Bị cục cứng sát núm vú, cô gái trẻ phải cắt bỏ toàn bộ tuyến vú khi chưa lấy chồng

Ngày 10/07/2019 12:22 PM (GMT+7)

Khi có chỉ định phải cắt toàn bộ tuyến vú vì ung thư, Thanh đã choáng váng vì không ngờ bản thân mắc bệnh ở độ tuổi quá trẻ như vậy.

Đinh Thị Thanh (29 tuổi, ở Văn Lâm, Hưng Yên) vừa được các bác sĩ bệnh viện Bạch Mai phát hiện mắc căn bệnh ung thư vú giai đoạn 2. Dù phát hiện ở giai đoạn chưa phải là muộn, nhưng khối u lại nằm ở vùng trung tâm, ngay sau núm vú nên không thể bảo tồn và Thanh phải cắt bỏ toàn tuyến vú.

Khi bác sĩ thông báo quyết định này, cô gái trẻ vô cùng hoang mang và choáng váng, cô không nghĩ rằng mình còn ít tuổi như vậy mà đã mắc căn bệnh ung thư vú.

Thanh chia sẻ, cách đây một thời gian cô vô tình sờ thấy khối u ở vùng ngực, nhưng chủ quan không nghĩ ngợi gì. Đến khi khối u có vẻ to dần lên và cứng ở gần núm vú mới đến viện kiểm tra và phát hiện ra bệnh.

Bị cục cứng sát núm vú, cô gái trẻ phải cắt bỏ toàn bộ tuyến vú khi chưa lấy chồng - 1

Hình ảnh phim chụp khối u của bệnh nhân trước khi phẫu thuật.

Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Anh Tuấn - Khoa Phẫu thuật lồng ngực và mạch máu, bệnh viện Bạch Mai cho biết, sau khi thăm khám và chẩn đoán bệnh nhân bị ung thư vú giai đoạn 2, các bác sĩ đã chỉ định phẫu cắt toàn bộ tuyến vú.

“Sau khi phẫu thuật ổn định, bệnh nhân sẽ bắt đầu phác đồ điều trị hóa chất. Sau một năm, các bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng toàn thân xem có tổn thương ung thư tái phát ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể thì sẽ có thể thực hiện phẫu thuật tái tạo hình thể vú cho bệnh nhân”, bác sĩ Tuấn cho hay.

Theo bác sĩ Tuấn, hiện nay có 2 xu hướng tái tạo là sử dụng mô tự thân và sử dụng chất liệu thay thế. Phương pháp sử dụng mô tự thân là sử dụng các tổ chức của cơ thể mình như vạt cơ lưng rộng, cơ bụng để có thể tái tạo tuyến vú. Ưu điểm của phương pháp này là thích nghi tốt với cơ thể, có thể thay đổi theo trọng lượng của cơ thể khi tăng hay giảm cân.

Bị cục cứng sát núm vú, cô gái trẻ phải cắt bỏ toàn bộ tuyến vú khi chưa lấy chồng - 2

Chụp X-quang tuyến vú là phương pháp cơ bản nhất trong sàng lọc ung thư vú.

Tuy nhiên đối với mô tự thân, việc phẫu thuật kéo dài và thường để lại vết sẹo lớn ở nơi khác như ở lưng hoặc ở bụng. Và đây là một phẫu thuật tương đối phức tạp, có thể phải sử dụng đến vi phẫu và nó có cả nguy cơ hoại tử mô. Hiện nay trên thế giới ở các nước phát triển như Mỹ, Đài Loan chỉ có khoảng 10% bệnh nhân lựa chọn phương pháp này.

“Đối với bệnh nhân ung thư vú giai đoạn sớm và vị trí khối u ở vùng rìa tuyến vú hoặc khối u chưa có biểu hiện xâm lấn thì các bác sĩ có thể thực hiện kỹ thuật bảo tồn, đặc biệt là với những bệnh nhân trẻ.

Bảo tồn luôn đi đôi với xạ trị, dùng hóa chất đúng phác đồ, sau đó phải theo dõi và khám định kỳ tốt. Đối với phẫu thuật bảo tồn có ưu điểm là có thể giữ lại hình thể tuyến vú một cách tự nhiên cho bệnh nhân, đảm bảo tính thẩm mỹ, đặc biệt đối với những bệnh nhân còn trẻ tuổi, chưa lập gia đình. Chính vì thế chị em nên thường xuyên đi khám sức khỏe, kể cả khi còn trẻ tuổi để được phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời”, bác sĩ Tuấn tư vấn.

Được biết, ung thư vú đang là căn bệnh có nhiều phụ nữ mắc nhất hiện nay. Theo số liệu của GLOBOCAN năm 2018, hàng năm trên thế giới có khoảng hơn 2 triệu người phụ nữ mắc ung thư vú, trong đó có hơn 600.000 người tử vong vì căn bệnh này. Còn ở Việt Nam, ung thư vú cũng là bệnh đứng hàng số 1 về tỉ lệ mắc ở nữ giới và hàng năm có trên 15.000 ca mắc mới căn bệnh này, trong đó có khoảng hơn 6000 ca tử vong.

* Tên bệnh nhân đã được thay đổi

Mẹ trẻ phát hiện ung thư vú sau sinh, những người có nguy cơ cao mắc bệnh mà không biết
Khi đang cho con bú thấy đau ngực, nghĩ rằng do nuôi con bị kích sữa không ngờ mẹ trẻ sau đó phát hiện ung thư vú di căn.
Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan