Trích đoạn Rong chơi: Hậu phương "truyền lửa" suốt cuộc đời Trần Lập

Ngày 18/03/2016 08:34 AM (GMT+7)

Dù chỉ xuất hiện thoáng qua trong cuốn hồi ký Rong chơi, song bà xã của Trần Lập lại ghi dấu ấn với hình ảnh một người phụ nữ đảm đang, đầy nghị lực và giàu tình yêu thương.

Nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập sinh năm 1974 tại Hà Nội, quê xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Trưa 17/3, vào lúc 12h45 phút, Trần Lập đã qua đời tại nhà riêng sau khi được người thân đưa về từ bệnh viện Việt Đức. Lúc sinh thời, anh nổi tiếng trong làng nhạc Việt Nam với tư cách thủ lĩnh ban nhạc rock đình đám Bức Tường, là gương mặt truyền cảm hứng mạnh mẽ cho hàng triệu thanh niên Việt Nam.

Được coi là hồi ký cuối cùng của Trần Lập, song cuốn sách Rong chơi do cây bút trẻ Lê Thu Thủy (Yo Le) chấp bút lại không phải là tiểu sử về cuộc đời anh mà nói về những đam mê của thủ lĩnh ban nhạc Bức Tường như âm nhạc, xe mô tô và những cung đường. Bên cạnh đó, Rong chơi cũng không quên viết về nghị lực kiên cường của Trần Lập khi chiến đấu với bệnh tật. Thấp thoáng trong đó hiện lên hình ảnh người phụ nữ tên Hoa - bà xã của Trần Lập, cũng là tình yêu lớn của cuộc đời anh. 

Được sự cho phép của đơn vị phát hành 1980 Books, chúng tôi xin đăng tải lại trích đoạn ngắn trong hồi ký Rong chơi về tình cảm sâu sắc giữa Trần Lập và vợ. Trong giai đoạn đối mặt với biến cố lớn nhất của cuộc đời, chính chị là người "truyền lửa" - ngọn lửa của tình yêu cuộc sống, là hậu phương vững chắc hơn bao giờ hết cho chồng:

Trước nhất, anh vẫn còn đó một gia đình đáng yêu với người vợ hết sức kiên cường và luôn ủng hộ anh trong mọi chuyện. Có thể cả cuốn sách này tôi chỉ nói về những cuộc chơi của anh: chơi Rock, chơi xe, đi chơi. Nhưng bất cứ khi nào viết về những cuộc chơi ấy, tôi đều phảng phất những suy nghĩ về chị. Thì chẳng phải anh có thể thoải mái đi xa, tập trung vào công việc và tận hưởng niềm vui trên những cung đường cũng nhờ có chị làm hậu phương vững vàng hay sao? Đâu phải tự nhiên mà đối với chuyện đi, anh thường nhắc lại một điều: “Đi là để trở về”. Trở về để thấy trân trọng hơn ngôi nhà mình đang có, với chiếc giường êm, những đứa trẻ quấn quýt vui vầy, với một người vợ đảm đang, luôn hết lòng tin tưởng mình. 

Đến thời điểm hiện tại, khi anh đang phải đối diện với cánh cửa sinh tử của cuộc đời, không ai khác, chị chính là người mạnh mẽ nhất, lặng lẽ kề bên truyền lửa cho anh. Trần Lập cảm kích kể lại, thật ra chị đã biết về căn bệnh ung thư trước anh một ngày, ngay từ thời điểm cầm trên tay hồ sơ bệnh án. Thế nhưng chị không nói gì cả, chỉ bình tĩnh cùng anh đến bệnh viện nghe kết quả chẩn đoán vào chiều hôm sau. Để rồi, khi cái tin bàng hoàng ấy vang lên, chị vẫn thật vững vàng đón nhận, lại nhẹ nhàng động viên anh cùng chiến đấu. Tôi đã nghĩ nhiều về cái đêm trước ngày 4/11 ấy. Khi chị đã biết trước về biến cố đã xảy ra với người mình yêu thương nhất. Khi trong lòng chị là vô vàn những điều ngổn ngang cùng đau lòng nhưng vẫn phải bình thản để khiến anh có thể an tâm. Phải là một người phụ nữ mạnh mẽ và nghị lực đến thế nào mới có thể làm được như thế? 

Bước sang những ngày thật sự phải chiến đấu với ung thư, chị càng tỏ ra bản lĩnh hơn bao giờ hết. Ai từng có người thân mắc bệnh hiểm nghèo hẳn đều sẽ hiểu được, cuộc sống chăm lo cho người ốm là bộn bề trăm mối khó khăn. Chị vừa phải làm việc ở bệnh viện phụ sản, vừa phải chạy qua chạy lại giữa nhà và hai bệnh viện Bạch Mai và viện K để chăm sóc, cơm nước cho anh, nhiều khi phải ở lại bệnh viện qua đêm rồi sớm hôm sau lại tất tả đi làm. Khoảng cách từ nhà tới bệnh viện là mười mấy cây số mỗi ngày. Chỉ đi lại không cũng đủ khiến chị kiệt sức. Thế nhưng, chị vẫn cáng đáng tất cả, thậm chí lo luôn cả phần việc của anh trước kia là đưa đón con đi học các môn năng khiếu vào những ngày cuối tuần. Thương chị, có những khi anh phải bảo: 

- Hay em hạn chế bớt cho đỡ mệt. 

