Bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường hay còn được gọi là đái tháo đường, là một căn bệnh mãn tính, biểu hiện rõ nhất khi mắc bệnh là lượng đường trong máu ở mức cao hơn bình thường.

Tổng quan

Bệnh tiểu đường hay còn được gọi là đái tháo đường, là một căn bệnh mãn tính, biểu hiện rõ nhất khi mắc bệnh là lượng đường trong máu ở mức cao hơn bình thường. Lý do là bởi cơ thể của bệnh nhân bị thiếu hụt hoặc kháng với insulin dẫn đến rối loạn chuyển hóa đường trong máu.

Khi đã mắc bệnh, các chất bột, đường từ thực phẩm ăn hàng ngày không thể chuyển hóa một cách hiệu quả để tạo ra năng lượng, từ đó dẫn đến lượng đường dần tích tụ trong máu. Nếu xảy ra thường xuyên và ở mức cao rất dễ làm tăng nguy cơ bị các bệnh về đường tim mạch, gây tổn thương ở các cơ quan khác như thận, thần kinh, mắt và một vài bệnh lý nghiêm trọng khác.

Nguyên nhân

Đái tháo đường do tụy

Phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tụy.

Sỏi tụy: Đây là biến chứng ít gặp.

Ung thư tụy nguyên phát hoặc thứ phát do ung thư nơi khác di căn đến: Ít gặp, các triệu chứng của bệnh lý ung thư lấn át bệnh đái tháo đường.

Di truyền: Đái tháo đường type 1 do di truyền thường liên quan đến hệ kháng nguyên bạch cầu người (Human Leucocyte Antigen – HLA) trong cơ thể.

Yếu tố môi trường: Các yếu tố môi trường tác động lên cơ thể làm tổn thương tuyến tụy, đặc biệt là tụy nội tiết bao gồm: Virus (quai bị, Rubella, Coxsakie B4), các chất hóa học có chứa Nitơ hay các chất độc từ củ sắn…

Yếu tố miễn dịch: Một số kháng thể tham gia vào miễn dịch dịch thể như kháng thể chống tế bào β tiểu đảo tụy, tự kháng thể kháng tế bào tiểu đảo (ICA), kháng thể kháng insuline (IAA)… được tìm thấy ở bệnh nhân đái tháo đường type 1. Ngoài ra, sự rối loạn tế bào Lympho T cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường type 1.

Nguyên nhân ngoài tụy:

Cường thùy trước tuyến yên: Làm tăng tiết GH, gây ra đái tháo đường tuyến yên.

Cường vỏ thượng thận: Làm tăng tiết Hormone cortisol làm tăng tạo đường mới và giảm tiêu thụ Glucose tế bào, gây ra đái tháo đường do tuyến thượng thận.

Cường giáp trạng: Do Hormone tuyến giáp hầu như tác dụng lên tất cả các giai đoạn của chuyển hóa Glucid nên có thể gây rối loạn chuyển hóa đường. Tuy nhiên, trường hợp này không nặng nề.

Di truyền: Những người có tiền sử gia đình có bệnh nhân mắc đái tháo đường type 2 thì có nhiều nguy cơ mắc bệnh.

Yếu tố môi trường: Tuổi tác, béo phì, lối sống tĩnh tại, chế độ ăn quá nhiều chất béo, đường bột và ít rau quả tươi… là những nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường type 2.

Cơ chế bệnh sinh

Khi đường từ thức ăn sau khi đưa vào cơ thể sẽ được bẻ gãy để tạo thành đường đơn như Glucose. Sau khi lưu hành trong máu, Glucose được đưa vào tế bào để sử dụng tạo thành năng lượng cho cơ thể hoạt động.

Insuline là Hormone do các tế bào β của tuyến tụy nội tiết bài tiết, có tác dụng vận chuyển Glucose vào tế bào. Khi Glucose máu tăng cao, tuyến tụy sẽ bài tiết một lượng insuline vừa đủ để vận chuyển Glucose vào tế bào. Khi Glucose máu xuống thấp tụy sẽ ngừng bài tiết insuline.

