8 dấu hiệu nhận biết trầm cảm sau sinh

Ngày 16/12/2019 16:18 PM (GMT+7)

Sau khi sinh em bé, tâm lý của người phụ nữ thường nhạy cảm và bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau. Điều này dễ dẫn đến chứng trầm cảm sau sinh.

Trầm cảm sau sinh thường diễn ra phổ biến nhất trong 3 tuần đầu tiên. Nếu rơi vào tình trạng này, người mẹ có thể cảm thấy buồn, vô vọng, không muốn chăm sóc và gắn kết với em bé. Nhận biết sớm những dấu hiệu trầm cảm sẽ giúp người phụ nữ bớt căng thẳng trong giai đoạn này.       

1. Những dấu hiệu nhận biết sớm về trầm cảm sau sinh

Có 8 dấu hiệu cảnh báo sớm về trầm cảm sau sinh như sau:

Hội chứng Baby Blues không giảm bớt

Tâm trạng của người mẹ sẽ hơi ủ rũ trong suốt 2 tuần đầu của em bé. Sau đó thì chị em sẽ cảm thấy tốt hơn. Nhưng nếu như vẫn còn buồn hoặc thậm chí là tuyệt vọng trong nhiều tuần sau đó, cảm xúc lại ngày càng mãnh liệt thì điều đó không còn là hội chứng Baby Blues nữa.  

Lưu ý: Hội chứng Baby Blues thường sẽ chỉ ảnh hưởng trong một khoảng thời gian ngắn tới 60-80% sản phụ sau sinh. Đa phần người mẹ sẽ cảm thấy mệt lử, không ngủ được hoặc cảm thấy lo lắng….

Luôn suy nghĩ về nỗi buồn hay cảm giác tội lỗi

Đôi lúc có cảm giác buồn bã là điều bình thường. Nhưng nếu chị em thường xuyên khóc, cảm thấy không vui hoặc tự ti khi làm mẹ thì đây là một trong những dấu hiệu đầu tiên của chứng trầm cảm sau sinh.

Nếu người mẹ luôn suy nghĩ về nỗi buồn hoặc cảm giác tội lỗi thì có thể là dấu hiệu đầu tiên của chứng trầm cảm sau sinh

Mất hứng thú với những điều mình thích

Nếu người mẹ không còn quan tâm và cảm thấy có hứng thú với sở thích của mình thì là một dấu hiệu đáng lo ngại. Lúc này, chị em cần thiết phải nói chuyện với bác sĩ về những thay đổi trong tâm trạng và thói quen của bản thân.  

Gặp khó khăn khi đưa ra quyết định

Người mẹ có thể sẽ cảm thấy rất mệt mỏi. Tuy nhiên, nếu chị em không thể đưa ra những quyết định như: có nên rời khỏi giường hay không, đi tắm, thay tã cho con hay đưa bé đi dạo thì cũng có thể đó là dấu hiệu sớm của chứng trầm cảm sau sinh.    

Lo lắng mình không là người mẹ tốt

Thông thường, các bà mẹ có con bị ốm, sinh non hoặc sinh ra với những điều kiện, hoàn cảnh đặc biệt sẽ hay lo lắng. Tuy nhiên, nếu như không thuộc vào những hoàn cảnh trên, việc luôn nghi ngờ bản thân liệu mình có phải là người mẹ tốt hay không sẽ mang những ý nghĩa khác.

Thay đổi về giấc ngủ

Tất nhiên, khi có em bé, giấc ngủ của người mẹ ít nhiều có sự xáo trộn. Nhưng chị em rất cần phải lưu ý khi có những dấu hiệu sau đây: không thể nghỉ ngơi khi con đang ngủ hoặc bất cứ lúc nào cũng trong tình trạng ngủ.

Gặp căng thẳng nghiêm trọng

Người mẹ có thể gặp mâu thuẫn với chồng hoặc các thành viên trong gia đình về việc không được giúp đỡ trong chăm sóc em bé. Một vài nguyên nhân dẫn đến căng thẳng khác cũng sẽ làm trầm trọng thêm nỗi buồn của người phụ nữ và gây ra trầm cảm sau sinh. 

