Vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới của Nga: Nhanh nhất liệu có an toàn?

HOÀNG DƯƠNG - Ngày 12/08/2020 09:46 AM (GMT+7)

Vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới do Nga sản xuất hôm 11.8 đã được công bố và thu hút sự chú ý đặc biệt trên khắp thế giới.

Vaccine mang tên Sputnik V là câu trả lời của Nga cho nỗ lực chấm dứt tình trạng lây nhiễm COVID-19 và mở ra con đường hồi phục nền kinh tế Nga.

Vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới của Nga: Nhanh nhất liệu có an toàn? - 1

Vaccine ngừa COVID-19 của Nga đã chính thức được đăng ký.

Truyền thông nước ngoài bày tỏ nghi ngại về độ an toàn của vaccine do Nga sản xuất. Truyền thông Nga xác nhận vaccine chỉ mới được thử nghiệm trên 76 người, nhưng nói rằng chính các thành viên tham gia phát triển vaccine tại Viện Nghiên cứu Gamaleya đã tình nguyện tiêm thử vaccine.

Họ bày tỏ sự tin tưởng vào mức độ hiệu quả và an toàn do họ phát triển, theo Sputnik. Truyền thông Nga dẫn lời Sergei Tsarenko, phó trưởng khoa gây mê và hồi sức tại bệnh viện thành phố Moscow, nói các bác sĩ đã tìm ra nhiều cách điều trị hiệu quả cho bệnh nhân COVID-19, nhưng họ vẫn chỉ có thể áp dụng giới hạn với những trường hợp nghiêm trọng. Do vậy, vaccine ngừa COVID-19 sẽ là phương pháp an toàn và tin cậy hơn để ngăn những cái chết do đại dịch gây ra. Ông Tsarenko nói thêm rằng vaccine do Viện Nghiên cứu Gamaleya phát triển có thể tin cậy.

Theo truyền thông Nga, trong vaccine Sputnik V chứa một phần bộ gene của virus SARS-CoV-2 để giúp cơ thể nhận biết và tạo ra kháng thể. Người sử dụng vaccine Sputnik V sẽ phải tiêm liều thứ hai sau 3 tuần để đảm bảo hệ miễn dịch có phản ứng.

Phương pháp này thực chất không hề mới, đã được sử dụng trong vaccine phòng Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) do chủng virus Corona khác gây ra.

“Vaccine Sputnik V rất đơn giản nhưng lại cực kỳ hiệu quả. Đó là điều chưa ai làm được”, Tsarenko nói.

Báo Nga cho rằng, phương Tây có cái nhìn ác cảm khi Nga đăng ký vaccine đầu tiên trên thế giới nên chỉ tập trung vào vấn đề an toàn hay không, trong khi bước tiến như vậy lẽ ra nên được ủng hộ.

Trả lời trên ABC News, bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, đặt câu hỏi về cách tiếp cận nhanh chóng trong việc phát triển vaccine.

“Tôi hi vọng là người Nga thực sự chứng minh được rằng vaccine an toàn và hiệu quả”, ông Fauci nói. “Tôi thực sự nghi ngờ điều đó”.

Giới chuyên gia cũng cho rằng, việc Nga bỏ qua giai đoạn 3 – giai đoạn thử nghiệm vaccine đại trà, tạo ra rủi ro lớn. “Thử nghiệm giai đoạn 3 rất quan trọng trong việc phát triển vaccine”, Daniel Salmon, giám đốc Viện Vaccine An toàn tại Đại học Johns Hopkins, nói. “Có đáng tin cậy hay không khi vaccine không trải qua thử nghiệm giai đoạn 3? Tôi cho là không”.

Theo tờ RT, Nga sẽ đưa vào sử dụng đại trà vaccine Sputnik V kể từ ngày 1.1.2021. Việc tiêm vaccine hay không là hoàn toàn tự nguyện. Các nhân viên y tế, giáo viên sẽ là những người được tiêm vaccine đầu tiên.

Khả năng tạo miễn dịch ngăn ngừa COVID-19 trên người của vaccine Sputnik V sẽ có tác dụng trong vòng 2 năm.

Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp (Dân Việt)

Vì sao trong 17 ca COVID- 19 tử vong phần lớn rơi vào đối tượng này?