Đái tháo đường type 1: Vì những lí do trên, các tế bào β của tụy bị phá hủy, không thể bài tiết insulin phục vụ cho quá trình vận chuyển Glucose vào tế bào, làm lượng đường máu tăng cao. Hai giai đoạn phát triển đái tháo đường type 1 là: Tạo đáp ứng tự miễn hằng định với tế bào β đảo tụy, có sự xuất hiện đơn độc hay phối hợp các tự kháng thể GAD65, IAA, ICA, IA-2 và giai đoạn tiến triển từ đáp ứng tự miễn với tế bào β đảo tụy sang đái tháo đường type 1.

Đái tháo đường type 2: Ở những bệnh nhân mắc đái tháo đường type 2, tuyến tụy bài tiết đủ insuline nhưng các tế bào trong cơ thể kháng lại tác dụng của insuline, hoặc do lượng Glucose đưa vào cơ thể quá nhiều, insuline do tụy tiết ra không đủ để đáp ứng việc vận chuyển chúng vào trong tế bào. Kết quả là đường máu tăng cao, đến một mức nào đó sẽ đào thải qua nước tiểu, gây nên tình trạng đái tháo đường. Sự đề kháng insuline trong đái tháo đường type 2 là hậu quả của nhiều cơ chế bệnh sinh khác nhau như: Tăng Glucose máu, tăng Acid béo không - ester hoá. Những nghiên cứu gần đây thấy rằng sự đề kháng insulin ở mô cơ xảy ra rất sớm trong quá trình phát triển của bệnh. Các Enzyme insuline receptor kinase, phosphatase liên quan tới hoạt động insuline, chất chuyển vận glucose và tổng hợp glycogene. Rối loạn chức năng tế bào β đảo tụy trong đái tháo đường type 2 bao gồm: Rối loạn tiết insuline, giảm đáp ứng của insuline đối với Glucose, rối loạn tiết insuline theo nhịp liên quan đến nồng độ Glucose, bất thường chuyển hóa Prinsuline, giảm lượng tế bào β, lắng đọng Amyloid tại đảo tụy. Vai trò của cơ chất thụ thể insulin2 2 (IRS 2: Insulin Receptor Substrate 2), NF-kB, rối loạn chức năng ti thể, stress oxy hóa.

Triệu chứng

1 - Đi tiểu thường xuyên

Đi tiểu thường xuyên có thể do nhiễm trùng đường tiểu hoặc do uống nhiều nước. Tuy nhiên nếu bạn không tìm ra được nguyên nhân và đi tiểu nhiều hơn bình thường có thể là dấu hiệu của bệnh đái đường. Điều này có nghĩa thận phải làm việc nhiều hơn để thải lượng đường thừa.

2 - Cảm giác khát

Triệu chứng này có liên quan với đi tiểu nhiều. Do đi tiểu thường xuyên, cơ thể trở nên mất nước, làm cho bạn cảm thấy rất khát nước

3 -  Đói cồn cào

Do lượng insulin trong máu không ổn định nên các tế bào cơ thể không có đủ năng lượng để thực hiện các hoạt động hàng ngày. Cơ thể sẽ phản ứng bằng cách tìm kiếm thêm nguồn năng lượng, dẫn đến những cơn đói cồn cào, khó chịu.

4 - Khô miệng

Khô miệng gây cảm giác khó chịu và một trong những dấu hiệu cảnh báo sức khỏe có vấn đề. Đây không chỉ là dấu hiệu mất nước, mà còn là dấu hiệu cảnh báo đái đường type 2. Những thay đổi về da tạo thuận lợi cho vi khuẩn và tăng nguy cơ mắc các bệnh về nướu và răng.

5 - Mệt mỏi

Mệt mỏi quá mức hoặc mãn tính là dấu hiệu không được bỏ qua dù trong tình huống nào. Ở bệnh nhân đái tháo đường, tế bào cơ thể rất khó hấp thụ glucose dẫn đến sự thiếu hụt năng lượng trong cơ thể khiến bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi và khó chịu, mệt mỏi càng tăng khi phải đi tiểu đêm.

6 - Các vấn đề về mắt

Mắt là một trong những bộ phận trong cơ thể bị tác động nhiều nhất bởi bệnh đái đường, lượng đường trong máu cao đã ảnh hưởng đến mắt. Điều này gây nên nhìn mờ, đặc biệt khi không kiểm soát được bệnh gây giảm thị lực hoàn toàn.

7 - Nhiễm trùng

Do vi khuẩn, vi rút, nấm phát triển tốt trong môi trường có lượng đường máu cao và nhiễm trùng là biểu hiện thường gặp. Nhiễm nấm âm đạo Candida, nhiễm nấm ở da, nhiễm trùng đường tiết niệu là những dấu hiệu thường gặp ở bệnh nhân đái đường.

8 - Cảm giác tê hoặc ngứa các đầu chi

Các biểu hiện này do bệnh đái đường ảnh hưởng đến các dây thần kinh. Tê hoặc ngứa ran có thể xảy ra nhiều lần và thường kèm theo cảm giác đau, viêm. Nếu vấn đề không được kiểm soát đúng mức, các tổn thương thần kinh có thể là vĩnh viễn và gây nên những rối loạn nghiêm trọng khác.

9 - Giảm hoặc tăng cân không có lý do

Giảm hoặc tăng cân không rõ lý do vì không có khả năng sử dụng insulin do đái đường gây nên. Ngăn cản glucose đi vào trong tế bào lúc đó cơ thể sẽ sử dụng protein từ các cơ để bù đắp năng lượng. Do cơ thể mất khả năng hấp thụ glucose và đi tiểu thường xuyên, bệnh nhân đái đường (thường là đái đường type 1) dễ bị sụt cân nhanh chóng. Tuy nhiên trong một số trường hợp sẽ gây phản ứng ngược lại, tăng cảm giác thèm ăn (thức ăn ngọt) và gây tăng cân.

10 - Chậm liền sẹo

Một điều đáng chú ý là vết thương chậm liền sẹo. Do lượng đường cao trong máu đã làm tổn thương các tĩnh mạch, động mạch, điều này gây ảnh hưởng đến khả năng vận chuyển máu đến các tế bào giúp làm lành vết thương.

Tóm lại, điều quan trọng và cần thiết nên có chế độ ăn, lối sống lành mạnh đặc biệt là đái đường type 2. Thêm vào đó tránh thừa cân, béo phì, hút thuốc lá, tránh nhàn rỗi, tránh các chất béo bão hòa, chất ngọt và thực phẩm chế biến sẵn…để có cuộc sống vui khỏe mỗi ngày.

Đối tượng nguy cơ

10 yếu tố nguy cơ gây bệnh tiểu đường týp 2:

1.Tiền sử gia đình

Nếu gia đình bạn có người bị tiểu đường, bạn có nguy cơ bị bệnh này. Đây là bệnh có khả năng di truyền.

2. Cân nặng

Hãy xem xét trọng lượng của bạn. “Vòng 2” càng lớn, bạn càng có nguy cơ bị tiểu đường týp 2.

3. Lối sống thụ động

Lối sống thụ động, lười vận động có thể làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường. Vận động cơ là cần thiết để phòng bệnh tiểu đường týp 2.

4. Chủng tộc

Một số nhóm người nhất định dễ bị tiểu đường týp 2: người Châu Á, người Mỹ bản địa, người Tây Ban Nha, Hawaii và người da đen có nguy cơ cao hơn phát triển bệnh tiểu đường.

5. Tuổi

Những người trên 45 tuổi dễ bị tiểu đường đặc biệt là tiểu đường týp 2.

