Nhân “Ngày của Phở”: Những điểm cần nhớ để không gây hại sức khỏe

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 12/12/2022 16:10 PM (GMT+7)

Dù phở là món ăn truyền thống, được nhiều người yêu thích nhưng khi ăn cần chú ý một số điểm, nếu không có thể gây hệ lụy cho sức khỏe.

TS.BS. Nguyễn Trọng Hưng

Trưởng khoa Khám và Tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia.

Xem tất cả bài viết của chuyên gia

Đặc biệt chú ý đến gia vị cay nóng trong bát phở

Ngày 12/12, rất nhiều trang mạng xã hội chia sẻ về “Ngày của phở” và được cộng đồng hưởng ứng, đón nhận nhiệt tình. Thực tế, phở là món ăn truyền thống đã có lâu đời ở Việt Nam, được nhiều tổ chức ẩm thực uy tín trên thế giới vinh danh. Dù phở rất ngon, có sức hấp dẫn đặc biệt nhưng khi ăn cũng cần chú ý để không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Phở là sự kết hợp giữa nước dùng (nước lèo) cùng với thịt (bò, gà) và bánh phở. Khi ăn có thể cho thêm các loại rau gia vị như hành, mùi, vắt thêm chanh hoặc cho giấm tỏi ớt. Tất cả hòa quyện lại thành một món ăn vừa ngon, vừa độc đáo và có vị rất riêng.

Xét dưới góc độ y học cổ truyền, lương y đa khoa Vũ Quốc Trung (Văn Giang, Hưng Yên) cho rằng, phở là món ăn đặc biệt hữu ích cho sức khỏe. Ngoài cung cấp dinh dưỡng, chúng còn có thể giúp giải cảm rất tốt, bằng chứng là khi ăn bát phở nóng cơ thể toát ra nhiều mồ hôi.

Gia vị để nấu và ăn phở đa số có tính nóng nên mọi người cần cân bằng khi sử dụng. (Ảnh minh họa)

Gia vị để nấu và ăn phở đa số có tính nóng nên mọi người cần cân bằng khi sử dụng. (Ảnh minh họa)

Không chỉ có vậy, các gia vị trong phở là sự kết hợp của nhiều vị thuốc, nhất là các loại gia vị như gừng, hành, hoa hồi, thảo quả có trong nước dùng hay hành hoa, tiêu, chanh, tỏi ớt cho vào khi ăn đều rất tốt cho sức khỏe.

Tuy nhiên, khi ăn phở, lương y Vũ Quốc Trung lưu ý, mọi người cần cân đối hài hòa giữa nước phở và gia vị cho vào. Nếu nước phở quá đậm mùi gia vị quế, hồi, gừng… thì khi ăn cần giảm lượng tỏi, ớt thêm vào bởi tất cả gia vị đều có tính nóng, ăn nhiều và ăn liên tục sẽ khiến gây nóng cơ thể, phát ban, mọc mụn.

Cân bằng lượng rau và hạn chế nước dùng

Dưới góc độ dinh dưỡng, TS.BS Nguyễn Trọng Hưng cho biết phở là món ăn nhiều người yêu thích, chúng có hàm lượng tinh bột và chất đạm khá cân đối. Thậm chí, nếu ai có sở thích ăn nước lèo thì phở còn chứa hàm lượng chất béo không hề nhỏ.

Ví dụ, một bát phở bò chín với những nguyên liệu: 140g bánh phở, 97g thịt bò, 10g hành lá, 25g hành tây; 3g mỡ; 339ml nước dùng, sẽ cung cấp: 352Kcal; 25,4g protein; 6,7g lipit; 47,4g glucid; 0,4g chất xơ; 3,8g muối.

Như vậy, năng lượng một bát phở như trên cung cấp ngang với lượng cơm ăn trong một bữa chính. Tuy nhiên, điều mọi người cần lưu ý là lượng chất xơ trong một bát phở cung cấp rất ít (0,4g) so với các nhóm chất khác. Vì vậy, nếu thường xuyên ăn phở cơ thể sẽ thiếu lượng chất xơ và ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe.

Bát phở thường chứa nhiều muối, thiếu rau nên mọi người cần bổ sung rau và tránh uống hết nước phở. (Ảnh minh họa)

Bát phở thường chứa nhiều muối, thiếu rau nên mọi người cần bổ sung rau và tránh uống hết nước phở. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, lượng muối trong một bát phở như trên chiếm tới 3,8g, có nghĩa là gần bằng lượng muối được khuyến cáo ăn trong một ngày dành cho người trưởng thành (5g). Nếu ăn hết một bát phở như vậy, cùng với ăn các bữa khác trong ngày, cơ thể sẽ thừa muối.

“Lượng muối trong bát phở chủ yếu có trong nước dùng, vì vậy để giảm muối, mọi người không nên dùng hết cả bát nước dùng, chỉ nên uống một ít để thưởng thức”, bác sĩ Hưng khuyến cáo.

Cảnh báo về việc ăn thiếu chất xơ và quá nhiều muối, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng cho biết, thiếu chất xơ sẽ khiến cơ thể không nhận đủ vitamin và khoáng chất, khi đó cơ thể thiếu vi chất cần thiết cho cơ thể. Ngoài ra, ăn thiếu chất xơ còn khiến hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng trầm trọng, điển hình nhất là gây nên tình trạng táo bón. Còn ăn quá mặn sẽ đối mặt với hàng loạt bệnh lý nguy hiểm như cao huyết áp, tim mạch, mạch vành…

Ngoài những vấn đề trên, bác sĩ Hưng cũng khuyên mọi người không nên ăn một loại phở mà nên đổi món, hoặc không nên ăn phở kéo dài vì sẽ dẫn tới mất cân đối dinh dưỡng. “Tốt nhất, mọi người thi thoảng mới ăn phở, chỉ để đổi bữa chứ không nên ăn liên tục. Bởi bất cứ thực phẩm gì ăn nhiều quá cũng không hề tốt”, bác sĩ Hưng tư vấn.

Ăn phở, bún, miến hay khoai lang thay cơm được không? Người mắc bệnh này chớ dại ăn khoai nướng
Nhiều người, nhất là ai có vấn đề về đường huyết thường cố gắnghạn chế ăn cơm. Vậy dùng các loại lương thực khác, chẳng hạn như khoai lang để thay cơm...

Bệnh tiểu đường..

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề TS.BS. Nguyễn Trọng Hưng