Ngoài tăng nhanh về số lượng những ca mắc trong cộng đồng, nước ta cũng đã ghi nhận những trường hợp tử vong liên quan COVID-19. Các chuyên gia đã đưa ra lý giải chuyên môn liên quan đến 17 ca tử vong liên tiếp những ngày qua.

Đối tượng dễ tổn thương

Làn sóng thứ 2 của COVID – 19 ở nước ta đang diễn biến phức tạp. Hai tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam – nơi số ca mắc nhiều lại tiếp tục phải thực hiện giãn cách xã hội từ 0 giờ 12/8. Điều đáng nói ngoài tăng nhanh về số lượng những ca mắc trong cộng đồng, nước ta cũng đã ghi nhận 17 trường hợp tử vong do COVID- 19 (tính đến sáng 12/8).

Hầu hết các trường hợp tử vong từng ghi nhận đều là người cao tuổi, người mắc các bệnh lý nền như suy tim, ung thư máu, tiểu đường type 2, tăng huyết áp, viêm phổi, ... Nhiều hơn cả trong số đó là những người bị suy thận mạn giai đoạn cuối, lọc máu chu kì.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn từng nhấn mạnh, khi mắc COVID- 19, nhóm đối tượng có nguy cơ cao diễn biến tăng nặng sẽ tập trung vào nhóm người cao tuổi, người bệnh lý nền hoặc cơ địa, thể trạng béo phì… Khi mắc COVID- 19 sẽ suy giảm sức đề kháng khiến lượng virus phát triển trong cơ thể nhanh hơn, tổn thương cơ quan nhanh hơn so với bệnh nhân khác. Nguy cơ cơn bão cytokine dễ gặp. Khi bị virus tấn công sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể và cả các cơ quan nội tạng, gây suy các cơ quan, giảm chức năng dẫn tới bệnh nặng hơn.

Lý giải về nhiều ca tử vong mắc COVID- 19 là những người suy thận mạn giai đoạn cuối, trao đổi với PV Báo Gia đình và Xã hội, TS.BS Hoàng Công Tình – Trưởng Khoa Hồi sức tích cực (BVĐK tỉnh Hòa Bình) cho biết, người mắc bệnh suy thận mạn tính, đặc biệt là suy thận mạn giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo (lọc máu chu kỳ) là đối tượng rất dễ bị tổn thương khi mắc thêm các bệnh lý khác, đặc biệt là COVID- 19.

Suy thận mạn phải chạy thận nhân tạo, mỗi tuần bệnh nhân ít nhất có 3 ngày phải đến các Bệnh viện để lọc máu chu kỳ. Một người lớn khỏe mạnh, mỗi ngày cần một lượng từ 1,5 - 2 lít nước đưa vào cơ thể để duy trì các hoạt động bình thường (đào thải chất độc, điều hòa thân nhiệt, quá trình trao đổi chất…). Nước sau đó sẽ được bài tiết ra khỏi cơ thể chú yếu qua đường nước tiểu, một phần rất nhỏ qua mồ hôi và hơi thở.

Với người suy thận mạn giai đoạn cuối phải chạy thận chu kỳ, đa số đều ở trạng thái vô niệu (thận không còn khả năng bài tiết nước tiểu - đồng nghĩa với không còn khả năng đào thải chất độc). Lúc này, lượng nước đưa vào cơ thể qua ăn uống hằng ngày (khoảng 2 lít/ngày) sẽ tích trữ lại trong cơ thể, cùng với đó là các chất độc được sinh ra trong quá trình chuyển hóa. Chạy thận nhân tạo sẽ giúp đào thải lượng nước dư thừa trong cơ thể bệnh nhân, đào thải chất độc và cân bằng các chất điện giải.

Vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới của Nga: Nhanh nhất liệu có an toàn? - 2

Suy thận mạn phải chạy thận nhân tạo là đối tượng nguy cơ tử vong cao khi mắc COVID-19. Ảnh: CT

Theo các nghiên cứu, bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo 3 lần/tuần thời gian sống thêm được từ 5-10 năm. Họ thường có chất lượng sức khỏe thấp, suy giảm miễn dịch, đối diện với các biến chứng thường gặp như nhiễm độc, phù phổi cấp, đột quỵ não… 

Bởi vậy, nếu bệnh nhân suy thận mạn không may bị nhiễm COVID- 19, nguy cơ tử vong rất cao. SARS-CoV-2 giống như một cú "huých", "giọt nước tràn ly" làm cho tình trạng sức khỏe của bệnh nhân suy thận mạn càng thêm trầm trọng.