6. Phụ nữ mang thai

Một số phụ nữ mang thai bị tiểu đường thai kỳ. 95% tiểu đường thai kỳ sẽ biến mất sau khi sinh con. Nghiên cứu chứng minh rằng những phụ nữ sinh con có trọng lượng lớn hơn trọng lượng của đứa trẻ bình thường có nguy cơ cao hơn bị tiểu đường sau này.

7. Suy giáp

Những người bị suy giáp và không dung nạp gluten dễ bị tiểu đường týp 2 hơn.

8. PCOS

Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường týp 2.

9. Đột quỵ

Nếu bị đột quỵ, bạn có nguy cơ cao hơn bị tiểu đường týp 2.

10. Giấc ngủ

Những thói quen ngủ không thích hợp làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường týp 2 của bạn.

Phòng ngừa

Theo dõi cân nặng

Tập thể dục thường xuyên giúp bạn kiểm soát cân nặng, đốt cháy calo và nâng cao sức khỏe. Nên uống 1 cốc nước trước khi ăn 30 phút và giảm khẩu phần ăn để tránh tăng cân không mong muốn.

Uống đủ nước

Đôi khi cơ thể không phân biệt được cảm giác đói và khát nước. Do đó, bổ sung nước cho cơ thể quan trọng hơn là ăn một số thức ăn dạng lỏng. Khi cơ thể được cung cấp đủ nước, bạn sẽ không còn thèm ăn thực phẩm chứa nhiều đường.

Ăn nhiều rau xanh

Khi bắt đầu bữa ăn nên ưu tiên các loại rau xanh trước, sau đó mới ăn các loại thực phẩm khác. Cách đó giúp bạn no nhanh hơn.

Không xem tivi khi ăn

Không nên xem tivi khi bạn đang ăn vì thói quen đó khiến bạn ăn nhiều hơn. Hạn chế các loại bánh kẹo tráng miệng giúp bạn duy trì lượng đường huyết và giảm lượng calo tiêu thụ.

Bổ sung quế vào thực đơn

Hãy thêm quế vào bữa ăn hàng ngày. Quế có công dụng duy trì lượng đường huyết ở mức ổn định.

Kiểm soát stress

Căng thẳng là một trong những nguyên nhân góp phần gây ra bệnh tiểu đường, vì vậy hãy học cách kiểm soát stress. Ngồi thiền và các bài tập thở sẽ giúp bạn thư giãn hơn.

Ngủ đủ

Đảm bảo bạn ngủ đủ giấc mỗi ngày. Nghiên cứu cho thấy những người thiếu ngủ có khả năng mắc bệnh tiểu đường cao hơn

Biện pháp chẩn đoán

Để khẳng định chắc chắn một người bị mắc tiểu đường, dựa vào  1 trong 4 tiêu chuẩn sau:

- Glucose máu đói (FPG) ≥ 126mg/dl (7,0 mmol/L). (Đói được định nghĩa là không dung nạp calo trong ít nhất 8h).

- Glucose máu 2h sau nghiệm pháp dung nạp 75g glucose uống (2h-PG) ≥200mg/dL (11,1mmol/L). Nghiệm pháp nên được thực hiện theo mô tả của WHO.

- HbA1C ≥ 6,5%. Xét nghiệm này được thực hiện bởi phương pháp sắc lỏng kí cao áp).

- Glucose máu bất kì ≥ 200mg/dl (11,1 mmol/l) ở bệnh nhân có triệu chứng kinh điển của tăng glucose máu (ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy nhiều) hoặc có cơn tăng glucose máu cấp.

Bệnh đái tháo đường thường đi kèm các rối loạn chuyển hóa khác, nên khi đã được chẩn đoán đái tháo đường nên làm các xét nghiệm phát hiện các rối loạn kèm theo và phát hiện các biến chứng của bệnh đái tháo đường như: Mỡ máu, acid uric máu, xét nghiệm nước tiểu, protein niệu, chức năng thận, điện tâm đồ, siêu âm mạch máu, soi đáy mắt, kiểm tra thị lực, nhãn áp…

Điều trị

Dinh dưỡng cùng với chế độ ăn uống và luyện tập được ví như kiềng ba chân trong điều trị đái tháo đường.

