Món ăn dân dã này từng gắn với những bữa cơm của người dân nghèo, nay thành đặc sản được người thành phố ưa chuộng, vừa mát vừa có nhiều chất tốt cho sức khoẻ.
Từng được xem là món ăn dân dã, gắn liền với bữa cơm đạm bạc của những gia đình nông thôn, củ sen ngày nay đã “lên đời” trở thành nguyên liệu đặc sản trong nhiều món ăn cao cấp. Vị bùi bùi, ngọt thanh của củ sen không chỉ khiến người ta nhớ về ký ức tuổi thơ mà còn là lựa chọn yêu thích trong thực đơn của nhiều gia đình hiện đại.
Củ sen tươi là nguyên liệu có thể chế biến đa dạng món ngon: từ chè củ sen thanh mát, cháo củ sen bổ dưỡng đến gỏi trộn giòn giòn, hay món gà hầm củ sen thơm lừng. Không chỉ hấp dẫn ở hương vị, củ sen còn là thực phẩm chứa nhiều dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, giúp thanh nhiệt, bổ huyết, tăng cường miễn dịch và hỗ trợ tiêu hóa.
Trên thị trường hiện có hai loại củ sen phổ biến: củ sen 7 lỗ và củ sen 9 lỗ. Củ sen 7 lỗ có hình dáng ngắn, phần thân dày, chứa nhiều tinh bột, mềm bở sau khi nấu chín – rất thích hợp cho các món hầm, súp, cháo. Ngược lại, củ sen 9 lỗ lại giòn, ít bột, phù hợp để xào, chiên giòn, làm salad hay muối chua.
Hiện nay, củ sen tươi được bán với giá từ 50.000 – 80.000 đồng/kg tùy theo mùa vụ và chất lượng. Khi chọn mua, nhiều bà nội trợ có kinh nghiệm thường ưu tiên những củ to mập, chắc tay, có màu nâu nhạt tự nhiên. Cần tránh những củ có màu trắng bất thường, vì có thể đã bị xử lý bằng chất tẩy.
Không chỉ ở Việt Nam, củ sen còn xuất hiện thường xuyên trong ẩm thực các nước châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc. Người Hàn xem củ sen như biểu tượng của sự sinh sôi và phát triển. Họ sử dụng củ sen để nấu canh, muối chua, hoặc thậm chí ngâm làm thức uống tăng cường sức khỏe, như một loại nhân sâm tự nhiên.
Nhờ hương vị đặc trưng và giá trị dinh dưỡng cao, củ sen đã được các nhà hàng đưa vào thực đơn như một món đặc sản dân dã. Không ít món ăn từ củ sen đã “vượt biên” sang các thị trường ẩm thực quốc tế, góp phần đưa nông sản Việt vươn xa.
Những tác dụng của củ sen đối với sức khoẻ
Giúp da trở nên tươi sáng
Củ sen là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào, một chất chống oxy hóa mạnh mẽ giúp nuôi dưỡng làn da. Nhờ hàm lượng vitamin C cao, củ sen hỗ trợ làm sáng da và duy trì làn da khỏe mạnh thông qua nhiều cơ chế khác nhau.
Tăng cường chức năng não bộ
Củ sen chứa nhiều nguyên tố vi lượng đồng – một khoáng chất cần thiết cho sức khỏe não bộ. Đồng không chỉ hỗ trợ chuyển hóa năng lượng, củng cố hệ xương mà còn thúc đẩy hoạt động của các đường dẫn truyền thần kinh, từ đó nâng cao chức năng nhận thức.
Hỗ trợ tăng cường năng lượng
Hàm lượng sắt trong củ sen giúp cải thiện tuần hoàn oxy trong cơ thể, từ đó hỗ trợ quá trình sản sinh năng lượng liên tục và bền bỉ.
Hỗ trợ tiêu hóa và kiểm soát cân nặng
Củ sen là nguồn chất xơ tự nhiên, có lợi cho hệ tiêu hóa và giúp giảm tình trạng táo bón. Theo nghiên cứu đăng trên Tạp chí Dinh dưỡng và Chuyển hóa, việc bổ sung chất xơ không chỉ giúp cải thiện tiêu hóa mà còn làm giảm cảm giác đói, từ đó hỗ trợ kiểm soát lượng calo nạp vào và phòng ngừa tăng cân.
Tốt cho tim mạch
Nhờ chứa nhiều chất xơ và dưỡng chất thiết yếu, củ sen góp phần tăng cường sức khỏe tim mạch. Các nghiên cứu cho thấy, việc tiêu thụ thực phẩm giàu chất xơ không hòa tan có thể giúp giảm huyết áp và mức cholesterol trong máu.
Tăng cường hệ miễn dịch
Là nguồn vitamin C dồi dào, củ sen có tác dụng thúc đẩy hệ miễn dịch thông qua khả năng chống oxy hóa và hỗ trợ hoạt động của các tế bào miễn dịch. Nghiên cứu trên tạp chí Nutrients cho thấy vitamin C đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì chức năng miễn dịch khỏe mạnh.
Ứng dụng trong y học cổ truyền
Cây sen đã được sử dụng từ hơn 2.000 năm trước tại nhiều quốc gia châu Á như một vị thuốc quý. Trong y học cổ truyền, củ sen thường được dùng để cải thiện tuần hoàn khí huyết, cầm máu và hỗ trợ điều trị các chứng ứ huyết.