Xét nghiệm máu thấy chỉ số về ung thư bình thường chớ vội mừng: Bác sĩ lý giải "bí mật" ai cũng cần biết

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 27/10/2022 19:00 PM (GMT+7)

Nhiều người đi khám thường làm thêm xét nghiệm máu, thậm chí chụp cắt lớp để tìm tế bào ung thư, liệu việc này có chính xác? Bác sĩ Thân Văn Thịnh - Phó khoa Khám bệnh, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội sẽ có giải đáp cụ thể.

Dương Văn Hà (Hà Nội) (haduong78***@gmail.com)

Chào bác sĩ!

Mới đây, cơ quan tôi tổ chức cho nhân viên khám sức khỏe định kỳ và xét nghiệm máu để phát hiện một số bệnh ung thư, may mắn kết quả đều cho thấy không ai gặp vấn đề. Thực tế, không chỉ riêng ở cơ quan tôi, rất nhiều người bạn tôi cũng xét nghiệm máu để xem mình có nguy cơ mắc ung thư hay không? Thậm chí trên mạng cũng quảng cáo rất nhiều về dịch vụ này.

Ngoài xét nghiệm máu, tôi thấy khi đi khám sức khỏe, nếu đang lo lắng về một căn bệnh ung thư nào đó, bác sĩ còn tư vấn về việc chụp PET/CT cơ thể để tìm tế bào ung thư sớm.

Xin bác sĩ cho biết, việc xét nghiệm máu hay chụp PET/CT có phải phương pháp để chẩn đoán, phát hiện sớm ung thư không? Làm sao nhận biết dấu hiệu ung thư để đi khám sớm kịp thời, thưa bác sĩ?

img alt src/upload/4-2022/images/2022-10-24/xn-1666601342-933-width600height342.jpg stylewidth: 600px; height: 342px; /
Ths.BS Thân Văn Thịnh

Chào bạn!

Băn khoăn của bạn cũng là thắc mắc của rất nhiều người. Thực tế khám chữa bệnh cho thấy, rất nhiều người nghe theo quảng cáo, đến bệnh viện nơi tôi công tác khám, sau đó xin làm xét nghiệm máu để tìm tế bào ung thư. Việc này là không đúng, vì xét nghiệm máu chỉ hỗ trợ chẩn đoán và tiên lượng bệnh, không phải tiêu chuẩn để chẩn đoán ung thư.

Tôi từng gặp nhiều bệnh nhân đến viện cầm theo một xấp giấy tờ xét nghiệm các thể loại ung thư trước đó, có trường hợp xét nghiệm máu chỉ số về ung thư dạ dày tăng vọt nhưng khi nội soi dạ dày lại bình thường, không có dấu hiệu ung thư. Ngược lại cũng có trường hợp nguy hiểm hơn khi ung thư đã di căn nhưng xét nghiệm máu chất chỉ điểm khối u vẫn bình thường, không vấn đề gì cả, đây là hiện tượng âm tính giả.

Còn đối với việc chụp cắt lớp vi tính 256 dãy hay 512 dãy, thậm chí là PET/CT cũng không có khuyến cáo sử dụng trong tầm soát ung thư. Ví dụ như với ung thư vòm họng, không thể dùng chụp cắt lớp đa dãy để tầm soát ung thư. Với căn bệnh ung thư này phải nội soi tai mũi họng. Hay ung thư đại trực tràng, dạ dày thì nội soi là tiêu chuẩn chính không thể thay đổi.

Tuy nhiên, trong quá trình điều trị bệnh nhân đã mắc ung thư, các kỹ thuật này vẫn được sử dụng để đánh giá phân loại giai đoạn bệnh trước điều trị và đánh giá hiệu quả sau điều trị.

Xét nghiệm máu thấy chỉ số về ung thư bình thường chớ vội mừng: Bác sĩ lý giải amp;#34;bí mậtamp;#34; ai cũng cần biết - 2

Xét nghiệm máu hay chụp cắt lớp không phải phương pháp chẩn đoán bệnh ung thư. 

Như vậy cả xét nghiệm máu hay chụp cắt lớp vi tính đều không phải là phương pháp chẩn đoán ung thư. Để chẩn đoán chính xác mắc ung thư hay không thì cần xét nghiệm mô bệnh học và tế bào, đây là tiêu chuẩn chẩn đoán ung thư không thể thay thế.

Do vậy, muốn tầm soát ung thư, mọi người nên đến các cơ sở chuyên khoa uy tín và tuân theo chỉ định của bác sĩ. Không nên nghe theo lời quảng cáo, rỉ tai dẫn đến mất tiền nhưng không phát hiện ra bệnh. Bởi mỗi loại ung thư có những triệu chứng khác nhau, nhưng các triệu chứng đó cũng chỉ ở mức nghi ngờ, không phải đặc hiệu. Ví dụ:

- Ho ra máu có thể nghĩ tới ung thư phổi, ung thư vòm mũi họng.

- Xuất hiện khối bất thường trên cơ thể: Ung thư vú, ung thư tinh hoàn, ung thư phần mềm…

- Nốt ruồi tự nhiên to lên nhanh, chảy máu, biến sắc…: Bệnh ung thư hắc tố, ung thư biểu mô da…

- Triệu chứng đầy bụng, khó tiêu, ù tai, rối loạn đại-tiểu tiện có thể do bệnh lý dạ dày hoặc ung thư đường tiêu hoá, vòm họng…

- Một số triệu chứng khác như đái ra máu có thể do ung thư bàng quang, ung thư thận, tinh hoàn, tiền liệt tuyến, niệu quản, niệu đạo…

- Quan hệ ra máu âm đạo có thể do ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ…

- Đại tiện ra máu: Ung thư đại trực tràng, ống hậu môn

- Vết loét tổn thương trên da, niêm mạc trên 3 tuần có thể nghĩ tới ung thư da, ung thư khoang miệng, ung thư dương vật, âm hộ…

- Đau kéo dài: Đau ngực trong ung thư phổi, đau tức vùng gan trong ung thư gan, đau xương trong bệnh lý xương ác tính…

- Sụt cân, sốt kéo dài, thiếu máu, nổi hạch…: Ung thư hạch, ung thư máu…

Cần lưu ý rằng, tất cả các triệu chứng trên đều không đặc hiệu nhưng chúng ta cũng không nên bỏ qua, cần đi khám để loại trừ nguyên nhân ung thư.

Mọi thắc mắc của bạn độc về các vấn đề sức khỏe sẽ được các chuyên gia tư vấn trong những bài tiếp theo. Mời quý độc giả đón đọc các bài Hỏi đáp bác sĩ vào các ngày thứ 3 - 5 hàng tuần trên mục Sức khỏe.

Cô gái 29 tuổi mắc ung thư chỉ vì 1 sai lầm phổ biến khi giặt đồ lót, chuyên gia khuyến cáo hãy từ bỏ ngay thói quen lười biếng này!
Đồ lót là trang phục chạm trực tiếp với nơi nhạy cảm trên cơ thể, nên chúng cần được vệ sinh ngay sau khi sử dụng. Cô Lâm đã mắc một sai lầm chết người.

Bệnh phụ nữ

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh ung thư