Chế độ ăn 

Chế độ ăn là vấn đề quan trọng nhất trong điều trị đái tháo đường với mục đích nhằm đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng, cân bằng đủ cả về số lượng và chất lượng để có thể điều chỉnh tốt đường huyết, duy trì cân nặng theo mong muốn, đảm bảo cho người bệnh có đủ sức khoẻ để hoạt động và công tác phù hợp với từng cá nhân.

Nguyên tắc cơ bản về chế độ ăn của bệnh nhân đái tháo đường là hạn chế glucid (chất bột đường) để tránh tăng đường huyết sau khi ăn và hạn chế vừa phải chất béo nhất là các axit béo bão hoà để tránh rối loạn chuyển hoá.

Chế độ ăn của người bệnh phải xây dựng sao cho cung cấp cho cơ thể người bệnh một lượng đường tương đối ổn định và quan trọng nhất là phải điều độ và hợp lý về giờ giấc và số lượng thức ăn trong các bữa chính và phụ.

Nhu cầu năng lượng: Bệnh nhân đái tháo đường cũng có nhu cầu năng lượng giống như người bình thường. Nhu cầu tăng hay giảm và thay đổi khác nhau tuỳ thuộc tình trạng sức khỏe của mỗi người. Tùy theo tuổi, giới, loại công việc (nặng hay nhẹ), thể trạng (gầy hay béo), nhưng mức nhu cầu năng lượng chung cho bệnh nhân điều trị tại bệnh viện là 25Kcal/kg/ngày. Tỷ lệ giữa các thành phần sinh năng lượng như sau:

Protein (chất đạm): Lượng protein nên đạt 0,8g/kg/ngày với người lớn. Nếu khẩu phần có quá nhiều đạm sẽ không tốt nhất là đối với bệnh nhân có bệnh lý thận sớm. Trong chế độ dinh dưỡng của người bệnh đái tháo đường tỷ lệ năng lượng do protein nên đạt 15-20% năng lượng khẩu phần.

Lipid (chất béo): Nên ăn chất béo vừa phải và giảm chất béo động vật vì có nhiều axit béo bão hoà. Các chất béo đặc biệt là các chất axit béo bão hoà dễ gây xơ vữa động mạch nhưng mặt khác chất béo lại cung cấp năng lượng (bù lại phần năng lượng do glucid cung cấp) vì vậy nên ăn các axit béo chưa bão hoà có nhiều trong các loại dầu thực vật như dầu mè (vừng), dầu đậu nành, dầu hướng dương... Tỷ lệ năng lượng do chất béo nên là 25% tổng số năng lượng khẩu phần và không nên vượt quá 30%. Việc kiểm soát chất béo trong khẩu phần còn giúp cho ngăn ngừa xơ vữa động mạch.

Glucid (chất bột đường): Trong bệnh đái tháo đường, đường huyết có chiều hướng tăng vọt sau khi ăn nhưng lại không chuyển hoá được để cung cấp năng lượng cho cơ thể vì thế chế độ ăn phải hạn chế glucid. Nên sử dụng các loại glucid phức hợp dưới dạng các hạt và khoai củ. Hết sức hạn chế các loại đường đơn và các loại thức ăn có hàm lượng đường cao (bánh, kẹo, nước ngọt...). Tỷ lệ năng lượng do glucid cung cấp nên đạt 50-60% tổng số năng lượng khẩu phần.

