Collagen tốt cho cơ thể thế nào? Phụ nữ muốn trẻ, đẹp và không phí tiền cần biết bí mật này về collagen

Ngày 05/06/2022 14:18 PM (GMT+7)

Bạn có bao giờ tự hỏi collagen tốt cho sức khỏe thế nào? Dưới đây là những điều khoa học tiết lộ với chúng ta về những lợi ích cho sức khỏe và sắc đẹp của việc bổ sung collagen. 

Các sản phẩm bổ sung collagen dường như nhanh chóng phổ biến khắp thế giới nhưng thực sự collagen tốt cho cái gì thì mấy ai biết? Các loại bột, đồ uống, viên thuốc, thực phẩm chức năng giàu collagen được quảng cáo với nhiều lợi ích sức khỏe, bao gồm giúp xương khớp chắc khỏe hơn. Tuy nhiên, một trong những lý do chính các sản phẩm này được ưa chuộng là hứa hẹn về khả năng trẻ hóa làn da và kéo dài nhan sắc.

“Collagen là cấu trúc protein mang tới sự đàn hồi cũng như cảm giác chắc khỏe cho làn da của chúng ta”, chuyên gia thẩm mỹ Nina Prisk, Trung tâm thẩm mỹ Update (Mỹ) nói. Nhưng, như một phần tất yếu của tiến trình lão hóa, lượng collagen của chúng ta giảm và khi đó việc này tác động tới vẻ ngoài và cảm giác ở làn da - đến lúc bạn sẽ thấy da mình bắt đầu nhăn nheo và chảy xệ. Suốt nhiều năm, nhiều người đã khao khát thử và thay thế một số collagen đã mất này để giữ cho làn da khỏe, đẹp. 

Khả năng sản xuất collage tự nhiên của cơ thể giảm dần theo tuổi tác khiến da chúng ta lão hóa. (Ảnh minh họa)

Khả năng sản xuất collage tự nhiên của cơ thể giảm dần theo tuổi tác khiến da chúng ta lão hóa. (Ảnh minh họa)

Ngăn cản tiến trình lão hóa là giấc mơ của nhiều người. Nhưng liệu collagen có đúng như những lời quảng cáo? Và liệu đã có đủ bằng chứng khẳng định những lời có cánh đó? Trước khi vội vàng mua các sản phẩm bổ sung collagen, bạn hãy đọc tiếp để hiểu sâu hơn collagen là gì, nó đến từ đâu và khoa học nói gì về những tiềm năng sức khỏe và lợi ích cho vẻ đẹp của nó. 

Collagen là gì? 

Từ collagen có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp và nghĩa là “keo dính” - với nghĩa tốt. Theo một bài báo đăng trên Biên niên sử về y khoa, collagen dùng để chỉ một họ protein là thành phần cấu trúc chính của các mô liên kết, chẳng hạn như da và sụn. Đây là loại protein dồi dào nhất trong cơ thể con người và vai trò chính của nó là "kết dính" chúng lại với nhau.

Có 28 loại collagen, mỗi loại được phân nhóm dựa trên thành phần axit amin của nó. Khoảng 90% collagen trong cơ thể là loại 1, được tìm thấy trong da, gân, cơ quan nội tạng và các bộ phận hữu cơ của xương. Phần lớn collagen còn lại trong cơ thể được tạo thành từ các loại sau: 

Loại 2: Có trong sụn

Loại 3: Có trong tủy xương và các mô bạch huyết

Loại 4: Được tìm thấy trong màng đáy (các tấm collagen mỏng bao quanh hầu hết các loại mô).

Loại 5: Tìm thấy trong tóc và bề mặt của tế bào.

