Người Việt Nam đầu tiên được lấy màng tim “vá” cho chính mình giờ ra sao?

Ngày 07/03/2017 16:29 PM (GMT+7)

Cách đây 4 năm, GS Ozaki cùng các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, BV E Hà Nội đã tiến hành mổ kỹ thuật tái tạo van động mạch chủ bằng màng tim tự thân cho bệnh nhân B.V.H, bị hở van động mạch chủ, dẫn tới suy tim.

Ngày 7/3/2017, GS Shigeyaki Ozaki BV Đại học Toho (Tokyo – Nhật Bản) đã cùng GS Lê Ngọc Thành – Giám đốc BV E tiến hành khám lại bệnh nhân B.V.N (35 tuổi, Hòa Bình) – bệnh nhân đầu tiên của Việt Nam được phẫu thuật tái tạo van động mạch chủ bằng màng tim tự thân vào năm 2013.

Người Việt Nam đầu tiên được lấy màng tim “vá” cho chính mình giờ ra sao? - 1

GS Thành đang thăm khám cho bệnh nhân H. sau 4 năm thực hiện phẫu thuật tái tạo van động mạch chủ bằng màng tim tự thân.

GS Thành cho biết, cách đây 4 năm, GS Ozaki cùng các bác sĩ Trung tâm Tim mạch đã tiến hành mổ kỹ thuật tái tạo van động mạch chủ bằng màng tim tự thân cho bệnh nhân B.V.H, bị hở van động mạch chủ là tình trạng van không đóng kín, dẫn đến máu bị dồn ngược trở lại từ động mạch chủ về tim, làm tăng gánh nặng cho tâm thất trái và lâu dài sẽ dẫn đến suy tim. Bệnh nhân nếu không được điều trị sẽ dẫn đến tử vong vì suy tim.

Đến nay, sau 4 năm thực hiện phẫu thuật, bệnh nhân H. hoàn toàn ổn định và tự mình có thể vận động, sinh hoạt bình thường. Đánh giá về kỹ thuật này, GS Thành cho biết: “Đây là kỹ thuật lần đầu tiên ở Việt Nam do các bác sĩ Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện E thực hiện dưới sự hỗ trợ của GS Ozaki”.

Cũng trong ngày 7/3, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn thêm 3 trường hợp khác để có thể tiếp tục phẫu thuật bằng kỹ thuật tái tạo van động mạch chủ bằng màng tim theo phương pháp Ozaki vào thời gian tới. Đó là bệnh nhân N.V.L (71 tuổi, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bị hẹp hở van động mạch chủ dẫn đến đau tức ngực, khó thở và có mắc bệnh mãn tính gout; bệnh nhân N.C.T (67 tuổi, Bắc Giang) bị hở van động mạch chủ nặng, tim giãn; bệnh nhân N.V.S (63 tuổi, Hà Nội) hẹp kít van động mạch chủ…

Người Việt Nam đầu tiên được lấy màng tim “vá” cho chính mình giờ ra sao? - 2

GS Thành khám cho bệnh nhân trước khi thực hiện phẫu thuật tái tạo van động mạch chủ bằng màng tim tự thân.

Theo GS Thành, hiên nay trên thế giới phần lớn vẫn tiến hành thay van tim nhân tạo bằng van sinh học và cơ học. Vật liệu van nhân tạo này có tuổi thọ từ 15 - 20 năm, trong trường hợp van bị hư hỏng, người bệnh cần được thay thế bằng chiếc van mới. Nhưng với phương pháp phẫu thuật tái tạo van động mạch chủ bằng màng tim tự thân của chính bệnh nhân, nhưng bất lợi trên sẽ hoàn toàn được khắc phục.

“Đây là kỹ thuật hiện đại, rất phù hợp để ứng dụng can thiệp cho những bệnh nhân bị hỏng van tim ở người lớn tuổi trong trường hợp nguy cấp”, GS Thành nhận định. Ngoài ra, việc áp dụng phương pháp này, bệnh nhân không dùng thuốc chống đông sau mổ, sẽ hạn chế được những biến chứng khi dùng thuốc... Không chỉ có vậy, việc dùng chính màng tim tự thân của bệnh nhân thay van động mạch chủ sẽ hạn chế được nguy cơ nhiễm trùng cho bệnh nhân.

“Khi áp dụng phương pháp này, chi phí điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh lý tim mạch có chỉ định thay van động mạch chủ sẽ giảm, nhất là khi bảo hiểm y tế chưa chi trả. Bởi vậy, chi phí thay van nhân tạo mất khoảng 40 triệu đồng, nhưng áp dụng phương pháp này, bệnh nhân không mất chi phí mua van tim nhân tạo.

Điều này rất thích hợp với những quốc gia như Việt Nam có mức thu nhập của người dân còn thấp, kiểm soát đông máu sau mổ kém và bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa là phổ biến”, GS Thành cho hay.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh tim