Giáo viên nghề cao quý nhưng cũng đối mặt với hàng loạt nguy cơ sức khỏe từ thể chất đến tâm thần

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 19/11/2022 14:10 PM (GMT+7)

Việc thường xuyên phải giảng bài, với cường độ nói nhiều, cùng những stress, áp lực trong môi trường giáo dục khiến giáo viên đối mặt với không ít nguy cơ bệnh tật.

Nguy cơ bệnh tật bủa vây người giáo viên

Giáo viên là một nghề cao quý và luôn được xã hội tôn vinh. Nói đến nghề giáo là gắn liền với bảng đen, phấn trắng, với giáo án và những bài giảng của các thầy cô. Chính đặc thù này cũng khiến cho không ít giáo viên đối mặt với các vấn đề về sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần.

TS.BS Hoàng Đình Chân (Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt) cho biết, một trong những nguy cơ bệnh tật lớn nhất đối với các thầy cô giáo là ung thư phổi, vì hàng ngày họ phải tiếp xúc với bụi phấn trên bục giảng. Ngày nay, dù công nghệ phát triển, các bài giảng được áp dụng công nghệ thông tin nhiều hơn, nhưng ở những cấp bậc như Tiểu học, hay THCS thì viết bảng vẫn là hoạt động chủ chốt của người dạy học. Mặc dù phấn viết đã được cải tiến, không còn nhiều bụi như ngày xưa, nhưng nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp, phổi là hoàn toàn có thể xảy ra với những người ngày ngày làm việc với bảng đen, phấn trắng.

Ngoài vấn đề để bụi phấn, bác sĩ Đình Chân cảnh báo, giáo viên còn có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến vùng hầu họng như viêm dây thanh quản cấp, viêm họng, thậm chí là ung thư thanh quản.

Bụi phấn cùng với việc phải nói với cường độ và thời gian nhiều khiến giáo viên dễ mắc các bệnh viên quan đến thanh quản, phổi. Ảnh minh họa.

Bụi phấn cùng với việc phải nói với cường độ và thời gian nhiều khiến giáo viên dễ mắc các bệnh viên quan đến thanh quản, phổi. Ảnh minh họa. 

“Ung thư thanh quản ai cũng có thể gặp nhưng giáo viên là một trong những đối tượng dễ mắc bệnh nhất, do đặc thù nghề nghiệp khiến tỷ lệ bệnh nhân là giáo viên ngày càng gia tăng", bác sĩ Chân chia sẻ.

Bác sĩ Chân phân tích, đặc thù của giáo viên là dùng ngôn ngữ để truyền đạt thông tin, kiến thức tới người học, điều này khiến cho thanh quản phải làm việc thường xuyên. Việc nói to, nói nhiều trong thời gian dài khiến hệ thống dây thanh quản luôn ở tình trạng quá tải. Khi đó, chức năng của dây thanh quản bị suy giảm, làm gia tăng nguy cơ viêm nhiễm và ung thư thanh quản.

Ngoài ra, bụi phấn trong quá trình viết cũng bay ra và giáo viên ít nhiều hít vào cổ họng. Theo thời gian bụi phấn tích tụ lại tại vòm họng gây ra khó khăn trong việc hít thở, khả năng phát âm cũng như gia tăng nguy cơ bị viêm nhiễm và ung thư.

Vị chuyên gia này cho rằng, khi dây thanh quản gặp vấn đề thì triệu chứng dễ nhận thấy nhất là khản tiếng. Tuy nhiên, nhiều người chủ quan, nhầm lẫn với bệnh thường gặp khác nên không thăm khám, khi tình trạng này nặng thêm mới đến viện thì đã ở giai đoạn muộn. Do vậy, theo bác sĩ, việc khám sức khỏe định kỳ nhất là với người có nguy cơ cao như giáo viên là rất cần thiết.

Việc sử dụng các thiết bị hỗ trợ giảng sẽ giảm việc nói quá to trong thời gian dài. Ảnh minh họa.

Việc sử dụng các thiết bị hỗ trợ giảng sẽ giảm việc nói quá to trong thời gian dài. Ảnh minh họa. 

Để phòng bệnh, bác sĩ Chân khuyến cáo khi giảng bài, thầy cô nên nói với cường độ vừa phải, có thể dùng công cụ hỗ trợ như mic, loa trong phòng học. Ngoài ra, khi viết cần đứng xa, hạn chế hít phải bụi phấn. Hàng ngày, giáo viên nên uống nhiều nước để tránh khô cổ họng. "Khi có dấu hiệu như ho han, ho lâu ngày, khản tiếng, nổ hạch tại cổ, phát âm khó, nuốt vướng thì cần đi khám sớm", bác sĩ Chân tư vấn.

Áp lực tinh thần của giáo viên rất lớn

TS.BS Trần Thị Hồng Thu - Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết, giáo viên là đối tượng bị ảnh hưởng đến tâm lý, tâm thần rất lớn. Thực tế, ngoài vấn đề thu nhập thì giáo viên còn bị áp lực từ chính học sinh, phụ huynh và cả vấn đề chuyên môn…

Một sàng lọc trắc nghiệm được khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục thực hiện cho thấy, có gần 60% giáo viên có biểu hiện stress trong công việc, 35 - 40% có những dấu hiệu rối loạn lo âu liên quan đến công việc, và một tỷ lệ nhỏ hơn giáo viên có biểu hiện ban đầu của trầm cảm.

Ngoài vấn đề thu nhập, những áp lực từ phụ huynh, vấn đề chuyên môn... cũng ảnh hưởng tới tâm lý giáo viên. Ảnh minh họa.

Ngoài vấn đề thu nhập, những áp lực từ phụ huynh, vấn đề chuyên môn... cũng ảnh hưởng tới tâm lý giáo viên. Ảnh minh họa.

TS Hồng Thu cho rằng, giáo viên ở cấp học mầm non, tiểu học thường bị áp lực và ảnh hưởng tâm lý nhiều hơn. Nguyên nhân là do thu nhập thấp, khối lượng công việc quá nhiều, thậm chí như giáo viên mầm non phải làm việc 12-14 tiếng, không có giờ nghỉ trưa. Hay giáo viên tiểu học và các cấp học khác thì áp lực từ vấn đề sổ sách, thi đua, phong trào, thành tích...

Ngoài ra, áp lực còn đến từ chính phụ huynh học sinh, khi hiện nay hầu hết các lớp học đều có lắp camera, vì thế giáo viên ngoài làm công việc chuyên môn, còn phải làm vừa lòng phụ huynh. Bởi chỉ cần “nhỡ nhàng” là sẽ bị “bóc phốt” lên mạng. Chính điều đó sẽ gây lên tâm lý hoang mang, lo sợ, lâu dần tác động đến tâm lý dẫn đến stress, trầm cảm… Đó cũng là một phần lý do nhiều giáo viên vì quá áp lực nên phải nghỉ việc.

Để giải quyết vấn đề này, ngoài vấn đề tiền lương thì sự cảm thông, chia sẻ từ phụ huynh học sinh, giảm áp lực thành tích để giáo viên yên tâm công tác và cống hiến. Ngoài ra, chính bản thân các thầy cô giáo cũng phải có kế hoạch để giúp cân bằng cuộc sống, giảm những căng thẳng, áp lực và mệt mỏi.

Một giáo viên tiêm cùng lúc 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 cách nhau 10 phút
Đây là trường hợp hi hữu khi một giáo viên ở huyện Lệ Thuỷ tỉnh Quảng Bình được tiêm 2 mũi vắc xin chỉ cách nhau trong 10 phút.

Vắc xin COVID-19

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11