Một người đàn ông ở Anh mắc phải một căn bệnh ung thư hiếm gặp dù trước đó cơ thể chỉ gặp phải những dấu hiệu của chứng ợ nóng và khó tiêu.
Dấu hiệu của một căn bệnh nguy hiểm
Neil Morris, 44 tuổi, sống tại Abingdon, Oxfordshire, nước Anh là một người đàn ông rất khỏe mạnh. Vào tháng 11/2023, sau chuyến hành trình đạp xe 100km Neil bắt đầu cảm thấy căng tức ở cổ và ngực. Song, do vừa hoàn thành chuyến đi dài, anh chỉ nghĩ đó là biểu hiện của chứng ợ nóng hoặc khó tiêu và nhanh chóng gạt nó qua một bên.
“Ban đầu, tôi không nghĩ gì nhiều về cảm giác khó chịu này, tôi chỉ nghĩ tôi bị chứng khó tiêu, ợ nóng, sau vài ngày là khỏi”, Neil chia sẻ. Tuy nhiên, trái ngược với những gì Neil dự đoán, tình trạng căng tức kéo dài trong suốt nhiều ngày liền và không có dấu hiệu thuyên giảm. Lúc này, nghe theo lời khuyên của gia đình, Neil quyết định đi khám.
Vốn tự tin về sức khỏe của mình nên Neil không nghĩ mình có thể mắc bệnh ung thư.
Sau khi tiến hành hàng loạt các kiểm tra và xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện, ở vùng ngực của anh có một khối u khổng lồ cùng với một cục máu đông. Kết quả chẩn đoán cho biết Neil mắc phải một loại ung thư máu hiếm gặp được gọi là leukemia cấp dòng lympho. Ở Việt Nam, bệnh này được biết đến với tên gọi bệnh bạch cầu lymphoblastic cấp tính.
Được biết, đây là một loại ung thư tác động đến các tế bào trong tủy xương, nơi sản sinh các tế bào máu mới. Tại Vương quốc Anh, mỗi năm chỉ có khoảng 765 người được chẩn đoán mắc bệnh này. Với những bệnh nhân ở độ tuổi như Neil (40 tuổi), cơ hội sống sót sau 5 năm chỉ khoảng 25%.
Khi nghe bác sĩ thông báo về bệnh tình của Neil, cả gia đình anh không khỏi bàng hoàng. Vợ của Neil, cô Jenny cho biết, ban đầu cô không nghĩ tình trạng của chồng mình nghiêm trọng đến vậy. “Anh ấy nghĩ đó chỉ là chứng ợ nóng, khó tiêu thôi, tôi không ngờ đó là dấu hiệu của một căn bệnh nguy hiểm như thế. Khi nhận được kết quả xét nghiệm của anh ấy, cả gia đình gần như bị đảo lộn hoàn toàn”, cô nói.
Ngay sau đó, Neil bắt đầu liệu trình điều trị ung thư với hơn 100 đợt hóa trị và 8 giờ xạ trị. Sau quá trình dài đấu tranh với bệnh tật, cuối cùng, Neil được cứu sống nhờ thành công của ca ghép tế bào gốc.
Neil được cứu sống nhờ phương pháp ghép tế bào gốc (ghép tủy).
Tế bào gốc là những tế bào có thể thay thế các tế bào bị hỏng trong cơ thể, và việc tìm được người hiến tặng có cùng một mã di truyền là vô cùng quan trọng. Trong trường hợp của Neil, anh thật sự may mắn khi các bác sĩ tìm thấy một người phụ nữ từ Đức có tế bào gốc phù hợp. Jenny nói rằng, cô không thể diễn tả hết cảm xúc của mình khi biết rằng chồng cô có thể được cứu sống nhờ một người hoàn toàn xa lạ. “Tôi chỉ biết cảm ơn cô ấy vì đã cứu chồng tôi và cho anh ấy cơ hội thứ hai để sống tiếp”, cô chia sẻ.
Vì sao bệnh bạch cầu lymphoblastic cấp tính nguy hiểm?
Bệnh bạch cầu lymphoblastic cấp tính là một dạng ung thư hiếm gặp. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS), bệnh bạch cầu lymphoblastic cấp tính (ALL) là phổ biến nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi. Nguy cơ giảm với những người ở độ tuổi 20 và sau đó tăng trở lại ở những người sau 50 năm.
ALL xảy ra khi các tế bào lymphoblast – tiền thân của bạch cầu lympho – phát triển bất thường trong tủy xương, sinh sôi không kiểm soát và lấn át các tế bào máu khỏe mạnh. Điều này dẫn đến thiếu hụt hồng cầu, tiểu cầu và bạch cầu bình thường, gây ra các triệu chứng như: Thiếu máu, dễ chảy máu và suy giảm miễn dịch.
Bệnh bạch cầu lymphoblastic cấp tính là một căn bệnh nguy hiểm và rất hiếm gặp. (Ảnh minh họa).
Nguy hiểm của ALL nằm ở tốc độ lan rộng của nó. Nếu không được điều trị kịp thời, các tế bào ung thư có thể xâm nhập vào máu, di căn đến các cơ quan như: Gan, lá lách, hạch bạch huyết, thậm chí não và tủy sống, gây biến chứng nặng nề. Đặc biệt, trẻ em và người lớn tuổi là những nhóm dễ mắc bệnh do sức đề kháng yếu, khiến bệnh càng khó kiểm soát.
Ngoài ra, ALL đe dọa tính mạng vì nó làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến người bệnh dễ nhiễm trùng nghiêm trọng. Dù y học hiện đại đã cải thiện tỷ lệ sống sót, ALL vẫn đòi hỏi điều trị khẩn cấp như: Hóa trị, ghép tủy, với nhiều tác dụng phụ nặng. Vì vậy, phát hiện sớm và can thiệp kịp thời là yếu tố sống còn.
Những dấu hiệu có thể cảnh báo bệnh bao gồm: Mệt mỏi, khó thở, da xanh xao, sốt cao, dễ bị nhiễm trùng hay bầm tím hoặc chảy máu, sưng hạch bạch huyết, đau xương khớp, cảm giác đầy bụng và sụt cân.
Các chuyên gia lưu ý rằng những dấu hiệu này có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, không chỉ riêng ung thư. Nhưng nếu gặp những triệu chứng này, người bệnh nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.