cho là “nhỏ” như tiêm filler (chất làm đầy) thì vẫn thu hút nhiều người và rải rác vẫn xuất hiện các trường hợp tai biến do khách hàng “tự diễn” hoặc phó thác cho những “bác sĩ” không rõ xuất thân, nhất là khi phong trào độn cằm, độn mũi, xóa nếp nhăn bằng filler đang khá thịnh hành.

TS-BS Phạm Trịnh Quốc Khanh, Trưởng Khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Trưng Vương (TP HCM), cho biết nơi đây đã phải giải quyết không ít trường hợp tai biến do tiêm chất lạ để làm đẹp. Gần nhất là một phụ nữ cũng bơm “mỡ nhân tạo” vào môi và đã trả giá bằng một bờ môi bị sưng phồng, vón cục. Cô đi khám cách đây ít tuần nhưng tạm thời vẫn chưa thể phẫu thuật vì cần chờ ổn định vị trí tổn thương.

“Nhiều nạn nhân nói rằng họ được bơm filler nhưng thực chất là silicon lỏng, mà chất này đã bơm vào rồi thì gây biến dạng rất khủng khiếp vì chúng len lỏi vào các tổ chức trong cơ thể. Có ca phải mổ 3-4 lần vì họ bơm rất nhiều, mỗi lần lấy ra một ít silicon vón cục, dung nhan vì thế chỉ có thể được cứu vãn đôi chút chứ không thể phục hồi như xưa” - ông quan ngại.

BS Khanh cũng tiết lộ rằng mũi tiêm filler mà nhiều người nghĩ ai cũng có thể nắm vững và thao tác được thì với ông - một bác sĩ chuyên về tạo hình thẩm mỹ, cũng phải đi học thêm rồi mới có thể thực hiện cho bệnh nhân. Giá một ca tiêm chất làm đầy thực thụ, có xuất xứ rõ ràng, được ngành y tế cho phép… là khá cao. Giá mỗi mililit chất làm đầy lên tới vài triệu đồng, trong khi để tiêm một vị trí trên mặt thì cần ít nhất 2-3 ml. Vì vậy, những mũi tiêm “giá hời” vài trăm ngàn đồng chắc chắn ẩn chứa nhiều hiểm nguy; rồi còn “mỡ nhân tạo” nữa. Cái tên nghe có vẻ không mấy đe dọa đó thực ra lại không hề có trong từ điển y khoa!

Anh Thư
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan