Người có tiền sử phản vệ độ 2 không được tiêm vắc-xin COVID-19 cùng loại

Ngày 16/07/2021 11:09 AM (GMT+7)

Theo hướng dẫn mới nhất về khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc-xin COVID-19 của Bộ Y tế, người có tiền sử phản vệ độ 2 trở lên không được tiêm vắc-xin COVID-19 cùng loại.

Bộ Y tế đã sửa đổi, bổ sung hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc-xin COVID-19. Theo đó, mẫu phiếu sàng lọc trước tiêm chủng vắc-xin COVID-19 mới được bổ sung 3 nội dung sàng lọc, gồm: Tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào; tiền sử bệnh nền, bệnh mạn tính được điều trị ổn định; đã tiêm 1 mũi vắc-xin COVID-19.

Hướng dẫn mới này cũng lưu ý những người bị tiền sử phản vệ từ độ 2 trở lên (nêu rõ tác nhân dị ứng) thuộc diện chống chỉ định tiêm chủng vắc-xin COVID-19 cùng loại.

Tiêm vắc-xin COVID-19 cho nhóm đối tượng ưu tiên- Ảnh: Hà My

Tiêm vắc-xin COVID-19 cho nhóm đối tượng ưu tiên- Ảnh: Hà My

Hướng dẫn cũng nêu rõ, người thuộc nhóm trì hoãn tiêm chủng gồm:

- Mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng

- Đã tiêm vắc-xin COVID-19 khác trong vòng 14 ngày qua

- Có bệnh mạn tính đang diễn biến nặng

- Đang bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch nặng, ung thư giai đoạn cuối, đã cắt lách, đang dùng thuốc ức chế miễn dịch, corticoid liều cao (tương đương hoặc hơn 2 mg prednisolon/kg/ngày trong ít nhất 7 ngày)

- Bị bệnh cấp tính

- Đang mang thai, phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ

Người phải chuyển tiêm chủng và theo dõi tại bệnh viện nếu có:

- Tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào;

- Tiền sử bệnh nền, bệnh mạn tính được điều trị ổn định;

- Tiền sử rối loạn đông máu/cầm máu hoặc đang dùng thuốc chống đông; Độ tuổi: ≥65 tuổi;

- Bất thường dấu hiệu sống (ghi rõ) Nhiệt độ; Mạch; Huyết áp; Nhịp thở...;

- Dấu hiệu bất thường khi nghe tim phổi; rối loạn tri giác.

Bộ Y tế cho biết đến nay, Việt Nam đã thực hiện tiêm chủng 4.185.623 liều vắc-xin phòng COVID-19, trong đó, số người đã được tiêm 1 mũi là 3.890.947 người; số người đã được tiêm đủ 2 mũi là: 294.676 người.

Người trên 65 tuổi sẽ có chỉ định tiêm vắc-xin COVID-19

PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết từ cuối tháng 2-2021 đến nay, Việt Nam được cung ứng 4 loại vắc-xin COVID-19 của AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm từ các nguồn khác nhau. Các vắc-xin COVID-19 đều có thể có phản ứng không mong muốn, bao gồm phản ứng thông thường (phản ứng tại chỗ đau, sưng và/hoặc đỏ tại chỗ tiêm), phản ứng toàn thân (sốt và các triệu chứng khác như khó chịu, mệt mỏi, chán ăn) và có thể có những trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng như phản ứng dị ứng, phản vệ... với tỉ lệ rất hiếm gặp.

Bộ Y tế đã có hướng dẫn cho các địa phương, trong trường hợp số lượng vắc-xin hạn chế thì ưu tiên sử dụng vắc-xin của Pfizer để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 bằng vắc-xin AstraZeneca sau 8-12 tuần, nếu người được tiêm chủng đồng ý. Tuy nhiên, những trường hợp tiêm chủng như vậy phải được theo dõi sức khỏe chặt chẽ sau khi tiêm.

PGS Hồng cho biết Bộ Y tế đã chính thức có hướng dẫn tiêm cho người trên 65 tuổi. Tới đây, chiến dịch tiêm chủng cũng sẽ triển khai tiêm cho đối tượng này. "Tuy nhiên, đây là những người đa số có nhiều bệnh nền, vì vậy, cần phải thận trọng khi tiêm chủng, có chỉ định của bác sĩ và phải được thực hiện tại cơ sở y tế có năng lực, điều kiện xử trí tốt" - PGS Hồng lưu ý.

Bộ Y tế nói gì về việc tiêm 2 loại vắc-xin COVID-19 khác nhau?
Một số quốc gia đã xem xét và triển khai tiêm mũi 1 vắc-xin AstraZeneca và tiêm mũi 2 bằng vắc-xin của Pfizer.

Vắc xin COVID-19

Theo N.Dung
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19