“Thêm thứ này vào rửa bắp cải hết sạch hóa chất”? Cảnh báo mẹo rửa rau tưởng tốt hóa hại

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 30/11/2021 11:34 AM (GMT+7)

Khi rửa rau nói chung, rau bắp cải nói riêng nhiều người thường sử dụng baking soda hoặc nước muối pha loãng, các chuyên gia cho rằng việc làm này không có tác dụng loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật.

Rau bắp cải được bày bán và sử dụng quanh năm, đây là loại rau có nhiều vitamin và chất xơ, trong đó hàm lượng vitamin K có nhiều nhất. Đặc điểm của bắp cải là rau cuốn nên rất nhiều người lo ngại quá trình phát triển sẽ bị tồn dư thuốc trừ sâu ở phía trong và gây hại cho sức khỏe. Để xử lý vấn đề này trên mạng xã hội xuất hiện những hướng dẫn, giúp loại bỏ hóa chất nếu có trong rau bắp cải.

Theo hướng dẫn trên mạng, nếu chỉ rửa rau bằng nước thì chưa đủ, thậm chí còn độc thêm, trước khi rửa cần cho thêm baking soda hòa với nước, rồi mới cho rau vào rửa. Baking soda có tác dụng loại bỏ được hóa chất tồn dư trong bắp cải nếu có.

Những hướng dẫn phi lý về cách rửa rau loại bỏ hóa chất trong rau bắp cải trên mạng.

Những hướng dẫn phi lý về cách rửa rau loại bỏ hóa chất trong rau bắp cải trên mạng.

Ngoài cách trên, một số người cũng tư vấn, trước khi chế biến người dân cần thái bắp cải ra, sau đó rửa qua nước sạch để loại bỏ tạp chất. Bước tiếp theo là hòa nước muối loãng ngâm rau, vì nước muối có tính khử khuẩn, rau đã thái nhỏ thì tồn dư hóa chất trong đó sẽ bị thôi ra.

Trước những chia sẻ trên, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Chuyên gia về Công nghệ thực phẩm cho rằng, rau bắp cải ngâm baking soda hay ngâm nước muối đều không có tác dụng làm hết được tồn dư hóa chất (nếu có).

Baking soda thực chất là muối natri carbonat, chất này thường được sử dụng để làm vệ sinh vì có tương tác bề mặt. Đối với việc làm sạch rau, củ, quả,… hiệu quả hiện chưa được chứng minh, người dùng nên cân nhắc trước khi sử dụng.

Ông Thịnh cho biết, bắp cải nói riêng và các loại rau khác nói chung, nếu hóa chất ngấm sâu vào vào trong tế bào của thực vật thì việc rửa không loại bỏ được các chất này, khi ăn vào sẽ gây nguy hại cho sức khỏe.

Việc ngâm rửa rau với muối hay baking soda không loại bỏ được hóa chất trong rau.

Việc ngâm rửa rau với muối hay baking soda không loại bỏ được hóa chất trong rau.

Với những thuốc bảo vệ thực vật bám trên bề mặt của rau, mọi người khi mua cần chú ý tới cảm quan, nếu thấy có mùi lạ thì không nên chọn. Khi sơ chế, tốt nhất nên rửa sạch và kỹ nhiều lần với nước, có thể ngâm rau trong nước trước khi chế biến.

“Điều quan trọng nhất đó chính là lương tâm của người sản xuất rau. Nếu rau phun thuốc nhưng thu hái đúng ngày theo hướng dẫn của nhà sản xuất thì thuốc sẽ có thời gian phân hủy hết và không gây hại với sức khỏe. Ngược lại, nếu vừa phun thuốc mà đã thu hoạch mang đi bán thì rất nguy hiểm, người tiêu dùng cũng rất khó để nhận biết”, PGS Thịnh chia sẻ.

Tiến sĩ, bác sĩ Từ Ngữ - Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho biết, việc ngâm rau nước muối, ngâm baking soda hay bất kể chất gì đó để làm thôi nhiễm tồn dư hóa chất có trong rau là không đúng. Hiện không có nghiên cứu chính thống nào chứng minh điều này.

Việc thái nhỏ rau trước khi ngâm rửa cũng là một sai lầm làm mất vitamin.

Việc thái nhỏ rau trước khi ngâm rửa cũng là một sai lầm làm mất vitamin.

Bác sĩ Từ Ngữ cho biết, để có thể hạn chế và loại bỏ được tồn dư hóa chất nếu có, người dân nên rửa bằng nước sạch, ngâm trong nước sạch (không cho thêm bất kể chất gì) khoảng 2-3 tiếng trước khi nấu. 

“Việc thái nhỏ bắp cải sau đó ngâm rửa với mong muốn loại bỏ hóa chất là một sai lầm. Vì khi thái nhỏ, rồi lại ngâm với nước thì các vitamin có trong rau cũng sẽ mất đi. Đó là chưa kể, khi ngâm muối hay các chất khác sẽ bị ngấm ngược vào rau. Mọi người nên tách riêng các lá bắp cải ra rồi ngâm, rửa cả lá, không nên thái nhỏ ra rồi mới rửa”, bác sĩ Từ Ngữ cho hay.

Luộc rau đậy vung thì vàng, mở ra mất chất, chuyên gia chỉ cách nấu rau vừa xanh vừa bổ
Khi sơ chế và nấu hay luộc rau xanh, việc làm sao để giữ được hàm lượng vitamin và khoáng chất rất quan trọng, đôi khi chỉ vì thói quen hoặc sai lầm...

Các loại rau củ giàu dinh dưỡng

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề PGS.TS.Nguyễn Duy Thịnh