8 dấu hiệu nhận biết trầm cảm sau sinh - 1

Quá căng thẳng cũng sẽ làm trầm trọng thêm nỗi buồn của người phụ nữ sau sinh

Nghĩ về việc làm hại bản thân

Suy nghĩ đến việc tự tử, làm tổn thương chính mình hoặc em bé là những dấu hiệu trầm cảm sau sinh. Thậm chí đó có thể là rối loạn tâm thần sau sinh. Nếu có bất kỳ ý nghĩ tự tử nào hoặc cảm thấy bị khủng hoảng, chị em cần phải có sự trợ giúp từ các bác sĩ.

2. Những ai có nguy cơ cao bị trầm cảm sau sinh?

Một số phụ nữ có nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh nhiều hơn người khác. Các yếu tố làm tăng nguy cơ bao gồm:

- Trong quá khứ đã từng bị trầm cảm hoặc trầm cảm sau sinh.

- Tiền sử trong gia đình có người bị trầm cảm hoặc mắc bệnh tâm thần.

- Trong giai đoạn mang thai gặp phải các vấn đề buồn bã, đau thương.

- Lạm dụng các chất kích thích như rượu hoặc ma túy.

- Gặp rắc rối trong quá trình sinh nở hoặc các vấn đề đối với sức khỏe của em bé.

- Thời kỳ mang thai có những cảm xúc lẫn lộn. 

8 dấu hiệu nhận biết trầm cảm sau sinh - 2

Có một số nguyên nhân tăng nguy cơ bị trầm cảm sau sinh ở phụ nữ

3. Khi nào cần phải đến khám bác sĩ?

 Nếu có những biểu hiện sau đây thì người mẹ phải cần đến sự trợ giúp từ bác sĩ:

- Hội chứng Baby Blues không giảm đi sau 2 tuần.

- Các triệu chứng trầm cảm càng ngày càng nặng hơn hoặc kéo dài hơn 2 tuần trong vòng 1 năm sau khi sinh.

- Khó khăn để làm việc hoặc trong công việc nhà.

- Không thể tự chăm sóc bản thân hoặc em bé của mình (ăn, ngủ, tắm…)

- Có suy nghĩ về việc làm tổn thương chính mình hoặc em bé.

Các bác sĩ sẽ đưa ra các câu hỏi để kiểm tra trầm cảm. Họ cũng có thể giới thiệu tới một chuyên gia sức khỏe tâm thần để được giúp đỡ và điều trị. 

4. Một vài biện pháp khắc phục trầm cảm sau sinh

Ngoài cách nói chuyện với với các chuyên gia về tâm lý, một số cách để giúp chị em sau sinh có thể cảm thấy tốt hơn như sau:

- Nghỉ ngơi nhiều. Ngủ khi em bé đang ngủ.

- Đừng nên làm quá nhiều hoặc tự làm mọi thứ. Hãy đề nghị chồng, những thành viên trong gia đình hoặc bạn bè giúp đỡ.

- Dành thời gian để đi chơi, thăm bạn bè hoặc chỉ có hai vợ chồng với nhau.

- Chia sẻ cảm xúc của bản thân cho chồng, người trong gia đình và bạn bè. 

- Nói chuyện với những người mẹ khác để học hỏi kinh nghiệm.

- Không nên thực hiện bất kỳ sự thay đổi lớn trong cuộc sống ngay sau khi sinh. Việc đó có thể gây ra những căng thẳng không cần thiết. Tuy nhiên, nếu không thể tránh được thì cần lên kế hoạch trước cho mọi tình huống.

- Đừng chịu đựng một mình, có thể nhờ một ai đó khác giúp chăm em bé.

Có thể thấy rằng trầm cảm sau sinh ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tâm lý của người phụ nữ. Vì thế cần dành sự quan tâm đặc biệt đến người mẹ sau sinh để tránh nguy cơ trầm cảm và những hậu quả không đáng có.

Trầm cảm sau sinh và những điều mẹ phải biết từ lúc mang bầu
PGS.TS.Trần Danh Cường cho biết, trầm cảm sau sinh là một bệnh lý thường gọi là bệnh loạn thần sau sinh, là 1 trong 3 loại bệnh tâm thần sau sinh.

Trầm cảm sau sinh

Bình An
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Trầm cảm sau sinh