Trên bàn nhậu, “ông tám” cũng khóc như ai!

Ngày 06/03/2015 00:00 AM (GMT+7)

Tuổi nó đã chạm ngưỡng “băm” nhưng vẫn chưa dám yêu thêm một ai khác. Có lẽ sự khó tính của mẹ đã làm trái tim nó hóa lạnh, không còn tự tin và bản lĩnh để đi tìm một nửa.

Như bao buổi chiều thứ sáu, sau giờ tan tầm, nhóm chúng tôi gồm 5-6 thằng bạn chí cốt chơi với nhau từ nhỏ lại họp “hội Bàn đào” tại một quán nhậu quen thuộc ven bờ kênh Nhiêu Lộc. Mỗi đứa mỗi cảnh, có thằng là viên chức cấp cao trong một doanh nghiệp có tiếng, đứa lại là thợ cơ khí trong một xí nghiệp nhỏ, tài xế công ty, rồi còn có nhân viên quèn trong một cơ quan nhà nước… Ấy thế mà khi đã tụ họp thì thằng nào cũng như thằng nấy, không phân biệt tuổi tác, giàu nghèo, không quan tâm thân thế, gia cảnh...

Chủ đề chính trong buổi “đại tiệc” bình dân thường là các trận bóng đá sôi nổi trong và ngoài nước, có cả những trận đấu nghiệp dư mà nhân vật chính là các cầu thủ chân teo, bụng bự như chúng tôi. Không bóng bánh thì lại bàn tán về thế giới của các cô nàng Eva xinh đẹp, cuối cùng là những vấn đề thời sự nóng bỏng… Chúng tôi thường tranh luận rôm rả, không ai nhường ai, thậm chí biết sai vẫn cãi chày cãi cối cho đến khi chán thì chuyển đề tài.

Thế nhưng, hôm nay lại có một sự thay đổi kỳ cục. Sau vài ly bia, nhắm chút mồi dằn bụng, một thằng trong nhóm nghiêm mặt, tằng hắng muốn kể chuyện gia đình mà nó đã chịu đựng khá lâu nhưng vẫn bị “cuốn theo chiều gió”, chưa tìm ra lối thoát.

Trên bàn nhậu, “ông tám” cũng khóc như ai! - 1

Đàn ông thường giải sầu bằng bia rượu. Ảnh minh họa: Daily Mail

“Tụi mày biết đó! Bố mẹ tao đều là công chức, nhà cửa đầy đủ, riêng tao làm việc trong cơ quan nhà nước với mức lương đủ sống. Thời buổi giờ chắc nhiều người mong muốn một cuộc sống giống tao. Vậy mà tao vẫn thấy thiếu thốn tình cảm” – thằng bạn mở đầu. Theo lời nó, lúc trước nhà nó nghèo lắm, đồ ăn, thức uống, quần áo giày dép đều là thứ xa xỉ nhưng gia đình vẫn ấm êm, hạnh phúc theo kiểu “một túp lều tranh, hai quả tim vàng”. Kể cả khi kinh tế phát triển, bố mẹ nó vẫn sống từ tốn, điềm đạm, xem đồng tiền như vật ngoài thân.

Và rồi biến cố xuất hiện, phá vỡ “túp lều tranh” lý tưởng của nó. Bố nó lúc đó chuyển công tác vào Nam, mẹ bị bệnh mất khả năng lao động, hàng ngày phải uống thuốc cầm chừng. Khá nhiều lần bà té xỉu phải đi cấp cứu khiến nó bỏ học giữa chừng để theo chăm sóc. Một mình bố phải nai lưng kiếm tiền nuôi 2 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn và người vợ bệnh nặng.

Gánh nặng mưu sinh cướp mất bữa cơm gia đình ấm áp lúc nào không hay. Bố nó phải làm việc từ sáng đến tối khuya, tâm trí dồn cả vào việc làm sao nuôi được 4 miệng ăn mà vẫn đảm bảo tương lai cho 2 đứa con. Cứ thế, chính ông cũng không nhớ lần cuối cùng cả nhà sum vầy dùng cơm là lúc nào.