Một số loại thuốc trị đái tháo đường thường dùng

Thuốc kích thích tế bào beta tụy tiết insulin (làm tăng tiết insulin của tụy): Glyburid, glipizid, glibenclami... Tuy nhiên, cần lưu ý, tất cả các thuốc làm tăng tiết insulin (SU) là những thuốc có khả năng gây hạ đường huyết (đây là một trong những biến chứng trong điều trị) và tăng cân. Vì vậy, những bệnh nhân lớn tuổi phải hết sức lưu ý, vì đối tượng này có nguy cơ hạ glucose huyết cao hơn do người bệnh dễ bỏ ăn, ăn kém và có chức năng thận suy giảm.

Thuốc làm giảm sản xuất glucose ở gan: Metformin là thuốc thường được lựa chọn khởi đầu điều trị ở bệnh nhân đái tháo đường type 2. Tuy nhiên, hai bất lợi nổi bật của metformin là tác dụng phụ ở đường tiêu hóa và gây nhiễm acid lactic.

Thuốc làm tăng nhạy cảm với insulin ở tế bào cơ, mỡ và gan: Thường dùng pioglitazone. Nhược điểm là thuốc có thể gây phù, tăng cân (nhất là khi dùng cùng với insulin), tăng nguy cơ gãy xương (ở phụ nữ), thiếu máu.

Thuốc ức chế men α-glucosidase: Thuốc phổ biến là acarbose. Tác dụng của thuốc là làm giảm đường huyết sau ăn. Khi dùng đơn độc cũng không gây hạ đường huyết. Do làm tăng lượng carbohydrat không được hấp thu ở ruột non đến đại tràng nên thuốc gây đầy bụng, khó tiêu, đi ngoài phân lỏng. Cần uống thuốc ngay trước ăn hoặc ngay sau miếng ăn đầu tiên và bữa ăn phải có carbohydrat.

Thuốc có tác dụng lên Incretin: Incretin là hormon ở ruột, rất quan trọng làm tăng tiết insulin, giảm tiết glucagon và nó chỉ tăng tiết sau khi ăn. Như vậy, incretin đóng vai trò như một hormon điều hòa sự bài tiết insulin để đáp ứng với từng bữa ăn. Trong nhóm này có 2 loại thuốc: Thuốc đồng vận thụ thể GLP-1 như liraglutide và thuốc ức chế men dipeptidyl peptidase-4 (DPP-4) như liraglutide, lixisenatide, albiglutide, exenatide. Hai nhóm thuốc này ra đời trong vài năm trở lại đây, được ADA (Hiệp hội đái tháo đường Mỹ) đưa vào trong khuyến cáo điều trị đái tháo đường.

Tập luyện

Thông thường người bệnh đái tháo đường cần tập luyện, phối hợp các kiểu tập khác nhau, tập nặng tăng dần, tập đều đặn và thường xuyên. Điều lưu ý, lựa chọn thời điểm tập trong ngày: Tùy thời gian làm việc trong ngày nhưng không tập ngay sau bữa ăn chính, không tập quá xa bữa vì nguy cơ hạ đường huyết, tránh đỉnh tác dụng của insulin nếu đang dùng insulin tiêm, nếu tập ngoài trời nên tránh thời điểm quá nóng hoặc quá lạnh. Trước khi tập chính nên có giai đoạn khởi động 20-30 phút (làm nóng), tập các động tác nhẹ hay tập giãn cơ tại chỗ. Sau buổi tập cần có giai đoạn thư giãn (làm nguội) 5-10 phút, chủ yếu là tập các động tác nhẹ hay tập giãn cơ tại chỗ. Không nên tập nếu đường huyết >250 mg/dl và xê-tôn niệu dương tính; đường huyết < 70 mg/dl; đang loét chân hay bàn chân nóng, đỏ, đau, nổi bóng nước; nhồi máu cơ tim cấp dưới 6 tuần, suy tim cấp, suy tim không ổn định;  huyết áp tâm thu >170 mmHg hay tụt huyết áp;  đang bị sốt, nhiễm trùng cấp...

Thông Tin Cần Biết

Bệnh nội tiết khác

Tin hay đừng bỏ lỡ

TIN MỚI TRONG NGÀY