Cảnh giác khi giải nhiệt cho con bằng nước nhân trần

Ngày 22/06/2017 14:07 PM (GMT+7)

Thời tiết mùa hè nắng nóng, trẻ lười ăn nên nhiều gia đình tìm mọi cách để cho trẻ nhỏ uống các loại nước thanh nhiệt như nhân trần, chè đậu đen, các loại lá thuốc nam. Nhưng hiệu quả đâu chưa thấy, chỉ thấy tác hại cho trẻ.

Tăng men gan vì nhân trần

Chị Nguyễn Thuý Hằng trú tại Xa La, Hà Đông, Hà Nội tâm sự, vào đầu tháng 6, con chị vừa nghỉ hè lại gặp thời tiết nắng nóng nên chị Hằng gửi con về nhà bà ngoại.

Con chị 5 tuổi, lười ăn nên chị nghĩ đủ mọi cách để bù nước cho con vì sợ nắng nóng gây mất nước.

Cảnh giác khi giải nhiệt cho con bằng nước nhân trần - 1

Nước nhân trần có hợp với trẻ em không?

Ngày nào chị cũng mua 1 lọ nước đậu đen của bà hàng xóm cho con uống. Sang nhà bà ngoại, ông bà sử dụng nước nhân trần để uống thay nước lọc, nhằm giải nhiệt, nên con chị cũng uống theo ông bà.

Cả nhà đều mừng vì cháu uống nhân trần như người lớn. Được gần 2 tuần, chị Hằng thấy con sốt, kèm theo biểu hiện nổi mẩn khắp người. Cháu ngứa gãi suốt. Dù hạ sốt nhưng mẩn vẫn lên. Cả đêm con quấy vì ngứa, vợ chồng chị Hằng tranh thủ cho con đi viện kiểm tra. Kết quả, bác sĩ cho biết cháu bị tăng men gan, nguyên nhân là do gia đình cho cháu uống nhân trần.

Cho con đến khám tại Viện Dinh dưỡng Quốc gia, chị Nguyễn Thị Ngọc, Thạch Thất, Hà Nội tâm sự, con gái chị 2 tuổi chỉ nặng 10kg. Cháu bị còi mặc dù ăn rất tốt. Tuy nhiên, khi bác sĩ hỏi cháu ăn gì, chị Ngọc cho biết cháu ăn bột sắn, khoai lang, cơm trắng… mà ít ăn thịt, mỡ động vật. 

Chị Ngọc kể cháu hay bị nhiệt nên sáng nào cũng được bà nấu bột sắn cho ăn để chống táo bón. Cả nhà nghĩ bột sắn tốt cho trẻ nhưng không biết rằng trẻ không thể phát triển vì bột sắn có nguồn năng lượng rất thấp.

Thanh nhiệt cho trẻ như nào là tốt?

Theo TS Phan Thị Bích Nga – Giám đốc Trung tâm khám tư vấn dinh dưỡng-Viện Dinh dưỡng, số trẻ đến khám ở viện tăng vọt ngay từ đầu hè. Lo lắng chủ yếu của cha mẹ là con biếng ăn, không tăng cân… và nhiều người sốt ruột sợ con nóng, muốn giải nhiệt cho con bằng cách cho sử dụng nước nhân trần, nước chè đỗ đen, nước sắn dây...

Theo TS Nga, nước nhân trần không thích hợp với trẻ em. Trong nước nhân trần chủ yếu có thành phần về oxi hóa khử, tốt cho vấn đề chống lão hóa, bổ gan nhưng trẻ nhỏ chưa có vấn đề gì về gan, ngoại trừ những đứa trẻ có bố mẹ tiền sử viêm gan B.

TS Nga cho biết nhiều trẻ đến khám trên nền suy dinh dưỡng, hay ốm nhiễm khuẩn… Khi bác sĩ cho làm xét nghiệm chức năng gan thì men gan bị tăng, rối loạn do nguyên nhân uống nước nhân trần.

TS Nga cho biết, có thể cho con uống nước nhân trần nhưng không nên thay nước lọc. Bởi trẻ nhỏ đang cần uống nhiều loại giàu năng lượng. Trong khi nhân trần không có nhiều năng lượng, uống nhiều dễ bị thiếu năng lượng dẫn tới suy dinh dưỡng.

Không chỉ có nước nhân trần mà TS Nga gặp khá nhiều trường hợp cha mẹ cho con uống nước đỗ đen. Trong đỗ đen có thành phần ức chế khả năng hấp thu chất dinh dưỡng. 

Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi nhu cầu dinh dưỡng rất nhiều, nên tránh cho trẻ uống nhiều loại nước này hoặc những loại nước hạt trộn nhiều thứ gây khó tiêu cho trẻ. Cần cho trẻ uống sữa hoặc nước quả tươi, không nên cho thêm đường. Tăng cường rau củ, trái cây tươi để bù đắp nước mất qua mồ hôi.

Nếu trẻ ra quá nhiều mồ hôi có thể bổ sung thêm orezol (pha như hướng dẫn và cho trẻ uống theo nhu cầu và 1 gói chỉ uống trong 24 giờ).

Theo P.Thúy
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Món ăn giải nhiệt mùa hè