Việc cơ thể gặp trục trặc trong việc sản xuất collagen có thể biểu hiện bằng một loạt các vấn đề sức khỏe, bao gồm rối loạn sinh sụn; Hội chứng Ehlers-Danlos (một nhóm các rối loạn di truyền ảnh hưởng đến mô liên kết - chủ yếu là da, khớp và thành mạch máu); Hội chứng Alport (viêm thận di truyền, bệnh viêm cơ da, và một số trường hợp loãng xương, phình động mạch và bệnh đĩa đệm). Khả năng sản xuất collagen của cơ thể cũng suy giảm theo tuổi tác và việc tiếp xúc với các yếu tố như hút thuốc, tia UV.

a classTextlinkBaiviet hrefhttps://eva.vn/Phụ nữ/a thường tìm kiếm các sản phẩm collagen bôi và uống để sức khỏe và nhan sắc. (Ảnh minh họa)

Phụ nữ thường tìm kiếm các sản phẩm collagen bôi và uống để sức khỏe và nhan sắc. (Ảnh minh họa)

Theo chuyên gia thẩm mỹ Prisk, mức độ collagen của chúng ta bắt đầu giảm từ giữa những năm tuổi đôi mươi. Mặc dù quá trình này là tự nhiên, nó có thể được đẩy nhanh bởi lối sống và các yếu tố môi trường, chẳng hạn như tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và chế độ ăn uống kém. 

Collagen đến từ đâu? 

Có nhiều cách cung cấp collagen nhưng không phải cách nào cũng hiệu quả? Thoa collagen lên da không phải là lý tưởng bởi vì collagen không được hấp thụ tốt. Trước đây, việc tiêm collagen từng được dùng trong trị liệu da, tuy nhiên ngày nay cách này không còn phổ biến bởi nhìn chung nó không có tác dụng lâu dài như chất làm đầy và trong một số trường hợp còn gây phản ứng. 

Dinh dưỡng vẫn là yếu tố quan trọng nhất trong việc sản xuất collagen. Để có được các thành phần cần thiết, trước tiên cơ thể cần phân hủy protein trong chế độ ăn uống thành các axit amin. Các axit amin là thành phần tạo nên các loại protein khác nhau trong cơ thể, bao gồm cả collagen.

Chuyên gia Prisk cho biết, nhiều loại thực phẩm chứa các chất dinh dưỡng cần thiết để tạo thành collagen, chẳng hạn như cá hồi, rau xanh lá, trứng, quả mọng, hạt bí đỏ… Tuy nhiên, nhiều người không ăn đủ những thứ này và vì vậy đối với những người muốn bổ sung collagen, thực phẩm chức năng có thể là một lựa chọn.

Collagen tốt cho những gì? 

Da

Các sản phẩm bổ sung collagen thường quảng bá với người tiêu dùng về những lợi ích giảm nếp nhăn, trẻ hóa và đảo ngược lão hóa da, tạo độ căng mọng. Những hứa hẹn này dường như hơi quá nhưng một số bằng chứng cho thấy chúng có vẻ đúng. 

Theo một phân tích tổng hợp đăng trên Tạp chí quốc tế về Da liễu, việc bổ sung collagen thủy phân cho thấy những lợi ích hứa hẹn về khả năng giữ ẩm, độ đàn hồi và cải thiện nếp nhăn trên da. Những phát hiện này nhất quán trong tất cả 19 nghiên cứu được phân tích. 

Tiến sĩ Emma Hughes, bác sĩ tư vấn và chuyên gia da liễu (Mỹ), cho biết: “Việc bổ sung collagen có nhiều lợi ích cho da vì nó có thể có hiệu quả trong việc kích thích các nguyên bào sợi, là các tế bào sản xuất collagen". 

Các sản phẩm chứa collage thoa trên da thường ít tác dụng vì khó được hấp thu. (Ảnh minh họa)

Các sản phẩm chứa collage thoa trên da thường ít tác dụng vì khó được hấp thu. (Ảnh minh họa)

Tóc

Collagen có giúp tóc phát triển? Thành phần chính của tóc là một loại protein được gọi là keratin, có cấu trúc tương tự như collagen. Các phân tử collagen chủ yếu được tạo thành từ 3 loại axit amin không thiết yếu: proline, glycine và hydroxyproline. Proline cũng là tiền chất chính của keratin. Về lý thuyết, ăn thực phẩm giàu proline sẽ cung cấp cho cơ thể bạn các thành phần cần thiết để tạo ra tóc.