Đến lúc kinh tế gia đình ổn định, bệnh tật của mẹ nó hồi phục thì đồng tiền đã đóng vai trò độc tôn trong khi các thành viên gia đình ngày càng đối xử với nhau thờ ơ. Theo như cách nó “khò khè”: “Tao hận và ghét đồng tiền lắm nhưng gia đình tao đến bây giờ vẫn phải lệ thuộc vào nó từng ngày từng giờ, không thoát ra được!”. Cũng đúng, bởi đơn giản là từng chai bia, dĩa mồi cuối cùng vẫn phải trả bằng tiền đấy thôi.

“Bà già lúc nào cũng tiền với tiền, lúc thì tiền điện, tiền nước, lúc thì tiền truyền hình cáp, tiền internet… Bà quên hết chuyện hỏi thăm sức khỏe, công việc và tình cảm của con cái, chỉ còn nhớ thắc mắc về vấn đề “đầu tiên”. Bà luôn bơm vào đầu chồng con chuyện kiếm tiền. Sống như thế nó cứ nhạt thếch thế nào ấy!” – thằng bạn thở dài ngao ngán.

“Thôi mày ạ, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Biết rằng bố mẹ có tính toán, suy nghĩ riêng nhưng chắc chắn không ai muốn hướng con cái theo con đường xấu đâu. Cố gắng tâm sự với mẹ mày về những suy nghĩ mà mày đã dồn nén từ lâu, biết đâu mẹ sẽ hiểu và thông cảm, gia đình cùng nhau giải quyết vấn đề để lại hạnh phúc như trước!” - một thằng trong nhóm an ủi.

Tôi biết, nói miệng vậy thôi chứ chưa chắc thằng bạn đang buồn đủ bản lĩnh làm theo lời khuyên. Mẹ nó là người khá khắt khe, luôn cho mình đúng. Những gì bà thích thì bà sẽ làm bằng được, còn đã không thích thì mãi mãi không muốn nhắc tới.

Nhớ lúc nó 23 tuổi, có lần đưa cô bạn gái nhọc công theo đuổi cả năm trời về ra mắt gia đình. Ai cũng vừa ý, chỉ riêng mẹ nó lắc đầu vì nhỏ đó “quá lanh”! Bà sợ sau này hai đứa lấy nhau thì nhỏ sẽ ngày ngày ăn hiếp con trai bà. Năm 25 tuổi, nó lại dắt bạn gái về và… thất bại thêm lần nữa vì cô ấy theo đạo Thiên chúa, không hợp ý mẹ nó. Thế là 5 năm trời miệt mài đầu tư cho “dự án hạnh phúc” đổ sông đổ biển theo từng cái lắc đầu của mẹ nó.

Tuổi nó đã chạm ngưỡng “băm” nhưng vẫn chưa dám yêu thêm một ai khác vì lại sợ thất bại, lại thêm một lần đau. Bây giờ, bố mẹ từng ngày trông ngóng nó lập gia đình, sinh con đẻ cái để có cháu ẵm bồng. Nhưng có lẽ sự khó tính của mẹ đã làm trái tim nó hóa lạnh, không còn tự tin và bản lĩnh để đi tìm một nửa.

Nó ít nói, khá trầm tính, vui hay buồn ít để lộ ra mặt. Ấy vậy mà hôm nay bộc bạch tâm sự, nước mắt nó rưng rưng tưởng chừng sắp rơi xuống. Mong rằng nó sẽ đạt được ý nguyện, mong mẹ nó đọc được tâm sự này để thấu hiểu phần nào. Để rồi mỗi thứ sáu anh em tụ họp sẽ luôn được thấy khuôn mặt nó rạng rỡ chứ không phải ánh mắt xa xăm theo ánh đèn đường!

Minh Thành (Đà Nẵng)

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan