2 món ngày thường nhà nào cũng ăn nhưng Tết lại bị "chê", thiếu dễ gây hại cho thần kinh, tiêu hóa

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 13/01/2023 13:02 PM (GMT+7)

Mỗi loại thực phẩm đều có vai trò khác nhau với cơ thể, do vậy nếu bổ sung không cân đối sẽ gây nên những hệ lụy đối với sức khỏe.

TS.BS. Nguyễn Trọng Hưng

Trưởng khoa Khám và Tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia.

Xem tất cả bài viết của chuyên gia

Video: TS.BS Nguyễn Trọng Hưng chia sẻ về việc nên dùng rau, cơm trong dịp Tết.

Video: TS.BS Nguyễn Trọng Hưng chia sẻ về việc nên dùng rau, cơm trong dịp Tết. 

TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Trưởng khoa Khám tư vấn dinh dưỡng người lớn (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, trong cuộc sống hàng ngày vai trò của dinh dưỡng với cơ thể là rất quan trọng, trong đó nên ăn đủ 4 nhóm chất (đường bột, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất), và dùng đa dạng thực phẩm.

Tuy nhiên, trong những dịp nghỉ lễ, đặc biệt là Tết Nguyên đán, rất nhiều người “bỏ ngoài tai” những lời khuyên này, ăn uống theo sở thích và "quên luôn" một số nhóm thực phẩm quan trọng. “Việc làm này có thể không gây hậu quả tức thì, nhưng nếu duy trì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hệ tiêu hóa, thậm chí là hệ thần kinh trung ương”, bác sĩ Hưng cảnh báo. Hai món hay bị “quên” nhất trong dịp Tết là cơm và rau xanh.

Trong mâm cơm ngày Tết thường có ít rau và dường như mọi người không để ý đến cơm trắng. (Ảnh minh họa)

Trong mâm cơm ngày Tết thường có ít rau và dường như mọi người không để ý đến cơm trắng. (Ảnh minh họa)

Đối với cơm

TS Nguyễn Trọng Hưng cho biết, cơm là nguồn cung cấp tinh bột chủ yếu cho cơ thể, trong dịp Tết quả thật nhiều người quên mất việc phải ăn cơm hàng ngày. Tuy nhiên, trong bữa ăn có thể đâu đó vẫn có thực phẩm thay thế để cung cấp tinh bột như xôi hay bánh chưng.

Thế nhưng, việc ăn cơm đã thành thói quen, do đó sẽ kiểm soát được năng lượng nạp vào cơ thể một cách hợp lý nhất. Còn với bánh chưng, nhất là trong dịp Tết, rất ít người có thể kiểm soát được năng lượng nạp vào, đó cũng là lý do khiến nhiều người tăng cân.

Theo đó, một miếng bánh chưng cỡ vừa (1/8 chiếc bánh) sẽ có trọng lượng khoảng 114g, cung cấp 204 kcal, 4,7g chất đạm, 5,6g chất béo, 33,9g chất bột đường. Mức năng lượng thậm chí còn cao hơn so với một bát cơm trắng (khoảng 200kcal). Khi ăn, rất ít người ăn 1/8 chiếc bánh chưng, mà thường ăn 1/4 hoặc 1 nửa chiếc, như vậy tính riêng ăn bánh chưng đã bằng năng lượng của cả một bữa ăn no. Chưa kể trong bữa ăn đó còn dùng rất nhiều các loại thực phẩm khác, nhất là các thực phẩm giàu đạm, chất béo…

Ngày tết có thể ăn xôi, bánh chưng nhưng sẽ rất khó định lượng được năng lượng như cơm trắng. (Ảnh minh họa)

Ngày tết có thể ăn xôi, bánh chưng nhưng sẽ rất khó định lượng được năng lượng như cơm trắng. (Ảnh minh họa)

Do vậy, trong ngày Tết, vấn đề là cần kiểm soát năng lượng để không bị tăng cân, nhưng vẫn phải bổ sung tinh bột và cơm trắng sẽ là lựa chọn hàng đầu. Theo bác sĩ Hưng, tinh bột rất quan trọng với hệ thần kinh trung ương và các hoạt động cơ thể. Một người trưởng thành không có vấn đề sức khỏe cần bổ sung 50-60% năng lượng từ tinh bột/ngày. Trong những ngày Tết, mọi người tránh suy nghĩ ăn bù cơm bằng các thực phẩm khác như thịt cá hay hoa quả, các loại hạt. Bởi mỗi loại thực phẩm có vai trò khác nhau, cần bổ sung với lượng vừa đủ để không bị thừa chất nọ, thiếu chất kia.

Đối với rau xanh

Đây là vấn đề luôn được nhắc tới không chỉ trong dịp Tết, mà ngay cả ngày thường rất nhiều người cũng không ăn đủ lượng rau theo khuyến cáo. “Dịp Tết mọi người thường ăn nhiều thực phẩm giàu đạm, các đồ ăn nhiều đường nên cảm giác no và bỏ luôn việc ăn rau. Đây là sai lầm rất nguy hiểm, bởi rau chính là thực phẩm giúp cho việc tiêu hóa chất đạm được dễ dàng hơn”, TS Hưng cho hay.

Rau xanh giúp chống ngán, bổ sung vitamin, hỗ trợ đường ruột tốt nhưng dường như bị lãng quên trong dịp Tết.

Rau xanh giúp chống ngán, bổ sung vitamin, hỗ trợ đường ruột tốt nhưng dường như bị "lãng quên" trong dịp Tết. 

Để giải quyết vấn đề này, bác sĩ Hưng khuyên mọi người tốt nhất khi vào bữa ăn hãy dùng rau trước, ăn các thực phẩm khác sau. Bởi rau cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất tốt cho cơ thể hoạt động, giúp chức năng tiêu hóa trơn tru hơn, nhất là với trẻ nhỏ. Ăn rau trước còn là cách để hạn chế tăng cân trong dịp Tết.

“Tính một cách đơn giản, chúng ta cần cho trẻ nhỏ ăn ít nhất nửa bát rau/bữa. Với trẻ lớn và người trưởng thành nên ăn 1 bát rau/bữa. Đặc biệt, với người đang cần kiểm soát cân nặng, đường huyết thì rau có vai trò rất quan trọng. Tết cũng là thời điểm có đa dạng các loại rau cho mọi người lựa chọn và chế biến như xào nhẹ, hấp, luộc, trộn salad để thay đổi khẩu vị mỗi ngày”, bác sĩ Hưng tư vấn.

Học người Nhật uống viên rau củ để khỏi ăn rau - lời khuyên hữu ích hay xúi dại? Chuyên gia tiết lộ sự thật
Nhiều người không thích ăn rau thấy như "ước mơ thành sự thật" khi được giới thiệu viên rau củ cung cấp chất xơ nhưng liệu loại thực phẩm chức năng này liệu có tác dụng tuyệt vời như những lời quảng cáo có cánh?

TS.BS. Nguyễn Trọng HưngTS.BS. Nguyễn Trọng Hưng

Trưởng khoa Khám và Tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia.

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề TS.BS. Nguyễn Trọng Hưng