Tuy nhiên, chưa có đủ nghiên cứu chứng minh luận điểm này và nhiều chuyên gia nghi ngờ mối liên quan giữa việc sử dụng collagen và độ khỏe của mái tóc. Hơn nữa, trong bài báo trên Tạp chí Da liễu Thẩm mỹ, nhiều nhà khoa học cảnh báo không nên tin vào những công bố thiếu căn cứ như vậy.

Dù sao chăng nữa, có thể collagen vẫn hữu ích cho sự phát triển của tóc. Collagen có thể đóng vai trò như một chất chống oxy hóa và chống lại sự tổn hại do các gốc tự do gây ra. Theo đánh giá đăng trên Tạp chí quốc tế về khoa học thẩm mỹ, căng thẳng oxy hóa làm tổn hại nang tóc và là một trong những lý do người lớn tuổi dễ bị rụng nhiều tóc. Do đó, bổ sung collagen có thể có lợi cho việc duy trì và phát triển tóc nhưng cần thêm nghiên cứu để khẳng định điều này. 

Sức khỏe khớp

Một trong những khía cạnh nghiên cứu việc bổ sung collagen là tác động của nó tới sức khỏe khớp, đặc biệt là ở những vận động viên chuyên nghiệp hay những người hay chơi thể thao. Việc hay bị va đập và chịu lực cơ học quá mức lâu dần có thể ảnh hưởng bất lợi tới sức khỏe cơ xương. Một số bằng chứng cho thấy sử dụng collagen có thể giảm nhẹ những vấn đề này. Chẳng hạn, một đánh giá có hệ thống được xuất bản gần đây trên Tạp chí Amino Acids đã chứng minh bổ sung collagen peptide có thể làm tăng tốc độ tổng hợp collagen và giảm đau khớp ở các vận động viên.

Viêm khớp tay

Bổ sung collagen được cho thấy giúp các bệnh nhân viêm xương khớp trong một thử nghiệm quy mô nhỏ tại bệnh viện nhưng collagen có vẻ không hiệu quả hơn thuốc khi điều trị viêm khớp dạng thấp. 

Sử dụng collagen dạng thực phẩm bổ sung đường uống có thể có tác dụng. (Ảnh minh họa)

Sử dụng collagen dạng thực phẩm bổ sung đường uống có thể có tác dụng. (Ảnh minh họa)

Nhiều nghiên cứu cũng phân tích tác động của việc bổ sung collagen ngay từ giai đoạn phát bệnh và quá trình tiến triển viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp. Các tình trạng mãn tính này khiến collagen trong khớp bị phân hủy nhanh hơn là tái tạo, dẫn tới đau khớp và giảm khả năng vận động. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, ăn thực phẩm giàu collagen có thể hữu ích với các triệu chứng viêm khớp. Tuy nhiên, theo Tổ chức viêm khớp, collagen không có khả năng tự tạo lại để đảo ngược tình trạng viêm khớp, ngay cả khi một người dùng sản phẩm bổ sung theo đường uống.

Mặt khác, việc đưa collagen vào các khớp bị viêm (bằng cách mổ) có thể là một biện pháp điều trị đầy triển vọng cho bệnh viêm khớp, theo nghiên cứu năm 2018 đăng trên Tạp chí PLOS One.

Sức khỏe xương

Theo một đánh giá đăng trên Tạp chí Dental Materials, collagen thủy phân có nguồn gốc từ da, xương và vảy của cá có thể giúp điều chỉnh sự tăng nhanh tế bào tạo xương và tổng hợp các enzym điều chỉnh collagen ở người. Chúng cũng có thể tăng cường quá trình khoáng hóa xương lành mạnh, ngăn ngừa nguy cơ rạn và gãy xương. 

Các loại bổ sung collagen khác cũng cho thấy những kết quả hứa hẹn. Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Dinh dưỡng đã xem xét ảnh hưởng của việc uống 5g collagen thủy phân mỗi ngày trong một năm tới mật độ khoáng xương ở phụ nữ sau khi mãn kinh. Các kết quả cho thấy sự can thiệp này làm tăng sự tạo xương và giảm khả năng thoái hóa xương ở những người tham gia nghiên cứu. 

Tuy nhiên, có bằng chứng mâu thuẫn với kết luận trên. Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Maturitas đã kiểm tra tác động của các chất thủy phân collagen thu được từ gelatin đối với các dấu hiệu chuyển hóa xương ở phụ nữ sau mãn kinh có mật độ khoáng xương thấp và không tìm thấy cải thiện đáng kể nào đối với cấu trúc xương của họ.

Làm lành vết thương

Collagen hiệu quả trong việc điều trị các vết thương và từng được dùng để thực hiện việc này trong hơn 2.000 năm, theo nghiên cứu đăng trên BioMedical Engineering OnLine. Collagen được bôi tại chỗ, thường là với các protein cấu trúc khác và thuốc kháng sinh, để thúc đẩy quá trình chữa lành và ngăn ngừa nhiễm trùng.

Bạn có nên dùng sản phẩm bổ sung collagen? 

Khi cân nhắc việc này, điều quan trọng cần xem xét là chế độ ăn uống và lối sống của bạn đang tác động tới việc sản sinh collagen trong cơ thể ra sao. Nếu bạn ăn uống thiếu lành mạnh, hút thuốc hoặc thường ở ngoài trời lâu mà không thoa kem chống nắng, thì việc dùng thêm sản phẩm bổ sung collagen hầu như chẳng mang lại lợi ích sức khỏe nào đáng kể. Trong trường hợp này, nên tập trung thay đổi lối sống hơn là dùng sản phẩm bổ sung để cải thiện làn da và sức khỏe xương khớp. 

Nếu bạn muốn thử bổ sung collagen, cần đảm bảo rằng sản phẩm mình chọn cung cấp các hoạt chất hấp thụ tốt. 

“Tôi đề nghị chọn sản phẩm bổ sung với collagen thủy phân hoạt tính sinh học có thể tồn tại một phần trong quá trình tiêu hóa mà không bị phân hủy. Những peptide còn sót lại này được cơ thể sử dụng để kích thích các tế bào sản xuất collagen nhất định trong các mô, từ đó giúp làn da đẹp, trẻ trung hơn và các khớp chắc khỏe lâu hơn”, chuyên gia Hughes nói.

Sản phẩm bổ sung bạn chọn cũng nên chứa các thành phần chất lượng cao, nên là hỗn hợp collagen sạch - tức là không chứa chất độn, chất ổn định và chất làm ngọt - sử dụng peptide collagen thủy phân đã được cấp bằng sáng chế và các sản phẩm sử dụng các thành phần hỗ trợ chính như vitamin C và biotin hỗ trợ sản xuất collagen tự nhiên của cơ thể.

Chuyên gia này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự nhất quán. “Hầu hết các sản phẩm bổ sung collagen được thiết kế để sử dụng hằng ngày. Kiên định dùng lâu dài là chìa khóa để đạt được lợi ích cao nhất về sức khỏe, vẻ ngoài. Nếu bạn ngừng dùng collagen thường xuyên, sự sản sinh collagen của cơ thể sẽ dần phục hồi trở lại tốc độ tự nhiên của nó”, chuyên gia nói. 

Phụ nữ có nên uống collagen để làm đẹp? Những người không nên uống collagen
Sự sụt giảm collagen có thể khiến làn da phái đẹp xuất hiện các nếp nhăn, vết nám. Vì vậy, nhiều chị em đã tìm đến các sản phẩm bổ sung collagen. Việc...

Vitamin

Theo Yên Minh (Dịch từ Livescience)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sống khỏe