"Ngoài những người có bệnh lý nền là suy thận mạn, người cao tuổi, những người có bệnh lý mạn tính khác như tiểu đường, tăng huyết áp, suy tim, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư…sẽ rất dễ tiến triển nặng, thậm chí tử vong nếu không may bị nhiễm COVID- 19. Bởi lẽ, số bệnh nhân này hằng ngày phải thường xuyên sử dụng thuốc điều trị bệnh lý nền, chịu đựng các đợt bùng phát của bệnh, đối mặt với các biến chứng của bệnh ở giai đoạn cuối nên chất lượng sức khỏe bị giảm sút nghiêm trọng, khi mắcCOVID- 19 sẽ rất khó chữa trị" – BS Tình cho hay.

Điều cần làm để giảm thiểu tử vong

BS Hoàng Công Tình khuyến cáo, để giảm thiểu những nguy cơ tử vong, diễn tiến bệnh nặng khi không may mắc COVID- 19 với những người có nguy cơ tử vong cao này khi không may bị mắc COVID- 19, đặc biệt là phòng lây nhiễm cho nhân viên y tế và những người xung quanh thì ngoài các biện pháp điều trị tích cực, chúng ta cần phải áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng ngừa.

Theo đó:

+ Bệnh nhân phải được bố trí điều trị trong các buồng bệnh cách ly khép kín, đảm bảo thông khí tốt, tách biệt với các khu vực điều trị bệnh nhân thông thường (không nhiễm COVID-19). Nếu điều kiện cho phép nên bố trí 1 bệnh nhân trong 1 buồng bệnh để công tác điều trị, chăm sóc được thuận lợi. Các thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, thuốc men sử dụng cho bệnh nhân cũng phải được bố trí riêng để phòng lây nhiễm.

+ Với bệnh nhân suy thận mạn chạy thận chu kỳ không may mắc COVID- 19 cần phải được cách ly để điều trị. Máy chạy thận, quả lọc thận, dịch lọc đều phải bố trí riêng và tốt nhất là sử dụng quả lọc dùng một lần (không tái sử dụng lại quả lọc). Bệnh nhân sau khi hết ca chạy thận, cần phải được kiểm tra sức khỏe và bố trí phòng ở riêng biệt để phòng lây nhiễm cho mọi người xung quanh. Đây thực sự là một bài toán khó khi bệnh nhân đều đặn phải lọc máu chu kỳ 3 lần/ tuần.

Vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới của Nga: Nhanh nhất liệu có an toàn? - 3

BS Hoàng Công Tình

Tại BVĐK tỉnh Hòa Bình cũng rất chú trọng công tác phòng ngừa dịch bệnh đối với những khoa trọng điểm đang điều trị những bệnh nhân nặng, bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính như khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực, Thận nhân tạo, Tim Mạch…

Theo BS Trần Hồng Xinh, Khoa Nội thận và Lọc máu (BV 108), để nâng cao sức đề kháng phòng tránh COVID-19, người bệnh đang lọc máu chu kì cần ăn uống, vệ sinh khoa học bằng bổ sung vitamin và vận động thể chất phù hợp. Tuân thủ nghiêm các hướng dẫn của Bộ Y tế và nhân viên y tế về giữ vệ sinh tay, vệ sinh đường hô hấp, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu 2m. Khai báo y tế trung thực, nếu có triệu chứng ho, sốt hay vấn đề sức khỏe khác cần gọi cho đơn vị lọc máu trước khi đến.

Theo Phương Thuận (Gia đình và Xã hội)

Ông Putin chính thức lên tiếng về vaccine Covid-19 đầu tiên trên thế giới của Nga
Tổng thống Nga Vladimir Putin còn tiết lộ con gái của ông đã được tiêm loại vaccine này.
HOÀNG DƯƠNG (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h