Chị gọn ghẽ đáp lời: 

- Thôi, để em cố gắng, cho các con thoải mái, được phát triển bình thường.

Chỉ cần nghe anh kể đôi lời như vậy, tôi nghĩ mình cũng đã đủ cảm nhận được anh yêu thương và tự hào về chị biết nhường nào. Căn bệnh ung thư hiển nhiên không thể cướp đi của anh gia đình mà chỉ khiến lửa tình trong ngôi nhà ấy trở nên nồng đượm hơn.

---

Tôi không biết liệu có ai đã mít ướt như tôi khi bật khóc từ ca khúc Mắt đen hay không, nhưng tôi biết chắc rằng khi Tiếng gọi vang lên đã có hàng trăm người rơi lệ. Trần Lập đã giới thiệu Tiếng gọi bằng những lời tâm sự:

- Chúng ta có đi nhiều mới thấy quý giá những giờ phút mà những người thân đón chờ, săn sóc khi chúng ta trở về ngôi nhà của mình. Mọi người có thể thấy tôi mạnh mẽ ở đâu đó nhưng thực sự người bền gan và bản lĩnh nhất lại chính là người bạn đời của tôi. Có một chuyện như thế này, khi vợ tôi nghe thấy các con tôi hát bài hát của tôi mới nói: ”Đấy, anh đã có sáng tác cho các con mà không có sáng tác nào cho em cả. Hay anh mải sáng tác cho cô nào rồi?”

Khán giả bật cười. Trần Lập cũng bật cười. Rồi anh nói tiếp:

- Quả thực chúng tôi đã ở bên nhau suốt mười năm. Đặc biệt là trong những ngày tháng này, có thể nói người vợ của tôi chính là một chiến binh. Mọi người có thể thấy tôi mạnh mẽ ở đâu đó. Nhưng thật sự người bền gan bản lĩnh nhất, đó chính là người bạn đời của tôi.

Toàn bộ Trung tâm triển lãm rần vang tiếng vỗ tay. Còn ở một góc nhỏ nào đó, người vợ chiến binh của anh đang lẳng lặng mỉm cười.

- Và sau đây cũng không phải là bài hát tôi sáng tác cho vợ tôi, nhưng sẽ là bài hát tôi muốn hát cho vợ của mình. Bài hát mang tên Tiếng gọi.

Suốt khoảng thời gian Tiếng gọi được Trần Lập hát lên, chị Hoa chỉ lặng lẽ xem và không hề rơi xuống dù chỉ một giọt nước mắt. Có một người bạn của tôi là dân làm truyền hình sau khi xem show về đã tỏ ra bất bình khi thấy máy quay liên tục hướng về gương mặt chị và chiếu lên màn hình lớn vì cho rằng, máy quay khiến chị không được tự nhiên và không thể buông xả cảm xúc của mình. Chị bạn tôi còn nghĩ rằng, mắt chị Hoa đã đỏ rồi và đáng lẽ chị đã được trào nước mắt. Thế nhưng, cá nhân tôi lại không nghĩ vậy. Tôi không cho rằng một người đã không hề bộc lộ dù chỉ một phút yếu lòng trước những người thân nhất lại có thể bật khóc trước đám đông. Hơn nữa, chẳng cần chị phải rơi nước mắt. Chỉ riêng sự bình lặng kiên cường của chị đã đủ để khiến những người có mặt tại liveshow đêm ấy phải lắng mình xúc động. Chưa bao giờ người ta nghe Tiếng gọi lại thấy hay đến thế.

Trích đoạn Rong chơi: Hậu phương quot;truyền lửaquot; suốt cuộc đời Trần Lập - 1

Em kề vai tôi ngồi bên thềm

Bỏ lại đằng sau những khúc quanh co

Và cám dỗ để quay về

Ở đó có tôi với em

Này đây tiếng gọi rất mềm

Thổi ngọn lửa bừng trong mắt thêm sâu

Hẹn ước ngày tháng rất xa…

(Tiếng gọi)

(Trích Rong chơi - Trần Lập, Rock, mô tô và những cung đường, tác giả Yo Le, 1980 Books và NXB Lao Động liên kết phát hành. Sách ra mắt độc giả Việt Nam cuối tháng 2 vừa qua).

Hà Linh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Cố nhạc sĩ Trần Lập